ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 99/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 09 tháng 01 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Thông tư số 25/2009/TT-BNN ngày 05/5/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn kiểm kê, thống kê và lập hồ sơ quản lý rừng.
Căn cứ Nghị quyết số 54/2012/NQ-HĐND ngày 06/11/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII, kỳ họp thứ 5 về việc thông qua quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 27/SNN-LN ngày 03/01/2012 về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung: Quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng và đất rừng hiện có, nâng cao chất lượng và giá trị của rừng nhằm đảm bảo vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể
Từ nay đến năm 2020.
- Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 29,76%. Ưu tiên đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong lưu vực sông La Ngà, sông Đồng Nai, sông Thị Vải nhằm bảo tồn các nguồn gen quý hiếm và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng. Giảm đến mức thấp nhất các vi phạm vào tài nguyên rừng.
- Quản lý bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có, ổn định diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng góp phần bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển rừng sản xuất nguyên liệu. Trồng rừng mới 4.609 ha; trồng rừng sau khai thác 10.630 ha; trồng rừng thay thế, nâng cao chất lượng rừng: 5.731 ha; làm giàu rừng tự nhiên 27.422 ha; khoanh nuôi phục hồi rừng 1.742 ha; trồng cây phân tán 236 triệu cây; khai thác 14.404 ha rừng trồng, khai thác cây phụ trợ trên đất rừng trồng phòng hộ 7.314 ha, và khai thác 21.320 ha lâm sản ngoài gỗ.
2. Nội dung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
a) Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp
Tổng diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch đến năm 2020 là 170.239 ha chiếm 28,82% diện tích tự nhiên, trong đó: Quy hoạch rừng đặc dụng 101.257 ha chiếm 59,5% diện tích đất lâm nghiệp, quy hoạch rừng phòng hộ 36.507 ha chiếm 21,4% diện tích đất lâm nghiệp, quy hoạch rừng sản xuất 32.475 ha chiếm 19,1% diện tích đất lâm nghiệp.
b) Quản lý bảo vệ rừng
Bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, rừng trồng sau thời gian chăm sóc và rừng phục hồi sau khoanh nuôi thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2020 đạt 168.184 ha chiếm 98,8% diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng 100.188 ha, rừng phòng hộ 35.989 ha, rừng sản xuất 32.007 ha.
c) Phát triển rừng
- Trồng rừng mới: 4.609 ha, (gồm trồng rừng đặc dụng 2.017 ha, rừng phòng hộ 393 ha, rừng sản xuất 2.198 ha), trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015 trồng 1.442 ha.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 trồng 3.167 ha.
- Trồng rừng sau khai thác: 10.630 ha, trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015 là 5.617 ha.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 là 5.013 ha.
- Trồng rừng thay thế, nâng cao chất lượng rừng: 5.731 ha, trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015 là 3.189 ha.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 là 2.542 ha.
- Làm giàu rừng tự nhiên: 27.422 ha rừng đặc dụng, trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015 là 2.974 ha.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 là 24.448 ha.
- Khoanh nuôi phục hồi rừng: 1.742 ha, trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015 là 908 ha.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 là 834 ha.
- Trồng cây phân tán: 236 triệu cây (tương đương 3.000 ha) ở những diện tích đất manh mún, dọc các trục đường giao thông, đê, kè các cơ sở công cộng như trường học, trụ sở cơ quan, trạm y tế, bệnh viện, các khu vui chơi giải trí, các khu công nghiệp, khu đô thị, trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015 trồng 118 triệu cây.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 trồng 118 triệu cây.
d) Khai thác lâm sản
- Khai thác 11.404 ha rừng trồng sản xuất, trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015 khai thác 6.236 ha.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 khai thác 5.168 ha.
- Khai thác cây phụ trợ trên đất rừng trồng phòng hộ 7.314 ha, trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 2015 khai thác 4.625 ha.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 khai thác 2.689 ha.
- Khai thác lâm sản ngoài gỗ 21.320 ha (khai thác tre, lô ô, mủ cây cao su).
Trong đó:
+ Giai đoạn 2011 - 1015 khai thác 11.335 ha.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 khai thác 9.985 ha.
e) Xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp
- Xây dựng chòi canh lửa rừng: 21 cái, trong giai đoạn 2011 - 2015 là 15 cái; giai đoạn 2016 - 2020 là 06 cái.
- Xây dựng bể nước, hồ nước phòng chống cháy rừng: 30 cái, trong giai đoạn 2011 - 2015 là 21 cái; giai đoạn 2016 - 2020 là 09 cái.
- Xây dựng, sửa chữa trụ sở, trạm, chốt bảo vệ rừng: 57 cái, trong giai đoạn 2011 - 2015 là 31 cái; giai đoạn 2016 - 2020 là 26 cái.
- Đường lâm nghiệp: Mở mới 23 km đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn 2016 - 2020; sửa chữa, nâng cấp 466 km, giai đoạn 2011 - 2015: 111 km, giai đoạn 2016 - 2020: 355 km.
