BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 96/2003/QĐ-BQP | Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 96/2003/QĐ-BQP NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC Y TẾ LAO ĐỘNG Ở CÁC ĐƠN VỊ LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG QUÂN ĐỘI"
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 đã sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 đã sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, và tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động và vệ sinh lao động;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành "Quy định về tổ chức thực hiện công tác y tế lao động ở các đơn vị lao động sản xuất trong quân đội".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, các quy định trước đây của Bộ Quốc phòng trái với quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các đồng chí Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm các Tổng cục, Tư lệnh các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Huy Hiệu (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC Y TẾ LAO ĐỘNG Ở CÁC ĐƠN VỊ LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG QUÂN ĐỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 96/2003/QĐ-BQP ngày 12/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về việc thực hiện công tác y tế lao động trong các đơn vị lao động sản xuất của Quân đội, bao gồm: Tổ chức y tế, quản lý vệ sinh môi trường lao động, quản lý sức khỏe, phòng ngừa, cấp cứu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động, thống kê báo cáo, công tác thanh tra, kiểm tra.
2. Đối tượng áp dụng tại Quy định này là các đơn vị lao động sản xuất trong Quân đội (sau đây gọi là đơn vị lao động sản xuất), bao gồm:
a) Các doanh nghiệp quân đội (doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp kinh doanh).
b) Các cơ sở làm nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, bảo quản chưa đăng ký doanh nghiệp.
c) Các đoàn kinh tế quốc phòng.
3. Đối tượng được quản lý, chăm sóc sức khỏe là quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, lao động hợp đồng không xác định thời hạn và có xác định thời hạn, người học nghề.
Điều 2. Phổ biến, thực hiện pháp luật về công tác y tế lao động
Thủ trưởng đơn vị các cấp theo phạm vi chức trách quyền hạn của mình phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các quy định về công tác y tế lao động tới mọi người trong đơn vị đồng thời tổ chức triển khai thực hiện công tác y tế lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Chương 2:
BIÊN CHẾ VÀ NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHỨC Y TẾ Ở ĐƠN VỊ LAO ĐỘNG SẢN XUẤT
Điều 3. Biên chế của tổ chức quân y đơn vị lao động sản xuất
Để thực hiện công tác y tế lao động ở các đơn vị lao động sản xuất, thủ trưởng các đơn vị căn cứ vào quân số lao động và tính chất đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị để sắp xếp , bố trí đội ngũ cán bộ nhân viên quân y chuyên trách, theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu.
Điều 4. Nhiệm vụ của quân y đơn vị lao động sản xuất
1. Tham mưu cho thủ trưởng đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác y tế lao động trong đơn vị. Đề xuất với Thủ trưởng đơn vị những biện pháp quản lý, chăm sóc sức khỏe người lao động.
2. Bảo đảm thường trực theo ca sản xuất, tổ chức huấn luyện cho người lao động các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu để xử lý kịp thời những trường hợp tai nạn lao động xảy ra.
3. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh lao động phòng chống dịch bệnh trong đơn vị. Phối hợp cùng với các bộ phận nghiệp vụ có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát các yếu tố độc hại của môi trường lao động sản xuất.
4. Quản lý, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Thực hiện các thủ tục đề nghị giám định thương tật do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động xảy ra trong đơn vị.
5. Thường xuyên quan hệ chặt chẽ với cơ quan quân y cấp trên và với y tế địa phương để nhận sự giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ.
6. Thực hiện chế độ báo cáo về quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp theo quy định của ngành Quân y.
7. Chủ động tham gia phối hợp với các cơ quan có liên quan của đơn vị duy trì hoạt động của mạng lưới an toàn - vệ sinh viên.
8. Lập cơ số thuốc cấp cứu ban đầu theo Thông tư số 09/2000/TT-BYT ngày 28/4/2000 của Bộ Y tế. Đảm bảo thuốc, vật tư trang bị y tế cho công tác khám bệnh và điều trị tại đơn vị.
Chương 3:
QUẢN LÝ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Điều 5. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị lao động sản xuất
1. Quản lý các yếu tố vệ sinh lao động của đơn vị mình, bao gồm: các yếu tố vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ), các yếu tố vật lý (ánh sáng, tiếng ồn, rung, phóng xã, điện từ trường...), bụi, các yếu tố hóa học, các yếu tố tâm lý lao động, các vi sinh vật gây bệnh và một số yếu tố khác trong phạm vi đất đai đơn vị sử dụng và quản lý.
2. Hiểu rõ về các yếu tố độc hại của môi trường lao động, các nguy cơ, biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đồng thời tổ chức cho người lao động học tập các kiến thức đó. Phải triển khai các biện pháp kỹ thuật vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc và trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
3. Lập luận chứng về các giải pháp đảm bảo vệ sinh - an toàn lao động, các phương án xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh cho phép tại nơi làm việc và môi trường xung quanh khi xây dựng mới hoặc cải tạo cơ sở sản xuất.
