BỘ NGOẠI THƯƠNG-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 02-K2 | Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 1964 |
VỀ VIỆC THANH TOÁN TIỀN HÀNG THU MUA XUẤT KHẨU GIỮA CÁC TỔNG CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU, CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU VỚI CÁC CÔNG TY KINH DOANH HÀNG XUẤT ĐỊA PHƯƠNG
Căn cứ thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện hành của của Nhà nước, căn cứ đặc điểm hiện nay về thu mua hàng xuất khẩu của ngành ngoại thương là hàng xuất khẩu do các Tổng công ty xuất nhập khẩu và các Công ty xuất khẩu thu mua cần có chất lượng cao, nhưng các đơn vị cung cấp – các Công ty kinh doanh hàng xuất địa phương - thường không thực hiện đầy đủ yêu cầu về phẩm chất hàng hóa và do đó bên mua phải tiến hành kiểm nhận hàng hóa trước khi thanh toán.
Liên Bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngoại thương quy định việc thanh toán tiền hàng thu mua xuất khẩu như sau:
I. VỀ CÁC HÌNH THỨC THANH TOÁN
Trong quan hệ mua bán hàng xuất khẩu, các Tổng công ty xuất nhập khẩu, các Công ty xuất nhập khẩu và các Công ty kinh doanh hàng xuất địa phương được tiến hành việc thanh toán tiền hàng trên cơ sở thỏa thuận nhất trí theo các hình thức: chấp nhận (hiện nay quen gọi là hình thức nhờ thu nhận trả), ủy nhiệm chi (chuyển tiền) và thư tín dụng.
A. THANH TOÁN THEO HÌNH THỨC CHẤP NHẬN:
Hình thức thanh toán chấp nhận được dùng trong hai trường hợp:
1. Các Tổng công ty xuất nhập khẩu, các Công ty xuất nhập khẩu (bên mua) có người đại diện trực tiếp tới nhận hàng tại kho bên bán (các Công ty kinh doanh hàng xuất địa phương);
2. Các Công ty kinh doanh hàng xuất địa phương giao hàng cho các chi nhánh, trạm giao nhận của bên mua trong điều kiện các chi nhánh, các trạm giao nhận này ở gần bên bán và có nhiều thuận lợi bảo đảm cho quá trình thanh toán tiền hàng được nhanh chóng hơn là dùng các hình thức thanh toán khác nói trong thông tư này.
Sau khi đã giao hàng cho bên mua (người đại diện hoặc chi nhánh, trạm giao nhận), trong phạm vi thời hạn lập giấy nhờ thu đã quy định, các Công ty kinh doanh hàng xuất địa phương căn cứ giấy giao nhận hàng có chữ ký của người đại diện bên mua, lập hóa đơn và giấy nhờ thu nhận trả gửi đến Ngân hàng phục vụ mình kèm theo các loại giấy tờ cần thiết khác đã được Bộ Ngoại thương quy định.
Các giấy nhờ thu nhận trả này được thực hiện theo lối “không chấp nhận” (bên bán phải đóng dấu hoặc ghi bằng mực đỏ dòng chữ “không chấp nhận” trên tất cả các liên giấy nhờ thu).
Khi nhận được giấy nhờ thu kèm theo hóa đơn, giấy giao nhận hàng có chữ ký của người đại diện có trách nhiệm của bên mua và các giấy tờ cần thiết khác theo Bộ Ngoại thương đã quy định. Ngân hàng Nhà nước phục vụ bên mua được quyền trích ngay tài khoản thanh toán của bên mua hoặc cho bên mua vay (nếu tài khoản thanh toán không đủ tiền và những mặt hàng trên giấy nhờ thu thuộc đối tượng được vay và Ngân hàng xét có thể cho vay được) để chuyển trả bên bán.
Ngoài ra mọi chi tiết về thanh toán theo hình thức chấp nhận (thủ tục nhờ thu nhận trả, kỷ luật trả, các công việc kiểm soát của Ngân hàng về chi trả v.v…) đều phải thi hành đúng theo các quy định trong thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện hành.
B. THANH TOÁN THEO GIẤY ỦY NHIỆM CHI (CHUYỂN TIỀN):
Hình thức thanh toán theo giấy ủy nhiệm chi (chuyển tiền) chỉ dùng trong trường hợp bên bán chuyển giao hàng cho bên mua tại các kho của bên mua (các kho Hà Nội, Hải Phòng, hay các chi nhánh giao nhận của các Tổng Công ty xuất nhập khẩu) theo các hợp đồng kinh tế hay các đơn đặt hàng đã ký.
