THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 695/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC DUYỆT ĐẦU TƯ DỰ ÁN PHÁT TRIỂN CẢNG QUỐC TẾ CÁI MÉP - THỊ VẢI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải (tờ trình số 4337/GTVT-KHĐT ngày 30 tháng 9 năm 2003, số 5815/GTVT-KHĐT ngày 09 tháng 12 năm 2003; số 2003/GTVT-KHĐT ngày 23 tháng 4 năm 2004) và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 1193 BKH/TĐ&GSĐT ngày 03 tháng 3 năm 2004) về Báo cáo nghiên cứu khả thi cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Đầu tư dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên dự án: Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn đến năm 2010.
2. Địa điểm dự án: Tại 2 vị trí được xác định trên sông Thị Vải thuộc huyện Tân Thanh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể như sau:
- Cảng tổng hợp Thị Vải xây dựng tại vị trí Thị Vải (Phú Mỹ);
- Cảng container quốc tế Cái Mép xây dựng tại vị trí Cái Mép hạ.
3. Quy mô dự án:
- Xây dựng 2 bến tổng hợp tại Thị Vải:
+ Tổng diện tích cảng là 27 ha, chiều dài đường bờ sông 600m.
+ Bến dạng cầu tàu liền bờ với tổng chiều dài khoảng 600m có khả năng tiếp nhận được tàu hàng tổng hợp có trọng tải đến 50.000 DWT. Công suất thông qua từ 1,6 triệu tấn/năm đến 2 triệu tấn/năm vào năm 2010.
+ Cơ sở hạ tầng và các công trình trên bờ có quy mô phù hợp với yêu cầu bến tổng hợp.
+ Trang thiết bị xếp dỡ và vận chuyển hàng hoá cùng các thiết bị khác được đầu tư phù hợp, đảm bảo năng suất xếp dỡ hàng hoá theo thiết kế.
- Xây dựng 2 bến tại Cái Mép hạ:
+ Tổng diện tích cảng 48 ha, chiều dài đường bờ sông 600m.
+ Bến dạng cầu tầu xa bờ có cầu dẫn hoặc dạng bến liền bờ. Cầu chính dài 600m, rộng 50m, được thiết kế xây dựng để có khả năng cập tàu container trọng tài 80.000 DWT, trong giai đoạn đến năm 2010 cho phép tàu có tải trọng đến 50.000 DWT cập và làm hàng container. Cầu cảng chính nối với bờ bằng 3 cầu dẫn, mỗi cầu dài 90m. Công suất thông qua 600.000 TEU đến 700.000 TEU.
+ Cơ sở hạ tầng và các công trình trên bờ có quy mô phù hợp với yêu cầu của bến container.
+ Trang thiết bị xếp dỡ và vận chuyển container cùng các thiết bị khác được đầu tư phù hợp đảm bảo hiệu suất xếp dỡ container theo thiết kế.
+ Hệ thống điều khiển bằng máy vi tính, hệ thống bảo trì bao gồm huấn luyện và đào tạo đội ngũ công nhân, kỹ sư bảo trì, kiểm tra định kỳ các thiết bị và phụ tùng thay thế.
- Luồng chạy tàu:
+ Luồng vào các bến tại Cái Mép hạ, giai đoạn đến năm 2010 được thiết kế cho tàu container có trọng tải đến 50.000 DWT có chiều rộng luồng 310m, với cao độ đáy - 14m, khu nước trước bến được nạo vét cùng cao độ - 14m.
+ Luồng vào các bến tại Thị Vải được thiết kế cho tàu hàng bách hoá có trọng tải đến 50.000 DWT với chiều rộng luồng 310m, cao độ đáy - 12m, khu nước trước bến được nạo vét đến cao độ - 14m. Riêng đoạn bờ cong chữ S trước khi vào bến được thiết kế xây dựng với chiều rộng luồng 200m, cao độ đáy luồng - 12m.
- Mua sắm và lắp đặt hệ thống VTS phục vụ vận hành, khai thác cảng.
4. Vốn đầu tư:
- Tổng mức đầu tư: 4.731.562 triệu đồng tương đương 36.326 triệu Yên Nhật Bản (tính theo tỷ giá 1 Yên 130,252 đồng).
- Nguồn vốn đầu tư:
Dự án dùng vốn vay của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) bằng đồng Yên và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước Việt Nam bằng VNĐ theo cơ cấu sau: 85% là vốn vay của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) bằng đồng Yên và 15% vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước Việt Nam bằng VNĐ.
- Bộ Giao thông Vận tải xem xét và thống nhất với JBIC về việc bổ sung các hạng mục nâng cấp đường nối từ quốc lộ 51 đến cảng Thị Vải và cảng Cái Mép, tạo điều kiện cho ngư dân trong khu vực cảng chuyển sang đánh bắt xây dựng bờ và tái tạo rừng đước, thực hiện chương trình giám sát môi trường, xây dựng văn phòng điều hành dự án và đào tạo vận hành, trên cơ sở đó xác định chi phí và nguồn vốn thích hợp.
5. Tổ chức thực hiện:
- Chủ đầu tư: Bộ Giao thông Vận tải.
- Đại diện Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) có sự tham gia trực tiếp của Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ hiện hành.
- Tiến độ đầu tư:
+ Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: 2004 đến năm 2005.
+ Khởi công xây dựng: Năm 2006.
+ Hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác: Cuối năm 2009 đầu năm 2010.
6. Phương thức thực hiện dự án:
- Tư vấn kỹ thuật: Đấu thầu cạnh tranh quốc tế thực hiện nhiệm vụ: trợ giúp đấu thầu và giám sát xây dựng, lựa chọn đơn vị vận hành khai thác cảng.
Phần khảo sát thiết kế chi tiết: kinh phí thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
- Thi công xây lắp: Đấu thầu cạnh tranh quốc tế và trong nước.
Điều 2. Phân giao nhiệm vụ:
1. Bộ Giao thông Vận tải:
- Phê duyệt thiết kế kỹ thuật các hạng mục của dự án.
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ.
- Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu kế hoạch quản lý và khai thác cảng sau khi hoàn thành xây dựng.
- Chỉ đạo triển khai dự án theo đúng các quy định hiện hành.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - vũng Tàu: chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện triển khai dự án.
3. Các Bộ, ngành khác: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các ngành liên quan thực hiện theo chức năng và phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.