THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 966/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN 2020 CỦA TỔNG CÔNG TY CAO SU VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Tổng công ty Cao su Việt Nam tại tờ trình số 723/TTr-CSVN ngày 29 tháng 3 năm 2006 và tờ trình số 1374/TTr-CSVN ngày 13 tháng 6 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2006-2010 và định hướng phát triển đến 2020 của Tổng công ty Cao su Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển đồng bộ và hợp lý công nghiệp – nông nghiệp và dịch vụ, nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa từ cây cao su và đầu tư mở rộng ra các ngành sản xuất, dịch vụ.
2. Thực hiện đa dạng hóa hình thức đầu tư, đa sở hữu (kể cả đầu tư nước ngoài) nhằm khai thác tốt hơn lợi thế đất đai, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm cao su, phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển ngành cao su đến 2010 và định hướng đến năm 2020.
3. Tập trung thực hiện nhiệm vụ chính là trồng, chế biến, xuất khẩu cao su, ưu tiên đầu tư phát triển cao su nguyên liệu và chế biến sâu, đồng thời phát triển sản xuất kinh doanh ngành nghề khác: chăn nuôi bò, công nghiệp, dịch vụ để hỗ trợ cho trồng, chế biến, xuất khẩu cao su.
4. Doanh thu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là: 27%/năm, đến năm 2015 là 12%/năm và định hướng đến năm 2020 là: 11%/năm.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH SẢN XUẤT CHÍNH:
1. Về trồng trọt:
a) Cây cao su
Đầu tư thâm canh, khai thác có hiệu quả vườn cây cao su hiện có; tiếp tục trồng mới ở nơi có đủ điều kiện và trồng tái canh theo hướng thâm canh, sử dụng giống mới để nâng cao năng suất.
Giai đoạn 2006-2010: trồng mới khoảng 70.000 ha ở trong nước và ngoài nước. Tổng diện tích đạt khoảng 290.000 ha, trong đó diện tích cao su kinh doanh ổn định khoảng 180.000 ha. Năng suất bình quân đạt 1,9 tấn/ha; trong đó năng suất bình quân ở Đông
Giai đoạn 2011-2015: hoàn thành chương trình trồng mới khoảng 130.000 ha (kể cả ngoài nước), đến năm 2015 diện tích cao su định hình khoảng 380.000 ha trong đó trong nước 320.000 ha, sản lượng đạt khoảng 400.000 tấn. Định hướng đến năm 2020 đạt 600.000 tấn.
b) Cây cà phê: phát triển cây cà phê chè ở nơi có đủ điều kiện theo hướng dẫn đầu tư thâm canh, diện tích đạt khoảng 1.000 ha; sản lượng từ 3.000 – 4.000 tấn thương phẩm với thương hiệu riêng. Xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan công suất khoảng 500 tấn/năm để cung cấp cho thị trương trong nước và xuất khẩu.
c) Chăn nuôi bò: phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt và bò sữa; tiếp tục duy trì, phát triển đàn bò thịt và bò sữa cao sản trong các giai đoạn sau; đến năm 2010 quy mô đàn đạt 35.000 con và định hướng đến năm 2020 quy mô đàn khoảng 100.000 con.
2. Về công nghiệp:
a) Công nghiệp chế biến mủ cao su:
Đầu tư nâng công suất cơ sở chế biến hiện có, xây dựng mới ở nơi có đủ nguyên liệu theo quy hoạch để đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác của toàn Tổng công ty và một phần của thành phần kinh tế khác. Đến năm 2010, tổng sản lượng chế biến và tiêu thụ toàn Tổng công ty đạt khoảng 440.000 tấn cao su và định hướng đến năm 2020 đạt từ 650.000 - 800.000 tấn.
b) Công nghiệp chế biến gỗ:
Đầu tư cải tạo nâng công suất chế biến gỗ (chủ yếu là gỗ cao su thanh lý) đến năm 2010 đạt 70.000 m3 tinh chế và 80.000 m3 sơ chế. Định hướng đến năm 2020 công suất gỗ thành phẩm đạt khoảng 170.000 m3/năm.
Đầu tư mới một số nhà máy ván gỗ MDF ở nơi có đủ nguyên liệu để đến năm 2010 đạt công suất 100.000-150.000 m3/năm và định hướng đến năm 2020 đạt khoảng 350.000 m3/năm.
c) Sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su:
Tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp đã có như bóng thể thao (05 triệu quả), giày thể thao (02 triệu đôi), đế giày thể thao (10 triệu bộ);
Phát triển mạnh 2 loại sản phẩm có nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên: xăm lốp ô tô và băng tải cao su; căn cứ cân đối cung cầu thị trường cao su và điều kiện cụ thể của Tổng công ty để xác định chỉ tiêu sản xuất cho từng thời kỳ. Phát triển các loại sản phẩm: chỉ thun cho ngành may mặc, thời trang, găng tay y tế, nệm cao su, phụ kiện cao su trong các sản phẩm công nghiệp.
d) Công nghiệp khác: tham gia đầu tư vào các ngành sản xuất công nghiệp thiết yếu phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế trong nước như ciment, thủy điện, thép,… phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp này đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020.
