BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 953/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU NGHIỆP VỤ VÀ KỸ THUẬT ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CAMERA GIÁM SÁT TẠI CÁC KHU VỰC CỬA KHẨU, KHU VỰC NGOÀI CỬA KHẨU THUỘC ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Hải quan năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư số 222/2009/TT-BTC ngày 25/11/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử;
Căn cứ Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Vụ trưởng Vụ Tài vụ - Quản trị,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm Quyết định này Quy định về yêu cầu nghiệp vụ và kỹ thuật đối với hệ thống camera giám sát tại các khu vực cửa khẩu, khu vực ngoài cửa khẩu thuộc địa bàn hoạt động Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 907/QĐ-TCHQ ngày 28/03/2008 của Tổng cục Hải quan.
Điều 3. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ YÊU CẦU NGHIỆP VỤ VÀ KỸ THUẬT ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CAMERA GIÁM SÁT TẠI CÁC KHU VỰC CỬA KHẨU, KHU VỰC NGOÀI CỬA KHẨU THUỘC ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 953/QĐ-TCHQ ngày 02 tháng 6 năm 2011 của Tổng cục Hải quan)
Phần một.
YÊU CẦU CHUNG
1. Hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt liên vận, cảng hàng không, cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng cạn (ICD), địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh và các khu vực khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
2. Hệ thống camera giám sát gồm có camera quan sát và nhận dạng có các chức năng chính như: quay quét, chụp hình, PTZ (Pan: quét ngang, Tilt: quét dọc, Zoom: Phóng to thu nhỏ), ghi lại hình ảnh động và tĩnh, chuyển ảnh chụp thành dữ liệu điện tử; có khả năng bảo mật cao, thời gian lưu trữ hình ảnh động đến 01 năm, hạn chế được các tác động của môi trường và đảm bảo an ninh, an toàn về thiết bị.
3. Hệ thống camera giám sát phải có khả năng kết nối được với các phần mềm khác của ngành Hải quan và lực lượng có liên quan để xử lý theo yêu cầu nghiệp vụ, lưu trữ thông tin, dữ liệu phục vụ các nghiệp vụ khác nhau; hệ thống camera tại các Chi cục có khả năng kết nối với Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục theo từng cấp độ, theo lộ trình do Tổng cục Hải quan phê duyệt.
4. Quản lý điều hành hệ thống camera giám sát của một Chi cục do một trung tâm chỉ huy (sau đây gọi là trung tâm camera) hoạt động theo quy trình giám sát bằng camera do Tổng cục Hải quan ban hành.
5. Hình ảnh quan sát được lưu giữ theo thời hạn 01 năm trong hệ thống tại trung tâm camera để phục vụ việc kiểm tra và quản lý cán bộ công chức. Khi hết thời hạn lưu trữ dữ liệu sẽ được tự động xóa để phục vụ lưu trữ dữ liệu mới. Việc xem lại hoặc sao chép dữ liệu trong hệ thống do Lãnh đạo Chi cục hoặc người được Lãnh đạo Chi cục ủy quyền thực hiện.
6. Việc xác định nhu cầu trang bị và sử dụng hệ thống camera giám sát tại cửa khẩu phải có quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm do Cục trưởng Cục hải quan tỉnh, thành phố xây dựng, đề nghị Lãnh đạo Tổng cục phê duyệt; phải có sự phối hợp với các cơ quan liên quan như: Biên phòng, cảng vụ, doanh nghiệp kinh doanh cảng... để tránh việc đầu tư chồng chéo, gây lãng phí theo công văn số 6115/VPCP-KTTH ngày 17 tháng 09 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ. Hệ thống camera giám sát của hải quan có thể được chia sẻ hình ảnh quan sát cho các cơ quan hữu quan tại cửa khẩu như: Cảng vụ, Biên phòng, Doanh nghiệp kinh doanh cảng...bằng quy chế phối hợp giữa các bên theo nguyên tắc:
a) Đối với hệ thống camera quan sát: hình ảnh thụ động (chỉ được xem, không được điều khiển) được chia sẻ cho các lực lượng có nhu cầu phù hợp với mục đích sử dụng;
b) Đối với hệ thống camera nhận dạng: dữ liệu về số hiệu container, biển kiểm soát phương tiện vận tải, thời gian ra vào cổng cảng, cổng biên giới, cổng ICD... có thể được chia sẻ, tích hợp để kiểm tra đối chiếu giữa các cơ quan có liên quan việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh;
c) Việc ký kết quy chế phối hợp giữa cơ quan Hải quan và các bên có liên quan thực hiện theo hướng dẫn riêng của Tổng cục Hải quan;
d) Đối với cửa khẩu có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh quá ít mà các lực lượng hữu quan như Bộ đội Biên phòng... đã trang bị camera thì cơ quan hải quan phối hợp sử dụng chung, không cần thiết phải trang bị hệ thống camera riêng cho hải quan.
