BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-VIỆN HUÂN CHƯƠNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44-TBXH/VHC/LB | Hà Nội , ngày 08 tháng 4 năm 1985 |
CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI, VIỆN HUÂN CHƯƠNG SỐ 44-TBXH/VHC/LB NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP CHO CÁC GIA ĐÌNH CÓ NHIỀU LIỆT SĨ HY SINH VÌ ĐỘC LẬP, TỰ DO CỦA TỔ QUỐC
Thi hành Quyết định của Hội đồng Nhà nước ghi trong thông báo số 1285-HĐNN7 ngày 22-12-1984 về chủ trương tặng thưởng Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và thông báo sồ 6959-V15 ngày 22-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Bộ Thương binh và Xã hội và Viện Huân chương giải thích và hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC KHEN THƯỞNG
Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ và thắng lợi vẻ vang của Dảng và dân tộc, nhân dân ta đã có nhiều cống hiến hết sức to lớn, đặc biệt là sự đóng góp của gia đình liệt sĩ, nhất là những gia đình có nhiều liệt sĩ. Nhà nước đã có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần để đền đáp sự hy sinh của các gia đình liệt sĩ.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội đồng Nhà nước đã quyết định chủ trương tặng thưởng Huân chương Độc lập cho những gia đình có nhiều liệt sĩ để ghi nhận ý chí đấu tranh bất khuất của nhân dân ta đối với mọi kẻ thù của dân tộc, để biểu dương sự cống hiến của những người có công lao và sự hy sinh lớn nhất trong các gia đình liệt sĩ, đồng thời để giáo dục nhân dân nâng cao trách nhiệm đền đáp đối với các liệt sĩ; tiếp tục động viên toàn dân tiến lên hoàn thành mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng hiện nay cũng như sau này.
II. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG VÀ TIÊU CHUẨN VỀ LIỆT SĨ ĐƯỢC TÍNH ĐỂ XÉT KHEN THƯỞNG
A. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG
Đối tượng khen thưởng chủ yếu là cha mẹ đẻ các liệt sĩ trong những gia đình sau đây:
- Những gia đình có nhiều liệt sĩ.
- Những gia đình có con độc nhất là liệt sĩ.
Phạm vi gia đình ở đây bao gồm vợ, chồng và các con.
Những liệt sĩ nói trên là những liệt sĩ đã được Thủ tướng Chính phủ trước đây hay Chính phủ hiện nay cấp Bằng Tổ quốc ghi công.
B. TIÊU CHUẨN VỀ LIỆT SĨ ĐƯỢC TÍNH ĐỂ XÉT KHEN THƯỞNG
1. Số liệt sĩ trong mỗi gia đình được tính để xét khen thưởng gồm những liệt sĩ là cha, mẹ, các con đẻ (cả trai và gái).
Liệt sĩ mà người có công nuôi dưỡng đã được xác nhận theo tiêu chuẩn quy định ở điểm 2, mục I của Thông tư số 05-TBXH ngày 10-5-1976 của Bộ Thương binh và Xã hội cũng được tính như con đẻ để xét khen thưởng cho người có công nuôi liệt sĩ.
2. Đối với những gia đình đã có vợ hay chồng là con liệt sĩ, nếu có thêm cháu nội là con liệt sĩ cũng là liệt sĩ thì người liệt sĩ cháu nội đó cũng được tính để xét khen thưởng cho gia đình.
3. Liệt sĩ đã được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang được tính như hai liệt sĩ để xét khen thưởng.
4. Trong một số trường hợp, gia đình liệt sĩ có người là thương binh loại A hoặc người hưởng chính sách như thương binh có thương tật nặng thuộc các hạng 1, đặc biệt (xếp theo 6 hạng), hạng 6, 7, 8 (xếp theo 8 hạng) cũng được chú ý để xét khen thưởng. Những thương binh và người hưởng chính sách như thương binh này phải là người thuộc phạm vi gia đình liệt sĩ đã được quy định ở phần A nói trên.
C. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN CHÚ Ý KHI XEM XÉT ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG VÀ VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN VỀ LIỆT SĨ ĐƯỢC TÍNH ĐỂ XÉT KHEN THƯỞNG
1. Nếu đối tượng khen thưởng của gia đình liệt sĩ đã chết thì người đó vẫn được khen thưởng (truy tặng).
2. Nếu cha mẹ đẻ và người có công nuôi của một liệt sĩ đều đủ tiêu chuẩn được hưởng quyền lợi của gia đình liệt sĩ (như đã quy định trong Thông tư số 05-TBXH ngày 10-5-1976 của Bộ Thương binh và Xã hội) thì liệt sĩ đó được tính vào số liệt sĩ của cả gia đình cha mẹ đẻ và gia đình người có công nuôi để xét khen thưởng.
3. Đối với những gia đình liệt sĩ trong đó có vợ hay chồng con và cháu nội con liệt sĩ cũng là liệt sĩ (gia đình có 3 đời nối tiếp nhau là liệt sĩ) thì đối tượng được xét khen thưởng là vợ hay chồng hoặc vợ liệt sĩ thuộc đời con tuỳ theo sự cống hiến, sự hy sịnh của những người này.
