BỘ NỘI VỤ-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1/TTLT | Hà Nội , ngày 23 tháng 1 năm 1984 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ NỘI VỤ SỐ 1-TT/LB NGÀY 23-1-1984 VỀ QUAN HỆ GIỮA HAI NGÀNH KIỂM SÁT VÀ CÔNG AN TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA.
Ngành công an nhân dân và ngành kiểm sát nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều là công cụ chuyên chính của Nhà nước chuyên chính vô sản, trong phạm vi chức năng của mình có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân đều phải được điều tra và xử lý theo pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ đó, hai ngành đã phối hợp với nhau tăng cường pháp chế trong công tác, nâng cao chất lượng và hiệu quả đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm và các việc làm vi phạm pháp luật, góp phần tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên trong lĩnh vực công tác điều tra và kiểm sát điều tra thực hành quyền công tố thì hiệu suất và kết quả đạt được chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn và đẩy lùi từng bước tình hình phạm tội và tiêu cực xã hội.
Trong tình hình và nhiệm vụ mới, Nhà nước đã ban hành Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều đạo luật quan trọng khác nhằm tăng cường quản lý xã hội theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Căn cứ Điều 12, Điều 127 và Điều 138 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các nguyên tắc hiện hành trong tố tụng hình sự và các quy định ở Điều 4, Chương I, các Điều 9, 10, 11, Chương III Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành ngày 13 tháng 7 năm 1981.
Để tăng cường đoàn kết hợp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh của 2 ngành kiểm sát nhân dân và công an nhân dân, đấu tranh có hiệu quả chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch và các bọn phạm tội khác, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để mỗi ngành thực hiện đúng và đầy đủ chức năng nhiệm vụ của ngành mình trong tố tụng hình sự, trên cơ sở pháp luật đã quy định:
- Cơ quan công an tổ chức việc điều tra tội phạm và chịu trách nhiệm bảo đảm việc chấp hành đúng pháp luật trong các hoạt động điều tra, đề xuất xử lý kẻ phạm tội.
- Viện kiểm sát thực hiện công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác điều tra của cán bộ và cơ quan công an, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong tố tụng điều tra và xử lý hình sự các vụ án.
Đồng thời chủ động tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành, hợp tác chặt chẽ với nhau để bảo đảm:
1. Mọi hành vi phạm tội đều phải được điều tra để xử lý theo pháp luật, không để lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội.
2. Không để một người nào bị bắt, bị tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật.
3. Việc khởi tố và điều tra phải theo đúng quy định của pháp luật.
Trong việc điều tra phải khách quan, toàn diện, bảo đảm thu thập những chứng cứ buộc tội kẻ phạm pháp và những chứng cứ minh oan cho người không có tội, phải làm rõ những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm của bị can và tìm ra những nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
4. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với kẻ phạm tội phải có căn cứ và phải bảo đảm tính hợp pháp.
5. Đề cao kỷ luật nghiệp vụ cùng nhau bảo đảm nguyên tắc bí mật trong quá trình điều tra, kiểm sát điều tra và xử lý hình sự.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quan hệ giữa hai ngành trong công tác điều tra và kiểm sát điều tra như sau:
1. Khi xác định có tội phạm xảy ra, cơ quan công an khởi tố hình sự vụ án để tiến hành điều tra đồng thời gửi bản sao quyết định khởi tố sang Viện kiểm sát.
Trường hợp phát hiện có tội phạm xảy ra cần điều tra mà cơ quan công an chưa khởi tố thì viện kiểm sát yêu cầu cơ quan công an khởi tố hoặc viện kiểm sát trực tiếp khởi tố hình sự vụ án và yêu cầu cơ quan công an tiến hành điều tra. Viện kiểm sát trao đổi trước với cơ quan công an và cần có công văn nêu rõ yêu cầu điều tra thu thập chứng cứ.
Trường hợp phát hiện khởi tố không đúng, không đầy đủ hoặc không cần thiết thì hai cơ quan trao đổi lại với nhau; cơ quan nào đã quyết định khởi tố thì cơ quan đó làm lại quyết định khởi tố, quyết định khởi tố bổ sung, hoặc quyết định huỷ quyết định khởi tố.