7. Việc xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát” trên tờ khai hàng xuất khẩu (hồ sơ giấy) khi người khai hải quan có yêu cầu do công chức văn phòng đội giám sát thực hiện trên cơ sở dữ liệu camera nhận được tại cổng.
Phần hai.
YÊU CẦU NGHIỆP VỤ ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CAMERA GIÁM SÁT HẢI QUAN
MỤC 1. KHU VỰC CỬA KHẨU CẢNG BIỂN
Trọng điểm giám sát hải quan tại cửa khẩu cảng biển là: khu vực cổng cảng nơi có nhiều hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra vào cảng, khu vực kiểm tra thực tế hàng hóa trong cảng, khu vực tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ hải quan tại trụ sở Chi cục.
Các khu vực khác như kho, bãi tập kết hàng hóa, cầu tàu... thì chủ yếu thực hiện bằng tuần tra của lực lượng giám sát cơ động.
I. Khu vực cổng cảng
1. Giám sát bằng hệ thống camera đối với hàng hóa xuất khẩu đưa vào khu vực cảng:
1.1. Yêu cầu lắp đặt:
a) Hệ thống camera nhận dạng: quan sát và nhận dạng được số container và biển kiểm soát của xe ô tô vào cảng.
b) Hệ thống camera quan sát (cố định và quay quét) giám sát được toàn bộ hoạt động tại khu vực cổng.
1.2. Yêu cầu quan sát:
1.2.1. Hệ thống camera quan sát:
Camera quan sát được lắp đặt để theo dõi toàn cảnh khu vực cổng cảng theo thời gian 24/7 ngày.
1.2.2. Hệ thống camera nhận dạng:
Camera nhận dạng được lắp đặt tại cổng cảng quan sát và nhận dạng được số container, biển kiểm soát xe ô tô chuyên chở hàng hóa từ ngoài đi vào cổng cảng.
a) Trường hợp hệ thống camera nhận dạng chưa tích hợp được với các chương trình quản lý nghiệp vụ hải quan (Quản lý tờ khai, E-manifest, Quản lý rủi ro, Quản lý hàng chuyển cửa khẩu...) và các chương trình của cơ quan quản lý cảng, doanh nghiệp kinh doanh cảng:
Lưu dữ liệu trong hệ thống để phục vụ việc kiểm tra đối chiếu với lược khai hàng xuất khẩu và các việc có liên quan khi cần thiết.
b) Khi hệ thống camera nhận dạng được tích hợp với các phần mềm quản lý hải quan (Quản lý tờ khai, E manifest, Quản lý rủi ro, Quản lý hàng chuyển cửa khẩu...) và các chương trình của cơ quan quản lý cảng, doanh nghiệp kinh doanh cảng:
b.1. Hệ thống quản lý rủi ro tự động cung cấp thông tin cảnh báo đối với lô hàng, container cần theo dõi, giám sát chặt chẽ trong quá trình tập kết tại kho bãi cảng hoặc thông tin yêu cầu kiểm tra, tái kiểm tra những container có nghi vấn khi đưa vào cảng;
b.2. Dữ liệu về số container của hệ thống camera nhận dạng tự động đối chiếu với dữ liệu tờ khai hàng xuất khẩu và lược khai hàng xuất để kiểm tra, đối chiếu, xác minh khi có nghi ngờ hoặc xác định số container tồn trong kho bãi cảng và tự động xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát” trên tờ khai hàng xuất khẩu trong hệ thống.
c) Trường hợp Container đưa vào cảng là container rỗng:
c.1. Đối với cảng biển có điều kiện bố trí cổng riêng hoặc làn đường riêng cho container rỗng đi vào cảng; cách thức giám sát thực hiện như điểm a hoặc điểm b mục này;
c.2. Đối với cảng biển chưa bố trí được cổng riêng, làn đường riêng cho container rỗng đi vào cảng thì thực hiện giám sát chung với container có hàng hóa như điểm a hoặc điểm b mục này.
