BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 02-LB/TC-NH | Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 1966 |
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ VIỆC CẤM CHỈ CÁC QUAN HỆ VAY MƯỢN, TẠM ỨNG, BÁN CHỊU VÀ TRẢ NỢ GIỮA CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ MÀ KHÔNG QUA NGÂN HÀNG
Kính gửi: | Các ông Bộ trưởng các Bộ, và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, |
Nghị định số 144-TTg ngày 09-04-1957 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Cấm chỉ các quan hệ vay mượn, tạm ứng, bán chịu và trả nợ (tín dụng thương mại) giữa các tổ chức kinh tế mà không qua Ngân hàng” Gần đây Chỉ thị số 51-TTg ngày 17-03-1966 của Thủ tướng Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt trong tình hình mới lại nhắc lại phải giữ vững các nguyên tắc thanh toán đã đề ra trong các điều 2, 3, 4, 5 của bản thể lệ thanh toán (4-CP) ban hành năm 1960. Dù bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm vai trò trung tâm thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, phải đề cao kỷ luật thánh toán với bên mua, bên bán và đối với bản thân Ngân hàng, đề cao kỷ luật hợp đồng kinh tế và phải thực hiện đúng trật tự ưu tiên thanh toán….
Nghị định số 15-CP ngày 31-05-1960 của Hội đồng Chính phủ quy định những nguyên tắc về quản lý tiền mặt có nói: “…Mọi sự giao dịch giữa các tổ chức có tài khoản tại Ngân hàng phải thanh toán bằng chuyển khoản, trừ những món chi trả nhỏ do Ngân hàng quy định…”.
Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 86-CP ngày 09 tháng 05 năm 1966 về việc đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm nhằm bảo đảm nhiệm vụ thu chi tài chính và tiền mặt trong tình hình hiện nay có nêu: “Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, tổ chức tốt công tác vận tải, mở rộng lưu thông hàng hóa, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, gấp rút cải tiến công tác quản lý phân phối và sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn, đề cao chế độ kỷ luật tiết kiệm, cần ra sức bảo đảm thu cho ngân sách, tăng cường động viên vốn của tài chính Ngân hàng, tập trung bảo đảm các nhu cầu vốn ngân sách và vốn tín dụng cần thiết để đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, phục vụ tốt kế hoạch chuyển hướng xây dựng kinh tế, đồng thời phấn đấu tiến tới thực hiện cân đối thu chi tài chính, tín dụng và tiền mặt một cách tích cực, góp phần ổn định tiền tệ, giá cả và bảo đảm đời sống nhân dân”.
Như vậy là trong quan hệ giao dịch giữa các đơn vị kinh tế với nhau, Nhà nước nghiêm cấm việc tạm ứng tiền mua chịu, bán chịu, trừ những trường hợp cụ thể được Nhà nước quy định riêng như đặt trước tiền mua báo, đơn vị thương nghiệp quốc doanh ứng trước thu mua nông thổ sản đối với các hợp tác xã..v.v… Việc thanh toán bằng tiền mặt phải hết sức chặt chẽ theo đúng những quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nhưng hiện nay có nhiều xí nghiệp, công trường, đơn vị kinh tế, quốc phòng, hành chính sự nghiệp chưa chấp hành nghiêm chỉnh những quy định nói trên của Nhà nước. Nhiều đơn vị đã chuyển khoản hay dùng tiền mặt để ứng trước tiền đặt hàng một cách phổ biến cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh quốc doanh và hợp tác xã tiểu công nghệ và thủ công nghiệp. Có những đơn vị đã nhận tiền ứng trước của hàng trăm đơn vị, có nơi số tiền ứng trước nhận được còn nhiều hơn vốn lưu động được định mức. Nhiều đơn vị đã ứng cho nhân viên thu mua những số tiền mặt rất lớn để chi trả tiền mua hàng trong những trường hợp đáng lẽ phải thanh toán qua Ngân hàng. Nhiều đơn vị đã lấy vốn để cho công nhân, viên chức vay cho nhu cầu cá nhân.
Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các xí nghiệp và các đơn vị kinh tế chưa chấp hành đúng đắn kỷ luật tài chính. Trong tình hình mới có nhiều yêu cầu đột xuất về sản xuất và chiến đấu không có trong kế hoạch và cũng không ký kết trước được hợp đồng kinh tế, vì vậy có những xí nghiệp cần được bổ sung vốn và vật tư. Do đó, có trường hợp các đơn vị cung cấp vật tư hàng hóa buộc bên mua phải chuyển khoản hay đưa tiền ứng trước (đặt hàng) thì mới bảo đảm tiến hành sản xuất hay cung cấp vật tư. Về bên mua cũng có những xí nghiệp, cơ quan chỉ cốt làm được việc của mình, không chấp hành đúng đắn kỷ luật tài chính nên đã yêu cầu bên bán phải nhận tiền trước để được cung cấp vật tư, hàng hóa sớm hơn, chắc chắn hơn. Trong việc sử dụng tiền mặt, nhiều nơi đã kê khai không đúng với Ngân hàng Nhà nước để rút được nhiều tiền mặt, giữ tồn quỹ tiền mặt quá mức quy định để xảy ra tình trạng chi tiêu sai chế độ.
