THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/2007/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG LĨNH VỰC THUỶ SẢN ĐẾN NĂM 2020"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Căn cứ Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản đến năm 2020" (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát:
Nghiên cứu tạo ra các giống thuỷ sản có năng suất, chất lượng cao, các chế phẩm công nghệ sinh học và ứng dụng vào sản xuất phục vụ nuôi trồng và phát triển thuỷ sản. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến, tăng tỷ lệ thuỷ, hải sản được chế biến bằng công nghệ sinh học và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
2. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:
a) Giai đoạn từ nay đến năm 2010:
- Nghiên cứu tạo ra và ứng dụng vào sản xuất một số giống thuỷ sản có năng suất và chất lượng cao; tạo ra các chế phẩm công nghệ sinh học thuỷ sản mới, đặc biệt là thức ăn và thuốc chữa bệnh phục vụ có hiệu quả cho nuôi trồng thủy sản và giảm thất thoát sau thu hoạch; tăng tỷ lệ các sản phẩm thuỷ, hải sản qua chế biến;
- Ứng dụng công nghệ sinh học để phòng trị có hiệu quả các bệnh nguy hiểm thường gặp trên các đối tượng nuôi thuỷ sản chủ lực; xử lý chất thải và phế thải từ nuôi trồng, chế biến thuỷ sản phục vụ bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát triển, khai thác hợp lý và sử dụng bền vững các nguồn gen động vật thuỷ và vi tảo biển;
- Tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ có hiệu quả cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản;
- Bảo đảm 30% nhu cầu giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực (tôm sú, cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, cua biển, cá hồng, cá tráp, cá giò, cá song, nghêu...) được sản xuất có chất lượng cao, sạch bệnh; sản lượng các đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực tăng 15% nhờ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản.
b) Giai đoạn 2011 - 2015:
- Tiếp tục nghiên cứu tạo ra các giống thuỷ sản, chế phẩm công nghệ sinh học, vacxin mới… phục vụ nuôi trồng, phòng bệnh và điều trị một số bệnh nguy hiểm, thường gặp ở các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; phát triển công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm thuỷ, hải sản. Bước đầu phát triển ngành công nghiệp sinh học thuỷ sản;
- Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản thêm một bước;
- Bảo đảm 70% nhu cầu giống các đối tượng nuôi thuỷ sản chủ lực (tôm sú, cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, cua biển, cá hồng, cá tráp, cá giò, cá song, nghêu...) được sản xuất có chất lượng cao, sạch bệnh; sản lượng các đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực tăng 20% nhờ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản.
c) Tầm nhìn đến năm 2020:
- Đưa công nghệ sinh học thuỷ sản đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp công nghệ sinh học thuỷ sản vừa và nhỏ, hoạt động có hiệu quả phục vụ tốt việc nuôi trồng, phòng trị bệnh và chế biến thuỷ sản;
- Bảo đảm 100% nhu cầu giống các đối tượng nuôi thuỷ sản chủ lực (tôm sú, cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, cua biển, cá hồng, cá tráp, cá giò, cá song, nghêu...) được sản xuất là giống có chất lượng cao, sạch bệnh, phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau; sản lượng các đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực tăng 30% nhờ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản.
II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R-D), triển khai sản xuất thử sản phẩm (P) phục vụ phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản:
a) Sản xuất giống thuỷ sản:
- Kết hợp chọn giống truyền thống với phân tích biến dị ADN và sử dụng kỹ thuật gen để lựa chọn gen quý, ưu việt trong chọn giống các đối tượng nuôi thuỷ sản chủ lực quan trọng (tôm sú, cá rô phi, cá tra, tôm càng xanh, cua biển, cá hồng, cá tráp, cá giò, cá song, nghêu...); tạo giống có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt ngon, khả năng kháng bệnh, chịu lạnh cao;
- Ứng dụng các công nghệ di truyền như chuyển cấy gen, đa bội thể, điều khiển giới tính để tạo ra giống cá rô phi sinh trưởng nhanh, cá rô phi toàn đực, tôm càng xanh toàn đực, tôm sú toàn cái;
- Ứng dụng công nghệ sinh học (dinh dưỡng, sinh lý sinh sản, công nghệ gen) để tạo ra giống tôm sú bố mẹ sạch bệnh, tạo đàn cá tra có tỷ lệ philê cao, thịt màu trắng phục vụ xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh các sản phẩm thuỷ sản trên thị trường;
- Ứng dụng công nghệ tế bào trong nuôi cấy mô để sản xuất các giống thuần rong biển nhằm chủ động cung cấp giống phục vụ nuôi trồng rong biển.
