BỘ
TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC HẢI QUAN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56-TT/LB |
Hà Nội , ngày 24 tháng 8 năm 1996 |
Thi hành Chỉ thị số 575/TTg ngày 24-8-1996 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp đôn đốc và chống nợ đọng thuế xuất nhập khẩu trong các năm 1996 - 1997; Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể như sau:
I- BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG THU HỒI, XỬ LÝ NỢ ĐỌNG THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU, THU KHÁC CỦA HẢI QUAN
a) Đối với những đơn vị đã có quyết định giải thể nhưng còn nợ thuế xuất nhập khẩu và thu khác thì cơ quan ra quyết định giải thể đơn vị chỉ đạo Ban thanh lý giải thể đơn vị hoặc đề nghị Ban thanh toán công nợ (đối với những đơn vị đã có quyết định giải thể trước đây) thực hiện việc thanh toán các khoản công nợ của đơn vị bị giải thể theo đúng thứ tự ưu tiên quy định tại điểm 3, mục II, Thông tư số 54 TC/CN ngày 13-11-1990 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính khi giải thể xí nghiệp quốc doanh.
Trường hợp nguồn vốn thanh lý giai thể không đủ trả nợ thuế xuất nhập khẩu và thu khác thì Cục Hải quan địa phương kết hợp với Ban thanh lý giải thể đơn vị, Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với doanh nghiệp địa phương); hoặc Bộ chủ quản đối với doanh nghiệp trung ương) đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan trình Chính phủ xem xét xoá nợ.
b) Đối với các đơn vị đang còn hoạt động (kể cả các đơn vị giải thể sát nhập vào đơn vị khác; đơn vị tách thành nhiều đơn vị khác) nhưng còn nợ thuế xuất nhập khẩu và thu khác thì cơ quan tiếp nhận đơn vị sát nhập hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị tách ra thành nhiều đơn vị phải làm thủ tục đối chiếu, xác nhận số nơ thuế xuất nhập khẩu và thu khác với cơ quan hải quan nơi đơn vị còn nợ. Trên cơ sở bản đối chiếu, xác nhận nợ với cơ quan hải quan, đơn vị phải đăng ký, cam kết kế hoạch nộp số nợ thuế đến hết ngày 30-9-1996. Mọi trường hợp không nộp thuế theo đúng kế hoạch cam kết đã đăng ký với cơ quan Hải quan đều phải bị xử lý theo mục II, mục III, mục V của Thông tư này.
Đối với những đơn vị không có khả năng nộp số tiền thuế còn nợ do đơn vị làm ăn thua lỗ: sau khi có kiểm tra, xác nhận của Cục thuế, Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với doanh nghiệp địa phương) hoặc Bộ chủ quản (đối với doanh nghiệp trung ương) báo cáo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan để trình Chính phủ xem xét cho phép việc xoá nợ.
c) Đối với các đơn vị nhận uỷ thác xuất nhập khẩu cho các đơn vị khác còn nợ thuế xuất nhập khẩu và thu khác cũng phải thực hiện theo tiết a, b điểm I trên đây.
d) Đối với các đơn vị có tờ khai hải quan hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu đăng ký trước ngày 1/4/1992 đã nộp hết số nợ thuế thì Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi đơn vị nợ thuế xuất nhập khẩu xử lý miễn phạt chậm nộp thuế cho đơn vị.
a) Cục Hải quan địa phương nơi đơn vị còn nợ thuế phải tiến hành đối chiếu số nợ thuế và thu khác của đơn vị và yêu cầu đơn vị cam kết kế hoạch nộp hết số nợ đọng vào ngân sách Nhà nước đến hết ngày 30-9-1996. Mọi trường hợp nộp thuế không đúng kế hoạch cam kết đều phải bị xử lý theo mục II, mục III, mục V của Thông tư này.
- Đối với những đơn vị đã giải thể thì cơ quan ra quyết định giải thể đơn vi phải đối chiếu, xác nhận nợ với cơ quan Hải quan và yêu cầu Ban thanh lý giải thể đơn vị thực hiện việc thanh toán các khoản công nợ của đơn vị bị giải thể theo đúng thứ tự ưu tiên quy định tại điểm 3, mục II Thông tư số 54/TC-CN ngày 13-11-1990 của Bộ Tài chính.
