BỘ TÀI CHÍNH-UỶ
BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1213/KHCN-TC |
Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1992 |
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 246-TC ngày 8 tháng 8 năm 1991 phê duyệt danhmục các chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (dưới đây gọi tắt là chương trình) giai đoạn 1991 - 1995. Điều 4 của quyết định giao cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước tổ chức thực hiện các chương trình bằng phương thức ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (dưới đây gọi tắt là hợp đồng) giữa Uỷ ban Khoa học Nhà nước với các Chủ nhiệm chương trình. Ngày 28 tháng 1 năm 1992 Hội đồng Bộ trưởng cũng đã ra Nghị định số 35-HĐBT về công tác quản lý khoa học và công nghệ (KHCN).
Để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35-HĐBT ngày 28 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng nhằm đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Bộ Tài chính ban hành thông tư này hướng dẫn việc quản lý tài chính của các chương trình KHCN cấp Nhà nước giai đoạn 1991 - 1995.
NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ KINH PHÍ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚCCẤP CHO CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHCN
1. Kinh phí cấp cho các chương trình phải được sử dụng có hiệu quả thiết thực, nhằm tạo ra sản phẩm khoa học cụ thể hướng vào việc thực hiện các mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế quốc dân cũng như xây dựng luận cứ khoa học cho các nghị quyết về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
2. Căn cứ để Bộ Tài chính cấp kinh phí cho các chương trình và đề tài cấp Nhà nước là dự toán được duyệt của chương trình và đề tài đã nêu trong hợp đồng.
Căn cứ vào dự toán của Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ Tài chính cấp kinh phí cho các bộ quản lý chương trình để các bộ này cấp phát cho các chủ nhiệm chương trình theo cơ chế hợp đồng. Đồng thời Bộ Tài chính cấp kinh phí cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước để Uỷ ban cấp cho các chủ nhiệm chương trình do Uỷ ban trực tiếp quản lý theo cơ chế hợp đồng.
3. Các cơ quan chủ trì chương trình và đề tài, chủ nhiệm chương trình, chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm thực hiện các qui định hiện hành về tài chính như lập dự toán, cấp kinh phí, thanh quyết toán khi nhận kinh phí KHCN của Nhà nước.
TRÌNH TỰ LẬP DỰ TOÁN CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI
A) LẬP DỰ TOÁN CHƯƠNG TRÌNH:
Các chương trình cấp Nhà nước thông thường phải thực hiện trong thời gian trên hai năm. Việc lập dự toán chương trình được tiến hành làm hai bước sau đây:
1. Lập tổng khái toán chương trình.
- Khi bắt đẩu triển khai chương trình, chưa có đầy đủ căn cứ để lập dự toán, các chủ nhiệm đề tài và chủ nhiệm chương trình lập tổng khái toán cho đề tài và chương trình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Tổng khái toán được phân bổ cho từng năm và sẽ được hiệu chỉnh trong quá trình thực hiện.
- Sau khi tổng khái toán chương trình được Uỷ ban Khoa học Nhà nước xét duyệt và thông báo dự kiến kinh phí của chương trình trong năm kế hoạch, các chủ nhiệm chương trình dự kiến phân bổ kinh phí cho các đề tài và kinh phí cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình căn cứ vào kế hoạch nghiên cứu - phát triển của năm kế hoạch.
2. Lập dự toán năm:
- Căn cứ vào tổng khái toán được thông qua và số kinh phí được dự kiến phân bổ cho năm kế hoạch, chủ nhiệm đề tài lập dự toán năm phù hợp với kế hoạch nghiên cứu - phát triển và với số kinh phí được dự kiến phân bổ.
- Chủ nhiệm chương trình cân đối và tổng hợp dự toán của các đề tài và dự toán chi phí cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình thành dự toán năm của toàn bộ chương trình. Sau đó gửi Uỷ ban Khoa học Nhà nước , Bộ Tài chính và bộ chủ quản.
- Uỷ ban Khoa học Nhà nước phối hợp với bộ chủ quản và Bộ Tài chính xem xét dự toán của các chương trình, cân đối với khả năng ngân sách hàng năm, phân bổ kinh phí cho các chương trình, đưa vào kế hoạch tài chính cho KHCN và trình Nhà nước duyệt.