Bên mua phải chịu trách nhiệm hoàn thành việc kiểm nhận hàng hóa và sau khi giao nhận hàng hóa xong, trong phạm vi thời hạn giao nhận hàng đã được Bộ Ngoại thương quy định (trong chỉ thị số 3234 ngày 15-10-1962) bên mua phải lập xong giấy giao nhận hàng trong đó ghi rõ số lượng, loại hàng, ngày tháng giao nhận hàng có đủ họ tên chữ ký của người nhận hàng và của người đại diện bên bán. Trong các trường hợp có thể, như đã có giá chỉ đạo của Nhà nước, hoặc giá tạm tính được đôi bên đã quy định thống nhất trong hợp đồng kinh tế, trên giấy giao nhận hàng do bên mua lập, cần phải ghi giá đơn vị và tổng số tiền của số hàng hóa đã nhận.
Bên mua phải giao hai liên giấy giao nhận hàng này cho người đại diện bên bán. Người đại diện bên bán có thể đem nộp một liên giấy giao nhận hàng này vào Ngân hàng phục vụ bên mua để nhờ Ngân hàng phục vụ bên mua để nhờ Ngân hàng bên mua theo dõi việc chi trả và làm căn cứ tính và thu hộ tiền phạt nếu bên mua trả chậm.
Kể từ ngày tiếp sau ngày ghi trên giấy giao nhận hàng, trong phạm vi tối đa là bốn ngày làm việc, bên mua phải bảo đảm hoàn thành việc chi trả tiền hàng của giấy giao nhận hàng đó bằng cách trích tài khoản tiền gửi thanh toán hoặc xin vay Ngân hàng để lập giấy ủy nhiệm chỉ gửi vào Ngân hàng phục vụ mình.
Ngân hàng bên mua có trách nhiệm giúp đỡ bên bán thu hồi tiền hàng bằng cách căn cứ vào ngày tháng trên giấy giao nhận hàng để theo dõi kiểm soát việc chấp hành thời hạn chi trả của bên mua và tinh phạt khi chậm trả.
Bên mua nếu gửi giấy ủy nhiệm chi vào Ngân hàng phục vụ mình chậm quá thời hạn trả đã quy định, phải chịu bồi thường cho bên bán một khoản tiền phạt vi phạm kỷ luật chi trả theo đúng kỷ luật thanh toán hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Tiền phạt chi được trích từ tài khoản tiền gửi thanh toán của bên mua để chuyển cho bên bán hưởng. Nếu tài khoản tiền gửi thanh toán của bên mua không đủ tiền để trả tiền phạt, Ngân hàng bên mua sẽ trích dần theo trật tự chi trả thứ 6. Không tính phạt đối với những khoản tiền phạt trả chậm.
Trường hợp bên bán không có đại diện đi giao hàng tại các kho của bên mua, bên mua phải khẩn trương chấp hành đúng thời hạn kiểm nhận đã quy định và chịu trách nhiệm bảo đảm thanh toán tiền hàng như quy định trên. Ngân hàng bên mua căn cứ ngày giao hàng của các tổ chức vận tải cho bên mua cộng với thời hạn kiểm nhận hàng đã quy định để tính toán và quy định số ngày trả chậm.
Trường hợp bên bán chuyển giao hàng tại kho của một chi nhánh, trạm giao nhận chưa hạch toán kinh tế độc lập và không được cấp chủ quản ủy nhiệm vay Ngân hàng để trả bên bán, thì sau khi đã nhận hàng xong, chi nhánh, trạm giao nhận này phải gửi ngay biên bản giao nhận hàng hóa (trong đó ghi rõ ngày tháng giao nhận hàng) về bên mua chịu trách nhiệm thanh toán. Khi nộp giấy ủy nhiệm chi vào Ngân hàng phục vụ mình, bên mua phải đính gửi kèm cả bản giấy giao nhận hàng của chi nhánh, trạm giao nhận gửi về bên mua. Ngân hàng bên mua sẽ kiểm soát việc chấp hành kỷ luật chi trả của bên mua bằng cách căn cứ thời hạn luân chuyển giấy tờ qua bưu điện giữa chi nhánh, trạm giao nhận và bên mua đã được Ngân hàng quy định cộng với bốn ngày chuẩn bị trả như trên đã quy định kể từ ngày tiếp sau ngày ghi trên giấy giao nhận hàng để xác định bên mua trả có đúng hạn hay không.
