BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 916/QĐ-TCT | Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA THỐNG KÊ THU NHẬP, CHI TIÊU CỦA CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH PHỤC VỤ DỰ ÁN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ THÀNH LẬP NHÓM CHUYÊN TRÁCH ĐIỀU TRA
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
Căn cứ Quyết định số 218/2003/QĐ/TTg ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định 188/2003/QĐ-BTC ngày 14/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ. quyền hạn, cơ cấu bộ máy của các Ban và Văn phòng thuộc Tổng cục Thuế;
Căn cứ Quyết định số 1421/QĐ-BTC ngày 28/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc kiện toàn Ban soạn thảo dự án Luật thuế thu nhập cá nhân;
Căn cứ Thông báo số 84/TB-BTC ngày 27/7/2005 của Văn phòng Bộ Tài chính về việc triển khai xây dựng đề án Luật thuế thu nhập cá nhân;
Theo đề nghị của Trưởng Ban quản lý thuế thu nhập cá nhân,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án điều tra thống kê thu nhập, chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình phục vụ dự án Luật thuế thu nhập cá nhân.
Điều 2. Thành lập nhóm chuyên trách điều tra do đồng chí Nguyễn Thị Cúc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế làm trưởng nhóm và các thành viên theo danh sách đính kèm.
Điều 3. Nhóm chuyên trách điều tra có trách nhiệm thực hiện công tác điều tra theo Phương án điều tra ban hành kèm theo Quyết định này.
Nhóm chuyên trách điều tra tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trưởng Ban tổ chức cán bộ, Trưởng Ban quản lý thuế thu nhập cá nhân, Thủ trưởng các Ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế, các cá nhân (có tên trong danh sách đính kèm) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
DANH SÁCH
NHÓM CHUYÊN TRÁCH ĐIỀU TRA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 916/QĐ-TCT ngày 04 tháng 10 năm 2005 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế)
STT | Họ và tên | Chức danh trong nhóm | Chức vụ, đơn vị công tác |
1 | Nguyễn Thị Cúc | Trưởng nhóm | Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế |
2 | Đỗ Thị Thìn | Thường trực nhóm | Trưởng Ban, Ban QL thuế TNCN- Tổng cục Thuế |
3 | Nguyễn Huy Trường | Thành viên | Trưởng Ban, Ban Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp khác - Tổng cục Thuế |
4 | Nguyễn Minh Ngọc | Thành viên | Phó giám đốc, Trung tâm tin học thống kê- Tổng cục Thuế |
5 | Nguyễn Lan Anh | Thành viên | Chuyên viên, Ban QL thuế TNCN- Tổng cục Thuế |
6 | Đặng Thị Vân Anh | Thành viên | Chuyên viên, Ban QL thuế TNCN- Tổng cục Thuế |
7 | Trần Quang Hưng | Thành viên | Chuyên viên, Ban QL thuế TNCN- Tổng cục Thuế |
8 | Nguyễn Thái Sơn | Thành viên | Trưởng Phòng , Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh |
9 | Trần Thị Lan | Thành viên | Kiểm soát viên, Cục thuế TP Hà Nội |
10 | Đỗ Ngọc Huỳnh | Thành viên | Chuyên Viên, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính |
11 | Ngô Thị Nhung | Thành viên | Chuyên viên, Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính |
12 | Võ Anh Trung | Thành viên | Trưởng Phòng, Cục tin học thống kê - Bộ Tài chính |
PHƯƠNG ÁN
ĐIỀU TRA THỐNG KÊ THU NHẬP VÀ CHI TIÊU CỦA CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH PHỤC VỤ DỰ ÁN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
(Theo Quyết định số 916/QĐ-TCT ngày 04 tháng 10 năm 2005 của Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế)
I/ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC ĐIỀU TRA THỐNG KÊ
Theo chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch triển khai thực hiện ban hành kèm theo Quyết định số 1629/QĐ-BTC ngày 19/05/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ được trình Quốc hội ban hành vào năm 2007. Để đảm bảo mục tiêu công bằng, hiệu quả trong động viên thu nhập cá nhân và và tính khả thi của dự án Luật thuế này, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu, phân tích cụ thể cả về định tính và định lượng để có thể xây dựng dự án Luật có căn cứ khoa học và thực tiễn, có hệ thống, ổn định và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, cần phải có các cơ sở dữ liệu điều tra thống kê về thu nhập và chi tiêu của các đối tượng dự kiến thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật thuế thu nhập cá nhân, bao gồm cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài làm việc và sinh sống hợp pháp tại Việt Nam và các hộ kinh doanh cá thể.
