BỘ KHOA HỌC VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 965/QĐ-BKHCN | Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020 “KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TÂY NGUYÊN TRONG LIÊN KẾT VÙNG VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ”, MÃ SỐ: KHCN-TN/16-20
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia;
Theo đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Công văn số 509/VHLT-KHTC ngày 28 tháng 3 năm 2016 về việc phê duyệt Khung Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”, Mã số: KHCN-TN/16-20 do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện (Phụ lục kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ tướng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020
“KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TÂY NGUYÊN TRONG LIÊN KẾT VÙNG VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ”
Mã số: KHCN-TN/16-20
(Kèm theo Quyết định số 965/QĐ-BKHCN ngày 26 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
I. Mục tiêu
1. Cung cấp luận cứ khoa học về liên kết vùng, ngành và hội nhập kinh tế quốc tế: Xác định lĩnh vực liên kết vùng và hội nhập quốc tế hiệu quả và đặc thù; đề xuất các chính sách, cơ chế, giải pháp.
2. Ứng dụng có hiệu quả và chuyển giao công nghệ tiên tiến thích hợp; lựa chọn nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm vào sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp, dịch vụ.
3. Cung cấp giải pháp khoa học công nghệ nâng cao năng lực quản lý của các tỉnh Tây Nguyên về tài nguyên, môi trường, rủi ro thiên tai và quản lý xã hội theo định hướng phát triển bền vững.
4. Cung cấp các giải pháp phát huy nguồn nội lực khoa học công nghệ tại Tây Nguyên.
II. Nội dung nghiên cứu
1. Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ cho liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế:
- Xác định lĩnh vực, sản phẩm, chính sách, cơ chế, giải pháp tổ chức thực hiện liên kết vùng và ngành hiệu quả với các tỉnh Nam Trung Bộ
- Xác định lĩnh vực, sản phẩm, chính sách, cơ chế, giải pháp tổ chức thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế theo thế mạnh của Tây Nguyên trong cộng đồng ASEAN và tham gia khu vực TPP.
2. Ứng dụng phát triển các công nghệ tiên tiến đã có của giai đoạn 2011- 2015 vào thực tiễn sản xuất nông, lâm, công nghiệp và dịch vụ Tây Nguyên:
- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh hóa, hóa dược, phục vụ sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh trên cơ sở các kết quả nghiên cứu về các bài thuốc dân tộc, tri thức bản địa và nguồn dược liệu phong phú được phát hiện ở Tây Nguyên.
- Hoàn thiện, ứng dụng và chuyển giao công nghệ chế biến khoáng sản: bùn đỏ từ sản xuất alumin để sử dụng làm vật liệu xây dựng không nung; bentonit để sản xuất thức ăn gia súc, phân bón.
- Hoàn thiện, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học thụ tinh nhân tạo, nuôi cấy phôi (bò cao sản, heo rừng Tây Nguyên), nuôi cấy mô và phát triển công nghệ sinh học tiên tiến phục vụ phát triển nông nghiệp - lâm nghiệp công nghệ cao, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tại các vùng sinh thái đặc thù.
- Hoàn thiện, ứng dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp: phân bón (NPK nhả chậm, phân bón hữu cơ sinh học POLYFA-TN3); chất giữ ẩm (AMS1, 2), thuốc trừ sâu (Anisaf SH-1) và các sản phẩm đặc thù khác của Tây Nguyên.
- Hoàn thiện, ứng dụng chuyển giao công nghệ thông tin phục vụ tự động hóa tưới tiêu, giám sát môi trường nông nghiệp; cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu, Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản lý và phát triển kinh tế xã hội.
- Hoàn thiện, ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời, năng lượng gió phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng chuyển giao công nghệ sau thu hoạch, chế biến sâu các sản phẩm chủ lực, thức ăn đại gia súc (cỏ, ngô, đậu đỗ, hướng dương,...) tại Tây Nguyên.
3. Giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù Tây Nguyên:
- Nghiên cứu giải pháp khoa học, cơ chế quản lý trong sử dụng hiệu quả tài nguyên nước Tây Nguyên phục vụ qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong nâng cao năng lực hồ chứa, lưu giữ nước, tưới tiết kiệm nước, bổ sung và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
- Nghiên cứu giải pháp khoa học cho quản lý tổng hợp liên ngành tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản. Ứng dụng giải pháp công nghệ phục hồi môi trường đất, rừng.