- Cắm mốc ranh giới 03 loại rừng: 784 mốc, trong giai đoạn 2011 - 2015 là 514 mốc, giai đoạn 2016 - 2020 là 270 mốc.
- Trang bị xe ô tô phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng: 06 xe; xe phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng 16 xe, trong giai đoạn 2011 - 2015 là 10 xe, giai đoạn 2016 - 2020 là 12 xe.
f) Danh mục các đề án, dự án ưu tiên
- Xây dựng 06 đề án, dự án mới: Dự án bảo tồn Voi hoang dã tỉnh Đồng Nai; định giá các dịch vụ môi trường và cơ chế chi trả; dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng và đất lâm nghiệp; xây dựng Dự án đầu tư phát triển rừng phòng hộ núi Chứa Chan huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai; Đề án bảo vệ rừng bền vững gắn liền với ổn định dân cư làm nghề rừng; Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về lâm nghiệp.
3. Nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn
a) Tổng vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 là 787,8 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2011 - 2015 là 347,7 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 440,1 tỷ đồng, cụ thể như sau:
ĐVT: Tỷ đồng
Hạng mục | Giai đoạn 2011 - 2015 | Giai đoạn 2016 - 2020 | Tổng | Trong đó | |
Trình | Đã được | ||||
1- Quản lý bảo vệ rừng | 85,1 | 81,1 | 166,2 | 166,2 | - |
2- Phát triển rừng | 158,7 | 181,5 | 340,2 | 259,3 | 80,9 |
3- Khai thác rừng | 49,0 | 44,8 | 93,8 | 93,8 | - |
4- Xây dựng CSHT lâm sinh | 19,8 | 72,8 | 92,6 | 58,6 | 34,0 |
5-Xây dựng các dự án ưu tiên | 35,1 | 59,9 | 95,0 | 95,0 | - |
Tổng kinh phí | 347,7 | 440,1 | 787,8 | 672,9 | 114,9 |
Ghi chú (1): Kinh phí 114,9 tỷ đồng nêu trên đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết 35/2012/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 về xây dựng và phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020, trong đó có một số nội dung được tổng hợp vào quy hoạch bảo vệ phát triển rừng của tỉnh.
b) Nguồn vốn đầu tư
Tổng vốn đầu tư là 787,8 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương là 82,5 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh là 311,0 tỷ đồng; vốn của đơn vị chủ rừng là 108,1 tỷ đồng; vốn liên kết là 72,3 tỷ đồng; vốn trong dân là 132,2 tỷ đồng; vốn vay là 81,8 tỷ đồng, cụ thể như sau:
ĐVT: Tỷ đồng
Hạng mục | Ngân sách TW (1) | Ngân sách tỉnh | Đơn vị | Liên kết | Vốn dân | Vốn vay | Tổng kinh phí | |
Giai đoạn 2011 - 2015 |
| |||||||
Tổng cộng | 29,6 | 117,4 | 58,6 | 36,5 | 69,0 | 36,6 | 347,7 |
|
1- Quản lý bảo vệ rừng | 430,0 | 48,8 | 3,0 | 8,9 | 24,0 | - | 85,1 |
|
2- Phát triển rừng | 3,7 | 40,1 | 29,4 | 17,7 | 32,7 | 35,1 | 158,7 |
|
3- Khai thác rừng | - | - | 25,3 | 9,8 | 12,3 | 1,5 | 49,0 |
|
4- Xây dựng CSHT lâm sinh | 1,4 | 17,6 | 865,0 |
|
|
| 19,8 |
|
5- Các dự án, đề án | 24,1 | 11,0 | - | - | - | - | 35,1 |
|
Giai đoạn 2016 - 2020 |
| |||||||
Tổng cộng | 52,9 | 193,5 | 49,5 | 35,8 | 63,2 | 45,2 | 440,1 |
|
1- Quản lý bảo vệ rừng | 430,0 | 43,4 | 2,9 | 9,3 | 25,0 | - | 81,1 |
|
2- Phát triển rừng | 4,1 | 68,4 | 25,2 | 14,6 | 25,6 | 43,7 | 181,5 |
|
3- Khai thác rừng | - | - | 18,8 | 11,9 | 12,6 | 1,5 | 44,8 |
|
4- Xây dựng CSHT lâm sinh | 3,7 | 66,5 | 2,6 | - | - | - | 72,8 |
|
5- Các dự án, đề án | 44,7 | 15,2 | - | - | - | - | 59,9 |
|
Ghi chú (1): Nguồn vốn Trung ương cấp cho Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp La Ngà (hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2010 và Vườn Quốc gia Cát Tiên theo quy hoạch tổng thể Vườn Quốc gia Cát Tiên đến năm 2020 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt; cấp cho Dự án bảo tồn Voi hoang dã tỉnh Đồng Nai (căn cứ Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn Voi ở Việt Nam).