II/ MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU ĐIỀU TRA
Mục đích của điều tra thống kê thu nhập, chi tiêu của cá nhân và hộ gia đình phục vụ dự án Luật thuế thu nhập cá nhân là nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu cần thiết để phục vụ trực tiếp công tác nghiên cứu, xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân, bao gồm cơ cấu và mức thu nhập, chi tiêu chi tiết đối với các cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài và các hộ kinh doanh cá thể để làm căn cứ xác định các chỉ tiêu định lượng về đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, các khoản khấu trừ, thuế suất, biểu thuế của dự án Luật thuế thu nhập cá nhân và phân tích, dự báo số thu ngân sách và các tác động, ảnh hưởng dự kiến của Luật thuế này khi đưa vào áp dụng.
Việc điều tra thống kê thu nhập, chi tiêu của cá nhân và hộ gia đình phục vụ dự án Luật thuế thu nhập cá nhân phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Cơ sở dữ liệu điều tra phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời, bao quát đại diện và phù hợp với các tiêu chuẩn khác về điều tra thống kê;
- Việc điều tra thống kê phải được tiến hành một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về điều tra thống kê.
III/ ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU TRA
Cuộc điều tra thống kê thu nhập, chi tiêu của cá nhân và hộ gia đình phục vụ dự án Luật thuế thu nhập cá nhân được tiến hành đối với các đối tượng dự kiến thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thuế thu nhập cá nhân. Xuất phát từ yêu cầu về nội dung, thời gian xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân và khả năng triển khai trên thực tế, các đối tượng điều tra bao gồm:
- Cá nhân người Việt Nam hiện đang chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;
- Cá nhân người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam hiện đang chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;
- Hộ kinh doanh cá thể hiện đang chịu sự điều chỉnh của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các luật thuế khác có liên quan.
IV/ NỘI DUNG ĐIỀU TRA
Nội dung điều tra bao gồm toàn bộ các thông tin chi tiết về cá nhân, hộ gia đình, thu nhập, chi tiêu và tài sản; cụ thể như sau:
- Thông tin cá nhân: bao gồm các thông tin về họ tên (có thể lựa chọn không trả lời), giới tính, ngày sinh, dân tộc, trình độ giáo dục, số thành viên và người phụ thuộc trong gia đình, việc làm (lĩnh vực, loại công việc).
- Thông tin thu nhập: bao gồm các thông tin chi tiết về nghề nghiệp, vị trí công việc, lĩnh vực hoạt động, tổng thu nhập và từng loại thu nhập, tổng chi phí và từng loại chi phí đối với từng loại hình công việc (làm công hưởng lương, không thường xuyên, hành nghề độc lập, tự kinh doanh và các hoạt động kinh tế khác: cho thuê, chuyển nhượng tài sản, cho vay, đầu tư góp vốn trực tiếp, đầu tư chứng khoán, bản quyền, sáng chế, thiết kế, cung cấp dịch vụ, phúc lợi xã hội...)
- Thông tin chi tiêu: bao gồm các thông tin chi tiết về chi tiêu cho cá nhân và hộ gia đình về ăn uống, nhà ở, điện nước, quần áo, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo, giáo dục trẻ em, giao thông, mua sắm tài sản...
- Thông tin tài sản: bao gồm các thông tin về nhà ở, phương tiện đi lại và các tài sản khác.
(Nội dung điều tra chi tiết trong mẫu phiếu điều tra đính kèm).
V/ MẪU ĐIỀU TRA
1. Quy mô mẫu điều tra:
Điều tra 15.500 đối tượng, bao gồm:
- 7.200 cá nhân người Việt Nam
- 3.200 cá nhân người nước ngoài
- 5.100 hộ kinh doanh cá thể
2. Phương thức chọn mẫu:
2.1- Nguyên tắc chọn mẫu điều tra:
Chọn mẫu điều tra điển hình (hoặc ngẫu nhiên trong trường hợp cần thiết), đảm bảo phản ánh bao quát tình hình của các đối tượng nộp thuế theo tỉnh, thành phố, địa bàn thành thị - nông thôn và theo ngành kinh tế.
Đối tượng nộp thuế được phân chia theo ngành kinh tế sau: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh điều tra thêm các đối tượng nộp thuế là ca sỹ, nghệ sỹ, vận động viên chuyên nghiệp, luật sư, bác sỹ hành nghề độc lập.