Nếu có sự chưa nhất trí thì báo cáo lên cấp trên của hai ngành để chỉ đạo giải quyết.
Cơ quan có thẩm quyền khởi tố hình sự vụ án là cơ quan công an và viện kiểm sát từ cấp quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh trở lên.
Để có cơ sở thực hiện đúng và đầy đủ việc khởi tố hình sự, kiểm sát việc khởi tố hình sự, và bảo đảm việc chấp hành pháp luật, cơ quan công an và viện kiểm sát cần tổ chức tốt việc quản lý tình hình tội phạm, thông tin tội phạm và các biện pháp hình sự trong giai đoạn trước khởi tố.
Cơ quan công an tổ chức việc đăng ký tình hình các vụ việc phạm tội xảy ra, tình hình khiếu tố về tội phạm, tình hình tạm giữ và kết quả phân loại xử lý và thông báo kịp thời cho viện kiểm sát các tình hình đó, nhất là các trường hợp phạm tội nghiêm trọng và phức tạp.
Viện kiểm sát cần tổ chức khai thác nhiều nguồn thông tin tội phạm và tiến hành thường xuyên các biện pháp kiểm sát việc phân loại xử lý, việc tạm giữ, việc khởi tố của cơ quan công an, thực hiện việc đăng ký đầy đủ và cụ thể các tình hình đó để bảo đảm kiểm sát việc khởi tố hình sự các vụ án và chấp hành pháp luật được kịp thời và đúng pháp luật.
Đối với các vụ việc phạm tội được phát hiện thông qua các nguồn thông tin khác mà cơ quan công an chưa nắm được, viện kiểm sát cần thông báo kịp thời cơ với cơ quan công an.
Trong quá trình kiểm sát điều tra nếu phát hiện trong việc phân loại xử lý hoặc tạm giữ có những trường hợp không chính xác hoặc không bảo đảm tính hợp pháp thì kiểm sát viên góp ý ngay với cán bộ điều tra trực tiếp phụ trách vấn đề đó. Trường hợp cần thiết thì viện kiểm sát đề ra yêu cầu với cơ quan công an bằng công văn.
Hai cơ quan thực hiện việc định kỳ thông báo cho nhau tình hình phạm tội và công tác hình sự của hai bên bao gồm các vấn đề khởi tố, điều tra kiểm sát điều tra, bắt, giam, tha và xử lý hình sự các vụ án.
Ở cấp quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh thực hiện hàng tháng, còn ở cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương và giữa Bộ Nội vụ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì thực hiện hàng quý.
2. Ngay sau khi phát hiện có tội phạm hoặc dấu hiệu của tội phạm xảy ra, cơ quan công an và viện kiểm sát cần phối hợp ngay trong các hoạt động điều tra và kiểm sát điều tra.
Cần tổ chức kịp thời việc khám nghiệm hiện trường. Khi cơ quan điều tra chuẩn bị đi khám nghiệm hiện trường thì báo ngay cho viện kiểm sát biết nhất là những vụ quan trọng.
Trong quá trình điều tra những vụ án quan trọng và phức tạp cơ quan Công an thông báo cho viện kiểm sát những kết luận về những tài liệu chứng cứ ban đầu của vụ án nhất là về hiện trường dấu vết, tang vật cũng như kết quả từng bước tiến trình điều tra theo tố tụng hình sự.
Các bản sao quyết định khởi tố bị can đều được gửi sang viện kiểm sát trong phạm vi 24 giờ sau khi khởi tố.
Đối với các vụ án quan trọng và phức tạp hoặc trong các trường hợp cần thiết, hai cơ quan cần trao đổi trước khi quyết định khởi tố bị can.
Khi đề nghị viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt giam, tạm giam, gia hạn giam, tạm tha, khám xét cơ quan Công an gửi kèm theo công văn nêu rõ căn cứ và lý do cần thiết để viện kiểm sát xem xét việc phê chuẩn cho nhanh chóng và chính xác.
Các trường hợp đề nghị phê chuẩn bắt giam, tạm giam, gia hạn giam lần thứ hai trở lên phải kèm theo hồ sơ, tài liệu cần thiết.
