BỘ
TÀI CHÍNH-BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2000/TTLT-BTC-BVHTT |
Hà Nội , ngày 26 tháng 4 năm 2000 |
Căn cứ Nghị quyết số 90/CP ngày
21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động
giáo dục, y tế, văn hoá;
Căn cứ Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách
khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế,
văn hoá, thể thao;
Để thống nhất công tác quản lý tài chính đối với các đơn vị ngoài công lập
hoạt động trong lĩnh vực văn hoá; Liên Bộ Tài chính - Bộ Văn hoá Thông tin hướng
dẫn chế độ quản lý tài chính như sau:
1/ Các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hoá là các đơn vị được thành lập và hoạt động theo chủ trương xã hội hoá nhằm huy động sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội phát triển sự nghiệp văn hoá.
2/ Các cơ sở văn hoá ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích thương mại hoá, tự trang trải chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong quá trình hoạt động nếu có chênh lệch thu nhiều hơn chi, cơ sở được chi tăng cường cơ sở vật chất, trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
3/ Các cơ sở văn hoá ngoài công lập phải tổ chức quản lý tài chính, hạch toán kế toán phù hợp với từng loại hình theo quy định của Nhà nước, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để giao dịch.
4/ Các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hoá được áp dụng chính sách ưu đãi đối với các cơ sở thực hiện xã hội hoá theo quy định tại Thông tư số 18/2000/TT-BTC ngày 1/3/2000 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/8/1999 về chế độ tài chính khuyến khích đối với các cơ sở ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao".
I. LOẠI HÌNH CỦA CƠ SỞ VĂN HOÁ NGOÀI CÔNG LẬP
Các cơ sở văn hoá ngoài công lập được tổ chức dưới các hình thức sau đây:
- Cơ sở hoạt động nghệ thuật
- Cơ sở hoạt động bảo tồn bảo tàng
- Cơ sở hoạt động thư viện
- Cơ sở hoạt động thông tin cơ sở
- Cơ sở hoạt động điện ảnh
- Cơ sở hoạt động dịch vụ tư vấn về bản quyền tác giả
Các cơ sở văn hoá ngoài công lập nêu trên hoạt động theo ba loại hình:
1/ Cơ sở văn hoá bán công:
- Cơ sở văn hoá bán công được thành lập trên cơ sở liên kết giữa các tổ chức của nhà nước với các tổ chức không phải của nhà nước, các cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước để thành lập mới hoặc chuyển toàn bộ cơ sở vật chất công lập để cùng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quản lý điều hành mọi hoạt động của cơ sở theo quy định của pháp luật.
- Cơ sở văn hoá công lập có bộ phận bán công là sự liên kết giữa các tổ chức của nhà nước với các tổ chức không phải của nhà nước, các cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất của một bộ phận trong cơ sở công và quản lý điều hành hoạt động của phần bán công theo quy định của pháp luật.
2/ Cơ sở văn hoá dân lập: là các cơ sở do tổ chức đứng ra thành lập, được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước (vốn của tổ chức, tập thể, cá nhân) và quản lý điều hành mọi hoạt động theo quy dịnh của pháp luật.
3/ Cơ sở văn hoá tư nhân: là các cơ sở do cá nhân, hộ gia đình thành lập và quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật.
Điều kiện hồ sơ, thủ tục thành lập các cơ sở văn hoá ngoài công lập theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá Thông tin.