2.2- Tiêu thức phân bổ mẫu:
Phân bổ mẫu điều tra theo tiêu thức số thu thuế, cụ thể như sau:
- Đối với đối tượng điều tra là cá nhân người lao động Việt Nam và nước ngoài: là số thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao phải nộp trong năm 2004;
- Đối với hộ gia đình tự kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể): là số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2004. Trường hợp không tách riêng được số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2004 thì lấy tiêu thức phân bổ mẫu điều tra là tổng số thuế phải nộp trong năm 2004.
Tuỳ theo tình hình cụ thể của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng tiêu thức phân bổ mẫu là số lượng đối tượng nộp thuế.
3. Phân bổ và chọn mẫu điều tra
Tiến hành phân bổ và chọn mẫu điều tra theo các bước cụ thể như sau:
3.1- Bước 1: Phân nhóm các tỉnh, thành phố và chọn tỉnh, thành phố điển hình cho từng nhóm
Phân chia các tỉnh, thành phố thành 5 nhóm: các thành phố lớn; các tỉnh có tỷ trọng công nghiệp lớn; các tỉnh đồng bằng; các tỉnh trung du; các tỉnh miền núi, cụ thể như sau:
- Nhóm I: các thành phố lớn: chọn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng;
- Nhóm II: các tỉnh, thành phố có tỷ trọng công nghiệp cao: chọn Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu;
- Nhóm III: các tỉnh đồng bằng: chọn Hưng Yên, Quảng Nam, Tiền Giang;
- Nhóm IV: Các tỉnh trung du: chọn Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Phước;
- Nhóm V: Các tỉnh miền núi: Yên Bái, Đắc Lắc.
3.2- Bước 2: Phân bổ mẫu điều tra
- Phân bổ mẫu điều tra cho các tỉnh, thành phố đã chọn theo tiêu thức số thu thuế (thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đối với đối tượng điều tra là cá nhân người lao động Việt Nam và nước ngoài, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đối tượng điều tra là hộ kinh doanh).
- Trong từng tỉnh, thành phố đã chọn, phân bổ mẫu theo khu vực thành thị - nông thôn; sau đó phân bổ tiếp theo các ngành: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Trong từng khu vực, ngành, phân bổ tiếp theo tiêu thức số thu thuế như trên.
- Trong quá trình phân bổ mẫu nói trên, do các số liệu thống kê hiện hành về số thu thuế và số hộ kinh doanh có thể không đầy đủ, chính xác so với thực tế; do vậy cần tiến hành điều chỉnh số mẫu cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương và yêu cầu của công tác điều tra thống kê.
(Hướng dẫn cụ thể về xây dựng và chọn mẫu điều tra thống kê trong Phụ lục 1 đính kèm; Kế hoạch phân bổ mẫu điều tra cho từng tỉnh, thành phố được lựa chọn trong Phụ lục 2 đính kèm).
VI/ PHƯƠNG THỨC ĐIỀU TRA
1. Tổ chức điều tra:
Việc tổ chức điều tra được thực hiện bởi hai bộ phận: Nhóm chuyên trách điều tra của Tổng Cục Thuế và Tổ chức điều tra được chỉ định. Tổ chức điều tra được chỉ định là Khoa kinh tế học, trường Đại học Kinh tế quốc dân. Đây là tổ chức đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức điều tra thống kê cho các cơ quan Nhà nước (Tổng Cục Thống kê, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Tài chính) và các tổ chức quốc tế (Ngân hàng thế giới).
Nhóm chuyên trách điều tra của Tổng Cục Thuế xây dựng các tiêu thức về yêu cầu, thời điểm, đối tượng, nội dung điều tra, đảm bảo phù hợp với yêu cầu nghiên cứu, xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân; đồng thời hướng dẫn Cục thuế các tỉnh, thành phố được chọn là địa bàn điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng điều tra gửi về Trung ương để lựa chọn mẫu điều tra. Việc lựa chọn mẫu điều tra, thiết kế mẫu phiếu điều tra, chuẩn bị tài liệu tập huấn điều tra, các tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn điều tra viên và các công việc khác sẽ do Tổ chức điều tra phối hợp với Nhóm chuyên trách điều tra tiến hành. Tổ chức điều tra chịu trách nhiệm toàn bộ về mọi vấn đề về kỹ thuật và tổ chức điều tra, tính chính xác, điển hình và chất lượng điều tra theo đúng các quy định và tiêu chuẩn điều tra thống kê hiện hành.