B) NỘI DUNG, THỜI HẠN LẬP VÀ DUYỆT DỰ TOÁN:
Việc lập và duyệt dự toán của chương trình, đề tài phải căn cứ vào nội dung và khối lượng công việc cần triển khai trong năm kế hoạch đã nêu trong bản thuyết minh tổng quát của chương trình và đề tài, các chế độ chi tiêu của Nhà nước và các qui định tại thông tư liên bộ này.
Nội dung và biểu mẫu lập dự toán của chương trình, đề tài được hướng dẫn tại phụ lục của thông tư liên bộ này.
Thời hạn lập và duyệt dự toán của chương trình, đề tài được tiến hành song song với thời hạn lập và duyệt kế hoạch KHCN hàng năm (từ tháng 9 đến tháng 12 của năm trước năm kế hoạch).
C) Thù lao cho ban chủ nhiệm chương trình cấp Nhà nước và chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước tạm thời qui định như sau:
- Chủ nhiệm chương trình : 100.000 đ/tháng
- Phó chủ nhiệm và uỷ viên thư ký : 80.000 đ/tháng
- Uỷ viên Ban chủ nhiệm : 50.000 đ/tháng
- Kế toán chương trình : 50.000 đ/tháng
- Chủ nhiệm đề tài : 80.000 đ/tháng
Trường hợp các thành viên trong ban chủ nhiệm chương trình kiêm chủ nhiệm đề tài, cũng chỉ được hưởng một suất thù lao cao nhất.
Cấp phát kinh phí và quyết toán hàng năm đối với các chương trình đều được thực hiện theo các qui định chung của Nhà nước. Liên bộ qui định một số điểm dưới đây để việc cấp phát và quyết toán kinh phí của các chương trình phù hợp với đặc điểm tổ chức chương trình cấp Nhà nước giai đoạn 1991 - 1995.
1. Cấp phát kinh phí:
a) Chương trình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực tiếp quản lý:
Bộ tài chính cấp phát kinh phí trực tiếp cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước để Uỷ ban Khoa học Nhà nước cấp kinh phí cho các cơ quan chủ trì chương trình. Cơ quan chủ trì chương trình cấp kinh phí cho các đề tài. Việc cấp kinh phí căn cứ vào hợp đồng năm đã ký kết giữa Uỷ ban khoa học Nhà nước với các chủ nhiệm chương trình và hợp đồng đã ký giữa chủ nhiệm chương trình với các chủ nhiệm đề tài.
b) Chương trình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước quản lý thông qua các bộ:
Bộ Tài chính cấp kinh phí trực tiếp cho bộ chủ quản của chương trình để bộ chủ quản cấp phát cho các chương trình theo tiến độ thực hiện. Chủ nhiệm chương trình cấp phát kinh phí cho các đề tài. Việc cấp kinh phí căn cứ vào hợp đồng năm đã ký kết giữa chủ nhiệm chương trình với chủ nhiệm đề tài.
Để được cấp tiếp kinh phí đợt sau, các chủ nhiệm chương trình phải nộp báo cáo về tình hình thực hiện kinh phí đợt trước của chương trình trên cơ sở tổng hợp các báo cáo của các chủ nhiệm đề tài nộp cho chủ nhiệm chương trình.
Các chương trình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực tiếp quản lý thì các chủ nhiệm chương trình nộp báo cáo cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Bộ Tài chính. Các chương trình còn lại nộp báo cáo cho Uỷ ban khoa học Nhà nước, Bộ Tài chính và bộ chủ quản.
Trong quá trình thực hiện, tuỳ tình hình cụ thể, có thể xem xét điều chỉnh; đình chỉ hoặc thu hồi kinh phí cấp cho chương trình và đề tài trong các trường hợp sai phạm theo qui định.
2. Thu hồi kinh phí của chương trình:
Việc thu hồi kinh phí thực hiện theo thông tư số 1308/TC-KHKT ngày 24/11/1990 của liên bộ Tài chính - Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
Mức thu hồi và thời hạn thu hồi được ghi thành điều khoản chính thức trong hợp đồng.