Trong việc dùng hình thức ủy nhiệm chi (chuyển tiền) để trả cho bên bán, các Tổng công ty xuất nhập khẩu, các Công ty xuất nhập khẩu phải bảo đảm trả đủ tiền hàng theo giá trị hàng hóa đã nhận. Nếu bên bán hoặc Ngân hàng phát hiện việc bên mua trả tiền không đủ, cố ý lạm dụng vốn của bên bán hoặc kéo dài, trì hoãn việc trả tiền, Ngân hàng bên mua được quyền phạt bên mua một khoản tiền bồi thường cho bên bán tính theo tỷ lệ phạt chậm trả hiện hành hoặc xét cần thiết có thể lập biên bản và các hồ sơ có liên quan chuyển sang các cơ quan tư pháp để yêu cầu truy tố theo pháp luật.
C. THANH TOÁN THEO THƯ TÍN DỤNG:
Hình thức thanh toán theo thư tín dụng có thể được dùng trong những trường hợp sau đây:
1. Có sự thỏa thuận nhất trí giữa đôi bên (ghi rõ trong hợp đồng kinh tế) về việc sử dụng hình thức thanh toán này;
2. Theo yêu cầu của bên bán vì bên mua thường xuyên vi phạm kỷ luật trả;
3. Theo quyết định của Ngân hàng cơ sở vì bên mua thường xuyên vi phạm kỷ luật thanh toán một cách có hệ thống. Sau khi đã quyết đinh hai bên mua bán phải dùng hình thức thư tín dụng, Ngân hàng cơ sở cần kịp thời báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trung ương (Vụ Kinh tế và kế hoạch và Vụ Kế toán tài vụ) và Bộ ngoại thương (Vụ Kế toán tài vụ) biết.
Căn cứ vào số lượng, giá cả, thời hạn giao nhận hàng đã được quy định trong hợp đồng kinh tế, bên mua có trách nhiệm kịp thời mở thư tín dụng bằng phương tiện riêng của mình hoặc bằng tiền vay Ngân hàng, nếu được Ngân hàng bên mua xét có thể cho vay được (loại cho vay thanh toán để mở thư tín dụng).
Để bảo đảm chất lượng hàng hóa thu mua xuất khẩu, Ngân hàng bên bán chỉ trả tiền cho bên bán khi trên các chứng từ thanh toán do bên bán nộp có chữ ký nhận hàng của người đại diện bên mua (ghi rõ họ, tên người đại diện).
Mọi chi tiết khác về thanh toán thư tín dụng và cho vay thanh toán để mở thư tín dụng đều thi hành đúng theo các quy định về thư tín dụng và cho vay thanh toán để mở thư tín dụng trong thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt và cho vay thanh toán hiện hành.
1. Trong quá trình thi hành ba hình thức thanh toán trong việc thanh toán tiền hàng thu mua xuất khẩu đã quy định trong thông tư này, đôi bên mua, bán cần nghiên cứu vận dụng đúng đắn, linh hoạt trên nguyên tắc bình đẳng và theo tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa nhằm thực hiện tốt hai yêu cầu chính: một mặt phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng và thời hạn giao nhận hàng hóa thu mua xuất khẩu, một mặt phải bảo đảm thanh toán tiền hàng được nhanh, tốt, gọn, đầy đủ.
2. Trong những trường hợp các Tổng công ty xuất nhập khẩu, các Công ty xuất nhập khẩu – là bên mua – không được Ngân hàng cho vay để trả tiền hàng thu mua xuất khẩu thì sự việc đó không được coi là lý do để từ chối chấp nhận tiền hàng hoặc gây khó khăn cho việc thanh toán. Bên mua phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng vi phạm kỷ luật trả đối với bên bán.
3. Ngân hàng Nhà nước trong khi chấp hành nhiệm vụ thanh toán chỉ chịu trách nhiệm giải quyết những tranh chấp về mặt thanh toán nếu có. Ngoài ra nếu có các tranh chấp khác về hàng hóa, về hợp đồng kinh tế, hai bên mua, bán sẽ giải quyết theo điều lệ xử lý các vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa (nghị định số 65-CP ngày15-05-1963 của Thủ tướng Chính phủ).
4. Các cơ sở Ngân hàng Nhà nước cùng các Tổng Công ty xuất nhập khẩu, các Công ty xuất nhập khẩu và các Công ty kinh doanh hàng xuất địa phương nghiên cứu quán triệt các quy định trong thông tư này, bàn bạc các biện pháp tích cực để thi hành tốt. Trong quá trình thi hành, nếu gặp những khó khăn trở ngại gì, cần báo cáo ngay lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trung ương và Bộ Ngoại thương để giải quyết kịp thời.
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 08 năm 1964.
Mọi quy định trước đây về thanh toán tiền hàng thu mua xuất khẩu đều hủy bỏ.
BỘ NGOẠI THƯƠNG | NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.