SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 33C NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1945
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ Chiểu theo lời đề nghị của Tư pháp Bộ trưởng,Sau khi Hội đồng Chính phủ lâm thời đã thoả thuận và ứng chuẩn ngày 12 tháng 9 năm 1945,
RA SẮC LỆNH: Điều I: Sẽ lập một toà án quân sự ở Bắc bộ: tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung bộ: tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam bộ: tại Sài Gòn, Mỹ Tho.Uỷ ban nhân dân Trung bộ và Nam bộ, trong địa hạt hai bộ ấy, có thể đạo đạt lên Chính phủ xin mở thêm Toà án Quân sự ở những nơi trọng yếu khác.
Điều II: Toà án quân sự sẽ xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.Trừ khi phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật.
Điều III: Những quyết nghị của Toà quân sự sẽ đem thi hành ngay, không có quyền chống án, trừ trường hợp sau này:Nếu bản án tuyên xử tử, thì tội nhân có quyền đệ đơn lên Chủ tịch Chính phủ xin ân giảm. Bản án sẽ thi hoãn thi hành chờ quyết nghị của ông Chủ tịch Chính phủ.
Mỗi khi Toà án Quân sự kết án xử tử, ông Chánh án bắt buộc phải báo cho tội nhân biết rằng có quyền xin Chủ tịch Chính phủ ân giảm và hỏi hắn có muốn đệ đơn xin không.
Câu trả lời của tội nhân phải ghi vào bản án; nếu không, bản án thành vô giá trị.
Điều IV: Án từ có thể tuyên:1- Tha bổng.
2- Tịch thu một phần hay tất cả tài sản.
3- Phạt tù từ một năm đến mười năm.
4- Xử tử.
Nếu có những lý do chính đáng khoan hồng vì ít tuổi, vì biết hối quá, vì lầm lẫn, v.v..., thì toà án có thể cho tội nhân được hưởng án treo. Nghĩa là bản án làm tội tuyên lên, nhưng không thi hành; nếu trong năm năm bắt đầu từ ngày tuyên án, tội nhân không bị Toà án quân sự làm tội một lần nữa về việc mới thì bản án đã tuyên sẽ huỷ đi, coi như là không có; nếu trong hạn năm năm ấy, tội nhân bị kết án một lần nữa trước Toà án quân sự thì bản án treo sẽ đem thi hành.
Điều V: Toà án quân sự lập thành như sau này:Ngồi xử có Chánh án và hai hội thẩm. Ghế Chánh án và ghế hội thẩm sẽ do một uỷ viên Quân sự và một uỷ viên Chính trị ngồi. Còn ghế hội thẩm thừ nhì sẽ thuộc về ông thẩm phán chuyên môn của tư pháp.
Uỷ viên Quân sự và uỷ viên Chính trị sẽ do quân đội và Uỷ ban nhân dân ở địa phương cử ra, còn viên thẩm phán chuyên môn của Tư pháp sẽ do ông Chưởng lý Toà Thượng thẩm cử ra.
Đứng buộc tội là một uỷ viêm Quân sự hay một uỷ viên của ban Trinh sát.
Bị cáo có thể tự bào chữa hay nhờ một người khác bênh vực cho.
Một viên lục sự ngồi ghế chép các điều tranh luận và bản án tuyên ra.
Điều VI: Việc sẽ xử trước công chúng. Nếu có duyên cớ đặc biệt, Toà có thể quyết định xử kín được.Nhưng dù vào trường hợp nào, Toà án cũng thẩm nghị trong phòng kín và tuyên bố bản án trước công chúng.
Điều VII: Ở những nơi xa các toà án Quân sự đã lập rồi, Chính phủ, trong những trường hợp đặc biệt, có thể cho Uỷ ban nhân dân địa phương thành lập một toà án quân sự có quyền xử trong một thời kỳ và theo đúng những nguyên tắc định trong sắc lệnh này
|
Hồ Chí Minh (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.