BỘ ĐẠI HỌC VÀ
TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP-BỘ GIÁO DỤC-TỔNG CỤC DẠY NGHỀ-UỶ BAN BẢO VỆ BÀ MẸ TRẺ
EM |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21-TT/GD |
Hà Nội , ngày 22 tháng 7 năm 1986 |
Ngày 26 -4 -1986, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 52-HĐBT về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú, Bộ giáo dục, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục dạy nghề, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị định trên như sau: I. ĐỐI TƯỢNG Danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" và "Nhà giáo ưu tú" tặng cho:
1. Các cô nuôi dạy trẻ.
2. Các giáo viên phổ thông, mẫu giáo, bổ túc văn hoá, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
3. Cán bộ giảng dạy đại học và cao đẳng.
4. Cán bộ quản lý các nhà trẻ và các trường học.
5. Cán bộ công tác ở các cơ quan quản lý giáo dục mà trước đó đã có thời gian làm công tác nuôi dạy trẻ hoặc giảng dạy ở các trường học.
Khi xét chọn phải bảo đảm tỷ lệ cân đối giữa các ngành giáo dục và các đối tượng, phải quan tâm trước hết đến những nhà giáo trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ, giáo dục, giảng dạy ở cơ sở.
II. TIÊU CHUẨN Tiêu chuẩn đã ghi trong điều 2 của Nghị định bao gồm các yêu cầu về đạo đức cách mạng, tài năng sư phạm, công lao trong sự nghiệp giáo dục và thời gian tham gia công tác giáo dục.1. Về đạo đức cách mạng: Phải trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp, thiết tha yêu nghề, thương học sinh, thực sự xứng đáng là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức.
2. Về tài năng sư phạm và công lao trong sự nghiệp giáo dục, phải đạt 4 yêu cầu cụ thể:
a) Đã đạt trình độ đào tạo "chuẩn" hoặc đạt trình độ tương đương với tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định của từng ngành giáo dục.
b) Đã thực hiện sáng tạo mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nuôi dạy trẻ, giảng dạy giáo dục và quản lý giáo dục, được tập thể đồng nghiệp và các cấp quản ký giáo dục đánh giá cao.
c) Có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học hoặc tổng kết sáng kiến, kinh nghiệm. "Nhà giáo ưu tú" phải có sáng kiến kinh nghiệm hoặc công trình nghiên cứu khoa học, được ứng dụng có hiệu quả trong công tác giáo dục, đào tạo, sản xuất và chiến đấu.
"Nhà giáo nhân dân" phải có công trình nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến kinh nghiệm, được ứng dụng rộng rãi, đạt hiệu quả lớn trong công tác giáo dục, đào tạo, sản xuất và chiến đấu.
d) Có thành tích trong công tác bồi dưỡng đồng nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ: hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên mới vào nghề tiến bộ nhanh chóng; hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác giảng dạy giáo dục và nghiên cứu khoa học có kết quả; tham gia các lớp bồi dưỡng do nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục tổ chức đạt kết quả tốt v.v...
3. Về thời gian công tác: "Nhà giáo ưu tú" phải có ít nhất 10 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nuôi dạy trẻ. Nếu là cán bộ quản lý thì phải có ít nhất 7 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nuôi dạy trẻ trong số 10 năm công tác giáo dục.
"Nhà giáo nhân dân" phải có ít nhất 15 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nuôi dạy trẻ. Nếu là cán bộ quản lý thì phải có ít nhất 10 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nuôi dạy trẻ trong số 15 năm công tác giáo dục. Những trường hợp dưới đây được giảm 3 năm công tác so với thời gian quy định:
a) Công tác ở một trong các tỉnh Sơn la, Lai châu, Hoàng liên sơn, Hà tuyên, Cao bằng, Lạng sơn, Gia lai - Kon Tum, Daklak, Lâm đồng, các huyện miền núi và các vùng có khó khăn đặc biệt thuộc các tỉnh khác.
b) Công tác ở các hải đảo xa.
c) Dạy các nghề nặng nhọc, độc hại, ngoài trời.
Trên đây là nội dung các tiêu chuẩn về đạo đức, tài năng, công lao đối với các "Nhà giáo nhân dân" và "nhà giáo ưu tú". Khi vận dụng cần nắm vững mức độ khác nhau giữa "Nhà giáo nhân dân" và "nhà giáo ưu tú". "Nhà giáo ưu tú" phải thực sự xứng đáng là nhà sư phạm mẫu mực, có tài năng sư phạm, có công lao trong sự nghiệp giáo dục được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân tín nhiệm. "Nhà giáo nhân dân" phải đạt yêu cầu cao hơn là có tài năng sư phạm xuất sắc, có công lao lớn trong sự nghiệp giáo dục, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.