Đối với các chương trình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực tiếp quản lý thì chủ nhiệm chương trình và đề tài nộp kinh phí thu hồi vào quĩ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước, do Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực tiếp quản lý. Các chương trình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước quản lý thông qua bộ thì chủ nhiệm chương trình và đề tài nộp kinh phí thu hồi vào quĩ phát triển khoa học công nghệ của bộ chủ quản được giao quản lý chương trình đó.
Trường hợp đề tài trong chương trình nộp kinh phí thu hồi chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cấp kinh phí cho cả chương trình đó.
3. Chế độ báo cáo quyết toán:
Cơ quan chủ trì đề tài và chủ nhiệm đề tài lập báo cáo quyết toán gửi cho chủ nhiệm chương trình và cơ quan chủ trì chương trình. Đối với chương trình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực tiếp cấp kinh phí, cơ quan chủ trì chương trình và chủ nhiệm chương trình lập báo cáo quyết toán của chương trình gửi cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Bộ Tài chính. Uỷ ban Khoa học Nhà nước duyệt và tổng hợp quyết toán gửi Bộ Tài chính.
Đối với chương trình do Bộ Tài chính trực tiếp cấp kinh phí cho bộ chủ quản thì bộ chủ quản và chủ nhiệm chương trình lập báo cáo quyết toán của chương trình gửi cho Bộ Tài chính và Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
Chế độ kế toán và quyết toán quí, năm thực hiện theo quyết định số 257 TC/CĐKT ngày 1/6/1990 và thông tư số 15-TC/HCVX ngày 29/5/1992 của Bộ Tài chính và hướng dẫn cụ thể của Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
4. Kiểm kê tài sản và thanh toán khi chương trình, đề tài kết thúc:
Khi đề tài, chương trình kết thúc, các chủ nhiệm đề tài, chủ nhiệm chương trình phải tiến hành kiểm kê và thanh toán tài sản theo chế độ qui định, và gửi báo cáo cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước, bộ chủ quản và Bộ Tài chính để xem xét, quyết định xử lý tài sản đã được mua sắm bằng kinh phí KHCN của Nhà nước.
Sau khi đề tài, chương trình hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ về chuyên môn và các trách nhiệm về tài chính, sẽ lập biên bản thanh lý chương trình.
Thông tư này áp dụng cho việc quản lý tài chính đối với các chương trình và các đề tài độc lập cấp Nhà nước giai đoạn 1991 - 1995. Thông tư này thay thế cho thông tư liên bộ Tài chính - Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước số 34/TC-KHKT ngày 17/12/1980.
Các bộ, tổng cục, các địa phương căn cứ vào thông tư này để xây dựng chế độ quản lý tài chính cho các đề tài, chương trình cấp bộ và địa phương.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.
HƯỚNG DẪN LẬP DỰ TOÁN CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNHĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
A. NỘI DUNG DỰ TOÁN ĐỀ TÀI:
Dự toán đề tài được lập theo biểu mẫu nêu ở Phụ lục DN2 kèm theo thông tư liên bộ này.
1. Khoản 1: Lương và thuê khoán.
1.1. Lương và phụ cấp: lương và phụ cấp của những cán bộ trực tiếp thực hiện đề tài được tính cụ thể cho từng năm căn cứ vào chế độ tiền lương hiện hành của Nhà nước.
Khoản này chỉ được dự toán cho các cơ sở đã thực hiện hạch toán kinh tế. Đối với các cơ sở đã được cấp lương từ ngân sách Nhà nước bằng các nguồn khác nhau, trong dự toán sẽ không tính lương và phụ cấp nữa.
1.2. Thuê khoán chuyên nôn và thù lao: Thuê khoán từng phần nội dung công việc cho các cán bộ thực hiện đề tài. Trong trường hợp chủ nhiệm đề tài hoặc cơ sở chủ trì đề tài không đủ điều kiện thực hiện một số phần công việc hoặc tự làm sẽ không có hiệu quả, thì được dùng kinh phí thuê khoán để ký hợp đồng thuê các cán bộ và cơ sở khác làm.
2. Khoản 2: Nguyên vật liệu, dụng cụ, phụ tùng và năng lượng dùng cho nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm, bao gồm:
2.1. Nguyên, vật liệu: các loại nguyên vật liệu chính (nguyên liệu khoáng, thực vật, động vật, kim loại, hoá chất...) và các loại vật liệu phụ (dầu mỡ bôi trơn, tạp phẩm...).
