BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2482/BYT-QĐ | ngày 18 tháng 12 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ CẤP GIẤY PHÉP CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐẠT TIÊU CHUẨN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM"
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
- Căn cứ điều 7 chương II luật BVSKND và điều lệ vệ sinh, qui định về Nghị định 23 - HĐBT ngày 24-01-1991;
- Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11-10-1993 của Chính phủ, qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức Bộ máy của Bộ Y tế.
- Căn cứ điểm 1, điều 4 của Nghị định 86/CP ngày 08-12-1995 về việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hoá, giao cho Bộ y tế chức năng quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
- Căn cứ thông tư liên bộ y tế - khoa học công nghệ môi trường số 07/TTLB ngày 01-7-1996 về việc hướng dẫn thực hiện nghị định 86/CP ngày 08-12-1995;
- Được sự nhất trí của Bộ khoa học, công nghệ và môi trường tại công văn số 1052/TĐC - THPC ngày 03 tháng 12 năm 1996;
- Theo đề nghị của ông vụ trưởng Vụ vệ sinh phòng dịch - Bộ y tế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1
Ban hành kèm theo quyết định này bản "Quy chế cấp giấy phép nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm"
Điều 2
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-1997. Các quy định trước đây trái với các quy định trong bản quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3
Vụ trưởng Vụ vệ sinh phòng dịch chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quyết định này.
Điều 4
Các ông Chánh văn phòng, Chánh thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ vệ sinh phòng dịch, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính - kế toán và các vụ có liên quan, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng Y tế ngành chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
QUY CHẾ
CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐẠT TIÊU CHUẨN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo quyết định số 2482/QĐ - BYT ngày 18 tháng 12 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Đối tượng và phạm vi áp dụng.
1. Mọi cơ sở thực phẩm của tư nhân, tập thể, nhà nước, kể cả cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài (gọi chung là cơ sở) muốn hành nghề đều phải có giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn ATVSTP.
2. Đối với cơ sở có thực phẩm thuộc diện phải đăng ký chất lượng, giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là một căn cứ để xét cấp đăng ký.
Điều 2
Trong văn bản này, một số thuật ngữ được hiểu thống nhất như sau:
1. Thực phẩm: Tất cả các chất đã hoặc chưa chế biến nhằm sử dụng cho con người bao gồm đồ ăn, uống, nhai, ngậm, hút và các chất được sử dụng để sản xuất, chế biến hoặc xử lý thực phẩm nhưng không bao gồm mỹ phẩm hay những chất chỉ được dùng như dược phẩm.
2. Cơ sở thực phẩm: bao gồm các cơ sở của tư nhân, tập thể, nhà nước, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cơ sở dịch vụ ăn uống hoặc các cơ sở khác có bộ phận dịch vụ ăn uống. 3. Giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): Là chứng chỉ chứng nhận cơ sở thực phẩm bảo đảm đủ các điều kiện vệ sinh đối với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và con người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm.
Chương II
ĐIỀU KIỆN ĐỂ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐẠT TIÊU CHUẨN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
Điều 3
Tình trạng vệ sinh cơ sở: Cơ sở phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường nơi chế biến, sản xuất, bảo quản, kinh doanh và dịch vụ của cơ sở mình.
Điều 4
Đối với người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm.
1. Phải có giấy chứng nhận sức khoẻ đạt yêu cầu theo quy định của Bộ y tế
2. Phải có giấy chứng nhận đã học tập về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tham gia học tập phải được kiểm tra và cam kết thực hiện các nội dung đã được hướng dẫn.
3. Có đủ các trang thiết bị bảo hộ, vệ sinh cá nhân.
Điều 5
Đối với dụng cụ, trang thiết bị:
1. Có đủ dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với quy trình công nghệ
2. Các loại dụng cụ, tràn thiết bị, vật liệu, hoá chất có liên quan tới chế biến thực phẩm như nguồn nước, nước đá, chất tẩy rửa, chất khử khuẩn, vật liệu bao bì, dụng cụ che đậy... không gây ô nhiễm cho thực phẩm về phương diện độc chất, hoá học, vi sinh.
3. Có đủ các điều kiện bảo quản thực phẩm thành phẩm đúng thời hạn sử dụng và tránh nhiễm bẩn, hư hỏng thực phẩm khi tiêu thụ.
Chương III
THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CẤP "GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐẠT TIÊU CHUẨN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM"
Điều 6
1) Hồ sơ của cơ sở được lập thành 3 bộ và gửi về cơ quan cấp giấy chứng nhận, mỗi bộ gồm:
a) Đơn vị hoặc công văn xin cấp: "Giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn ATVSTP" (gọi chung là giấy chứng nhận).
b) Bản vẽ mô tả mặt bằng cơ sở.
c) Bản vẽ sơ đồ quy trình sản xuất từ khâu bảo quản nguyên liệu qua các công đoạn chế biến, ra thành phẩm, bảo quản và xuất hàng thành phẩm.
d) Cam kết (với cơ sở mới) hoặc báo cáo về việc tổ chức khám sức khoẻ cho người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm theo quy định của Bộ y tế.
c) Giấy cam kết (với cơ sở mới) hoặc xác nhận về việc tổ chức lớp học tập các kiến thức về ATVSTP.
g) Kết quả thẩm định cơ sở của cơ quan chức năng.
2. Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ban đầu của cơ sở, sau khi có kết quả thẩm định, cơ sở sẽ hoàn chỉnh hồ sơ quy định tại khoản 1 của điều này để gửi về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
3. Đối với cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ y tế giao cho Sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận hồ sơ ban đầu và giao cho cơ quan chức năng thẩm định. Sau khi có kết quả thẩm định kèm theo ý kiến đề nghị của Sở y tế, cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại khoản 1 của Điều này để gửi về Bộ y tế cấp giấy chứng nhận.
1. Giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm có giá trị thời hạn không quá 01 (một) năm. Mẫu giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn ATVSTP được quy định trong phụ lục A
2. Khi thay đổi địa chỉ hoặc thay đổi mặt hàng, cơ sở phải báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để bổ sung thủ tục mới.
3. Giấy chứng nhận của cơ sở chỉ có giá trị sử dụng đối với chính cơ sở đó
4. Trong quá trình hoạt động, cơ sở phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu VSTP đã cam kết. Nếu vi phạm các yêu cầu trên, cơ sở sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 8
Cơ quan cấp "Giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn ATVSTP"
1. Bộ y tế cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở thẩm định của Viện chức năng khu vực hoặc trạm trung tâm Vệ sinh phòng dịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ điều kiện được uỷ quyền. Các cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các điều kiện đã cam kết của cơ sở.
2. Sở y tế cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở thực phẩm là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong địa bàn của tỉnh trên cơ sở thẩm định của trạm trung tâm vệ sinh phòng dịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các điều kiện đã cam kết của cơ sở.
3. Phòng trung tâm y tế quận, huyện cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở trong địa bàn quận, huyện đăng ký kinh doanh theo Nghị định 66/HĐBT ngày 2-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định số 221/HĐBT ngày 23-7-1991 trên cơ sở thẩm định của Đội Vệ sinh phòng dịch hoặc trạm y tế xã, phường có đủ điều kiện được uỷ quyền. Các cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các điều kiện đã cam kết của sơ sở.
4. Trong thời gian 20 ngày, kẻ từ ngày nhận đủ mọi hồ sơ, cơ quan cấp phải cấp giấy chứng nhận, nếu không cấp hay chưa cấp phải nêu rõ lý do.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
Điều 9
Đối với cơ sở thực phẩm:
1. Các cơ sở mọi thành phần kinh tế, kể cả cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài chưa được cấp giấy chứng nhận đều phải thực hiện các quy định trong quy chế này nếu còn tiếp tục sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Khi thay đổi điểm sản xuất, kinh doanh, chủ cơ sở phải thông báo cho cơ quan cấp và làm thủ tục như xin cấp giấy chứng nhận mới.
3. Cơ sở thực hiện không đủ các điều kiện nêu trong các điều kiện 3, 4, 5 không được cấp hoặc gia hạn giấy chứng nhận.
4. Cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm duy trì các điều đã cam kết và nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Cơ sở có trách nhiệm báo cáo đúng thực trạng của cơ sở, dẫn đoàn thanh. kiểm tra khảo sát thực tế tại cơ sở và thực hiện các kiến nghị, hình thức xử lý theo biên bản của trưởng đoàn kiểm tra.
Điều 10
Đối với cơ quan cấp giấy chứng nhận:
1. Cơ quan cấp có trách nhiệm tổ chức việc cấp giấy chứng nhận theo đúng các quy định trong quy chế này.
2. Cơ quan cấp có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan kiểm tra công nhận tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các điều kiện đã am kết của cơ sở.
3. Cơ quan cấp định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện các yêu cầu vệ sinh của các cơ sở trên toàn địa bàn cho Bộ y tế (Vụ vệ sinh phòng dịch) và cơ quan cấp đăng ký chất lượng ngoài ngành y tế theo các nội dung sau:
a) Tình hình cấp giấy chứng nhận.
b) Tình hình thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm. c) Các vấn đề nảy sinh khác.
PHỤ LỤC A
SỞ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| ngày... tháng… năm 199… |
GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐẠT TIÊU CHUẨN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
Sau khi thẩm định hồ sơ và khảo sát thực tế về địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quy trình sản xuất, vệ sinh cá nhân, giám đốc..... quyết định cấp giấy chứng cơ sở đạt tiêu chuẩn ATVSTP
Cơ sở... sản xuất mặt hàng thực phẩm:
Đóng tại:
Ngày cấp:
Chủ (hoặc người đại diện) của cơ sở thực phẩm Ông (bà)
có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết. Trong quá trình hoạt động, nếu cơ sở nào vi phạm những điều đã cam kết thì sẽ bị xử lý theo luật định, hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận này.
Giấy chứng nhận này có giá trị trong vòng 1 năm. Trước khi hết hạn 1 tháng, cơ sở thực phẩm làm thủ tục xin gia hạn.
| Cơ quan cấp |
DANH MỤC HỒ SƠ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐẠT TIÊU CHUẨN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
1 - Đơn hoặc công văn xin cấp giấy chứng nhận
2 - Bản vẽ mô tả mặt bằng cơ sở
3 - Bản vẽ sơ đồ quy trình sản xuất
4 - Cam kết hoặc báo cáo về tổ chức khám sức khoẻ cho công nhân
5 - Giấy cam kết hoặc xác nhận về tổ chức lớp học kiến thức ATVSTP
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.