Sau khi kết thúc điều tra, các vụ án thuộc diện đề nghị truy tố, miễn tố hoặc đình chỉ điều tra, cơ quan Công an đều làm bản kết luận điều tra vụ án gửi sang viện kiểm sát kèm theo hồ sơ đã hoàn thành đầy đủ về mặt chứng cứ cũng như về mặt thủ tục tố tụng hình sự.
Bản kết luận điều tra cần nêu rõ các căn cứ khởi tố vụ án, các tài liệu chứng cứ chứng minh nội dung tính chất mức độ phạm tội của bị can, các nguyên nhân điều kiện phạm tội, nhân thân bị can, các ý kiến đề xuất về xử lý vụ án và bị can, về tội danh và điều luật áp dụng và các biện pháp phòng ngừa.
Đối với các vấn đề viện kiểm sát yêu cầu điều tra xác minh thêm hoặc yêu cầu giải đáp làm sáng tỏ, cơ quan công an cần tiến hành khẩn trương việc điều tra bổ sung và trả lời đầy đủ bằng công văn.
Đối với các vụ án quan trọng và phức tạp trước khi kết thúc điều tra cơ quan công an cần tổ chức họp sơ kết vụ án có sự tham gia của viện kiểm sát để xem xét tình hình hồ sơ chứng cứ, trao đổi việc kết luận vụ án và dự kiến hướng xử lý hoặc đề ra yêu cầu điều tra thêm .
Hồ sơ cần có đủ các tài liệu chứng cứ đã thu nhập được từ đầu đến khi kết thúc điều tra, các tài liệu về lý lịch và thân nhân của bị can, danh mục các tang vật đã thu giữ, các tài sản đã kê biên tạm giữ (nếu có). Hồ sơ vụ án và các tài liệu điều tra phải bảo đảm đúng thủ tục pháp luật.
Đối với các trường hợp cần tạm đình chỉ điều tra hoặc dy lý, cơ quan điều tra làm văn bản nêu rõ lý do gửi sang Viện kiểm sát để xem xét và quyết định. Việc chuyển hồ sơ và bị can tới nơi dy lý do cơ quan công an thực hiện.
3. Viện kiểm sát do viện trưởng, phó viện trưởng hoặc kiểm sát viên được uỷ nhiệm tiến hành kiểm sát điều tra các vụ án bằng các biện pháp sau đây. Đề ra yêu cầu điều tra và kiểm sát việc thực hiện. Những yêu cầu này có thể là yêu cầu điều tra chung cho toàn bộ vụ án, yêu cầu điều tra tiếp theo hoặc bổ sung, hoặc yêu cầu trong từng biện pháp tố tụng điều tra cụ thể nhằm bảo đảm thu nhập đầy đủ chứng cứ giúp cho việc giải quyết, xử lý đúng đắn vụ án.
- Kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, giám định chuyên môn, khám nhà, khám người, đồ vật thư tín và thu giữ tang vật bằng cách trực tiếp kiểm sát điều tra tại chỗ và kiểm sát điều tra trên cơ sở các biên bản điều tra, khám nghiệm, giám định, thu giữ tang tài vật và các hiện vật đã thu giữ.
Đối với các vụ trọng án và các vụ mà viện kiểm sát phải cử kiểm sát viên trực tiếp đi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
Những yêu cầu về khám nghiệm hiện trường và những nhận định của kiểm sát viên về tình hình hiện trường dấu vết cần được nêu ra ngay với cán bộ điều tra tại hiện trường.
Trường hợp cần thiết viện kiểm sát yêu cầu khám nghiệm lại, giám định lại hoặc làm những biên bản bổ sung, cơ quan công an phải thực hiện nghiêm túc
- Kiểm sát việc khởi tố bị can bảo đảm việc khởi tố bị can có đầy đủ căn cứ và đúng pháp luật.
Trường hợp viện kiểm sát thấy việc khởi tố bị can của cơ quan công an là thiếu căn cứ và không đúng pháp luật thì trong phạm vi 3 ngày kể từ khi nhận được quyết định khởi tố, viện kiểm sát trao đổi với cơ quan công an để cơ quan công an làm lại quyết định khởi tố hoặc quyết định huỷ quyết định khởi tố. Nếu có sự chưa nhất trí thì báo cáo lên cấp trên của hai ngành để chỉ đạo giải quyết.