4. Thực hiện việc kiểm tra đo đạc yếu tố độc hại trong môi trường lao động mỗi năm ít nhất 1 lần theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động, Điều 4 Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 13/TT-BYT ngày 21/10/1996 của Bộ Y tế.
5. Chỉ đạo quân y đơn vị:
a. Thiết lập Hồ sơ vệ sinh lao động theo mẫu quy định tại Thông tư số 13/TT-BYT ngày 21/10/1996 của Bộ Y tế. Những kết quả đo đạc kiểm tra về yếu tố độc hại của môi trường lao động, khám sức khoẻ và khám bệnh nghề nghiệp phải được bổ sung vào hồ sơ vệ sinh lao động hàng năm.
b. Khai báo, đăng ký, xin thẩm định và cấp giấy chứng nhận được sử dụng vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Bộ luật Lao động và theo danh mục quy định tại Thông tư số 05/1999/TT-BYT ngày 27/3/1999 của Bộ Y tế.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan quân y các cấp
1. Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội và Trung tâm Y tế dự phòng phía Nam - Cục Quân y đảm nhiệm việc kiểm tra đánh giá các yếu tố độc hại trong môi trường lao động của các đơn vị lao động sản xuất trong Quân đội, cụ thể phân vùng như sau:
a) Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội đảm nhiệm đối với các đơn vị đóng quân trên địa bàn các Quân khu Thủ đô, 1, 2, 3, 4, 5 và hỗ trợ Trung tâm Y tế dự phòng phía Nam khi vượt khả năng chuyên môn.
b) Trung tâm Y tế dự phòng phía Nam đảm nhiệm đối với các đơn vị đóng quân trên địa bàn các Quân khu 7, 9.
Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá môi trường lao động phải là bác sĩ chuyên ngành vệ sinh lao động - bệnh nghề nghiệp. Việc đánh giá kết quả đo đạc môi trường lao động dựa vào "21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động" ban hành kèm theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Biên bản đo đạc kiểm tra môi trường lao động thực hiện theo mẫu quy định tại Thông tư số 13/TT-BYT ngày 21/10/1996 của Bộ Y tế.
2. Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội và Trung tâm Y tế dự phòng phía Nam thực hiện việc thẩm định hồ sơ khai báo đăng ký xin cấp giấy chứng nhận được sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động do các đơn vị gửi đến theo phân vùng đã quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cục Quân y xét duyệt và cấp giấy chứng nhận được sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động cho các đơn vị. Các hồ sơ, mẫu biểu và trình tự tiến hành được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/1999/TT-BYT ngày 27/3/1999 của Bộ Y tế.
4. Phòng Quân y các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ quân y các đơn vị lao động sản xuất thuộc quyền thực hiện việc quản lý vệ sinh môi trường lao động.
Chương 4:
QUẢN LÝ SỨC KHOẺ, PHÒNG NGỪA, CẤP CỨU TAI NẠN LAO ĐỘNG VÀ BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Điều 7. Khám sức khoẻ tuyển dụng
Người lao động (kể cả lao động hợp đồng và học nghề) đều phải được khám và phân loại sức khoẻ trước khi vào làm việc. Kết quả khám sức khoẻ tuyển dụng phải được lưu giữ trong hồ sơ tuyển dụng của đơn vị.
Điều 8. Khám sức khoẻ định kỳ
1. Hàng năm, Thủ trưởng đơn vị lao động sản xuất phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động (kể cả lao động hợp đồng và học nghề) theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Lao động và hướng dẫn tại Thông tư số 13/TT-BYT ngày 21/10/1996 của Bộ Y tế.
2. Kết quả khám sức khoẻ định kỳ của người lao động phải được lập thành hồ sơ quản lý cá nhân và sau đó tổng hợp thành hồ sơ quản lý sức khoẻ và bệnh tật của toàn đơn vị theo mẫu quy định. Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào tình trạng sức khoẻ của người lao động để bố trí công việc thích hợp.
3. Những người lao động có sức khoẻ loại IV, loại V và bị các bệnh mãn tính phải được quân y đơn vị quản lý chặt chẽ, được theo dõi, điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng và sắp xếp công việc phù hợp.
Điều 9. Phân loại sức khoẻ
Việc phân loại sức khoẻ dựa vào "Tiêu chuẩn phân loại sức khoẻ để khám tuyển, khám định kỳ cho người lao động" ban hành kèm theo Quyết định số 1613/QĐ-BYT ngày 15/8/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 10. Phòng ngừa tai nạn lao động
1. Các đơn vị phải chuẩn bị trước các phương án xử lý đối với những vụ tai nạn lao động lớn, nguy hiểm có thể xảy ra. Tại những vị trí lao động nguy hiểm, độc hại, có nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cần có bảng hướng dẫn các biện pháp dự phòng để người lao động tự phòng tránh.
