ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/2006/QĐ-UBND | Bắc Ninh , Ngày 10 tháng 08 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT GẠCH NGÓI, THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản năm 1996, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005 và Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính Phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 1996, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003; Nghị định 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính Phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 55/2006/NQ-HĐND 16 ngày 19.7.2006 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 13/2000/NQ-HĐND ngày 26.4.2000 của HĐND tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Tài nguyên và Môi trường
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định về quản lý sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Quyết định số 114/2002/QĐ-UB ngày 1/10/2002 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành qui định về quản lý sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UBND TỈNH BẮC NINH |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT GẠCH NGÓI THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 97 /2006 /QĐ-UBND ngày10.8.2006 của UBND tỉnh Bắc Ninh )
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này nhằm thống nhất quản lý đối với các hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. UBND các huyện, Thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về sản xuất gạch ngói thủ công trên địa bàn.
Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Công nghiệp, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học-Công nghệ và các ngành chức năng có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước theo: Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Bảo vệ đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão và các luật liên quan.
Điều 3. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất gạch ngói, thủ công phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác đất, quyết định cho thuê đất để sản xuất gạch, ngói và phải nộp các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói thủ công có trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường và các công trình hạ tầng kỹ thuật (đê điều, kè cống, tre chắn sóng, công trình an ninh, quốc phòng, đường xá, cầu…). Nếu gây thiệt hại tới sản xuất, và các công trình hạ tầng kỹ thuật thì phải có trách nhiệm bồi thường giá trị thiệt hại do tổ chức, cá nhân đó gây ra.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Đất sản xuất gạch, ngói.
Đất sản xuất gạch, ngói thủ công chỉ được tận dụng đất bãi ven sông và phải nằm trong vùng quy họach, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phạm vi đào lấy đất, độ sâu đào ở từng khu vực phải có văn bản thoả thuận của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và trên cơ sở qui định của Pháp luật về đê điều, Pháp lệnh PCLB.
Điều 6. Nghiêm cấm mọi hoạt động nung đốt gạch, ngói thủ công trong nội đồng.
Điều 7. Cấp giấy phép khai thác đất để sản xuất gạch, ngói thủ công.
1. Các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạch ngói thực hiện theo các quy chế quản lý dự án đầu tư và xây dựng hiện hành.
2. Giao UBND các huyện cấp giấy phép khai thác, cho thuê đất cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất- kinh doanh gạch, ngói thủ công trên địa bàn quản lý.
Hồ sơ xin khai thác đất bao gồm:
- Đơn xin phép khai thác đất.
- Phương án sản xuất gạch, ngói trong đó có phương án khai thác đất phương án vận tải, phương án bảo vệ môi trường và bản cam kết trách nhiệm đối với việc bảo vệ đê, kè, che chắn sóng và các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Trích lục bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500 đến 1/2.000 khu vực xin khai thác đất và vị trí mặt bằng xây lò nung đốt.
- Ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của UBND xã, thị trấn.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản phô tô công chứng).
Sau mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND huyện xem xét và quyết định cấp phép, thời hạn tối đa cho một giấy phép không quá ba (3) năm.
Điều 8. Thời gian nung đốt lò.
Thời gian cho phép nung đốt lò (là thời gian bắt đầu và kết thúc có khói ) từ 01/10 năm trước đến 10/3 năm sau; riêng đối với các khu vực sản xuất gạch, ngói nằm dọc tuyến sông Cầu giáp ranh với tỉnh Bắc Giang, khung thời gian cho phép đốt lò từ 01/10 năm trước đến 15/2 năm sau.
Điều 9. Xử lý môi trường.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói bắt buộc phải thực hiện các biện pháp công nghệ xử lý khí thải độc hại và công nghệ nung đốt tiến bộ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Điều 10. Vận chuyển đất, gạch ngói.
Các phương tiện vận chuyển đi lại trên đê phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh gạch ngói phải chấp hành nghiêm chỉnh những qui định hiện hành.
Điều 11. Đền bù thiệt hại do hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công gây ra.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói phải nộp trước một khoản tiền vào ngân sách huyện, thành phố để giải quyết đền bù thiệt hại sản xuất nông nghiệp, hàng tre chắn sóng và các công trình hạ tầng khi có sự cố do hoạt động sản xuất, vận chuyển gạch ngói gây ra. Mức đặt cọc tối thiểu cho một lần đốt đối với lò có công suất nhỏ hơn 100.000 viên/lò tối thiểu là 1,5 triệu đồng; đối với lò có công suất từ 100.000 viên/lò trở lên là 2 triệu đồng.