2. Giám sát bằng hệ thống camera đối với hàng hóa nhập khẩu từ trong cảng đưa ra:
2.1. Yêu cầu lắp đặt:
a) Hệ thống camera nhận dạng: quan sát và nhận dạng được số container và biển kiểm soát của xe ô tô ra khỏi cảng.
b) Hệ thống camera quan sát (cố định và quay quét) giám sát được toàn bộ hoạt động tại khu vực cổng.
2.2. Yêu cầu quan sát:
2.2.1. Hệ thống camera quan sát:
Camera quan sát được lắp đặt để theo dõi toàn cảnh khu vực cổng cảng theo thời gian 24/7 ngày.
2.2.2. Hệ thống camera nhận dạng:
Camera nhận dạng được lắp đặt tại cổng cảng quan sát và nhận dạng số container, biển kiểm soát xe ô tô chuyên chở hàng hóa từ trong đi ra cổng cảng.
a) Trường hợp hệ thống camera nhận dạng chưa tích hợp được với các chương trình quản lý nghiệp vụ hải quan (Quản lý tờ khai, E manifest, Quản lý rủi ro, Quản lý hàng chuyển cửa khẩu...) và các chương trình của cơ quan quản lý cảng, doanh nghiệp kinh doanh cảng:
Lưu dữ liệu trong hệ thống để phục vụ việc kiểm tra đối chiếu với lược khai hàng nhập khẩu và các việc có liên quan khi cần thiết.
b) Khi hệ thống camera nhận dạng được tích hợp với các phần mềm quản lý hải quan (Quản lý tờ khai, E-manifest, Quản lý rủi ro, Quản lý hàng chuyển cửa khẩu...) và các chương trình của cơ quan quản lý cảng, doanh nghiệp kinh doanh cảng:
b.1. Hệ thống quản lý rủi ro tự động cung cấp thông tin cảnh báo đối với lô hàng, container cần theo dõi, giám sát chặt chẽ trong quá trình vận chuyển từ cảng vào nội địa đối với lô hàng, container chưa thông quan hoặc thông tin yêu cầu kiểm tra container ngay tại cảng;
b.2. Dữ liệu về số container của hệ thống camera nhận dạng tự động đối chiếu với dữ liệu tờ khai hàng nhập khẩu và lược khai hàng nhập (E-manifest) để kiểm tra, đối chiếu, xác minh khi có nghi ngờ hoặc xác định số container tồn trong kho bãi cảng và tự động xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát” trên tờ khai hàng nhập khẩu trong hệ thống.
c) Trường hợp container đưa ra cảng là container rỗng:
c.1. Đối với cảng biển có điều kiện bố trí cổng riêng hoặc làn đường riêng cho container rỗng đi ra cảng; cách thức giám sát thực hiện như điểm a hoặc điểm b mục này;
c.2. Đối với cảng biển chưa bố trí được cổng riêng, làn đường riêng cho container rỗng đi ra cảng thì thực hiện giám sát chung với container có hàng hóa như điểm a hoặc điểm b mục này.
d) Trường hợp cổng cảng có lắp đặt Barie điện tử:
d.1. Đối với cổng cảng có điều kiện thì cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng thống nhất lắp đặt và sử dụng Barie điện tử để giảm thiểu việc bố trí người trực tiếp đóng mở Barie. Barie điện tử có phần mềm tích hợp được với các chương trình quản lý nghiệp vụ hải quan có liên quan và chương trình quản lý container của doanh nghiệp kinh doanh cảng;
d.2. Trước mắt thực hiện việc tích hợp dữ liệu container của doanh nghiệp kinh doanh cảng với Barie điện tử và hệ thống camera nhận dạng tại cổng cảng để Barie tự động mở khi container đưa ra ngoài;
d.3. Khi có điều kiện thì tích hợp dữ liệu số container trên hồ sơ hải quan khớp với lược khai hàng nhập (E-manifest) và dữ liệu trong hệ thống camera nhận dạng, dữ liệu quản lý Container của doanh nghiệp kinh doanh cảng thì Barie điện tử tự động mở để vận chuyển Container ra khỏi cảng
II. Khu vực kiểm tra thực tế hàng hóa trong cảng, khu vực tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ hải quan tại trụ sở Chi cục.
Thực hiện như tại Mục 6 Phần hai của Quy định này.
III. Đối với các khu vực kho, bãi tập kết hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cầu tàu - nơi xếp dỡ hàng hóa:
Khu vực kho, bãi, cầu tàu chủ yếu thực hiện bằng tuần tra, nơi có điều kiện và xét thấy cần thiết thì trang bị camera.