b) Bảo tồn, khai thác nguồn gen thuỷ sản:
- Phát triển công nghệ bảo quản lạnh gen (bao gồm bảo quản tinh, trứng, phôi) kết hợp với việc sử dụng marker di truyền để lưu giữ lâu dài các giống thuần, bảo tồn và khôi phục quỹ gen các giống thuỷ sản bản địa. Trước mắt, tập trung xây dựng ngân hàng tinh đông lạnh các loài cá, tôm phục vụ bảo tồn quỹ gen và cung cấp vật liệu cho công tác tạo giống;
- Nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu sinh học, công nghệ sinh học tiên tiến của thế giới trong việc bảo quản lạnh lâu dài tinh, trứng, phôi phục vụ công tác chọn lọc, lai tạo các giống thuỷ sản có năng suất, chất lượng cao;
- Ứng dụng công nghệ mẫu sinh, phụ sinh trên một số đối tượng thuỷ sản, chủ động tạo giống nhân tạo, phục vụ bảo tồn quỹ gen và nâng cao chất lượng giống thuỷ sản;
- Phát triển các công nghệ bảo quản các vi tảo biển, thực vật thuỷ sinh bản địa quý hiếm và tạo ngân hàng vi tảo biển.
c) Thức ăn, phòng trị bệnh và quản lý môi trường thuỷ sản:
- Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ enzym, protein và vi sinh để sản xuất các loại thức ăn cho một số đối tượng nuôi trồng thuỷ sản chủ lực (tôm sú, cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, cua biển, cá hồng, cá tráp, cá giò, cá song, nghêu...) có hiệu suất tiêu hoá cao, giá thành hạ, sinh trưởng tốt, sản phẩm nuôi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Ứng dụng sinh học phân tử để chẩn đoán bệnh ở các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất các chế phẩm sinh học và bộ kit để chẩn đoán nhanh, phòng trị có hiệu quả một số bệnh nguy hiểm thường gặp ở tôm sú, cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, tôm chân trắng và một số loài cá biển;
- Phát triển các chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng bệnh và phòng trị có hiệu quả bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng ở tôm sú;
- Phát triển các loại vacxin, đặc biệt vacxin thế hệ mới (vacxin tái tổ hợp, vacxin kỹ thuật gen) để phòng bệnh cho cá, tôm;
- Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý chất thải từ nuôi trồng thủy sản;
- Phát triển một số chế phẩm, hoạt chất sinh học để xử lý chất thải thuỷ sản và thay thế hoá chất, kháng sinh sử dụng trong sản xuất thuỷ sản (đặc biệt trong nuôi tôm sú, cá tra...) góp phần nâng cao hiệu quả nuôi, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh sản phẩm thuỷ sản.
d) Công nghệ sau thu hoạch, chế biến và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản:
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến thuỷ sản, an toàn sản phẩm thuỷ sản, xử lý phế thải và chất thải chế biến thuỷ sản;
- Điều tra, tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học cao ở sinh vật biển phục vụ làm thuốc chữa bệnh;
- Ứng dụng các chế phẩm enzym có hoạt tính cao trong chế biến sản phẩm thuỷ sản nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tạo mặt hàng mới có giá trị;
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý phế thải và nước thải từ chế biến thuỷ sản;
- Phát triển và áp dụng các phương pháp phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân nguy hiểm và tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thực phẩm thuỷ sản.