Về phần các cơ quan quản lý, cơ quan tài chính đã cấp phát và quản lý các loại vốn chưa chặt chẽ, có nhiều trường hợp thừa vốn, hoặc có trường hợp chưa cấp phát đủ vốn, hoặc cấp phát không kịp thời, tạo điều kiện cho xí nghiệp, cơ quan sử dụng vốn sai nguyên tắc; Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng kiến thiết qua việc thanh toán, chuyển tiền chưa phát huy đầy đủ chức năng giám đốc bằng đồng tiền, chưa kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm nói trên.
Việc ứng tiền trước, mua chịu bán chịu nói trên là trái với các chỉ thị, quy định của Thủ tướng Chính phủ, trái với nguyên tắc trung tâm tín dụng, trung tâm tiền mặt, trung tâm thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, từ đó tạo điều kiện cho việc sử dụng vốn sai chế độ, trái với nguyên tắc quản lý tài chính xã hội chủ nghĩa, hạn chế chức năng giám đốc của hệ thống tài chính tín dụng. Thực tế đã có nhiều trường hợp giá cả mua bán không theo giá cả chỉ đạo, vật tư hàng hóa không phân phối hợp lý, không xuất phát từ nhu cầu sản xuất chiến đấu trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, có nhiều trường hợp chi trả tiền mặt không chặt chẽ dẫn đến tham ô lãng phí, không thu hồi được nợ làm mất vốn của Nhà nước.
Việc ứng tiền trước, mua chịu, bán chịu còn gây trở ngại cho việc hạch toán kinh tế, những xí nghiệp nhận được tiền ứng trước thì thừa vốn lưu động, không phải vay vốn ngân hàng, do đó thoát ly sự giám đốc của ngân hàng, những xí nghiệp phải ứng tiền trước nhiều thì thiếu vốn, nợ nần không thanh toán được kịp thời, dẫn đến chiếm dụng vốn lẫn nhau và còn chiếm dụng cả tiền thuế, lãi nộp cho Ngân sách Nhà nước. Những cơ quan hành chính sự nghiệp đi ứng tiền trước làm cho cơ quan tài chính không giám sát được việc chi tiêu sai chế độ, nhất là cuối năm thường vi phạm kỷ luật quyết toán, (không nộp trả ngân sách Nhà nước kinh phí được cấp chưa chi hết mà đem tiền đi ứng trước, rồi lại quyết toán là thực chi).
Để khắc phục tình trạng trên, liên bộ nhắc lại các xí nghiệp, công trường, các đơn vị kinh tế, các đơn vị quốc phòng, các đơn vị hành chính sự nghiệp cần chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc “cấm chỉ các quan hệ vay mượn, tạm ứng, mua chịu, trả nợ (tín dụng thương mại) giữa các tổ chức kinh tế mà không qua ngân hàng” cụ thể là các xí nghiệp công trường, tổ chức kinh tế, các cơ quan quốc phòng, hành chính sự nghiệp, các cơ quan tài chính, Ngân hàng kiến thiết và Ngân hàng Nhà nước cần làm tốt những việc sau đây:
Giữa các xí nghiệp, cơ quan với nhau phải tăng cường chế độ hợp đồng kinh tế, nhất là phải ký kết kịp thời hợp đồng cụ thể và phải nghiêm chỉnh thi hành hợp đồng. Các xí nghiệp sản xuất, kinh doanh khi làm nhiệm vụ cung cấp vật tư, hàng hóa phải xuất phát từ nhu cầu cấp bách nhất của sản xuất và chiến đấu với tinh thần trách nhiệm đầy đủ nhất. Trong trường hợp có nhu cầu đột xuất ngoài kế hoạch, nếu bên bán thiếu vật tư thì bên mua cần phải đề nghị Ủy ban kế hoạch Nhà nước phân phối thêm cho xí nghiệp, nếu bên bán thiếu vốn thì sẽ yêu cầu vay vốn của Ngân hàng Nhà nước để dự trữ thêm vật tư theo chế độ tín dụng hiện hành. Trong bất kỳ tình huống nào, đôi bên mua bán đều phải trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa cùng nhau giải quyết, không được ứng tiền trước cho nhau.