1. Yêu cầu lắp đặt: Hệ thống camera quan sát (cố định và quay quét) giám sát được toàn bộ hoạt động tại khu vực.
2. Yêu cầu quan sát: giám sát được toàn bộ hoạt động đi lại bốc, dỡ tại khu vực. Giám sát được việc di chuyển của đối tượng trọng điểm cần theo dõi của cơ quan Hải quan.
MỤC 2. KHU VỰC CỬA KHẨU SÂN BAY
I. Tại khu vực sân đỗ tàu bay:
1. Yêu cầu lắp đặt: camera quan sát (cố định và quay quét) giám sát được toàn bộ khu vực sân đỗ tàu bay.
2. Yêu cầu giám sát: giám sát được việc vận chuyển hàng hóa, hành lý từ máy bay nhập cảnh vào các khu vực kho hàng, khu vực trả hành lý, khu vực cung cấp xuất ăn... và ngược lại đối với tàu bay xuất cảnh.
II. Khu vực làm thủ tục hành lý xuất cảnh, nhập cảnh:
1. Khu vực làm thủ tục hành lý của người xuất cảnh
1.1. Yêu cầu lắp đặt: hệ thống camera quan sát (cố định và quay quét): giám sát được toàn bộ khu vực làm thủ tục hành lý của người xuất cảnh bao gồm: khu vực quầy làm thủ tục hàng không (check in), khu vực kiểm tra hành lý ký gửi, khu vực kiểm tra hành lý xách tay, khu vực cách ly.
1.2. Yêu cầu giám sát: giám sát được toàn cảnh và theo dõi liên tục được đối tượng cần giám sát qua các khu vực nêu tại điểm 1.1 mục này.
2. Khu vực làm thủ tục hành lý của người nhập cảnh
2.1. Yêu cầu lắp đặt: hệ thống camera quan sát (cố định và quay quét): giám sát được toàn bộ khu vực làm thủ tục hành lý của người nhập cảnh bao gồm: khu vực chờ làm thủ tục nhập cảnh, khu vực nhận hành lý ký gửi, khu vực làm thủ tục và kiểm tra hành lý xách tay, khu vực kiểm tra hành lý ký gửi bằng máy soi.
2.2. Yêu cầu giám sát: giám sát được toàn cảnh và theo dõi liên tục được đối tượng cần giám sát qua các khu vực nêu tại điểm 2.1 mục này.
III. Khu vực kho hàng:
1. Khu vực tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Thực hiện như tại Mục 6 Phần hai của Quy định này.
2. Khu vực kho hàng
2.1. Yêu cầu lắp đặt: hệ thống Camera quan sát (cố định và quay quét) được lắp đặt tại khu vực kho hàng.
2.2. Yêu cầu giám sát: giám sát được việc vận chuyển hàng hóa từ tàu bay đến khu vực kho hàng và ngược lại; khu vực sân, cửa kho, cổng kho và trong kho hàng. Giám sát việc di chuyển của đối tượng trọng điểm cần theo dõi của cơ quan Hải quan
MỤC 3. KHU VỰC CỬA KHẨU ĐƯỜNG BỘ
I. Khu vực trong nhà liên hợp:
1. Yêu cầu lắp đặt: hệ thống Camera quan sát (cố định và quay quét) được lắp đặt tại khu vực làm thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh.
2. Yêu cầu giám sát: giám sát được toàn cảnh khu vực làm thủ tục hải quan và giám sát việc di chuyển của đối tượng trọng điểm cần theo dõi của cơ quan Hải quan.
II. Khu vực phía ngoài hai bên nhà liên hợp
1. Yêu cầu lắp đặt: Hệ thống camera quan sát và nhận dạng được lắp đặt tại hai luồng xuất cảnh và nhập cảnh của phương tiện vận tải.
2. Yêu cầu giám sát: Quan sát toàn cảnh luồng xuất, luồng nhập và nhận dạng được số hiệu container, số biển kiểm soát phương tiện vận tải.
III. Khu vực cổng ra vào sát biên giới:
1. Yêu cầu lắp đặt: hệ thống camera quan sát (cố định và quay quét) được lắp đặt tại hai luồng xuất cảnh và nhập cảnh hướng về phía nội địa Việt Nam.
2. Yêu cầu giám sát: Quan sát được toàn cảnh luồng xuất, luồng nhập của hàng hóa, hành lý và phương tiện vận tải.
IV. Khu vực cổng ra vào tiếp giáp nội địa:
1. Yêu cầu lắp đặt: hệ thống Camera quan sát (cố định và quay quét) được lắp đặt tại khu vực đi lại của khách và phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Yêu cầu giám sát: giám sát được toàn cảnh khu vực và giám sát liên tục được đối tượng cần theo dõi.