Đối với những người được điều động về làm công tác ở các cơ quan quản lý giáo dục từ cấp huyện trở lên, khi vận dụng tiêu chuẩn phải căn cứ vào 2 thời kỳ là thời kỳ ở cơ sở và thời kỳ ở cơ quan quản lý giáo dục. Khi ở cơ sở phải đạt các tiêu chuẩn đã nêu trên đây. Khi công tác ở cơ quan quản lý vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, có sáng kiến kinh nghiệm tốt về cải tiến quản lý, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục của ngành, của địa phương.
III. QUYỀN LỢI CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC TẶNG DANH HIỆU. Những người được tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" và "Nhà giáo ưu tú" được những quyền lợi dưới đây:- Được cấp bằng chứng nhận và huy hiệu.
- Được nâng lương sớm hơn thời hạn quy định.
- Được thưởng một số tiền hoặc hiện vật. Mức thưởng từng năm sẽ do Thủ trưởng các ngành giáo dục cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.
- Được Nhà nước giúp đỡ tạo những điều kiện cần thiết để bồi dưỡng nâng cao trình độ nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.
IV. THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG XÉT TẶNG DANH HIỆU"NHÀ GIÁO NHÂN DÂN" VÀ "NHÀ GIÁO ƯU TÚ" CÁC CẤP(sau đây gọi tắt là Hội đồng xét tặng danh hiệunhà giáo).
1. ở trung ương:a) Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo trung ương (Hội đồng chung của 4 ngành giáo dục).
Bộ máy giúp việc của Hội đồng là tổ Thư ký hội đồng.
b) Thủ trưởng các ngành giáo dục ra quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của từng ngành giáo dục, gọi là:
- Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của Bộ giáo dục.
- Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của bộ đại học và trung học chuyên nghiệp.
- Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của Tổng cục dạy nghề.
- Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương.
Nhiệm vụ tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo Trung ương và từng ngành giáo dục sẽ có văn bản quy định riêng.
2. ở cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) không thành lập Hội đồng chung của các ngành giáo dục, mà thành lập Hội đồng của từng ngành giáo dục.
a) Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của sở giáo dục: xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "nhà giáo ưu tú" cho các nhà giáo của các ngành học phổ thông, mẫu giáo, bổ túc văn hoá, các trường sư phạm trực thuộc sở và cơ quan quản lý giáo dục trong tỉnh.
b) Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của ban giáo dục chuyên nghệp tỉnh: xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" cho các nhà giáo của các trường cao đẳng, các trường trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề của địa phương và của trung ương đóng tại địa phương và các cơ quan quản lý giáo dục chuyên nghiệp trong tỉnh (trừ các trường sư phạm trực thuộc sở giáo dục và các trường đào tạo cô nuôi dạy trẻ).
c) Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của Uỷ ban bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh: xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" cho các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên các trường đào tạo cô nuôi dạy trẻ và các nhà giáo (cô nuôi dạy trẻ, giáo viên) công tác ở các cơ quan quản lý ngành nuôi dạy trẻ trong tỉnh.
Thành phần Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo từng ngành giáo dục của tỉnh, do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, theo đề nghị của Thủ trưởng các ngành giáo dục tỉnh.
3. ở các trường đại học và các trường trực thuộc các Bộ giáo dục, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục dạy nghề, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương và các trường đại học thuộc các bộ khác: thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của trường do Hiệu trưởng làm Chủ tịch, Thư ký công đoàn làm Phó chủ tịch.
Hiệu trưởng các trường nói trên ra quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu "nhà giáo" và báo cáo với Thủ trưởng các ngành giáo dục. Mỗi hội đồng có từ 7 đến 9 thành viên.
V. THỦ TỤC XÉT DUYỆT VÀ ĐỀ NGHỊ TẶNG DANH HIỆU 1. Xét chọn ở các địa phương:a) Bộ giáo dục, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục dạy nghề, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương sẽ hướng dẫn cụ thể thủ tục xét chọn trong từng ngành và phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Người được đề nghị xét tặng danh hiệu phải được cán bộ, giáo viên, công nhân viên ở cơ sở (nơi người đó công tác) nhất trí cao và phải được cấp uỷ, chính quyền địa phương nhất trí.
