BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 995/QĐ-BXD | Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN KIẾN TRÚC QUỐC GIA
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Viện Kiến trúc quốc gia trên cơ sở tổ chức lại Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trụ sở chính của Viện Kiến trúc quốc gia đặt tại: Số 389 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Vị trí, chức năng
Viện Kiến trúc quốc gia là đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện các chức năng: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ để phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, bảo tồn, bảo tàng và phát triển nền kiến trúc quốc gia; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến thông tin về tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác quốc tế và thông tin về lĩnh vực kiến trúc, khoa học công nghệ xây dựng; kinh doanh và thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch xây dựng.
Viện Kiến trúc quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Lập kế hoạch 05 năm, hàng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ công tác của Viện, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc, đô thị và xây dựng.
2. Tổ chức nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực kiến trúc, bao gồm: lý luận và phê bình kiến trúc; lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam và thế giới; tu bổ, tôn tạo, bảo tồn kiến trúc truyền thống, kiến trúc cổ; xây dựng và phát triển Bảo tàng kiến trúc Việt Nam; điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp, quản lý lưu trữ và cung cấp thông tin, tư liệu trong lĩnh vực kiến trúc.
3. Thực hiện các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao hoặc cơ quan nhà nước đặt hàng, bao gồm:
3.1. Nghiên cứu định hướng, chiến lược, chính sách bảo tồn và phát triển kiến trúc Việt Nam, chính sách phát triển đô thị, nhà ở và các loại công trình kiến trúc khác; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng;
3.2. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, nghiên cứu phương pháp luận, hệ thống hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, quản lý trong lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch trong nước và trên thế giới; tổ chức nghiên cứu biên soạn, ứng dụng về tiêu chuẩn hóa, điển hình hóa trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.
4. Tổ chức nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng, bao gồm: kiến trúc công trình; kiến trúc cảnh quan; trang trí nội, ngoại thất; môi trường trong kiến trúc; thiết kế đô thị đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa của từng địa phương, từng vùng, miền trên phạm vi cả nước.
5. Xuất bản Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Website và các ấn phẩm thông tin trong lĩnh vực kiến trúc; tổng kết lý luận và thực tiễn, tổ chức diễn đàn trao đổi, lý luận, thông tin về các hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các sự kiện và giải thưởng kiến trúc hàng năm theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức thực hiện công tác tư vấn và dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật, bao gồm:
6.1. Lập quy hoạch xây dựng và đô thị, quy hoạch định hướng, quy hoạch chung cho các khu chức năng đặc thù (di tích, di sản, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái, tái định cư), quy hoạch nông thôn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch bảo tồn, thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan; nhà ở nông thôn kết hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới;
6.2. Tư vấn đầu tư; tư vấn lập dự án thiết kế xây dựng công trình, khảo sát địa chất, địa hình, môi trường; tư vấn thẩm tra thiết kế và tổng dự toán các công trình xây dựng;
6.3. Tư vấn thi tuyển kiến trúc, tư vấn mời thầu và đấu thầu, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật;
6.4. Kiểm định, giám định, định giá, giám sát, chất lượng công trình xây dựng; tư vấn đánh giá tác động môi trường liên quan đến công trình kiến trúc;
6.5. Khảo sát, tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát các công trình văn hóa, tượng đài, tranh, phù điêu trang trí và thi công mô hình sa bàn.
7. Tổ chức xây dựng thực nghiệm; tư vấn, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong thiết kế và thi công các công trình xây dựng.
8. Tổ chức sản xuất, thực hiện xuất nhập khẩu, đầu tư kinh doanh các sản phẩm, vật liệu, vật tư, thiết bị kỹ thuật phục vụ việc hoàn thiện và trang trí nội, ngoại thất công trình.
9. Tổ chức thi công xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, thi công nội, ngoại thất công trình xây dựng; thi công phục chế, sửa chữa, trùng tu, bảo tồn công trình di tích, thi công các công trình văn hóa, mỹ thuật, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng.
10. Tổ chức đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ chuyên ngành kiến trúc; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, tư vấn, thiết kế kiến trúc và phục vụ cho việc cấp chứng chỉ hành nghề chuyên ngành kiến trúc và xây dựng; bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến thông tin về khoa học công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế điển hình, lịch sử kiến trúc và bảo tồn di sản, quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị và cảnh quan trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.
11. Thực hiện hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế về các lĩnh vực hoạt động của Viện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
12. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Viện theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
13. Quản lý tài chính, tài sản được giao, quản lý các hoạt động có thu của Viện theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
14. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Viện Kiến trúc quốc gia
1. Các đơn vị trực thuộc:
1.1. Văn phòng;
1.2. Phòng Tổ chức cán bộ;
1.3. Phòng Kế hoạch - Tài chính;
1.4. Phòng Quản lý khoa học kỹ thuật và thông tin;
1.5. Phòng Nghiên cứu lịch sử kiến trúc;
1.6. Phòng Nghiên cứu kiến trúc cảnh quan và lý luận phê bình kiến trúc;
1.7. Phòng Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ kiến trúc, xây dựng;
1.8. Phòng Nghiên cứu tiêu chuẩn hóa xây dựng;
1.9. Phòng Nghiên cứu thiết kế điển hình hóa xây dựng;
1.10. Trung tâm Đào tạo và hợp tác quốc tế;
1.11. Trung tâm bảo tồn di tích và di sản kiến trúc;
1.12. Trung tâm Quy hoạch và thiết kế đô thị;
1.13. Trung tâm Thi công Kiến trúc - Mỹ thuật;
1.14. Trung tâm Tư vấn kiến trúc và đầu tư xây dựng;
1.15. Trung tâm Khảo sát và kiểm định xây dựng;
1.16. Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch nông thôn;
1.17. Trung tâm Kiến trúc miền Trung;
1.18. Phân viện Kiến trúc miền Nam;
1.19. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.
Các Trung tâm, Phân viện trực thuộc Viện Kiến trúc quốc gia là các đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán phụ thuộc hoặc độc lập, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo sự ủy quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia và quy định của pháp luật.
Các đơn vị trực thuộc Viện Kiến trúc quốc gia có cấp trưởng, một số cấp phó và các viên chức chuyên môn nghiệp vụ.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc Viện Kiến trúc quốc gia do Bộ trưởng quyết định.
2. Lãnh đạo Viện Kiến trúc quốc gia:
2.1. Viện Kiến trúc quốc gia có Viện trưởng và các Phó viện trưởng;
2.2. Viện trưởng và Phó viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng và pháp luật;
2.3. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Viện Kiến trúc quốc gia, Viện trưởng có trách nhiệm lập kế hoạch công tác, xác định nhu cầu biên chế của Viện cho từng giai đoạn; xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Viện trình Bộ trưởng phê duyệt; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong Viện Kiến trúc quốc gia và báo cáo Bộ trưởng;
2.4. Viện trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Viện Kiến trúc quốc gia theo quy định của Đảng, pháp luật và phân cấp của Bộ;
2.5. Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Viện Kiến trúc quốc gia; Phó viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký;
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.