2. Xây dựng tiềm lực phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản:
a) Đào tạo nguồn nhân lực:
- Gửi một số cán bộ khoa học đã có học vị tiến sĩ, thạc sĩ đến các nước có nền công nghệ sinh học thuỷ sản phát triển để đào tạo lại ngắn hạn với thời gian từ 06 tháng đến 01 năm;
- Gửi nghiên cứu sinh đến các nước có nền công nghệ sinh học thuỷ sản phát triển để đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ theo các nội dung nghiên cứu của Đề án;
- Đào tạo trong nước các kỹ sư, tiến sĩ và thạc sĩ công nghệ sinh học thuỷ sản theo các nội dung nghiên cứu của Đề án;
- Đào tạo trong nước các kỹ thuật viên về công nghệ sinh học thuỷ sản để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tại các địa phương, doanh nghiệp;
- Đào tạo cán bộ công nghệ sinh học thuỷ sản có trình độ chuyên môn cao, đồng thời có kiến thức vững về sở hữu trí tuệ và bản quyền trong lĩnh vực giống thuỷ sản;
- Việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học thuỷ sản cần đạt được các chỉ tiêu sau: đào tạo lại 5 - 7 người, đào tạo mới: 15 - 20 thạc sĩ, 8 - 10 tiến sĩ, 150 - 200 kỹ thuật viên trong giai đoạn 2007 - 2010; đào tạo lại 8 - 10 người; đào tạo mới: 35 - 40 thạc sĩ, 15 - 20 tiến sĩ, 300 - 350 kỹ thuật viên trong giai đoạn 2011 - 2020.
b) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thụât và hiện đại hoá máy móc, thiết bị:
- Đầu tư nâng cấp và hiện đại hoá các cơ sở nghiên cứu, đào tạo công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản; bổ sung đồng bộ và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị cho các phòng thí nghiệm hiện có về công nghệ sinh học thuỷ sản nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học thuỷ sản vào thực tiễn sản xuất;
- Bổ sung và đầu tư xây dựng mới phòng thí nghiệm trọng điểm về di truyền chọn giống và bảo tồn nguồn gen thuỷ sản quý, hiếm;
- Xây dựng website và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ sinh học thuỷ sản để kịp thời cung cấp, chia sẻ thông tin cho các đơn vị và cá nhân liên quan.
3. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sinh học thuỷ sản:
- Thành lập và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động chuyển giao, tiếp nhận công nghệ và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực do công nghệ sinh học thuỷ sản tạo ra, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu;
- Hình thành và phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học thuỷ sản, tạo lập thị trường thuận lợi, thông thoáng để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá thuỷ sản chủ lực.
4. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học thuỷ sản:
- Hợp tác chặt chẽ với các nước phát triển trên thế giới trong việc chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ sinh học mới, tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực thuỷ sản vào sản xuất và đời sống ở Việt Nam;
- Thực hiện khoảng 30 đề án, đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học thuỷ sản với các quốc gia, tổ chức và nhà khoa học trên thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học thuỷ sản ở nước ta.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH
1. Đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ, tạo lập thị trường đầu tư thuận lợi, phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học thuỷ sản:
- Đẩy mạnh việc thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R-D) để tạo ra các công nghệ tiên tiến và ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm và giống thuỷ sản mới có năng suất, chất lượng cao; triển khai có hiệu quả các dự án sản xuất thử sản phẩm (dự án P), các dự án hợp tác quốc tế, dự án sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm, hàng hoá chủ lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học thuỷ sản.
- Tạo lập thị trường thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học thuỷ sản để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá thuỷ sản chủ lực ở quy mô công nghiệp, có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Nhà nước có những chính sách ưu đãi về vốn vay tín dụng, thuế, quyền sử dụng đất đai... cho các doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản.
