BỘ
LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 83/TT-LB |
Hà Nội , ngày 13 tháng 11 năm 1995 |
Thực hiện Nghị định 28/CP ngày 29/04/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động Cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ Cách mạng;
Căn cứ vào Nghị định số 168/CP ngày 20/10/1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ lập và chấp hành Ngân sách Nhà nước và Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ quy định trách nhiệm, quyền hạn quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cấp phát và quản lý kinh phí ưu đãi người có công với Cách mạng thuộc Ngân sách Trung ương như sau:
1- Ngân sách Trung ương đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện các chế độ ưu đãi quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ.
2- Cơ quan quản lý Nhà nước các cấp thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nguồn kinh phí và hướng dẫn tổ chức thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công đúng mục đích, đúng đối tượng.
3 - Kinh phí Ngân sách Trung ương chi trả các chế độ ưu đãi đối với người có công do Bộ Tài chính cấp uỷ quyền cho các Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chuyển cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Hàng năm và quý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán chi tiết về chi trợ cấp ưu đãi đối với người có công cách mạng gửi Bộ Tài chính để làm căn cứ cấp phát kinh phí.
5 - Quyết toán kinh phí Trung ương cấp chi trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
1- Nội dung chi bao gồm các khoản sau:
a. Chi trả ưu đãi trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần, truy lĩnh cho các đối tượng:
- Người hoạt động trước Cách mạng tháng 8 năm 1945;
- Liệt sỹ và gia đình liệt sỹ:
- Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt nam anh hùng;
- Thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh;
- Người hoạt động Cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù đày;
- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế;
- Người có công giúp đỡ Cách mạng;
b. Các khoản chi ưu đãi khác đối với từng loại đối tượng:
- Mua báo nhân dân hàng ngày cho người hoạt động trước Cách mạng tháng 8 năm 1945;
- Trợ cấp về báo tử;
- Trợ cấp để mai táng, chôn cất;
- Trợ cấp để thờ cúng;
- Mua bảo hiểm y tế;
- Tiền tàu xe cho thương bệnh, bệnh binh đi khám chữa bệnh, giám định thương tật;
- Cung cấp dụng cụ chỉnh hình và trang cấp đặc biệt cho thương binh, bệnh binh;
- Tiền ăn và thuốc điều trị, điều dưỡng thương binh, bệnh binh;
- Quà tặng của Chủ tịch nước nhân ngày lễ, Tết;
- Hỗ trợ cho thương binh, bệnh binh nặng về an dưỡng tại gia đình;
- Chi cho công tác mộ và nghĩa trang liệt sỹ;
- Chi thăm viếng mộ liệt sỹ;
c - Chi cho Khu điều dưỡng thương binh, bệnh binh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ các khoản chi trực tiếp nêu tại các điểm a,b cho đối tượng thương binh, bệnh binh nêu trên), còn các khoản chi khác gồm:
- Sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện phục vụ thương binh bệnh binh;
- Chi công vụ phí;
- Sách báo cho thương binh, bệnh binh;
- Tàu xe cho thương, bệnh binh ở Khu nuôi dưỡng về thăm gia đình hoặc tiếp đón thân nhân gia đình đến thăm thương, bệnh binh;
d - Chi cho công tác quản lý gồm:
- Chi phí chi trả tính bằng 0,52% trên số trợ cấp đã trả cho đối tượng quy định tại điểm a, mục 1 nói trên để trả cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo Quyết định số 425/TTg ngày 26/7/1995 của Thủ tướng Chính phủ và được tính trong kinh phí ưu đãi người có công với Cách mạng thuộc Ngân sách Trung ương được thông báo kế hoạch hàng năm;
- Chi các khoản phục vụ cho công tác chi trả như để chi hợp đồng làm thêm về sổ sách, báo biểu thống kê đối tượng, tập huấn nghiệp vụ cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện sẽ được liên Bộ thông báo sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ;
2 - Dự toán kinh phí:
a - Dự toán chi trợ cấp ưu đãi phải thể hiện đầy đủ nội dung chi tại mục 1 nêu trên và kèm theo bản thuyết minh đối tượng hưởng, đối tượng tăng, giảm trong quý, năm.
b - Dự toán năm, quý được thực hiện theo trình tự sau:
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Khu điều dưỡng thương bệnh binh trực thuộc Sở lập dự toán kinh phí gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, phê duyệt và tổng hợp dự toán kinh phí của các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và của Khu Điều dưỡng thương bệnh binh trực thuộc Sở gửi Sở Tài chính - Vật giá thẩm định và xác nhận số liệu trước khi gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt và tổng hợp dự toán kinh phí của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổng hợp vào dự toán Ngân sách Nhà nước hàng năm.