- Nghiên cứu giải pháp tổng thể quản lý các hệ sinh thái núi và các Vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên Tây Nguyên phục vụ quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai.
4. Lựa chọn triển khai một số dự án ứng dụng công nghệ trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015 và các công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên:
- Dự án về ứng dụng và phát triển công nghệ sinh - hóa học (sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học).
- Dự án về ứng dụng và phát triển công nghệ: vật liệu không nung từ bùn đỏ sản xuất alumin, puzolan phục vụ xây dựng và giao thông; bentonit phục vụ cho phát triển nông nghiệp.
- Dự án về ứng dụng đèn LED phục vụ cho phát triển nông lâm nghiệp.
- Dự án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ cho phát triển nông lâm nghiệp.
5. Cung cấp các giải pháp phát huy nguồn nội lực khoa học công nghiệp tại Tây Nguyên:
- Xây dựng một số nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ để nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đại học tại Đại học Tây Nguyên và Đại học Đà Lạt trong khuôn khổ của Chương trình.
- Phối hợp đào tạo nhân lực khoa học trình độ cao cho Tây Nguyên thông qua các việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ.
- Đào tạo cán bộ kỹ thuật tại chỗ thông qua chuyển giao công nghệ.
III. Dự kiến các sản phẩm của Chương trình:
1. Sản phẩm dạng I:
- Sản phẩm hoàn thiện phục vụ sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa (phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh - hóa học, phôi và tinh động vật, con giống, cây giống).
- Hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất thức ăn gia súc, phân vi sinh, phân hữu cơ.
- Hệ thống tự động hóa trong nông nghiệp (tưới thông minh, giám sát môi trường).
- Hệ thống thiết bị bổ sung, lưu giữ nước dưới đất; quan trắc, giám sát các thông số môi trường.
2. Sản phẩm dạng II:
- Các quy trình công nghệ hoàn thiện trong sản xuất thử nghiệm: phân vi sinh hữu cơ, các chế phẩm sinh - hóa học.
- Các quy trình bổ sung, lưu giữ nguồn nước, tưới tiêu tiết kiệm.
- Các quy trình sản xuất vật liệu (vật liệu xây dựng không nung, vật liệu cách âm, cách nhiệt).
- Các hồ sơ thiết kế dây chuyền công nghệ, hệ thống cơ sở dữ liệu.
- Các nhóm giải pháp khoa học công nghệ về quản lý tài nguyên, môi trường, thiên tai.
- Các nhóm giải pháp chính sách, cơ chế về liên kết vùng, hội nhập kinh tế quốc tế, sử dụng hợp lý tài nguyên (đất, nước, rừng, khoáng sản).
3. Sản phẩm dạng III:
- Báo cáo tổng kết.
- Sách chuyên khảo.
- Các công bố trong nước, quốc tế, tài liệu tập huấn.
- Các kết quả đào tạo sau đại học.
- Các kết quả đào tạo kỹ thuật trong chuyển giao công nghệ.
- Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
IV. Các chỉ tiêu đánh giá Chương trình
1. Chỉ tiêu về trình độ khoa học:
- 100% đề tài/dự án có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học công nghệ, hội nghị, hội thảo quốc gia;
- Ít nhất 15% đề tài/dự án có kết quả được công bố quốc tế.
2. Chỉ tiêu về ứng dụng thực tiễn:
- 100% kết quả có địa chỉ ứng dụng, trong đó có ít nhất 25% các công nghệ, chính sách, giải pháp, mô hình đề xuất được trình các cấp có thẩm quyền (Chính phủ, Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, viện, trường).
3. Chỉ tiêu sở hữu trí tuệ:
15% số đề tài/dự án có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ (giải pháp hữu ích cho sáng chế).
4. Chỉ tiêu về đào tạo:
100% số đề tài, dự án góp phần đào tạo ít nhất là 01 tiến sỹ hoặc 01 đến 02 thạc sỹ ưu tiên tại Tây Nguyên, đào tạo kỹ thuật viên tiếp nhận công nghệ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.