Đội ngũ điều tra viên ở các địa phương được lựa chọn trong số các cán bộ thuế của địa phương để đảm bảo tận dụng được kiến thức và kinh nghiệm quản lý trực tiếp của cán bộ và đáp ứng được yêu cầu về thời gian điều tra (trong vòng 3 tháng, đến hết tháng 12/2005). Để đảm bảo kết quả điều tra phản ánh khách quan tình hình của đối tượng điều tra, có thể sử dụng tài liệu tuyên truyền, các kỹ thuật thiết kế mẫu điều tra hoặc áp dụng phương thức điều tra chéo (cán bộ thuế không điều tra trực tiếp đối tượng do mình trực tiếp quản lý).
2. Phương pháp điều tra:
Điều tra viên đến gặp trực tiếp từng đối tượng điều tra để thu thập thông tin, ghi vào phiếu điều tra hoặc phát phiếu điều tra và hướng dẫn đối tượng điều tra ghi vào phiếu điều tra.
3. Trách nhiệm của các bên có liên quan trong tổ chức điều tra thống kê:
3.1- Đối với Nhóm chuyên trách điều tra thống kê:
Nhóm chuyên trách điều tra thống kê có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
(1) Lập yêu cầu về đối tượng, nội dung, thời điểm điều tra, xây dựng phương án điều tra.
(2) Phối hợp với Tổ chức điều tra thực hiện các công việc sau:
- Thiết kế mẫu phiếu điều tra;
- Lựa chọn địa bàn điều tra;
- Phối hợp với Cục Thuế các tỉnh, thành phố được lựa chọn là địa bàn điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu để chọn mẫu điều tra;
- Chọn mẫu điều tra;
- Xây dựng chương trình phần mềm về nhập tin phiếu điều tra, chương trình phần mềm để xử lý tổng hợp các chỉ tiêu đầu ra của cuộc điều tra;
- Chuẩn bị tài liệu tập huấn và các tài liệu hướng dẫn liên quan;
- Tổ chức tập huấn điều tra viên;
- Kiểm tra, giám sát điều tra;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, tổng hợp kết quả và lập báo cáo điều tra;
- Các công việc khác có liên quan.
(3) Nghiệm thu kết quả điều tra; Kiểm tra, giám sát Tổ chức điều tra trong toàn bộ quá trình điều tra.
(4) Báo cáo các cấp lãnh đạo về tình hình triển khai và kết quả điều tra.
3.2- Đối với Tổ chức điều tra:
Tổ chức điều tra có trách nhiệm:
(1) Chủ trì, phối hợp với Nhóm chuyên trách điều tra của Tổng Cục Thuế thực hiện các công việc sau:
- Thiết kế mẫu phiếu điều tra;
- Lựa chọn địa bàn điều tra;
- Phối hợp với Cục Thuế các tỉnh, thành phố được lựa chọn là địa bàn điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu để chọn mẫu điều tra;
- Chọn mẫu điều tra;
- Xây dựng chương trình phần mềm về nhập tin phiếu điều tra, chương trình phần mềm để xử lý tổng hợp các chỉ tiêu đầu ra của cuộc điều tra;
- Chuẩn bị tài liệu tập huấn và các tài liệu hướng dẫn liên quan;
- Tổ chức tập huấn điều tra viên;
- Kiểm tra, giám sát điều tra;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, tổng hợp kết quả và lập báo cáo điều tra;
- Các công việc khác có liên quan.
(2) Chịu trách nhiệm toàn bộ mọi vấn đề về kỹ thuật và tổ chức điều tra, tính chính xác, điển hình và chất lượng điều tra theo đúng các quy định và tiêu chuẩn điều tra thống kê hiện hành.
3.3- Đối với các điều tra viên:
Điều tra viên có trách nhiệm:
(1) Tham gia tập huấn điều tra.
(2) Thực hiện điều tra trực tiếp đối tượng.
(3) Kiểm tra thông tin ghi trên phiếu điều tra, nhập dữ liệu vào chương trình phần mềm điều tra theo đúng quy định.