- Đối với các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề do trung ương quản lý đóng tại địa phương thì người được đề nghị tặng danh hiệu phải do các Bộ (hoặc cơ quan ngang bộ) chủ quản nhất trí.
Sau khi lấy ý kiến của cơ sở, Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của ngành giáo dục tỉnh họp để nghiên cứu hồ sơ và ý kiến quần chúng, thảo luận, phân tích, đánh giá đạo đức, tài năng sư phạm, công lao của từng người và bỏ phiếu kín (phải có ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng dự họp mới coi là hợp lệ).
Người được Hội đồng đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xét phải được 90% người họp nhất trí.
Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ đề nghị của Thủ trưởng các ngành giáo dục tỉnh để xét chọn và gửi đề nghị cho Thủ trưởng các ngành giáo dục ở trung ương (các nhà giáo thuộc ngành giáo dục nào thì gửi đề nghị lên Thủ trưởng ngành giáo dục đó).
2. Xét chọn ở các trường đại học và các trường trực thuộc các Bộ giáo dục, đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục dạy nghề, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương và các trường đại học thuộc các Bộ khác.
a) Các khoa đề cử những người được tặng danh hiệu.
b) Tổ chức lấy ý kiến của quần chúng trong trường bằng cách:
- Họp toàn thể cán bộ giáo viên hoặc cán bộ cốt cán của trường hoặc của khoa để phân tích, đánh giá từng người và bỏ phiếu kín.
- Tổ chức lấy ý kiến của đại biểu sinh viên trong khoa (chỉ ghi biên bản không bỏ phiếu).
c) Họp hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo của trường để nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu ý kiến của quần chúng, thảo luận, phân tích, đánh giá từng người và bỏ phiếu kín (phải có 2/3 số thành viên hội đồng dự họp mới coi là hợp lệ). Người được đề nghị lên thủ trưởng các ngành giáo dục xét tặng danh hiệu phải được 90% số người dự họp nhất trí.
Đối với các trường đại học không thuộc Bộ đại học và Bộ giáo dục trực tiếp quản lý thì danh sách các nhà giáo được đề nghị xét tặng danh hiệu phải có ý kiến của bộ chủ quản và chuyển đến Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp.
3. Xét chọn ở Trung ương:
Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú sẽ tổ chức xét chọn, đề nghị lên Hội đồng Bộ trưởng xem xét. Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định. (Quy trình xét chọn cụ thể sẽ có văn bản quy định riêng).
VI. HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ TẶNG DANH HIỆU. Hồ sơ gửi lên Thủ trưởng các ngành giáo dục ở trung ương gồm có:1. Văn bản đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Hiệu trưởng các trường trực thuộc các Bộ giáo dục, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục dạy nghề, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em và các trường đại học khác.
2. Danh sách những người được đề nghị tặng danh hiệu.
3. Bản thành tích của cá nhân có ý kiến xác nhận của thủ trưởng cấp trên trực tiếp.
4. Một số kinh nghiệm sáng kiến hoặc công trình nghiên cứu khoa học có ý kiến đánh giá xác nhận của Hội đồng khoa học các ngành giáo dục tỉnh hoặc của trường cao đẳng hay đại học hoặc có văn bản chứng nhận của Uỷ ban khoa học Nhà nước hay của cơ quan có thẩm quyền khác.
5. Biên bản lấy ý kiến của quần chúng cơ sở.
VII. CÔNG BỐ VÀ XOÁ BỎ DANH HIỆU"NHÀ GIÁO NHÂN DÂN" VÀ "NHÀ GIÁO ƯU TÚ" Các danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" và "Nhà giáo ưu tú" được công bố hai năm 1 lần vào ngày 20-11. Uỷ ban nhân dân các tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổ chức công bố danh hiệu, trao huy chương và phần thưởng.Trong trường hợp người được tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" không còn xứng đáng với danh hiệu ấy nữa thì Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc hiệu trưởng các trường đề nghị hội đồng xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" và "Nhà giáo ưu tú" xem xét lại để đề nghị Hội đồng bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước xoá bỏ danh hiệu đã được tặng.
Căn cứ vào Thông tư này, các Bộ giáo dục, đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục dạy nghề, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương cụ thể hoá những điểm cần thiết cho phù hợp với từng ngành và có kế hoạch triển khai đến cơ sở.
Đinh Thị Cẩn (Đã ký) |
Hồng Long (Đã ký) |
Nguyễn Đình Tứ (Đã ký) |
Nguyễn Thị Bình (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.