2. Các đơn vị phải tổ chức mạng lưới an toàn - vệ sinh viên, bao gồm những người lao động trực tiếp có am hiểu về nghiệp vụ, nhiệt tình, gương mẫu trong công tác an toàn và vệ sinh lao động. Ở mỗi tổ sản xuất cần có ít nhất 01 an toàn - vệ sinh viên. Đối với các việc làm phân tán theo nhóm, thì mỗi nhóm cần bố trí 01 an toàn - vệ sinh viên.
3. Các đơn vị phải bố trí nhân viên y tế trực cấp cứu tại khu vực lao động sản xuất với trang bị túi thuốc, dụng cụ và phương tiện cấp cứu theo danh mục qui định, sẵn sàng dự phòng, và xử lý cấp cứu các tai nạn có thể xảy ra như: cấp cứu vết thương, cầm máu tạm thời, bất động gãy xương, cấp cứu nhiễm độc hóa chất, cấp cứu điện giật, cấp cứu bỏng..., đồng thời tổ chức luyện tập cho lực lượng cấp cứu và người lao động các phương pháp cấp cứu tại chỗ.
4. Người bị tai nạn lao động sau khi được sơ cứu, cấp cứu tại chỗ được vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Hồ sơ cấp cứu ghi chép đầy đủ theo mẫu qui định và lưu giữ tại quân y của đơn vị.
Điều 11. Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp
1. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm tổ chức khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc ở môi trường độc hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp theo qui định tại Điều 106, Điều 107, Điều 108 của Bộ luật Lao động và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 20/4/1998 của liên Bộ Y tế - Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
2. Các đơn vị lao động sản xuất phải chủ động trực tiếp liên hệ với các cơ quan chuyên môn của ngành Quân y để triển khai thực hiện việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, theo phân tuyến như sau:
a) Các đơn vị đóng trên đại bàn Quân khu Thủ đô 1, 2, 3, 4, 5 liên hệ với Bệnh viện Quân y 103 (Khoa bệnh nghề nghiệp) và Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội (Khoa Y học lao động và bệnh nghề nghiệp).
b) Các đơn vị đóng trên địa bàn Quân khu 7, 9 liên hệ với Bệnh viện 175 (Khoa bệnh nghề nghiệp) và Trung tâm Y tế dự phòng phía Nam - Cục Quân y.
Điều 12. Điều trị, phục hồi chức năng cho công nhân bị tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp.
1. Việc thu dung điều trị, phục hồi chức năng cho đối tượng bị tai nạn lao động do các Bệnh viện quân đội đảm nhiệm và thực hiện theo qui định phân tuyến điều trị của Cục Quân y.
2. Việc thu dung điều trị bệnh nghề nghiệp do các Khoa bệnh nghề nghiệp của Bệnh viện 103 và Bệnh viện 175 đảm nhiệm (Theo phân vùng tại khoản 2 và Điều 11).
3. Quân y của các đơn vị lao động sản xuất có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý riêng cho những người bị tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp.
Điều 13. Giám định sức khoẻ do tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp, chế độ bảo hiểm và bồi dưỡng độc hại
1. Người bị tai nạn lao động, bị mắc bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị ổn định được quyền đi giám định sức khoẻ tại Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền của quân đội nhằm xác định mức độ suy giảm khả năng lao động để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của Nhà nước. Thẩm quyền của các Hội đồng giám định y khoa trong quân đội được quy định tại "Qui chế nhiệm vụ và tổ chức Hội đồng giám định y khoa các cấp trong quân đội" ban hành kèm theo Quyết định số 1636/QĐ-BQP ngày 05/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Thủ trưởng các đơn vị lao động sản xuất có trách nhiệm:
a) Tạo điều kiện cho người lao động bị tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp được giám định sức khoẻ, đồng thời bố trí công việc phù hợp theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
b) Mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho các đối tượng lao động của đơn vị (kể cả những lao động hợp đồng) theo qui định của Nhà nước.
c) Đảm bảo chế độ bồi dưỡng độc hại cho người lao động theo qui định của Nhà nước và Quân đội.