3.4- Đối với Ban lãnh đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố được lựa chọn là địa bàn điều tra:
Ban lãnh đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố được lựa chọn là địa bàn điều tra có trách nhiệm:
(1) Thành lập Ban chỉ đạo điều tra thống kê bao gồm một đồng chí lãnh đạo Cục thuế và các đồng chí lãnh đạo các Chi cục thuế trong địa bàn được lựa chọn điều tra (mỗi chi cục một đồng chí) để chỉ đạo và điều hành toàn bộ quá trình điều tra trên địa bàn tỉnh, thành phố.
(2) Chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu mẫu điều tra trên địa bàn, gửi Tổng Cục Thuế trước ngày 10/10/2005 để chọn mẫu cụ thể ở Trung ương theo Kế hoạch xây dựng và phân bổ mẫu điều tra đính kèm.
(3) Cử các cán bộ thuế quản lý trực tiếp đối tượng điều tra làm điều tra viên theo Kế hoạch phân bổ điều tra viên đính kèm;
(4) Chỉ đạo triển khai thực hiện công tác điều tra trên địa bàn.
VII/ KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA
Kế hoạch tiến hành điều tra được chia ra các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị điều tra, bao gồm các công việc sau:
- Xây dựng phương án điều tra;
- Xây dựng các tiêu thức về đối tượng, nội dung, yêu cầu, thời điểm điều tra, đảm bảo phù hợp với yêu cầu nghiên cứu, xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân;
- Lựa chọn tổ chức điều tra thông qua tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định tổ chức, cơ quan tiến hành điều tra điều tra;
- Thiết kế mẫu phiếu điều tra; soạn thảo các tài liệu tập huấn và các tài liệu giải thích, hướng dẫn kèm theo phiếu điều tra;
- Lập kế hoạch phân bổ mẫu chi tiết đến từng đối tượng điều tra trên địa bàn từng tỉnh, thành phố được chọn;
- In phiếu điều tra, các tài liệu giải thích, hướng dẫn phiếu điều tra và các tài liệu có liên quan khác;
- Xây dựng chương trình phần mềm về nhập tin phiếu điều tra, chương trình phần mềm để xử lý tổng hợp các chỉ tiêu đầu ra của cuộc điều tra;
Toàn bộ bước công việc này hoàn tất trước ngày 15/10/2005.
Bước 2: Triển khai điều tra, bao gồm các công việc sau:
- Triển khai tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ điều tra;
- Triển khai điều tra, thu thập thông tin: Điều tra viên nhận số lượng phiếu điều tra theo danh sách số đơn vị mẫu được chọn và địa điểm, địa bàn được phân công. Điều tra viên đến gặp trực tiếp từng đối tượng điều tra để thu thập thông tin, ghi vào phiếu điều tra hoặc phát phiếu điều tra và hướng dẫn đối tượng điều tra ghi vào phiếu điều tra;
- Kiểm tra thông tin, nhập dữ liệu: Sau khi đã thu được phiếu điều tra, điều tra viên cần tiến hành kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý và chính xác của thông tin, nội dung chỉ tiêu và tiến hành nhập dữ liệu thông tin vào phần mềm máy tính theo qui định. Nếu phát hiện sai sót hoặc nghi vấn về thông tin, số liệu phải liên hệ với đối tượng điều tra để bổ sung, sửa chữa chỉnh lý.
- Kiểm tra, giám sát điều tra: Tổ chức điều tra có trách nhiệm phối hợp với Nhóm chuyên trách điều tra của Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo điều tra của Cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát công việc của các điều tra viên và giải quyết các vấn đề phát sinh trong toàn bộ quá trình điều tra.
Toàn bộ bước công việc này hoàn tất trước ngày 10/12/2005.
Bước 3: Tổng hợp kết quả điều tra
- Sau khi hoàn thành xong việc điều tra, Tổ chức điều tra phối hợp với Nhóm chuyên trách điều tra tiến hành kiểm tra, xử lý, nhập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu điều tra và lập báo cáo điều tra.
- Cơ sở dữ liệu và báo cáo điều tra hoàn chỉnh sẽ được gửi Tổ Biên tập dự án Luật thuế thu nhập cá nhân để phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng dự án Luật theo đúng tiến độ quy định.
Toàn bộ bước công việc này hoàn tất trước ngày 31/12/2005.
(Kế hoạch triển khai chi tiết các bước công việc trong Phụ lục 3 đính kèm.)
VIII/ DỰ TOÁN KINH PHÍ ĐIỀU TRA
Tổng dự toán kinh phí điều tra là 950 triệu đồng. (Dự toán kinh phí đối với từng hạng mục hoạt động điều tra cụ thể được trình bày trong Phụ lục 4 đính kèm.)