II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CƠ SỞ VĂN HOÁ NGOÀI CÔNG LẬP
1/ Nguồn kinh phí hoạt động
- Nguồn Ngân sách nhà nước: Đối với các cơ sở bán công, nguồn tài chính nhà nước đóng góp bao gồm:
+ Giá trị cơ sở vật chất trang bị ban đầu và đầu tư mới trong quá trình hoạt động;
+ Các khoản phải nộp ngân sách nhà nước được để lại
- Các khoản tài trợ, viện trợ, ủng hộ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất;
- Vốn vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (nếu có);
2/ Nội dung thu chi
a- Nội dung thu
- Các nguồn thu tại cơ sở:
+ Tiền bán vé;
+ Tiền cho thuê cơ sở vật chất (nếu có);
+ Thu từ hợp đồng hợp tác, liên kết với các đơn vị khác;
+ Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp văn hoá theo giá thoả thuận giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng dịch vụ;
+ Lãi tiền gửi ngân hàng (nếu có);
+ Thu về thanh lý tài sản thuộc nguồn vốn của cơ sở;
- Các khoản thu khác (nếu có);
b- Nội dung chi
- Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng và các khoản đóng góp theo chế độ quy định như BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn cho người lao động;
- Chi thù lao cộng tác viên (nếu có);
- Chi trả nhuận bút, chi đầu tư sáng tác
- Chi quản lý hành chính (công vụ phí, hội nghị phí, công tác phí...);
- Chi hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của từng loại hình sự nghiệp văn hoá;
- Chi trả tiền thuê cơ sở vật chất (nếu có);
- Chi mua sắm và sửa chữa tài sản cố định, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở;
- Chi trả lãi vốn vay (nếu có);
- Chi thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước (nếu có);
- Trả lãi vốn góp;
- Trích khấu hao tài sản cố định;
- Các khoản chi khác;
3/ Chế độ quản lý tài chính
3.1- Đối với các cơ sở bán công
1- Quản lý và sử dụng vốn, tài sản:
Quá trình quản lý tài chính các cơ sở văn hoá bán công theo nguyên tắc phân biệt rõ ràng, công khai nguồn ngân sách nhà nước đầu tư và nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước.
a) Phần vốn góp của Nhà nước bao gồm vốn bằng tiền, vật tư hàng hoá, tài sản cố định (nhà, đất, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, tài sản khác...) được nhà nước trang bị ban đầu và được bàn giao trong quá trình hoạt động. Các cơ sở văn hoá bán công tổ chức kiểm kê, đánh giá lại toàn bộ phần vốn góp của nhà nước gửi cơ quan chủ quản xét duyệt để gửi cơ quan tài chính cùng cấp làm thủ tục chuyển giao tài sản, tiền vốn của nhà nước sang cơ sở văn hoá bán công. Việc kiểm kê, đánh giá lại và bàn giao tài sản, vật tư, tiền vốn thực hiện theo đúng các các quy định hiện hành của pháp luật. Hàng năm các cơ sở bán công tổ chức kiểm kê đánh giá lại giá trị tài sản báo cáo cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính cùng cấp, trong đó phân tích rõ tài sản bổ sung từ nguồn vốn góp của nhà nước để lại cho đơn vị.
b) Nguồn kinh phí được NSNN cấp để thực hiện các chương trình, mục tiêu, đề tài, dự án được quản lý và sử dụng theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Định kỳ hàng quý báo cáo tiến độ thực hiện và thu chi kinh phí gửi cơ quan quản lý cấp trên.
c) Vốn góp của các tổ chức không phải là tổ chức nhà nước, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế; vốn vay được quản lý sử dụng đúng mục đích theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Việc chuyển nhượng, thanh lý, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc nguồn vốn của nhà nước phải được cơ quan quản lý cấp trên quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp. Những tài sản không cần dùng, tài sản lạc hậu về kỹ thuật cơ sở được nhượng bán để thu hồi vốn bổ sung nguồn tài chính hoạt động cho cơ sở. Trước khi bán cơ sở phải thành lập hội đồng định giá, tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật.
e) Cơ sở bán công được quyền chủ động và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc chuyển nhượng, thanh lý, thế chấp, cầm cố tài sản không thuộc nguồn vốn góp của Nhà nước.
g) Khấu hao tài sản cố định được để lại bổ sung cho đơn vị tăng cường cơ sở vật chất. Trường hợp đặc biệt, thủ trưởng đơn vị bán công có thể quy định áp dụng tỷ lệ khấu hao nhanh phù hợp với khả năng chi trả của người hưởng dịch vụ.
