BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/2008/TTLT-BTC-BTP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2008 |
HƯỚNG DẪN VỀ MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ CÔNG CHỨNG
Căn cứ Luật công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP
ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày
03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử
dụng phí công chứng, như sau:
1. Phí công chứng được áp dụng đối với việc công chứng các hợp đồng, giao dịch, nhận lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng theo quy định của Luật công chứng và Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng.
2. Đối tượng nộp phí công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng.
3. Đơn vị thu phí công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng (sau đây gọi là đơn vị thu phí).
II. MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ CÔNG CHỨNG
Mức thu phí công chứng quy định tại Thông tư này được áp dụng thống nhất đối với Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Trường hợp đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng thì mức thu phí theo quy định tại Thông tư này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp đối tượng nộp phí có nhu cầu nộp phí bằng ngoại tệ thì thu bằng ngoại tệ trên cơ sở quy đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ theo tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí.
a) Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch:
a.1. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch mà mức thu phí được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch, bao gồm:
- Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (tính trên giá trị quyền sử dụng đất);
- Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất (tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất);
- Công chứng hợp đồng mua bán, tặng cho tài sản khác, góp vốn bằng tài sản khác (tính trên giá trị tài sản);
- Công chứng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê tài sản (tính trên tổng số tiền thuê);
- Công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản (tính trên giá trị di sản);
- Công chứng hợp đồng vay tiền (tính trên giá trị khoản vay);
- Công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản (tính trên giá trị tài sản; trường hợp trong hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay);
- Công chứng hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh doanh (tính trên giá trị hợp đồng).
Đối với các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, tài sản có giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản tính phí công chứng được xác định theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng, giao dịch đó; trường hợp giá đất, giá tài sản do các bên thoả thuận thấp hơn mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định áp dụng tại thời điểm công chứng thì giá trị tính phí công chứng được tính như sau: Giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản tính phí công chứng = Diện tích đất, số lượng tài sản ghi trong hợp đồng, giao dịch (x) Giá đất, giá tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
a.2. Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch (xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch) được tính như sau:
Số thứ tự |
Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 |
Dưới 100.000.000 đồng |
100.000 |
2 |
Từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng |
0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
3 |
Từ trên 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng |
1.000.000 + 0,07% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 1.000.000.000 đồng |
4 |
Từ trên 5.000.000.000 đồng |
3.800.000 đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 5.000.000.000 đồng (mức thu tối đa không quá 10.000.000 đồng/trường hợp) |
b) Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch không theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch được quy định như sau:
Số thứ tự |
Loại việc |
Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 |
Công chứng hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp |
50.000 |
2 |
Công chứng văn bản bán đấu giá bất động sản |
100.000 |
3 |
Công chứng hợp đồng bảo lãnh |
100.000 |
4 |
Công chứng hợp đồng uỷ quyền |
40.000 |
5 |
Công chứng giấy uỷ quyền |
20.000 |
6 |
Công chứng việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch (trừ việc sửa đổi, bổ sung tăng giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch thì áp dụng mức thu theo quy định tại điểm a) |
40.000 |
7 |
Công chứng việc huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch |
20.000 |
8 |
Công chứng di chúc |
40.000 |
9 |
Công chứng văn bản từ chối nhận di sản |
20.000 |
10 |
Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch khác |
40.000 |
c) Mức thu phí nhận lưu giữ di chúc: 100.000 đồng/trường hợp.
d) Mức thu phí cấp bản sao văn bản công chứng: 5.000 đồng/trang, từ trang thứ 3 trở lên thì mỗi trang thu 3.000 đồng nhưng tối đa không quá 100.000 đồng/bản.
2. Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng
a) Khi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng đã được thực hiện, người yêu cầu công chứng phải nộp phí công chứng.
b) Khi thu phí, đơn vị thu phí phải lập và giao chứng từ thu cho đối tượng nộp phí, như sau:
- Đối với đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng, thực hiện lập và giao hoá đơn cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn.
- Đối với đơn vị thu phí là Phòng công chứng, thực hiện lập và giao biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.
c) Về quản lý, sử dụng phí công chứng:
1. Đối với đơn vị thu phí là Phòng công chứng: Phí công chứng là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:
- Đơn vị thu phí được trích 50% (năm mươi phần trăm) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc quản lý và thu phí theo chế độ quy định.
- Đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước 50% (năm mươi phần trăm) tiền phí thu được theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
c.2. Đối với đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng: Phí công chứng thu được là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tiền phí thu được là doanh thu của đơn vị thu phí. Đơn vị thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật. Hàng năm, đơn vị thu phí phải thực hiện quyết toán thuế đối với số tiền phí thu được với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thông tư này thay thế nội dung quy định về lệ phí công chứng và bãi bỏ nội dung quy định về phí dịch vụ tại Thông tư liên tịch số 93/2001/TTLT-BTC-BTP ngày 21/11/2001 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí công chứng, chứng thực.
2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để xem xét, hướng dẫn bổ sung./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức đoàn thể;
- Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Sở Tài chính, Sở Tư pháp,
Cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp;
- Lưu: Bộ Tài chính (VT, Vụ CST), Bộ Tư pháp (VT, Vụ HCTP).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.