Nguồn kinh phí điều tra được cấp từ Ngân sách Nhà nước.
Các tổ chức, đơn vị có liên quan được cấp kinh phí điều tra có trách nhiệm bố trí và quản lý sử dụng chặt chẽ và có hiệu quản nguồn kinh phí được cấp.
PHỤ LỤC 1
THIẾT KẾ MẪU ĐIỀU TRA
I/ PHƯƠNG THỨC CHỌN MẪU ĐIỀU TRA
1- Nguyên tắc, yêu cầu chọn mẫu điều tra:
Chọn mẫu điều tra điển hình, đảm bảo phản ánh bao quát tình hình của các đối tượng nộp thuế theo tỉnh, thành phố, địa bàn thành thị - nông thôn và theo ngành kinh tế.
Đối tượng nộp thuế được phân chia theo ngành kinh tế sau: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh điều tra thêm các đối tượng nộp thuế là ca sỹ, nghệ sỹ, vận động viên, luật sư, bác sỹ hành nghề độc lập.
2- Tiêu thức phân bổ mẫu:
Phân bổ mẫu điều tra theo tiêu thức số thu thuế, cụ thể như sau:
- Đối với đối tượng điều tra là cá nhân người lao động Việt Nam và nước ngoài: là số thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao phải nộp trong năm 2004;
- Đối với hộ gia đình tự kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể): là số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2004. Trường hợp không tách riêng được số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2004 thì lấy tiêu thức phân bổ mẫu điều tra là tổng số thuế phải nộp trong năm 2004.
Tuỳ theo tình hình cụ thể của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng tiêu thức phân bổ mẫu là số lượng đối tượng nộp thuế.
II/ CÁC BƯỚC CHỌN MẪU
1. Bước 1: Phân nhóm các tỉnh, thành phố và chọn tỉnh, thành phố điển hình cho từng nhóm
Phân chia các tỉnh, thành phố thành 5 nhóm sau: (i) các thành phố lớn; (ii) các tỉnh có tỷ trọng công nghiệp lớn; (iii) các tỉnh đồng bằng; (iv) các tỉnh trung du; và (v) các tỉnh miền núi. Cụ thể:
- Nhóm I: các thành phố lớn: chọn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng;
- Nhóm II: các tỉnh, thành phố có tỷ trọng công nghiệp cao: chọn Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu;
- Nhóm III: các tỉnh đồng bằng: chọn Hưng Yên, Quảng Nam, Tiền Giang;
- Nhóm IV: Các tỉnh trung du: chọn Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Phước;
- Nhóm V: Các tỉnh miền núi: Yên Bái, Đắc Lắc.
(Kế hoạch phân bổ mẫu cho các tỉnh thành phố nói trên trong phụ lục số 2 đính kèm)
2. Bước 2: Phân bổ mẫu điều tra trong từng tỉnh- thành phố đã chọn
a) Đối với cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện do Cục thuế trực tiếp quản lý: Trên cơ sở danh sách toàn bộ đối tượng nộp thuế, bao gồm số thứ tự, họ tên người nộp, địa chỉ (hoặc cơ quan chi trả thu nhập) và số thuế phải nộp năm 2004, tiến hành chọn mẫu điều tra theo phương thức chọn mẫu nói trên
b) Đối với các hộ gia đình tự kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể) do các chi cục thuế trực tiếp quản lý:
- Trước hết, tiến hành lựa chọn địa bàn điều tra theo khu vực thành thị - nông thôn trong từng tỉnh, thành phố đã được chọn nói trên, cụ thể như sau:
+ Đối với tỉnh – thành phố lớn: chọn 02-05 quận điển hình cho khu vực thành thị, 01-02 huyện điển hình cho khu vực nông thôn.
+ Đối với các tỉnh, thành phố còn lại: chọn 01-02 thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh điển hình cho khu vực thành thị, 01-02 huyện điển hình cho khu vực nông thôn.
- Phân bổ mẫu cho các địa bàn điều tra: Sau khi lựa chọn được địa bàn điều tra, tiến hành phân bổ mẫu cho từng địa bàn theo theo phương thức chọn mẫu nói trên.
- Phân bổ mẫu theo ngành kinh tế trong từng địa bàn: Sau khi phân bổ mẫu cho từng địa bàn, tiến hành phân bổ mẫu cho từng khu vực kinh tế theo phương thức chọn mẫu nói trên.