2. Tăng cường và đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư để thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các nội dung của Đề án:
- Tổng kinh phí để thực hiện toàn bộ các nội dung của Đề án được xác định trên cơ sở kinh phí của từng đề tài, dự án, nhiệm vụ cụ thể thuộc Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hàng năm, Nhà nước bố trí vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện các nội dung của Đề án. Ngoài ngân sách nhà nước cần tăng cường và đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư khác từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, vốn kinh tế đối ngoại (ODA, FDI,...) và các nguồn vốn hợp tác quốc tế khác liên quan để phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản;
- Tổng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung của Đề án trong 10 năm đầu dự kiến khoảng 500 tỷ đồng (trung bình mỗi năm là 50 tỷ đồng). Vốn ngân sách nhà nước chi cho các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R-D); nghiên cứu cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ sản xuất thử nghiệm sản phẩm (dự án P: được hưởng mức thu hồi là 60% tổng kinh phí của dự án); hỗ trợ chuyển giao công nghệ để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm hàng hoá chủ lực của công nghệ sinh học thuỷ sản; đầu tư chiều sâu để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hoá máy móc, thiết bị, hệ thống phòng thí nghiệm của các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học thuỷ sản; chi đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và một số nội dung khác liên quan của Đề án;
Bộ Thuỷ sản lập kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hàng năm và dài hạn để thực hiện các nội dung của Đề án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để các Bộ này tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp sinh học thủy sản chủ yếu do doanh nghiệp chịu trách nhiệm.
3. Tăng cường tiềm lực cho công nghệ sinh học thuỷ sản về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực:
- Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hoá máy móc, thiết bị cho hệ thống các phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu, đào tạo để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của các cơ quan này, đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực công nghệ sinh học thuỷ sản;
- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao ở mọi trình độ, trong nước và ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu nhân lực để quản lý và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp sinh học thuỷ sản ở nước ta.
4. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản:
- Đẩy mạnh việc xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản. Các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo hướng các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản được hưởng những chính sách ưu đãi với trần cao nhất về vốn vay, tín dụng, mức thuế đóng vào ngân sách nhà nước, quyền được sử dụng đất đai, chính sách kích cầu và các chính sách khác liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật;
- Thực thi đầy đủ các quy định về sở hữu trí tuệ trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đối với các giống thuỷ sản, quy trình công nghệ, máy móc, thiết bị, phát minh, sáng chế...trong lĩnh vực công nghệ sinh học thuỷ sản.
5. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học thuỷ sản:
- Tăng cường hợp tác song phương, mở rộng hợp tác đa phương với các nước có nền công nghệ sinh học thuỷ sản phát triển, với các tổ chức, cá nhân nước ngoài giàu, mạnh về tiềm lực để học hỏi kinh nghiệm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản;
- Chủ động đề xuất, xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế với các nước có nền công nghiệp sinh học thuỷ sản tiên tiến, hiện đại để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm, trí lực, tài lực, vật lực và thu hút đầu tư nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp sinh học thuỷ sản ở nước ta.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Thuỷ sản:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản thành lập Ban điều hành liên ngành để tổ chức thực hiện "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản đến năm 2020" do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản làm Trưởng ban. Thành phần, quy chế hoạt động của Ban điều hành liên ngành và Văn phòng giúp việc (đặt tại Vụ Khoa học, Công nghệ) do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản kiêm Trưởng Ban điều hành liên ngành quyết định.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ: căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình, phối hợp với Bộ Thuỷ sản trong việc tuyển chọn; tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, đề tài, dự án; đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện; tổ chức chuyển giao và ứng dụng các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật do Đề án tạo ra cho các doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực về công nghệ sinh học thuỷ sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo: chủ trì, phối hợp với Bộ Thuỷ sản tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ: cân đối, bố trí và hướng dẫn sử dụng vốn để triển khai, thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ, đề tài và dự án của Đề án.
5. Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân khác liên quan: có nhu cầu tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, đề tài và dự án của Đề án này, tiến hành đăng ký với Bộ Thuỷ sản và Ban điều hành liên ngành để được xem xét, giải quyết.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Đề án này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.