Trong trường hợp gia đình trên có 3 liệt sĩ thuộc 3 đời thì xét khen thưởng cho vợ hay chồng.
4. Trong số liệt sĩ của những gia đình được tính để xét khen thưởng, không tính các liệt sĩ là con rể, cháu ngoại (những người này chỉ được tính trong trường hợp đặc biệt như cùng sống chung trong một nhà, có quan hệ kinh tế, chính trị, và tình cảm như con đẻ, cháu nội, có sự xác nhận của chính quyền xã, phường).
Liệt sĩ là con dâu được tính hoặc ở gia đình bên chồng hoặc ở gia đình bên vợ nhưng chỉ được tính một lần, ở một bên theo sự thoả thuận của hai gia đình và được chính quyền xã, phường xác nhận.
Trong trường hợp không có sự nhất trí giữa hai gia đình về cách tính các liệt sĩ là con rể, cháu ngoại, con dâu thì cách giải quyết như sau:
- Khi cha mẹ hai bên đều còn sống, hai bên bàn bạc thoả thuận với nhau dựa trên nhận xét về quan hệ, về ảnh hưởng của từng bên đối với liệt sĩ.
- Nếu không đi đến thoả thuận được, thì tính cho bên cha mẹ đẻ liệt sĩ.
- Nếu cha mẹ đẻ đã chết cả, thì tính cho cha mẹ vợ (đối với con rể, cháu ngoại) hoặc cha mẹ chồng (đối với con dâu) nếu những người này còn sống.
5. Liệt sĩ con của liệt sĩ là con nuôi (nói ở điểm 1, phần B trên đây) không được tính vào số liệt sĩ của gia đình người có công nuôi liệt sĩ ấy để xét khen thưởng.
III. TIÊU CHUẨN VÀ MỨC KHEN THƯỞNG
Căn cứ vào tình hình các gia đình liệt sĩ và những điều hướng dẫn ở mục II trên đây, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương xét và đề nghị cho các đối tượng đã quy định theo tiêu chuẩn và mức sau đây:
A. HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG BA CHO:
1. Người có vợ hay chồng và 2 con là liệt sĩ.
2. Người có 3 con là liệt sĩ.
3. Người có 2 con nhưng cả 2 con đều là liệt sĩ.
4. Người có con độc nhất là liệt sĩ.
B. HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHÌ CHO:
1. Người có vợ hay chồng và 3 con là liệt sĩ.
2. Người có 4 con là liệt sĩ.
3. Người có vợ hay chồng và 2 con là liệt sĩ, đồng thời trong gia đình có thêm 1 thương binh loại A hoặc người hưởng chính sách như thương binh có thương tật nặng (đã quy định ở điểm 4, phần B, mục II ở trên).
4. Người có 3 con là liệt sĩ đồng thời trong gia đình có thêm 1 thương binh loại A hoặc người hưởng chính sách như thương binh có thương tật nặng như đã nói ở điểm 3 trên đây.
5. Người có 3 con nhưng cả 3 con đều là liệt sĩ.
C. HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHẤT CHO NHỮNG GIA ĐÌNH CÓ NHỮNG CỐNG HIẾN ĐẶC BIỆT NHƯ:
- Người có vợ hay chồng và con là liệt sĩ đồng thời có thêm cháu nội con liệt sĩ cũng là liệt sĩ.
- Người có vợ hay chồng và 4 con trở lên là liệt sĩ.
- Người có từ 5 con trở lên là liệt sĩ.
- Người có vợ hay chồng và 3 con là liệt sĩ trong trường hợp toàn bộ gia đình chỉ có 5 người.
- Người có 4 con nhưng cả 4 con đều là liệt sĩ.
Các đối tượng được xét khen thưởng phải là những người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước, không phạm khuyết điểm đến mức bị toà án phạt tù (kể cả tù án treo) và bị tước quyền công dân trở lên.
Đối với những người đang bị truy tố, khởi tố hoặc là đối tượng điều tra để khởi tố thì tạm hoãn xét khen thưởng đến khi có kết luận của cơ quan pháp luật Nhà nước.
Những đối tượng được xét khen thưởng mà trong gia đình có người phạm tội chống Tổ quốc, chống cách mạng hoặc những tội ác nghiêm trọng khác thì không được xét khen thưởng.
V. TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
A. UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ ĐẶC KHU TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG CHỊU TRÁCH NHIỆM XÉT ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG CHO CÁC GIA ĐÌNH LIỆT SĨ NÓI Ở TRÊN.
Ban thi đua khen thưởng tỉnh, thành phố và đặc khu phối hợp với Sở Thương binh và xã hội trực tiếp giúp Uỷ ban nhân dân làm việc trên theo sự phân công như sau:
- Sở Thương binh và xã hội chuẩn bị hồ sơ, kiểm tra, xem xét tiêu chuẩn và điều kiện khen thưởng.