2- Các cơ sở sự nghiệp văn hoá bán công được vận dụng chế độ thu chi của các cơ sở công lập và sự thoả thuận của người sử dụng dịch vụ văn hoá với cơ sở. Hàng năm cơ sở văn hoá bán công lập dự toán thu, chi theo nguồn hình thành; sau khi được Hội đồng quản trị thông qua, gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
3- Cơ sở văn hoá bán công phải tổ chức công tác kế toán, lập dự toán, chấp hành và báo cáo quyết toán tài chính theo chế độ kế toán tài chính hiện hành.
4- Các cơ sở văn hoá bán công thực hiện chế độ kiểm tra, thanh tra tài chính thường xuyên việc sử dụng kinh phí của cơ sở; công khai các khoản thu, chi và tiền phân phối thu nhập cho người lao động trong cơ sở, tình hình tăng, giảm tài sản theo nguồn vốn của nhà nước và huy động ngoài ngân sách.
5- Thủ trưởng là chủ tài khoản của cơ sở và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và cơ quan quản lý trực tiếp về toàn bộ công tác quản lý tài chính, tài sản của cơ sở.
6- Kết quả tài chính hàng năm của các cơ sở bán công hoạt động trong lĩnh vực văn hoá được xác định giữa tổng số thu và tổng số chi của đơn vị trong năm tài chính.
Chênh lệch thu nhiều hơn chi của các cơ sở văn hoá bán công do Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ chi cho các nội dung sau:
- Bổ sung nguồn vốn hoạt động của cơ sở;
- Chi tăng cường cơ sở vật chất;
- Chi khen thưởng và phúc lợi cho những người lao động trong đơn vị và các đối tượng trực tiếp hợp tác với đơn vị;
- Phân phối thu nhập từ nguồn vốn góp của nhà nước, tập thể và cá nhân; Đối với phần lãi vốn góp của nhà nước, cơ sở được để lại đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và hạch toán tăng phần vốn góp của nhà nước.
3.2- Đối với các cơ sở dân lập
Các cơ sở văn hoá dân lập vận dụng cơ chế quản lý tài chính của các cơ sở bán công để tổ chức quản lý tài chính của đơn vị mình.
Hàng năm Hội đồng quản trị thông qua dự toán thu chi và quy định tỷ lệ giữa các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư; quy định tỷ lệ các khoản chi cho con người và chi hoạt động; xác định tỷ lệ chi trả lãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn theo tỷ lệ vốn góp.
Cơ sở văn hoá dân lập thực hiện báo cáo quyết toán hàng quý, hàng năm toàn bộ tình hình thu, chi; tình hình tăng, giảm vốn, tài sản theo quy định hiện hành và phải được Hội đồng quản trị phê duyệt.
3.3- Đối với các cơ sở tư nhân
Các cơ sở văn hoá tư nhân chủ động trong việc tổ chức hoạt động, chịu trách nhiệm về hoạt động tài chính và các hoạt động của mình trước pháp luật.
3.4. Xử lý tài chính khi cơ sở giải thể, phá sản
Khi cơ sở văn hoá ngoài công lập tuyên bố phá sản hoặc giải thể, việc xử lý tài chính tiến hành theo thứ tự ưu tiên sau:
- Các khoản chi phí theo quy định của pháp luật cho việc giải quyết giải thể, phá sản của cơ sở.
- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
- Các khoản nợ thuế.
- Các khoản nợ cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ:
+ Nếu giá trị tài sản còn lại của cơ sở đủ thanh toán các khoản nợ của các chủ nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình.
+ Nếu giá trị tài sản còn lại của cơ sở không đủ thanh toán các khoản nợ của các chủ nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.
- Nếu giá trị tài sản còn lại của cơ sở sau khi đã thanh toán đủ số nợ của các chủ nợ mà vẫn còn thừa thì phần thừa này thuộc về:
+ Chủ cơ sở nếu là cơ sở tư nhân
+ Các thành viên của cơ sở (bao gồm cả Ngân sách nhà nước) nếu là cơ sở bán công, cơ sở dân lập
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Liên bộ để xem xét, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp.
Nguyễn Thị Kim Ngân (Đã ký) |
Nguyễn Trung Kiên (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.