Các xí nghiệp, công trường, tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính sự nghiệp, quốc phòng phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ chi tiêu bằng tiền mặt. Chỉ được trả bằng tiền mặt những số tiền dưới 30 đồng, chủ yếu là cho tư nhân cá thể, không được thanh toán bằng tiền mặt cho các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã thủ công nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp (có tài khoản tiền gửi thanh toán hay tài khoản vãng lai ở Ngân hàng Nhà nước) những số tiền nhiều hơn số quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đối với công nhân, viên chức đi thu mua, đi công tác chỉ được ứng tiền trước để chi tiêu những khoản lặt vặt như trả công bốc vác, trả tiền mua hàng cung cấp lao vụ cho những tư nhân cá thể, chi phí tàu xe, công tác phí, và khi trở về phải kịp thời thanh toán ngay trong phạm vi thời gian đã quy định, các khoản chi quá số tiền quy định của Ngân hàng Nhà nước phải thanh toán không bằng tiền mặt qua Ngân hàng, trường hợp phải chi tiêu ở nơi khác xí nghiệp phải xin Ngân hàng cho mở tài khoản đặc biệt, theo quy định số 19-KT/KH ngày 15 tháng 06 năm 1966 của Ngân hàng Nhà nước về việc cải tiến công tác thanh toán không dùng tiền mặt trong tình hình mới. Nếu xí nghiệp nào được bên mua thường xuyên giao vật tư để gia công, do đó mà bên bán thường thừa vốn lưu động thì cấp trên cần điều chỉnh lại định mức vốn lưu động hoặc điều hòa vốn kịp thời, tránh tình trạng để xí nghiệp thường xuyên thừa vốn, không có quan hệ vay mượn với ngân hàng.
Các cơ quan tài chính cần tăng cường xét duyệt vốn chặt chẽ và cấp phát vốn đầy đủ kịp thời cho xí nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị quốc phòng, hành chính sự nghiệp, (kể cả các khoản chi tiêu đột xuất), cơ quan hành chính địa phương cần xem xét việc ký kết hợp đồng cung cấp giữa các ty chủ quản ở địa phương với các tổ chức kinh tế ở trung ương và ghi dự toán chi vào ngân sách địa phương, cấp phát kịp thời cho các ngành. Mặt khác các cơ quan tài chính cần tăng cường kiểm tra giám đốc thường xuyên để phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc ứng tiền trước, mua chịu bán chịu và các hiện tượng khác vi phạm chế độ tài chính.
Các cơ quan ngân hàng kiến thiết cần quản lý chặt chẽ các đơn vị kiến thiết và các đơn vị thi công (xí nghiệp xây lắp và đơn vị kiến thiết cơ bản tự làm) không được để cho các đơn vị nói trên ứng trước tiền cho các xí nghiệp sản xuất kinh doanh để mua máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng v.v…
Các cơ quan Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng chế độ thanh toán không dùng tiền mặt và chế độ cho vay thanh toán trong tình hình mới đã ban hành. Thông qua công tác cho vay thanh toán, quản lý tiền mặt, cơ quan ngân hàng cần theo dõi, kiểm soát việc chuyển tiền mua hàng, từ đó kịp thời ngăn chặn việc chuyển tiền hoặc mang tiền đi ứng cho các xí nghiệp sản xuất kinh doanh. Cơ quan ngân hàng nào phát hiện có những khoản tiền ứng trước thì có kế hoạch giúp đỡ bên bán chuyển trả lại số tiền đó cho bên mua, nếu vì lý do nào đó không chuyển trả lại được sẽ mở một tài khoản “tạm giữ vốn ứng trước” ghi riêng, không nhập số tiền đó vào tài khoản tiền gửi thanh toán của xí nghiệp, khi bên bán giao hàng cho bên mua thì cơ quan ngân hàng Nhà nước sẽ làm nhiệm vụ thanh toán cho đơn vị bán hàng.
Trước mắt các cơ quan ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan tài chính giúp đỡ các xí nghiệp, công trường, tổ chức kinh tế, các đơn vị quốc phòng, các cơ quan hành chính sự nghiệp có quan hệ ứng tiền trước cho nhau phải có kế hoạch thanh toán trong một thời hạn nhất định. Trong khi thanh toán nếu có những khoản tiền ứng trước mà bên mua không còn nữa hoặc bên bán không có đủ căn cứ để đòi nợ, thì các cơ quan Ngân hàng Nhà nước, tài chính sẽ phối hợp với xí nghiệp tìm cách giải quyết cho thỏa đáng theo đúng với quy định của Nhà nước.
Yêu cầu các Bộ, Tổng cục, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu chỉ thị cho các xí nghiệp, công trường, tổ chức kinh tế, các đơn vị quốc phòng, các cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc chấp hành đầy đủ những điều quy định trong thông tư này. Các cơ quan ngân hàng Nhà nước, tài chính, ngân hàng kiến thiết chịu trách nhiệm đôn đốc các xí nghiệp, cơ quan chấp hành tốt thông tư này, nếu gặp khó khăn trở ngại cần kịp thời báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính biết và kèm theo kiến nghị để nghiên cứu giải quyết.
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.