2.2. Dụng cụ, phụ tùng: các loại dụng cụ, linh kiện, phụ tùng và phương tiện làm việc.
2.3. Năng lượng (điện, than, xăng dầu) và nước.
3. Khoản 3: Thiết bị, máy móc chuyên dùng.
3.1. Mua thiết bị công nghệ: mua mới, thiết kế chế tạo trong nước hoặc sửa chữa khôi phục lại.
3.2. Mua thiết bị thử nghiệm đo lường, Mua mới thiết kế chế tạo trong nước hoặc sửa chữa khôi phục lại.
3.3. Khấu hao thiết bị.
3.4. Thuê thiết bị.
3.5. Chi phí vận chuyển, lắp đặt thiết bị.
Khoản chi về mua và chế tạo thiết bị công nghệ và thiết bị thử nghiệm đo lường phải được hạch toán và quyết toán riêng.
4. Khoản 4: Xây dựng nhỏ, sửa chữa nhỏ công trình xây dựng.
Khoản chi này chỉ có trong trường hợp hết sức cần thiết và chỉ sử dụng cho việc thực hiện đề tài như sửa đường điện, hệ thống nước, xây bệ đặt thiết bị thí nghiệm, sửa trần, sửa nền, xây vỏ bao che thiết bị, xưởng pilot, ống khói... trực tiếp liên quan đến việc thực hiện đề tài.
Khi đề tài có nhu cầu về xây dựng nhỏ, phải lập dự toán và xét duyệt cụ thể, không được dự toán trùng với kế hoạch chống xuống cấp của các cơ quan nghiên cứu được Nhà nước cấp khoản kinh phí này cho các bộ theo kế hoạch hàng năm.
5. Khoản 5: Quản lý, hành chính và các khoản chi khác, bao gồm:
5.1. Công tác phí.
5.2. Quản lý phí của đề tài: bao gồm bưu phí, chi phí để tiếp khách, giao dịch... và chi trả quản lý phí cho cơ sở chủ trì đề tài.
Mức chi hàng năm cho quản lý phí của đề tài dược xác định như sau:
- Mỗi đề tài được tính mức chi này bằng 2,5% kinh phí hàng năm của đề tài.
- Nếu kinh phí hàng năm của đề tài nhỏ hơn 200 triệu đồng, sẽ được cộng thêm 0,5% của trị số chênh lệch giữa 200 triệu đồng và kinh phí hàng năm của đề tài.
- Mức chi tối đa hàng năm cho quản lý phí của đề tài là 5 triệu đồng/năm.
Công thức tính toán:
Ký hiệu: Q - Quản lý phí của đề tài.
K - Kinh phí hàng năm của đề tài.
Q = 0,025.K + 0,005(200-K)
Thí dụ:
Kinh phí hàng năm của đề tài là 80 triệu đồng. Mức chi hàng năm cho quản lý phí của đề tài là:
0,025.80 + 0,005(200 - 80) = 2,6 triệu đồng.
Chủ nhiệm đề tài sẽ trích một phần quản lý phí nói trên của đề tài để chi trả quản lý phí cho cơ quan chủ trì đề tài. Các cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan chủ trì đề tài không được hưởng và không được đòi hỏi chủ nhiệm đề tài / cơ quan chủ trì đề tài trích nộp cho mình khoản quản lý phí này.
5.3. Chi phí nghiệm thu đề tài (khi đề tài kết thúc):
+ Nghiệm thu cấp cơ sở : 1.000.000 đồng
+ Nghiệm thu cấp Nhà nước : 1.500.000 đồng
Chi phí nghiệm thu đề tài dùng để chi cho Hội đồng nghiệm thu, các phản biện và hội nghị nghiệm thu.
Nếu trước khi họp Hội đồng nghiệm thu, cần tổ chức kiểm tra tại thực địa hoặc một số Uỷ viên Hội đồng và đại biểu ở địa phương khác đến dự họp Hội đồng, cần dự toán thêm khoản chi phí đi lại, lưu trú cho các đại biểu và Hội đồng nghiệm thu.