- Đối với những đơn vị sát nhập vào đơn vị khác, đơn vị tách ra thành nhiều đơn vị khác, đơn vị xuất nhập khẩu uỷ thác thì đơn vị tiếp nhận đơn vị sát nhập hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị tách ra nhiều đơn vị hoặc đơn vị nhận xuất nhập khẩu uỷ thác phải đối chiếu, xác nhận nợ với cơ quan Hải quan và thực hiện kế hoạch nộp số thuế xuất nhập khẩu và thu khác còn nợ đến hết ngày 30-9-1996 theo đúng quy định trên đây.
b) Đến hết ngày 30-9-1996 nếu đơn vị đã nộp xong tiền thuế nợ đọng quá hạn (quá 15 ngày đối với hàng xuất khẩu, quá 30 ngày đối với hàng nhập khẩu, quá 90 ngày đối với hàng có nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu) và các khoản thu khác của Hải quan nếu còn có khó khăn do nguyên nhân khách quan nên không có khả năng nộp tiền phát chậm nộp thuế xuất nhập khẩu thì sẽ được Tổng cục Hải quan xem xét giải quyết miễn hoặc giảm tiền phạt chậm nộp đối với từng tờ khai. Thủ tục xét miễn hoặc giảm tiền phạt chậm nộp thuế được quy định như sau:
- Công văn đề nghị xin miễn hoặc giảm (mức xin giảm cụ thể) tiền phạt chậm nộp thuế xuất nhập khẩu cho đơn vị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với doanh nghiệp địa phương) hoặc Bộ chủ quản (đối với doanh nghiệp trung ương).
- Công văn đề nghị xét miễn hoặc giảm tiền phạt chậm nộp thuế của đơn vị có kiểm tra xác nhận và đề nghị của cơ quan thuế địa phương.
- Bản xác nhận của Cục Hải quan địa phương nơi đơn vị đã nộp xong tiền thuế nợ đọng đến hết ngày 30-9-1996.
- Bản đối chiếu số nợ phạt chậm nộp thuế (theo từng tờ khai Hải quan hàng xuất nhập khẩu) giữa đơn vị và Cục Hải quan nơi đơn vị còn nợ tiền phạt chậm nộp thuế.
- Căn cứ vào các quy định trên đây, Tổng cục Hải quan xem xét giải quyết miễn hoặc giảm phạt tiền chậm nộp thuế theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ chủ quản cho từng tờ khai và từng trường hợp cụ thể. Đối với các đơn vị đã nộp xong toàn bộ hoặc một phần tiền phạt chậm nộp thuế (nếu có) trước khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (số 575/TTg ngày 24-8-1996) thì không được xem xét hoàn lại số tiền phạt đã nộp.
Từ ngày 1-10-1996 trở đi nếu đơn vị còn nợ thuế xuất nhập khẩu và nợ tiền phạt chậm nộp đến thời hạn phải cưỡng chế theo Luật mà cố tình chây ỳ không nộp vào ngân sách Nhà nước, thì Cục trưởng cục Hải quan địa phương nơi đơn vi còn nợ thuế xuất nhập khẩu và nợ tiền phạt chậm nộp ra quyết định yêu cầu Ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản trích tiền trên số dư tài khoản của đơn vị để nộp vào ngân sách Nhà nước đúng bằng số tiền thuế xuất nhập khẩu và tiền phạt đơn vị còn nợ. Trường hợp số tiền trên số dư tài khoản của đơn vị không đủ để thanh toán toàn bộ số tiền thuế xuất nhập khẩu và tiền phạt còn nợ thì số tiền nợ thuế xuất nhập khẩu còn lại, ngoài việc áp dung biện pháp cưỡng chế theo Điều 20 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn bị áp dụng biện pháp theo mục III của Thông tư này.
Đối với các đơn vị nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu cho các đơn vị, cá nhân khác mà còn nợ thuế xuất nhập khẩu, nợ tiền phạt thì cũng phải áp dụng theo biện pháp này.
III- BIỆN PHÁP TRƯNG THU HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU CỦA DOANH NGHIỆP
Ngoài việc áp dung các biện pháp đã nêu ở trên mà không có khả năng thu hồi số tiền thuế xuất nhập khẩu, và tiền phạt còn nợ đọng thì Cục Hải quan địa phương nơi đơn vị còn nợ đọng ra quyết định và trưng thu hàng hoá nhập khẩu với giá trị tương đương với số tiền thuế, tiền phạt còn nợ (bao gồm cả hàng hoá đang làm thủ tục nhập khẩu và hàng hoá đã nhập khẩu thuộc sở hữu của đơn vị còn nợ đọng thuế xuất nhập khẩu). Sau khi trưng thu hàng hó, cơ quan Hải quan làm thủ tục chuyển giao hàng hoá trưng thu cho Sở tài chính vật giá để tổ chức bán đấu giá theo quy định, lấy tiền nộp thuế xuất nhập khẩu còn nợ đọng vào ngân sách Nhà nước, theo đúng tài khoản chuyên thu của Hải quan và mục lục ngân sách hiện hành.
Đối với đơn vị còn nợ thuế xuất nhập khẩu nhưng làm thủ tục nhập hàng tại Cục Hải quan khác thì Cục Hải quan nơi đơn vị còn nợ tiền thuế xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Hải quan nơi đơn vị làm thủ tục nhập hàng để tiến hành thực hiện theo biện pháp quy định trên.