Trường hợp viện kiểm sát thấy cần khởi tố thêm bị can của vụ án thì trao đổi với cơ quan công an yêu cầu khởi tố bị can. Trường hợp cần thiết và sau khi đã trao đổi với cơ quan công an thì viện kiểm sát quyết định khởi tố bị can và chuyển sang cơ quan công an yêu cầu điều tra.
- Kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai nhân chứng, người bị hại và người bị tình nghi phạm tội hoặc trực tiếp hỏi cung và lấy lời khai. - Kiểm sát việc trưng cầu giám định chuyên môn, việc tổ chức đối chất, nhận diện, nhận dạng, việc thực nghiệm điều tra, việc cho bị can diễn lại hành vi phạm tội. Trong các trường hợp cần thiết viện kiểm sát tham gia ngay trong quá trình cơ quan điều tra chuẩn bị nội dung và kế hoạch tiến hành.
- Yêu cầu lấy hồ sơ và kiểm tra hồ sơ chứng cứ.
- Yêu cầu truy nã bị can.
- Xét phê chuẩn hoặc quyết định việc bắt giam, tạm giam, gia hạn giam hoặc tạm tha bị can.
- Xét phê chuẩn hoặc quyết định việc khám xét, thu giữ tang tài vật. Việc xử lý tang tài vật trong trường hợp miễn tố hoặc đình chỉ điều tra cần được trao đổi bàn bạc kỹ với cơ quan công an trước khi quyết định.
Quyết định của viện kiểm sát gửi cho cơ quan công an cần nêu rõ lý do bằng công văn.
Việc phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn phải được thực hiện và phúc đáp chậm nhất là 3 ngày sau khi nhận được đề nghị của cơ quan công an, trường hợp không phê chuẩn phải nêu rõ lý do bằng công văn.
- Kiểm sát việc kết thúc điều tra, kiểm tra hồ sơ chứng cứ, yêu cầu báo cáo thêm những vấn đề chưa rõ hoặc trả lại hồ sơ nêu yêu cầu điều tra bổ sung. Những yêu cầu này cần xác định rõ nội dung và thời hạn hoàn thành điều tra.
Việc trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung không được chậm quá 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ. Các trường hợp phức tạp cũng không được quá 30 ngày.
Đối với các thiếu sót về thủ tục cần nên yêu cầu và trả hồ sơ ngay để cơ quan công an bổ túc hồ sơ.
- Trong quá trình kiểm sát điều tra nếu phát hiện những thiếu sót và vi phạm trong nội dung của hồ sơ chứng cứ và phương pháp công tác của cán bộ điều tra thì kiểm sát viên trực tiếp góp ý ngay với cán bộ điều tra. Đối với những vấn đề quan trọng thì viện kiểm sát góp ý bằng công văn. Đối với cán bộ điều tra có vi phạm nghiêm trọng hoặc phát hiện có liên quan trong vụ án thì yêu cầu thay đổi cán bộ điều tra. Cơ quan công an cần nghiên cứu để thực hiện yêu cầu của viện kiểm sát. Ngược lại cơ quan công an phát hiện kiểm sát viên có liên quan trong vụ án hoặc làm không đúng nhiệm vụ thì thông báo cho viện kiểm sát để xem xét giải quyết.
4.- Việc truy tố và làm cáo trạng miễn tố, đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra, dy lý vụ án (nói chung đối với các loại án) đều do viện kiểm sát quyết định và chịu trách nhiệm, viện kiểm sát cần nghiên cứu kỹ hồ sơ và các ý kiến đề xuất của cơ quan công an trước khi quyết định. Sau khi quyết định truy tố thì viện kiểm sát gửi sang cơ quan công an một bản cáo trạng.
Việc phê chuẩn hay không phê chuẩn, đề ra các yêu cầu đối với công tác điều tra và các quyết định của viện kiểm sát là những biện pháp viện kiểm sát thực hành quyền công tố, cán bộ và cơ quan công an cần nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Trong các trường hợp có ý kiến khác nhau thuộc các vấn đề được quy định ở điểm 2, 5, 6 Điều 10 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, để bảo đảm việc chấp hành đúng pháp luật đồng thời tránh sai sót trước khi viện kiểm sát quyết định, kiểm sát viên được uỷ nhiệm cần nghiên cứu thận trọng nội dung của vấn đề và ý kiến của cơ quan công an, báo cáo xin ý kiến cấp trên và bàn bạc kỹ với cán bộ công an hữu trách. Trường hợp cần thiết thì Viện trưởng viện kiểm sát trực tiếp trao đổi bàn bạc với thủ trưởng cơ quan công an.