- Ban thi đua khen thưởng làm các thủ tục để trình Uỷ ban nhân dân xét và đề nghị khen thưởng lên Chính phủ.
B. CÁCH TIẾN HÀNH
1. Hồ sơ của đối tượng được xét khen thưởng gồm có:
- Bản kê khai về người được đề nghị khen thưởng.
- Các giấy tờ xác nhận của Sở Thương binh và Xã hội về các liệt sĩ, thương binh được tính để xét khen thưởng.
2. Căn cứ vào những tiêu chuẩn và điều kiện khen thưởng quy định trong Thông tư này và hố sơ, danh sách các gia đình có nhiều liệt sĩ mà Sở đang quản lý, Sở Thương binh và Xã hội lọc ra những gia đình dự kiến nằm trong diện được xét khen thưởng, lập danh sách những gia đình trên của từng huyện (quận).
Sở giao trách nhiệm cho các Phòng thương binh và xã hội huyện (quận) căn cứ vào danh sách trên, cử cán bộ xuống tận xã (phường) phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã (phường), tự tay làm bản kê khai về người được đề nghị khen thưởng, chú ý không để gia đình liệt sĩ phải làm.
Bản kê khai này làm xong phải có chữ ký của gia đình liệt sĩ, sự xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã (phường) và do cán bộ làm bản kê khai đó mang về phòng thương binh và xã hội huyện (quận) kiểm tra và bổ sung tài liệu (nếu cần) rồi nộp lên Sở Thương binh và Xã hội.
Sau khi nhận được bản kê khai trên, Sở Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra, hoàn chỉnh hồ sơ rồi lập danh sách để chuyển sang Ban thi đua khen thưởng làm thủ tục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu xét và đề nghị khen thưởng lên Chính phủ.
Đề nghị khen thưởng và hồ sơ gửi về:
- Viện Huân chương 1 bản.
- Bộ Thương binh và Xã hội 1 bản.
Trong trường hợp gia đình có liệt sĩ, thương binh, liệt sĩ là anh hùng lực lượng vũ trang do nhiều địa phương quản lý, Sở Thương binh và Xã hội có trách nhiệm liên hệ với các Sở Thương binh và Xã hội, các Bộ Chỉ huy quân sự địa phương đang quản lý những người trên để xác minh thêm. Các Sở thương binh và xã hội, các Bộ chỉ huy quân sự quân sự địa phương trên có trách nhiệm cung cấp kịp thời cho Sở Thương binh và Xã hội có yêu cầu trên để có thể nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ của người được xét khen thưởng.
C. THỜI GIAN THỰC HIỆN
Các địa phương cần nhanh chóng triển khai việc xét đề nghị khen thưởng để có thể hoàn thành vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nước.
Cần làm xong một đợt cho các gia đình tiêu biểu nhất của địa phương trước ngày 1-6-1985 để có thể công bố khen thưởng vào dịp 27-7-1984và một đợt tiếp sau vào dịp 2-9-1985 (để giải quyết những trường hợp còn lại sau đợt trước).
Vì vậy, cần phân loại hồ sơ thành hai loại:
1. Loại hồ sơ đã đầy đủ, hoàn chỉnh.
2. Loại hồ sơ còn cần phải kiểm tra thêm và bổ sung tài liệu.
Đối với những hồ sơ thuộc loại 1 thì tập trung công sức nhanh chóng giải quyết để có thể trình khen thưởng trước vào những dịp nêu ở trên. Với những hồ sơ loại 2 cũng cần được chú ý thích đáng để bảo đảm giải quyết gọn trong năm 1985.
D. XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG CÁC NĂM SAU
Từ nay về sau, hàng năm sẽ tiếp tục xét khen thưởng vào dịp ngày 27-7 những người đủ tiêu chuẩn và điều kiện khen thưởng kể cả đối với những người đã được khen thưởng, sau này đủ tiêu chuẩn khen thưởng ở mức cao hơn.
E. TỔ CHỨC TRAO TẶNG HUÂN CHƯƠNG
Lễ trao huân chương phải được tiến hành trọng thể, đạt được mục đích, ý nghĩa như đã nêu ở trên và do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu tổ chức.
Việc tặng thưởng huân chương Độc lập lần này cho các cha mẹ của các gia đình có nhiều liệt sĩ là một chủ trương lớn của Nhà nước đối với những người có nhiều hy sinh to lớn với Tổ quốc. Yêu cầu các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, khẩn trương, kịp thời và đạt kết quả tốt.
Các cơ quan thi đua khen thưởng, thương binh và xã hội cần tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ sử dụng tốt các hồ sơ, tư liệu đã có để kiểm tra những nội dung cần thiết và vận dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn và điều kiện khen thưởng để bảo đảm khen chính xác. Không dược gây phiền hà cho gia đình liệt sĩ hoặc yêu cầu gia đình liệt sĩ phải làm đơn khai báo, xin chữ ký chứng nhận v.v...
Trần Hiếu (Đã ký) | Trần Thái (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.