BỘ TÀI CHÍNH -
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 102/2016/TTLT-BTC-BGTVT |
Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2016 |
HƯỚNG DẪN LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Căn cứ Nghị định số 51/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa.
Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Điều 3. Công trình đường thủy nội địa
Công trình đường thủy nội địa quy định tại Thông tư này bao gồm:
1. Đường thủy nội địa, âu tàu; kè, đập; báo hiệu và các công trình phụ trợ khác.
2. Phương tiện, thiết bị phục vụ cho hoạt động vận hành của các công trình, tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 4. Nguồn kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa
1. Kinh phí ngân sách nhà nước sự nghiệp đường thủy nội địa, gồm:
a) Kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa quốc gia bố trí từ ngân sách trung ương;
b) Kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa địa phương bố trí từ ngân sách địa phương.
2. Nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
3. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa phải theo đúng nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng chế độ; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh quyết toán kinh phí đã sử dụng, chế độ công khai ngân sách theo quy định hiện hành.
Điều 5. Nội dung chi kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa
1. Chi cho công tác quản lý, bảo trì thường xuyên công trình đường thủy nội địa, bao gồm:
a) Khảo sát, theo dõi thông báo tình trạng thực tế tuyến luồng chạy tàu, thuyền;
b) Tổ chức giao thông, kiểm tra bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;
c) Quản lý, lắp đặt, điều chỉnh báo hiệu đường thủy nội địa trên bờ, dưới nước; theo dõi thủy chí, thủy văn, đếm phương tiện;
d) Sửa chữa, bảo trì thường xuyên đường thủy nội địa:
- Nạo vét bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của luồng chạy tàu, thuyền theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa đã được công bố;
- Sửa chữa, bảo trì thường xuyên báo hiệu, phương tiện, thiết bị các công trình phục vụ trên tuyến đường thủy nội địa đang khai thác và các công tác khác liên quan trực tiếp đến sửa chữa, bảo trì thường xuyên đường thủy nội địa.
2. Chi sửa chữa không thường xuyên đường thủy nội địa, bao gồm:
a) Nạo vét chỉnh trị, thanh thải vật chướng ngại vật trong luồng và hành lang bảo vệ luồng (đối với các vật chướng ngại dưới lòng sông xác định được tổ chức hoặc cá nhân gây ra có biên bản xử lý thì tổ chức hoặc cá nhân đó phải chịu toàn bộ chi phí để trục vớt thanh thải);
b) Sửa chữa, bổ sung, thay thế báo hiệu, phương tiện, thiết bị theo định kỳ hoặc do hư hỏng đột xuất;
c) Sửa chữa các hệ thống kè, công trình chỉnh trị dòng chảy, nhà cửa, vật kiến trúc phục vụ công tác quản lý;
d) Chi phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ đường thủy nội địa.
đ) Chi các công tác khác liên quan trực tiếp đến sửa chữa không thường xuyên công trình đường thủy nội địa.
3. Chi hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa trong trường hợp nguồn thu phí đường thủy nội địa được để lại chi hoạt động theo quy định không đủ bù đắp chi phí hoạt động của Cảng vụ (nếu có).
1. Mức chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án sự nghiệp đường thủy nội địa thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính của pháp luật hiện hành.
2. Đối với nhiệm vụ, dự án có định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm thì căn cứ theo số lượng, khối lượng nhiệm vụ được giao, định mức kinh tế - kỹ thuật và theo đơn giá sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Điều 7. Lập, phân bổ, chấp hành dự toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa
Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung như sau:
1. Lập dự toán:
a) Lập dự toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa quốc gia:
Hàng năm, căn cứ vào số kiểm tra về dự toán chi ngân sách nhà nước, nhiệm vụ được giao; định mức chi, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, đơn giá sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, nội dung chi quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này, các đơn vị được giao nhiệm vụ lập dự toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa quốc gia, gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xem xét, tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước của Bộ gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ trình Quốc hội theo quy định.
b) Lập dự toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa địa phương:
Hàng năm, căn cứ vào số kiểm tra về dự toán chi ngân sách nhà nước, nhiệm vụ được giao; định mức chi, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, đơn giá sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, nội dung chi quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này, cơ quan giao thông vận tải địa phương lập dự toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa địa phương, gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
2. Phân bổ và giao dự toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa:
a) Đối với kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa quốc gia:
Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập phương án phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa quốc gia cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải đối với tuyến đường thủy nội địa quốc gia được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền quản lý; chi tiết theo nội dung chi quy định tại Điều 5 Thông tư này, chi tiết theo đoạn, tuyến luồng, khối lượng và kinh phí. Đối với công trình có thời gian thi công trên 01 năm, việc phân bổ dự toán từng năm phải bảo đảm theo khối lượng và thời gian thi công được phê duyệt trong quyết định của cấp có thẩm quyền; không phân bổ dự toán đối với khối lượng đã thực hiện ngoài danh mục dự toán ngân sách được giao năm trước. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Việc phân bổ và giao dự toán ngân sách kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa quốc gia thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Đối với kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa địa phương:
Căn cứ dự toán được cấp thẩm quyền giao, Cơ quan Giao thông vận tải địa phương lập phương án phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa địa phương cho các đơn vị dự toán trực thuộc, chi tiết theo nội dung chi quy định tại Điều 5 Thông tư này, chi tiết theo đoạn, tuyến luồng, khối lượng và kinh phí. Đối với công trình có thời gian thi công trên 01 năm, việc phân bổ dự toán từng năm phải bảo đảm theo khối lượng và thời gian thi công được phê duyệt trong quyết định của cấp có thẩm quyền; không phân bổ dự toán đối với khối lượng đã thực hiện ngoài danh mục dự toán ngân sách được giao năm trước.
