BỘ BƯU CHÍNH-VIỄN THÔNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 992/QĐ-BBCVT | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM HỖ TRỢ KIẾN TRÚC VÀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ
BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Căn cứ công văn số 4656/VPCP-KP ngày 24/06/2006 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm về việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ kiến trúc và Phát triển hạ tầng Chính phủ điện tử;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Trung tâm Hỗ trợ kiến trúc và Phát triển hạ tầng Chính phủ điện tử (sau đây gọi tắt là Trung tâm Chính phủ điện tử) thuộc Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin đặt tại Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Trung tâm Chính phủ điện tử có chức năng hỗ trợ Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin (Ban chỉ đạo) về mặt chuyên môn trong công tác hỗ trợ kiến trúc và phát triển hạ tầng Chính phủ điện tử trong phạm vi cả nước; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương thúc đẩy các hoạt động phát triển Chính phủ điện tử.
Trung tâm Chính phủ điện tử có tên giao dịch tiếng Anh là:
E-Government Architecture and Infrastructure Development Center
Tên viết tắt tiếng Anh: EGAID Center.
Điều 2. Trung tâm Chính phủ điện tử có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Tư vấn chuyên gia cho Ban chỉ đạo về các vấn đề chuyên môn liên quan tới Chính phủ điện tử. Giúp tư vấn chuyên môn, kỹ thuật cho việc thẩm định đối với các đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của các đơn vị trong phạm vi cả nước đối với Ban chỉ đạo.
2. Tổ chức diễn đàn và các cơ hội gặp gỡ giữa các nhà quản lý với các chuyên gia và các doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm công nghệ, sản phẩm cũng như các yêu cầu của các cơ quan nhà nước đối với các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử sẽ triển khai trong tương lai.
3. Tổ chức và tham gia tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về Chính phủ điện tử. Tổ chức xây dựng các xuất bản phẩm, ấn phẩm và chương trình truyền thông đa phương tiện theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức về Chính phủ điện tử.
4. Cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và triển khai các vấn đề liên quan tới xây dựng và phát triển kiến trúc, hạ tầng và nguồn lực Chính phủ điện tử cho Ban chỉ đạo, các bộ, ngành và địa phương.
5. Ký kết và thực hiện các hợp đồng hợp tác; liên kết với các công ty trong và ngoài nước để nghiên cứu, triển khai, thử nghiệm, xây dựng và phát triển kiến trúc công nghệ thông tin quốc gia và các công nghệ lõi cho các ứng dụng về Chính phủ điện tử.
6. Tổ chức nghiên cứu, triển khai thử nghiệm một số mô hình dịch vụ công về Chính phủ điện tử, đặc biệt là các dịch vụ công cho doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin (G2B).
7. Huy động sự hỗ trợ của các công ty tiên tiến trên thế giới về CNTT; nghiên cứu, chọn lọc đưa các kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện đại, phù hợp đã thành công trên thế giới vào Việt Nam.
8. Tổ chức các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực liên quan tới các ứng dụng Chính phủ điện tử.
9. Được chủ động phát triển các hoạt động có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Chính phủ điện tử; tạo lập và huy động thêm các nguồn tài chính khác để mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Trung tâm theo các quy định của pháp luật.
10. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tài sản, hồ sơ, tài liệu của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông giao.
Điều 3. Tổ chức, biên chế của Trung tâm Chính phủ điện tử:
1. Trung tâm Chính phủ điện tử có Giám đốc do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông bổ nhiệm; có Phó giám đốc giúp việc Giám đốc do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc.
Giám đốc chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin và trước pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Quyết định này.
2. Giám đốc được chủ động về tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông và của pháp luật. Chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc Trung tâm do Giám đốc quy định.
Điều 4. Trung tâm Chính phủ điện tử là đơn vị sự nghiệp tự trang trải kinh phí hoạt động, thuộc Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; trụ sở chính của Trung tâm đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 6. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin, Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.