3. Về phát triển kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng và kinh doanh địa ốc: Đầu tư cơ sở hạ tầng 5 – 6 khu công nghiệp có diện tích từ 2.500 – 3.000 ha, xây dựng khu dân cư quy mô từ 300 – 500 ha, xây dựng các cao ốc văn phòng, nhà ở và chung cư với quy mô từ 60.000 – 80.000 m2/năm. Giai đoạn sau năm 2010 hàng năm đầu tư phát triển trung bình 300 ha khu công nghiệp, 50 – 70 ha khu dân cư, 20.000 – 30.000 m2 chung cư, cao ốc văn phòng.
4. Ngành dịch vụ và ngành khác: Đa dạng và mở rộng quy mô dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ như: quỹ đầu tư, tài chính, ngân hàng, bệnh viện, đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học có liên quan đến ngành cao su và được đầu tư mạnh vào giai đoạn 2015.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Về đất đai: Tiến hành rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của toàn Tổng công ty theo quy định tại Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đất đai được giao hoặc thuê. Hạn chế tối đa việc chuyển đổi diện tích cao su đã định hình có năng suất cao sang trồng cây trồng khác và mục đích sử dụng khác. Việc thu hồi đất trồng cây cao su do chuyển mục đích sử dụng đất phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi bồi thường phải theo đúng giá trị vườn cây sát giá thị trường.
2. Về thị trường: tăng cường xúc tiến thương mại, duy trì thị trường hiện có; khai thác, mở thêm thị trường mới; coi trọng thị trường trong nước, nhất là ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu cao su.
3. Về sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp: Thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển các doanh nghiệp đơn vị thành viên theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 4 tháng 3 năm 2003, đồng thời đẩy mạnh trong giai đoạn 2006-2010, trọng tâm là cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc. Đối với các dự án phát triển trồng mới cao su phải thành lập công ty cổ phần để làm chủ đầu tư triển khai thực hiện. Thực hiện các giải pháp đồng bộ để Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam hoạt động có hiệu quả, phát triển bền vững ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Về nguồn vốn: Có giải pháp cụ thể huy động tổng hợp nhiều nguồn vốn để đầu tư bao gồm: nguồn vốn hình thành từ việc cổ phần hóa các công ty cao su (bao gồm cả phát hành cổ phiếu), lợi nhuận và khấu hao của các công ty cao su, vốn vay trong nước và nước ngoài để đầu tư phát triển. Nguồn vốn tự có của Tổng công ty phải có tối thiểu 30% tổng vốn đầu tư của từng dự án. Đối với dự án ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới tuỳ theo điều kiện ngân sách hàng năm có sự hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển cao su và ổn định đời sống của đồng bào dân tộc tại chỗ.
5. Phát triển nguồn nhân lực: Có kế hoạch tuyển dụng lao động đáp ứng đủ yêu cầu phát triển sản xuất, ưu tiên tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là lao động trên địa bàn. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng bổ túc kiến thức kỹ thuật và nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là lao động trực tiếp cạo mủ cao su, lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.
Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đối với cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ (bao gồm đào tạo trong nuớc và ngoài nước) để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý doanh nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đầu tư nâng cấp các trường chuyên nghiệp và dạy nghề của Tổng công ty đủ năng lực đào tạo cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật phục vụ toàn ngành.
6. Đổi mới công tác khoán và trả lương trong các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty, thực hiện giao khoán vườn cây ổn định lâu dài cho người lao động, bao gồm khoán tiền lương (V) và chi phí sản xuất (C2), giao khoán cả bảo vệ, vận chuyển mủ về nhà máy cho người lao động, việc giao khoán song song với việc quản lý quy trình kỹ thuật khai thác một cách chặt chẽ để đảm bảo chất lượng vườn cây.
7. Đẩy mạnh công tác khuyến nông; khuyến lâm, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; triển khai nhanh việc chuyển giao, sử dụng giống mới có năng suất cao cho trồng mới cao su (kể cả nhập khẩu), áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, cải tiến quy trình khai thác mủ cao su để nâng năng suất bình quân trong toàn Tổng công ty lên 2 tấn/ha/năm. Đầu tư nâng cấp Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đủ năng lực về trang thiết bị, cán bộ nghiên cứu để nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn giống tốt có năng suất cao đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.