Chương 5:
HUẤN LUYỆN NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 14. Huấn luyện đối với người sử dụng lao động
Các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức học tập và cấp giấy chứng nhận đã được học những kiến thức pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho Thủ trưởng các đơn vị lao động sản xuất thuộc quyền theo qui định của Bộ luật Lao động và hướng dẫn tại Thông tư số 08/TT-LĐTBXH ngày 11/4/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 15. Huấn luyện đối với người lao động
Hàng năm, Thủ trưởng đơn vị lao động sản xuất phải tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận đã được học tập về an toàn - vệ sinh lao động cho những người lao động thuộc quyền theo qui định của Bộ luật Lao động và hướng dẫn tại Thông tư số 08/TT-LĐTBXH ngày 11/4/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Riêng với các an toàn - vệ sinh viên của đơn vị phải được huấn luyện theo những nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 09/2000/TT-BYT ngày 28/4/2000 của Bộ Y tế.
Chương 6:
CHẾ ĐỘ THỐNG KÊ BÁO CÁO, SƠ KẾT, TỔNG KẾT
Điều 16. Chế độ báo cáo
1. Đối với đơn bị lao động sản xuất:
a) Định kỳ mỗi năm 2 lần (6 tháng và cả năm) làm báo cáo công tác y tế lao động của đơn vị mình gửi Phòng Quân y cấp trên.
b) Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cấp trên hoặc khi xảy ra sự cố bất thường về công tác y tế lao động tại đơn vị.
2. Đối với các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng:
a) Định kỳ mỗi năm 2 lần (6 tháng và cả năm), Phòng Quân y tổng hợp báo cáo về việc thực hiện công tác y tế lao động của các đơn vị lao động sản xuất thuộc quyền gửi Cục Quân y.
b) Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cấp trên hoặc khi xảy ra sự cố bất thường về công tác y tế lao động tại các đơn vị thuộc quyền.
3. Đối với Bệnh viện 103 và Bệnh viện 175:
a) Định kỳ mỗi năm 2 lần (6 tháng và cả năm), tổng hợp báo cáo về công tác khám bệnh, thu dung điều trị và cơ cấu bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động gửi Cục Quân y.
b) Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cấp trên.
4. Đối với Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội và Trung tâm Y tế dự phòng phía Nam:
a) Định kỳ mỗi năm 2 lần (6 tháng và cả năm), tổng hợp báo cáo về công tác vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp gửi Cục Quân y.
b) Biên bản đo đạc kiểm tra môi trường lao động của các đơn vị lao động sản xuất phải hoàn thành và gửi 1 bản về Cục Quân y chậm nhất là 1 tháng sau khi kết thúc đợt kiểm tra.
c) Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cấp trên.
Điều 17. Công tác sơ kết, tổng kết
Hàng năm, các đơn vị lao động sản xuất phải tổ chức sơ kết, tổng kết công tác y tế lao động nhằm đánh giá kết quả đạt được, phân tích những thiếu sót, tồn tại và rút ra các bài học kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp tham gia làm tốt công tác này. Triển khai các hình thức giáo dục tuyên truyền, phát động thi đua, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ..., lồng ghép với công tác bảo hộ lao động và các phong trào thi đua khác.
Chương 7:
THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 18. Công tác thanh tra
Hàng năm, Thanh tra Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Cục Quân y và các cơ quan chức năng có liên quan lập kế hoạch tổ chức thanh tra việc chấp hành các qui định pháp luật về y tế lao động của một số đơn vị lao động sản xuất trong quân đội; qua đó, đề xuất những nội dung giúp cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân làm tốt công tác này.
Điều 19. Công tác kiểm tra
Thủ trưởng các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng phải tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác y tế lao động đối với các đơn vị lao động sản xuất thuộc quyền.
Điều 20. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Các đơn vị thực hiện tốt công tác y tế lao động được đề nghị khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
2. Đối với những đơn vị thực hiện chưa tốt công tác y tế lao động, căn cứ vào lỗi vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định tại Mục II Chương XVI của Bộ luật Lao động và quy định của Bộ Quốc phòng.
Chương 8:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Bộ Tổng tham mưu xây dựng quy định về biên chế, tổ chức cán bộ Quân y đối với các đơn vị lao động sản xuất trong Quân đội để thống nhất thực hiện.
Điều 22. Tổng cục Hậu cần chỉ đạo Cục Quân y:
1. Hướng dẫn quân y các đơn vị lao động sản xuất triển khai thực hiện nghiêm các quy định về công tác y tế lao động.
2. Quy định chế độ và ban hành mẫu biểu báo cáo về công tác y tế lao động thống nhất trong toàn quân.
3. Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ đào tạo hệ thống an toàn - vệ sinh viên tại các cơ sở lao động sản xuất.
4. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác y tế lao động trong Quân đội với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và với Bộ Y tế theo quy định.
Điều 23. Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, các Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Học viện, Nhà trường, Đoàn kinh tế - Quốc phòng chịu trách nhiệm phổ biến Quy định này đến các đơn vị lao động sản xuất thuộc quyền và tổ chức, hướng dẫn thực hiện.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.