5.4. Dịch tài liệu phục vụ cho đề tài.
5.5. In ấn tài liệu và kết quả nghiên cứu, mua tài liệu nghiệp vụ, văn phòng phẩm.
5.6. Chi hội nghị, hội thảo khoa học.
5.7. Các nội dung chi khác ngoài các nội dung trên: thù lao cho chủ nhiệm đề tài v.v...
B. DỰ TOÁN CHI PHÍ CHO HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỦ NHIỆM CHƯƠNG TRÌNH
1. Chi phí thường xuyên cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình:
Để đưa công tác quản lý của ban chủ nhiệm chương trình vào nền nếp, liên bộ tạm thời qui định một số khoản chi phí thường xuyên cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình như sau:
1.1. Thù lao cho ban chủ nhiệm chương trình.
Ngoài tiền lương theo chế độ qui định của Nhà nước, các thành viên ban chủ nhiệm chương trình và kế toán chương trình được hưởng thêm khoản thù lao theo các mức đã nói ở trên.
Mức thù lao nói trên sẽ được điều chỉnh khi có trượt giá theo qui định của Nhà nước hoặc khi có cải cách tiền lương.
1.2. Hội nghị, hội thảo khoa học do ban chủ nhiệm chương trình tổ chức.
1.3. Công tác phí của ban chủ nhiệm chương trình.
1.4. Kiểm tra các đề tài, đánh giá nghiệm thu chương trình.
1.5. In tài liệu, giấy tờ quản lý, tài liệu báo cáo khoa học và kết quả nghiên cứu. Văn phòng phẩm, điện thoại, điện tín, tiền điện thắp sáng, tiền nhà nếu có.
1.6. Quản lý cơ sở hàng năm của cơ quan chủ trì chương trình: được chi tối đa 10% của tổng chi phí thường xuyên cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình.
1.7. Các nội dung chi khác ngoài các nội dung trên (chiếm dưới 5% chi phí thường xuyên cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình).
Chi phí thường xuyên hàng năm cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình được xác định như sau:
- Mỗi chương trình được tính mức chi bằng 3% kinh phí hàng năm của chương trình (không kể kinh phí để thực hiện các dự án sản xuất thử-thử nghiệm).
- Nếu kinh phí hàng năm của chương trình nhỏ hơn 2.000 triệu đồng, sẽ được cộng thêm 1,5% của trị số chênh lệch giữa 2.000 triệu đồng và kinh phí hàng năm của chương trình.
- Mức chi phí thường xuyên tối đa hàng năm cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình là 60 triệu đồng/năm.
Công thức tính toán:
Ký hiệu:
C - Chi phí thường xuyên hàng năm cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình.
K - Kinh phí hàng năm của chương trình.
C = 0,03.K + 0,015 (2000 - K)
Thí dụ:
Kinh phí hàng năm của chương trình là 1400 triệu đồng. Mức chi phí thường xuyên hàng năm cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình là:
0,03.1400 + 0,015(2000 - 1400) = 51 triệu đồng.
2. Chi phí không thường xuyên cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình:
Ngoài các khoản chi phí thường xuyên nói trên, khi có nhu cầu chi không thường xuyên như: mua máy móc, thiết bị, nhu cầu hợp tác quốc tế theo nhiệm vụ của chương trình và đề tài, sau khi cân nhắc tính khả thi, chủ nhiệm chương trình lập dự toán gửi Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét (đối với các chương trình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực tiếp quản lý). Đối với chương trình do Uỷ ban Khoa học, Nhà nước quản lý thông qua bộ, chủ nhiệm chương trình gửi bộ chủ quản để bộ có ý kiến trước khi gửi Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét.
Về nguyên tắc, chi phí không thường xuyên được cân đối trong kinh phí đã phân bổ hàng năm cho chương trình. Trường hợp có nhu cầu đột xuất khác, kinh phí của chương trình cân đối không đủ, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ Tài chính và bộ chủ quản tương ứng sẽ xem xét để hỗ trợ thêm.
C. DỰ TOÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Dự toán của chương trình được tổng hợp từ dự toán của các đề tài trong chương trình và dự toán chi phí cho hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình.
Dự toán của chương trình được lập theo biểu mẫu nêu ở Phụ lục N2 kèm theo thông tư liên bộ này.
Đặng Hữu (Đã ký) |
Hồ Tế (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.