Việc phân bổ và giao dự toán ngân sách kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Về chấp hành dự toán
Căn cứ dự toán chi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các đơn vị thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi theo quy định hiện hành về chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm đối với tạm ứng, thanh toán kinh phí quản lý, bảo trì thường xuyên, sửa chữa không thường xuyên công trình đường thủy nội địa như sau:
a) Hồ sơ ban đầu:
- Quyết định giao dự toán ngân sách năm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Quyết định phê duyệt nhiệm vụ chi, dự toán, các quyết định điều chỉnh (nếu có);
- Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, chỉ định thầu hoặc đặt hàng theo quy định hiện hành;
- Hợp đồng đấu thầu, đặt hàng thực hiện quản lý, bảo trì đường thủy nội địa;
- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về định mức, đơn giá thanh toán của nhiệm vụ (nếu có).
Các đơn vị phải gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản các tài liệu cơ sở của nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa; báo cáo kinh tế kỹ thuật, kèm theo quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, trong trường hợp phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật (các tài liệu này đều là bản chính hoặc bản sao có đóng dấu sao y bản chính của đơn vị, chỉ gửi một lần cho đến khi nhiệm vụ, dự án kết thúc, trừ trường hợp phải bổ sung, điều chỉnh).
b) Tạm ứng kinh phí:
- Bảo lãnh khoản tiền tạm ứng của nhà thầu trong các trường hợp: Khoản chi phải bảo lãnh tạm ứng theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc khoản chi mà hợp đồng có thỏa thuận bảo lãnh tạm ứng.
- Giấy đề nghị tạm ứng;
- Giấy rút dự toán ngân sách (tạm ứng);
Các đơn vị thực hiện được tạm ứng tối đa không quá 60% giá trị dự toán, hoặc hợp đồng đã ký của khối lượng công việc được giao trong năm kế hoạch; phần còn lại sẽ được thanh toán sau khi hoàn thành khối lượng nghiệm thu bàn giao theo quy định.
c) Thanh toán:
- Khi có khối lượng hoàn thành theo tiến độ, đơn vị gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản các hồ sơ, chứng từ để thanh toán thu hồi lại số kinh phí đã tạm ứng; như sau:
+ Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng;
+ Bảng kê chứng từ thanh toán (đối với các khoản chi không có hợp đồng), Bảng xác nhận giá trị khối lượng công việc, nhiệm vụ hoàn thành (đối với các khoản chi theo hợp đồng);
Căn cứ vào giấy đề nghị thanh toán của đơn vị, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển từ tạm ứng sang thanh toán (số đã tạm ứng);
- Khi đơn vị hoàn thành toàn bộ khối lượng, công việc theo dự toán, hợp đồng, đơn vị gửi Kho bạc Nhà nước các hồ sơ, chứng từ sau để thanh toán hết số còn lại:
+ Biên bản nghiệm thu sản phẩm, khối lượng công việc hoàn thành bàn giao, kèm Bảng xác định giá trị khối lượng công việc, nhiệm vụ hoàn thành;
+ Thanh lý hợp đồng, hoặc báo cáo quyết toán chi phí khối lượng đã thực hiện hoặc hoàn thành (tổng hợp khối lượng và giá trị thực hiện);
+ Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng;
+ Giấy rút dự toán ngân sách.
Điều 8. Kinh phí chuyển sang năm sau
Việc xử lý số dư cuối năm kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về công tác khóa sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.
1. Báo cáo quyết toán
Hết kỳ kế toán các đơn vị dự toán phải thực hiện công tác khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán. Trình tự lập, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và trách nhiệm xét duyệt báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành.
2. Xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán
a) Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa hàng năm thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp và các văn bản hướng dẫn thực hiện hiện hành;
b) Các khoản chi vượt định mức, chi không đúng chế độ, chi sai nội dung chi quy định tại Thông tư liên tịch này đều phải xuất toán và xử lý theo quy định.
c) Đối với quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho địa phương quản lý: Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán kinh phí được ủy quyền, báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm xét duyệt quyết toán, tổng hợp trong quyết toán năm của Cục báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
d) Đối với nhiệm vụ có tính chất đầu tư quy định tại điểm a, b, c, đ Khoản 2 Điều 5 Thông tư này, ngoài việc thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, khi công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, phải thực hiện quyết toán công trình hoàn thành theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cơ quan Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tình hình quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa tại các đơn vị được giao dự toán, nhằm bảo đảm việc sử dụng kinh phí được giao đúng mục đích, có hiệu quả.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2016.
2. Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 09/2008/TTLT-BTC-BGTVT ngày 30/01/2008 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ lập dự toán, quản lý, cấp phát và thanh quyết toán vốn sự nghiệp kinh tế đường thủy nội địa.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải để giải quyết kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.