- Phân bổ mẫu trong từng ngành ngành kinh tế trong từng khu vực: sau khi hoàn tất các công việc nói trên, thực hiện phân bổ mẫu theo các ngành kinh tế trong từng khu vực trên cơ sở tiêu thức phân bổ mẫu nói trên.
3. Bước 3: Điều chỉnh mẫu điều tra
Trong quá trình phân bổ mẫu nói trên, do các số liệu thống kê hiện hành về số thu thuế và số hộ kinh doanh có thể không đầy đủ, chính xác so với thực tế; do vậy cần điều chỉnh số mẫu cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương và yêu cầu của công tác điều tra thống kê.
III/ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VỀ CHỌN MẪU ĐIỀU TRA ĐỐI VỚI CÁC TỈNH. THÀNH PHỐ
1/ Bước 1: Các tỉnh, thành phố tập hợp cơ sở dữ liệu về đối tượng nộp thuế là các cá nhân và hộ kinh doanh cá thể
(1) Đối với cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện do Cục thuế trực tiếp quản lý:
Cục thuế lập danh sách toàn bộ đối tượng nộp thuế, bao gồm số thứ tự, họ tên người nộp, địa chỉ (hoặc cơ quan chi trả thu nhập) và số thuế phải nộp năm 2004 dưới dạng file Microsoft Excel. Sau khi nhập toàn bộ các dữ liệu xong, file dữ liệu này sẽ được gửi lên Tổng Cục Thuế (Ban Thuế thu nhập cá nhân) để chọn mẫu điều tra cụ thể.
(2) Đối với các hộ kinh doanh cá thể do các chi cục thuế trực tiếp quản lý:
Cục thuế lựa chọn địa bàn điều tra điển hình theo khu vực thành thị - nông thôn, cụ thể như sau:
- Hà Nội: 03 quận, 2 huyện;
- TP Hồ Chí Minh: 05 quận, 03 huyện;
- Đà Nẵng: 02 quận, 01 huyện
- Các tỉnh còn lại: 01 thành phố thuộc tỉnh (hoặc thị xã), 01 huyện.
Tiêu thức lựa chọn địa bàn điều tra điển hình: chọn địa bàn có số thu lớn và cơ cấu ngành nghề đa dạng để đảm bảo đại diện cho toàn bộ các hộ kinh doanh cá thể trong địa bàn tỉnh, thành phố. Việc lựa chọn địa bàn điều tra điển hình do các bộ phận quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể của Cục thuế tỉnh, thành phố lựa chọn và trình Lãnh đạo Cục thuế duyệt.
Sau khi lựa chọn được địa bàn điều tra, Cục thuế chỉ đạo các chi cục thuế quản lý địa bàn điều tra lập danh sách toàn bộ đối tượng nộp thuế, bao gồm số thứ tự, họ tên chủ hộ kinh doanh, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh (nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, lĩnh vực khác) và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2004 dưới dạng file Microsoft Excel. Sau khi nhập toàn bộ các dữ liệu xong, các chi cục thuế gửi file dữ liệu này lên Cục thuế để tổng hợp và gửi lên Tổng Cục Thuế (Ban Thuế thu nhập cá nhân) để phân bổ mẫu điều tra cụ thể.
Bước công việc này được hoàn tất trước ngày 10/10/2005.
2/ Bước 2: Phân bổ mẫu điều tra cụ thể tại Trung ương
Sau khi nhận được các file dữ liệu từ các cục thuế tỉnh, thành phố được lựa chọn điều tra, Tổ chức điều tra và Nhóm chuyên trách điều tra của Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với tiến hành chọn mẫu cụ thể đối với từng tỉnh, thành phố.
Bước công việc này được hoàn tất trước ngày 12/10/2005.
3/ Bước 3: Thông báo kết quả chọn mẫu cho Cục thuế các tỉnh, thành phố
Sau khi hoàn tất việc chọn mẫu, kết quả chọn mẫu sẽ được thông báo cho Cục thuế các tỉnh, thành phố để phân công cụ thể cho các cán bộ điều tra. Trên cơ sở đó, các cán bộ điều tra triển khai thực hiện điều tra trực tiếp các đối tượng điều tra.
Bước công việc này được hoàn tất trước ngày 15/10/2005.