Tổng các nguồn thu nộp ngân sách: 123 tỷ đồng, trong đó:
- Thu nộp ngân sách từ dịch vụ môi trường rừng: 105 tỷ đồng trong 10 năm (2011 - 2020), tạm tính 10,5 tỷ đồng/năm, nguồn thu này do Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương phân bổ cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai theo nội dung Văn bản số 1221/VPCP-KTN ngày 01/3/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện từ năm 2011.
- Thu nộp ngân sách từ khai thác rừng trồng bằng vốn ngân sách: 08 tỷ đồng; thu từ khai thác tre, lồ ô, mum: 10 tỷ đồng.
Các nguồn thu này sẽ được đầu tư lại cho công tác quản lý bảo vệ rừng của tỉnh trong kỳ quy hoạch.
5. Giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp về tổ chức
- Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức công bố quy hoạch được duyệt theo quy định, chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; đưa các nội dung quy hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương.
b) Giải pháp về quản lý bảo vệ rừng
Tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp các ngành, các chủ rừng, mỗi người dân và toàn xã hội trong bảo vệ và phát triển rừng đi đôi với tăng cường quản lý Nhà nước về lâm nghiệp.
Triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Quản lý chặt chẽ rừng và đất lâm nghiệp: Lập hồ sơ quản lý đất đai chi tiết gắn với chủ sử dụng cụ thể; xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý rừng và đất lâm nghiệp trong từng địa phương, đơn vị chủ rừng và thống nhất toàn tỉnh. Rà soát hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp trong đó có diện tích đã giao khoán để xử lý chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất phù hợp quy hoạch theo quy định của pháp luật.
Củng cố tổ chức, nâng cao năng lực của các đơn vị chủ rừng trong việc trực tiếp quản lý sử dụng đất được giao và thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chấn chỉnh, củng cố tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả của lực lượng Kiểm lâm; bổ sung biên chế, tăng cường trang bị để lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước và trách nhiệm về quản lý bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức đoàn thể quần chúng với các chủ rừng trong quản lý bảo vệ rừng.
c) Giải pháp về vốn đầu tư
Xây dựng cơ chế đảm bảo cho tất cả các thành phần tham gia sản xuất lâm nghiệp được tiếp cận và vay vốn dài hạn phù hợp với chu kỳ kinh doanh cây lâm nghiệp từ các nguồn vốn đầu tư và tín dụng.
Đa dạng hóa các hình thức tạo vốn, huy động vốn, xây dựng kế hoạch về vốn và sử dụng vốn có hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và các nguồn vốn khác xác định trong kỳ quy hoạch. Tạo môi trường, chính sách thuận lợi để khuyến khích đầu tư phát triển rừng sản xuất.
d) Giải pháp khoa học công nghệ
Nghiên cứu và tuyển chọn các loài cây trồng rừng thích nghi trên các dạng lập địa, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tạo giống cây trồng và kinh nghiệm sản xuất cây giống bản địa trong nhân dân. Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin vào công tác quản lý và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, quản lý và dự báo phòng chống cháy rừng, phòng chống sâu bệnh hại trên phạm vi toàn tỉnh; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên bằng các biện pháp lâm sinh như cải tạo rừng, khoanh nuôi tái sinh, nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng; nghiên cứu và xây dựng các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; đầu tư trang thiết bị máy móc và quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến trong công nghiệp chế biến lâm sản.
e) Giải pháp về cơ chế chính sách
Nghiên cứu các giải pháp, chính sách đối với diện tích đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng đã giao khoán trước đây, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, từng bước ổn định đời sống người nhận khoán. Triển khai vận hành Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để tăng nguồn kinh phí cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Nghiên cứu chính sách ưu đãi, chính sách phụ cấp cho lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị sự nghiệp.
Chủ động nghiên cứu đề xuất với Nhà nước điều chỉnh bổ sung, thay thế những chính sách đã ban hành không còn phù hợp, ban hành chính sách mới, đặc biệt là chính sách đối với lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng, chính sách thu hút và tạo động lực cho các đơn vị chủ rừng, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia sản xuất lâm nghiệp.
f) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp và các đơn vị chủ rừng. Chú trọng công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng hợp lý cán bộ; triển khai kế hoạch đào tạo, tuyển dụng lao động là con em cán bộ công nhân viên đang làm việc tại các đơn vị lâm nghiệp, hộ gia đình tại địa phương nơi có rừng; khuyến khích hỗ trợ cán bộ lâm nghiệp tự đào tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Điều 2. Căn cứ Điều 1 của Quyết định này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch theo quy định; phối hợp với các địa phương, chủ rừng để thực hiện tốt công tác quản lý, thực hiện quy hoạch và bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn. Triển khai, cụ thể hóa các giải pháp quản lý và thực hiện quy hoạch đã được nêu trong hồ sơ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các chủ rừng, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa triển khai các biện pháp cụ thể để quản lý và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm có tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện báo cáo UBND tỉnh.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan chức năng xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, kế hoạch về vốn và giải pháp quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và các nguồn vốn khác.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.