Nếu sự việc quan trọng và không thật cấp bách thì hai ngành cấp dưới báo cáo thỉnh thị hai ngành cấp trên cho ý kiến. Hai ngành cấp trên cần khẩn trương trao đổi bàn bạc để chỉ đạo giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được báo cáo.
5.- Trong quan hệ tố tụng giữa viện kiểm sát và cơ quan công an, viện kiểm sát thông qua các hành vi pháp lý của Viện trưởng viện kiểm sát, Phó viện trưởng và các kiểm sát viên được uỷ nhiệm trực tiếp thực hiện các biện pháp điều tra cụ thể, thực hành quyền công tố trong các vụ án.
Trong phạm vi được uỷ nhiệm kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các biện pháp kiểm sát điều tra theo luật định dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng viện kiểm sát. Kiểm sát viên được uỷ nhiệm có quyền ký các văn bản tố tụng và công văn trao đổi công tác có đóng dấu của viện kiểm sát.
Trừ trường hợp trực tiếp đề ra yêu cầu tại chỗ trong từng biện pháp điều tra cụ thể, các yêu cầu của viện kiểm sát đối với công tác điều tra phải được thể hiện bằng công văn.
Thủ trưởng cơ quan công an uỷ quyền những cán bộ phụ trách điều tra từng vụ án để có đủ tư cách pháp lý tiến hành các hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan công an và viện kiểm sát trong việc khởi tố, bắt giam, tạm giam, gia hạn giam, tha, khám xét, thu giữ tang tài vật, và xử lý hình sự các vụ án, các công văn trao đổi giữa hai cơ quan đều phải do thủ trưởng cơ quan ký. Các văn bản phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn và quyết định của viện kiểm sát trong các trường hợp này do viện trưởng hoặc phó viện trưởng viện kiểm sát ký.
6. Việc điều tra làm rõ các nguyên nhân, điều kiện phạm tội cần được thực hiện ngay trong từng biện pháp điều tra, kiểm sát điều tra và thu thập thành tài liệu chứng cứ có giá trị pháp lý đưa vào hồ sơ.
Đối với những sơ hở, thiếu sót và vi phạm trong công tác quản lý kinh tế, quản lý trật tự an toàn xã hội là điều kiện phát sinh tội phạm được phát hiện qua vụ án, cơ quan công an và viện kiểm sát cần tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn và khắc phục.
7. Viện kiểm sát trực tiếp điều tra các vụ án do viện trưởng viện kiểm sát cấp trên giao và các vụ án viện trưởng viện kiểm sát thấy cần thiết phải trực tiếp điều tra.
Trong các trường hợp này, viện kiểm sát trao đổi thống nhất với cơ quan công an để viện kiểm sát khởi tố hình sự vụ án, và thụ lý điều tra ngay từ đầu hoặc tiếp nhận điều tra vụ án do cơ quan công an chuyển sang.
Khi viện kiểm sát yêu cầu, cơ quan công an cung cấp hồ sơ tài liệu cho viện kiểm sát và phối hợp bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn.
Thông tư này hướng dẫn thực hiện quan hệ giữa hai ngành trong các hoạt động điều tra, kiểm sát điều tra thực hành quyền công tố đối với tất cả các loại án theo nguyên tắc của tố tụng hình sự và pháp luật hiện hành.
Từng ngành tổ chức thực hiện tốt Thông tư này, bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ chức năng của mỗi ngành, tăng cường quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa hai ngành, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm và các việc làm vi phạm pháp luật.
Những việc làm tốt phải được biểu dương khen thưởng kịp thời.
Những hành động vi phạm pháp luật Nhà nước và kỷ luật nghiệp vụ đều phải được xử lý nghiêm minh kịp thời.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn vướng mắc cần đề nghị chỉnh lý hoặc bổ sung thì ngành nào báo cáo lên cơ quan cấp trên của ngành đó để có sự hướng dẫn thêm hoặc đưa ra liên ngành giải quyết.
Trần Lê (Đã ký) | Trần Quyết (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.