Sau thời gian ngừng sản xuất hàng năm, UBND các huyện phải thanh toán khoản tiền đền bù thiệt hại (nếu có) với các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói; nếu không gây ra thiệt hại thì hoàn trả hoặc thỏa thuận để lại sử dụng cho năm tiếp theo.
Điều 12. Xử lý sự cố do hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công gây ra.
1- Khi xảy ra sự cố gây thiệt hại đến các công trình hạ tầng cơ sở và gây thiệt hại tới sản xuất của nhân dân trên địa bàn mà nguyên nhân do hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công gây nên thì trình tự tiến hành xử lý như8 sau:
a. UBND xã nơi bị thiệt hại chủ động phối hợp với UBND các xã có liên quan, đại diện chủ lò trong thời gian ba (3) ngày phải tiến hành kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại theo qui định, tiến hành bàn bạc, thương lượng và đi đến thống nhất phương thức đền bù thiệt hại theo mức thực tế.
b. Trường hợp UBND các xã không đạt được sự thống nhất thì UBND huyện, thành phố nơi bị ảnh hưởng chủ động mời UBND các huyện, thành phố, các sở có liên quan để phối hợp giải quyết; Thời gian trong bảy (7) ngày phải giải quyết xong và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
c. Sau khi UBND các xã ( hoặc UBND các huyện, thành phố) thống nhất phương án đền bù; trong thời gian ba mươi (30) ngày bên gây thiệt hại phải thực hiện xong việc đền bù.
2- Trong trường hợp sản xuất gạch ngói có ảnh hưởng đến đê điều và hàng tre chắn sóng, UBND các huyện có trách nhiệm thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các tổ chức, cá nhân và buộc các tổ chức, cá nhân phải bồi hoàn thiệt đã gây ra. Tuỳ mức độ ảnh hưởng ngoài việc đền bù thiệt hại về vật chất còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của Pháp luật.
Chương III
KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 13. Công tác kiểm tra.
Việc kiểm tra sản xuất gạch, ngói thủ công được tiến hành thường xuyên theo Qui định này.
Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm.
Cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quy định này sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.
Các hành vi vi phạm quy định này sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính theo qui định của pháp luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, UBND CÁC CẤP
Điều 15. Trách nhiệm của các sở, UBND các cấp.
1 - Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan và UBND các huyện hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm việc thực hiện qui định này. Tổng hợp báo cáo tình hình sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh mỗi năm một lần vào trước ngày 30/4.
2 - Sở Công nghiệp:
Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các qui định của nhà nước về tiêu chuẩn, qui trình, qui phạm khai thác đất, nung đốt gạch, ngói thủ công.
3 - Sở Xây dựng:
Xây dựng qui hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển sản xuất gạch ngói thủ công; phối hợp với sở Khoa học- công nghệ hướng dẫn và kiểm tra chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công theo tiêu chuẩn qui định TCVN.
4. Sở Khoa học- Công nghệ:
Nghiên cứu, phối hợp với UBND các huyện triển khai hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ mới trong đun đốt gạch, ngói thủ công nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Pháp lệnh bảo vệ đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão và các trường hợp gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, tre chắn sóng.
6. UBND các huyện, thành phố:
a. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm (gồm: đất mặt bằng sản xuất và đất khai thác làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói thủ công).
b. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện theo quy định này và phối hợp với các ngành thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất, đánh giá tác động môi trường các khu vực sản xuất gạch ngói thủ công.
c. Có trách nhiệm quản lý việc sản xuất gạch ngói trên địa bàn. Xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Pháp lệnh bảo vệ đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão, gây thiệt hại đến sản xuất, hàng tre chắn sóng, mặt đê; đồng thời sử dụng kinh phí đặt cọc của các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch ngói trên địa bàn đúng mục đích theo quy định hiện hành.
d. Báo cáo kết quả thực hiện đầu tư, khai thác, sản xuất gạch ngói của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn về các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công nghiệp một năm 1 lần vào trước ngày 20/3.
7. UBND các xã, phường, thị trấn:
a. UBND các xã, phường, thị trấn lập qui hoạch chi tiết, phương án sản xuất và báo cáo đánh giá tác động môi trường các khu vực sản xuất gạch, ngói thủ công thuộc địa bàn quản lý.
b. Giám sát, kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm và kịp thời xử lý theo thẩm quyền; báo cáo UBND huyện, thành phố.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan gửi văn bản về sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất ý kiến báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.