- Căn cứ vào kế hoạch Ngân sách được Nhà nước giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi thống nhất với Bộ Tài chính phân bổ và thông báo dự toán kinh phí được duyệt cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đồng thời gửi cho các Sở Tài chính - Vật giá để có căn cứ cấp phát kinh phí ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ dự toán kinh phí được Bộ duyệt cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và Khu Điều dưỡng thương bệnh binh.
Việc thông báo dự toán kinh phí ở mỗi cấp phải đảm bảo trên nguyên tắc tổng số phân bổ kinh phí cho các đơn vị không được vượt quá tổng kinh phí được duyệt ở mỗi cấp.
3 - Cấp phát kinh phí được thực hiện theo phương thức sau:
a - Bộ Tài chính cấp uỷ quyền cho các Sở Tài chính - Vật giá và ghi vào Chương 99 - Loại 13 - Khoản 02 - Hạng 1 "Chi công tác thương binh xã hội" của Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b - Hàng quý, căn cứ vào đề nghị phân bổ kinh phí cho từng tỉnh của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính chuyển tiền cho Sở Tài chính - Vật giá.
c - Sở Tài chính - Vật giá khi nhận được kinh phí cấp uỷ quyền của Bộ Tài chính chuyển ngay kinh phí vào Tài khoản của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Kho bạc Nhà nước Tỉnh.
d - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận kinh phí ủy quyền của Sở Tài chính - Vật giá cấp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Khu Điều dưỡng thương binh trực thuộc Sở theo kế hoạch nhiệm vụ đã duyệt.
e - Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chuyển kinh phí trả trợ cấp cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội huyện và trực tiếp chi các khoản thuộc trách nhiệm của mình.
4 - Trình tự quyết toán kinh phí quý, năm thực hiện như sau:
a - Báo cáo quyết toán phải thể hiện đầy đủ những nội dung chi quy định trong Thông tư này. Riêng đối với những khoản chi cho công việc quy định tại các điểm b,c,d khoản 1 mục II phải đủ chứng từ hợp lệ, có đủ các biểu mẫu quy định theo chế độ báo cáo kế toán hiện hành và phụ biểu theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/LĐTBXH - TT ngày 29/10/1990 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b - Báo cáo quyết toán cấp dưới gửi lên cấp trên phải theo đúng thời gian quy định. Đơn vị cấp trên trực tiếp kiểm tra, xét duyệt quyết toán cho đơn vị cấp dưới thuộc mình quản lý trước khi tổng hợp để báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên của mình, cụ thể:
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, và Khu Điều dưỡng Thương binh thuộc Sở lập báo cáo quyết toán gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội duyệt và tổng hợp báo cáo quyết toán của các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Khu Điều dưỡng thương binh thuộc Sở và kinh phí chi trực tiếp tại Sở lập thành báo cáo quyết toán gửi cho Sở Tài chính - Vật giá thẩm định và xác nhận số liệu trước khi gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Sở Tài chính - Vật giá căn cứ vào báo cáo quyết toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, xác nhận kinh phí được chi, đã chi trả, số dư còn lại của nguồn kinh phí Trung ương uỷ quyền tại địa phương theo hướng dẫn tại Thông tư số 80 TC/NSNN ngày 24/09/1993 của Bộ Tài chính. Khi phát hiện việc chi sai mục đích thì báo cáo ngay liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính xem xét xử lý.
- Hàng quý, sau khi nhận được quyết toán của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra và tổng hợp gửi Bộ Tài chính. Riêng quyết toán năm, Bộ lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính duyệt cho từng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Thông tư số 14 TC/HCVX ngày 28/12/1994 và Thông tư số 80 TC/NSNN ngày 24/9/1993 của Bộ Tài chính.
c - Thời hạn nộp báo cáo quyết toán:
- Chế độ báo cáo quyết toán quý:
+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và Khu Điều dưỡng thuộc Sở gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chậm nhất 15 ngày sau khi kết thúc quý chi tiêu;
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc quý chi tiêu;
+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Bộ Tài chính chậm nhất một quý sau khi kết thúc quý chi tiêu.
- Chế độ báo cáo quyết toán năm:
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chậm nhất hết tháng 1 năm sau.
+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Bộ Tài chính chậm nhất hết quý một năm sau.
+ Sau khi có thông báo quyết toán của Bộ Tài chinh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo duyệt quyết toán chính thức cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/1995. Trước ngày 1/10/1995 thực hiện theo thông tư số 29-TT/LB ngày 25/7/1990. Các qui định hướng dẫn trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Sở Tài chính - Vật giá cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời để Liên Bộ giải quyết.
Lê Duy Đồng (Đã ký) |
Tào Hữu Phùng (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.