Đối với đơn vị còn nợ thuế xuất nhập khẩu nhưng không làm thủ tục nhập hàng nữa thì Cục Hải quan nơi đơn vị còn nợ tiền thuế xuất nhập khẩu ra quyết định trưng thu hàng hoá đã nhập khẩu thuộc sở hữu của đơn vị mà đơn vị đang kinh doanh, sau đó làm thủ tục chuyển giao hàng hoá cho Sở tài chính vật giá nơi đơn vị đóng trụ sở kinh doanh để tổ chức bán đấu giá theo quy định trên.
Sau khi ra quyết định trưng thu hàng hoá nhập khẩu của đơn vị, Cục Hải quan địa phương phải thông báo cho Sở tư pháp biết và phối hợp thực hiện việc bán đấu giá.
Số tiền bán đấu giá còn lại sau khi trừ số tiền thuế xuất nhập khẩu đơn vị còn nợ, chi phí trưng thu, tổ chức bán đấu giá và số hàng hoá còn lại, Cục Hải quan ra quyết định trả lại cho đơn vị. Sau khi ra quyết định trưng thu hàng hoá và tổ chức bán đấu giá, Cục Hải quan, Sở tài chính vật giá phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ chủ quản đơn vị, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về số thu thuế xuất nhập khẩu và tiền phạt từ việc bán đấu giá.
IV- BIỆN PHÁP THẾ CHẤP TÀI SẢN VÀ BẢO LÃNH CỦA NGÂN HÀNG
Đối với những đơn vị còn nợ đọng thuế xuất nhập khẩu và tiền phạt đã kéo dài quá hạn phải cưỡng chế, nhưng gặp rủi ro, bất trắc, do nguyên nhân khách quan: thiên tai bão lụt, hoả hoạn gây thiệt hại hàng hoá, tài sản ..., đơn vị không thể nộp đủ tiền thuế xuất nhập khẩu ngay được, thì Tổng cục Hải quan được phép cho đơn vị hoãn nợ với điều kiện đơn vị phải thế chấp tài sản tương đương với số thuế còn nợ với cơ quan Ngân hàng hoặc phải được Ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản đứng ra bảo lãnh.
Thủ tục hoãn nợ thuế quá hạn:
- Công văn đề nghị cho phép hoãn nợ thuế xuất nhập khẩu của đơn vị, có kiểm tra xác nhận của cơ quan thuế địa phương và đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ chủ quản.
- Bản đối chiếu xác nhận số nợ thuế xuất nhập khẩu giữa đơn vị với cơ quan Hải quan nơi đơn vị còn nợ (chi tiết theo từng tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu).
- Văn bản thế chấp tài sản bằng giá trị tương đương số thuế đơn vị còn nợ với ngân hàng theo đúng thủ tục về thế chấp tài sản của Ngân hàng quy định hoặc giấy bảo lãnh, cam kết của Ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản.
Trên cơ sở các hồ sơ quy định trên đây, Tổng cục Hải quan xem xét cho hoãn nợ thuế xuất nhập khẩu đối với từng trường hợp cụ thể, nhưng thời gian cho phép hoãn nợ thuế xuất nhập khẩu chạm nhất không quá 60 ngày (sáu mươi ngày) kể từ ngày quá thời hạn nộp thuế quy định. Sau khi ra quyết định cho hoãn nợ thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan phải thông báo cho Bộ tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ chủ quản và cơ quan thuế địa phương được biết.
V- BIỆN PHÁP ĐÌNH CHỈ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU
Đối với những đơn vị còn nợ thuế xuất nhập khẩu và tiền phạt chậm nộp phải cưỡng chế, nếu áp dụng tất cả các biện pháp trên đây vẫn không có hiệu quả hoặc những đơn vị còn nợ thuế xuất nhập khẩu kéo dài thì hàng tháng (vào ngày 25 hàng tháng), Cục Hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách gửi về Tổng cục Hải quan để lập danh sách thông báo cho Bộ Thương mại đình chỉ việc cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đối với các đơn vị này. Sau khi đình chỉ việc cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu của đơn vị, Bộ Thương mại phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ chủ quản, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan được biết.
VI- Trong quá trình thực hiện việc đôn đốc thu nộp số thuế còn nợ đọng, nếu phát hiện doanh nghiệp nào cố tình chây ỳ, hoặc có hành động gây cản trở đối với lực lượng làm nhiệm vụ nhằm mục đích chiếm dụng thuế của ngân sách Nhà nước thì Cục Hải quan các tỉnh, thành phố lập hồ sơ báo cáo về Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuỳ theo mức độ vi phạm của các doanh nghiệp này mà đề nghị phải bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với tinh thần Thông tư này đều bãi bỏ.
Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |
Phan Văn Dĩnh (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.