PHỤ LỤC 2
KẾ HOẠCH PHÂN BỔ TỔNG SỐ MẪU ĐIỀU TRA CHO CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
Nhóm | Tỉnh, thành phố | Phân bổ mẫu điều tra hộ kinh doanh cá thể | Phân bổ mẫu điều tra cá nhân người Việt Nam | Phân bổ mẫu điều tra cá nhân người nước ngoài | Tổng số mẫu |
I | Các thành phố lớn |
|
|
|
|
| - Hà Nội | 1.000 | 1.600 | 700 | 3.300 |
| - TP Hồ Chí Minh | 2.200 | 4.200 | 1.800 | 8.200 |
| - Đà Nẵng | 600 | 400 | 100 | 1100 |
II | Các tỉnh có tỷ trọng công nghiệp cao |
|
|
|
|
| - Vĩnh Phúc | 100 | 100 | 0 | 200 |
| - Đồng Nai | 300 | 200 | 100 | 600 |
| - Bà Rịa - Vũng Tàu | 200 | 300 | 500 | 1.000 |
III | Các tỉnh đồng bằng |
|
|
|
|
| - Hưng Yên | 100 | 50 | 0 | 150 |
| - Quảng Nam | 100 | 50 | 0 | 150 |
| - Tiền Giang | 100 | 50 | 0 | 150 |
IV | Các tỉnh trung du |
|
|
|
|
| - Phú Thọ | 100 | 50 | 0 | 150 |
| - Quảng Ninh | 100 | 50 | 0 | 150 |
| - Bình Phước | 100 | 50 | 0 | 150 |
V | Các tỉnh miền núi |
|
|
|
|
| - Yên Bái | 50 | 50 | 0 | 100 |
| - Đắc Lắc | 50 | 50 | 0 | 100 |
| Tổng số | 5.100 | 7.200 | 3.200 | 15.500 |
PHỤ LỤC 3
KẾ HOẠCH ĐIỀU TRA THỐNG KÊ THU NHẬP VÀ CHI TIÊU CỦA CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH PHỤC VỤ DỰ ÁN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Bước công việc | Nội dung | Thời gian hoàn thành | Đơn vị triển khai thực hiện |
1. Chuẩn bị điều tra | - Lập phương án và kế hoạch điều tra sơ bộ - Lập phương án và kế hoạch điều tra chi tiết - Thiết kế mẫu phiếu câu hỏi điều tra - Chọn tổ chức tiến hành điều tra - Chọn và kiểm tra mẫu điều tra - Biên soạn tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn cho cán bộ điều tra | 15/8/2005 10/9/2005 10/9/2005 10/9/2005 12/10/2005 15/10/2005 | Nhóm chuyên trách điều tra và Tổ chức tiến hành điều tra |
2. Tiến hành điều tra | - Trực tiếp điều tra thu thập thông tin của đối tượng điều tra; kiểm tra tính đầy đủ, chính xác, hợp lý của nội dung phiếu trả lời và nhập dữ liệu vào chương trình máy tính; - Gửi toàn bộ phiếu trả lời và các file dữ liệu điều tra đã nhập bằng đĩa mềm hoặc đường truyền nội bộ cho Tổng Cục Thuế (Ban Thuế thu nhập cá nhân) để chuyển cho Tổ chức điều tra tổng hợp, lập cơ sở dữ liệu và báo cáo điều tra. |
25/11/2005
5/12/2005
| Các điều tra viên dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo điều tra của Cục thuế các tỉnh, thành phố |
3. Kiểm tra, giám sát điều tra | Kiểm tra, giám sát tình hình triển khai điều tra ở các địa phương; xử lý và giải quyết các vấn đề thực tế phát sinh tại các địa phương. | 5/12/2005
| Tổ chức điều tra kết hợp với Nhóm chuyên trách điều tra và Ban chỉ đạo điều tra của Cục thuế các tỉnh, thành phố |
4. Tổng hợp kết quả, lập báo cáo điều tra và hoàn thành cơ sở dữ liệu điều tra | - Kiểm tra lại toàn bộ các phiếu điều tra, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, hợp lý của các nội dung trả lời - Xử lý các file dữ liệu và lập cơ sở dữ liệu - Lập các mẫu biểu điều tra - Lập báo cáo điều tra | 15/12/2005
20/12/2005 20/12/2005 20/12/2005 | Tổ chức điều tra và Nhóm chuyên trách điều tra |
5. Nhiệm thu kết quả | - Tổ chức nhiệm thu kết quả điều tra | 25/12/2005 | Nhóm chuyên trách điều tra và Tổ chức điều tra |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.