V. Khu vực tập kết và kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra phương tiện vận tải:
Thực hiện như tại Mục 6 Phần hai của Quy định này.
MỤC 4. KHU VỰC CẢNG NỘI ĐỊA (ICD)
Hệ thống camera giám sát tại địa điểm làm thủ tục hải quan tại khu vực ICD, do doanh nghiệp kinh doanh ICD trang bị theo quy định tại các Điều 58, 59, 60, 61 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính. Yêu cầu lắp đặt và yêu cầu giám sát thực hiện theo quy định tại văn bản này, cụ thể như sau:
I. Cổng ICD
Việc lắp đặt và giám sát được thực hiện như quy định đối với cổng cảng tại Điểm I Mục 1 Phần hai của quy định này.
II. Khu vực kiểm tra thực tế hàng hóa trong ICD, khu vực tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ hải quan.
Thực hiện như tại Mục 6 Phần hai của Quy định này.
MỤC 5. KHO NGOẠI QUAN
Hệ thống camera giám sát tại khu vực kho ngoại quan do doanh nghiệp trang bị để cơ quan hải quan cùng sử dụng theo quy định tại điều 65 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.
1. Yêu cầu lắp đặt: hệ thống Camera quan sát (cố định và quay quét) được toàn cảnh khu vực cửa kho.
2. Yêu cầu giám sát: Giám sát được mọi hoạt động đưa hàng hóa ra, vào kho ngoại quan. Trung tâm chỉ huy điều hành hoạt động hệ thống camera của khu vực kho ngoại quan được đặt tại phòng làm việc của hải quan quản lý kho ngoại quan và có thể kết nối với Chi cục Hải quan khi có yêu cầu.
MỤC 6. KHU VỰC KIỂM TRA THỰC TẾ HÀNG HÓA, KHU VỰC TIẾP NHẬN VÀ KIỂM TRA HỒ SƠ HẢI QUAN CỬA KHẨU, HẢI QUAN NGOÀI CỬA KHẨU
1. Yêu cầu lắp đặt: hệ thống Camera quan sát (cố định và quay quét) được toàn cảnh khu vực.
2. Yêu cầu giám sát: Giám sát được toàn cảnh khu vực kiểm tra thực tế hàng hóa, khu vực tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ hải quan, giám sát liên tục được đối tượng cần theo dõi.
Phần ba.
YÊU CẦU KỸ THUẬT CỦA HỆ THỐNG CAMERA GIÁM SÁT
MỤC 1. HỆ THỐNG CAMERA
1. Hệ thống camera giám sát bao gồm: camera (ống kính, thân, đế), các thiết bị: quản lý, điều khiển, hiển thị, in dữ liệu, lưu trữ dữ liệu, truyền dẫn tín hiệu, phần mềm quản lý camera, phần mềm nhận dạng và các thiết bị phụ trợ khác như đèn hỗ trợ ánh sáng, vỏ bảo vệ, thiết bị sấy ống kính....
2. Phải ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, hiện đại tại thời điểm trang bị. Ưu tiên chọn hệ thống camera IP để đồng bộ và thuận tiện cho việc tích hợp, kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin trong Ngành.
3. Chức năng chính của camera là thu nhận hình ảnh. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của từng vị trí lắp đặt có thêm một số tính năng hỗ trợ khác như: PTZ (Pan: quét ngang, Tilt: quét dọc, Z: Phóng to thu nhỏ), tự động điều chỉnh ánh sáng, chụp tự động, đếm, nơi có yêu cầu đặc biệt thì camera cần có khả năng quan sát ban đêm, chịu được tác động của môi trường.
4. Có khả năng kết nối với mạng máy tính theo giao thức TCP/IP và cho phép điều khiển, giám sát từ trung tâm xử lý hoặc từ máy tính nối mạng.
5. Hệ thống camera quan sát: có chức năng thu nhận hình ảnh tại các địa điểm, khu vực cần có sự giám sát Hải quan; truyền hình ảnh về trung tâm camera, lưu trữ để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan Hải quan.
6. Hệ thống Camera nhận dạng: có chức năng như hệ thống camera quan sát, ngoài ra có thêm chức năng tự động chụp ảnh, đếm, nhận dạng biển số phương tiện vận tải, số hiệu container, lưu dữ liệu dưới dạng text.
7. Trong một khuôn hình, camera cần quan sát được các đối tượng có kích thước như sau: 1m x 1,3m tại các khu vực: tập kết, kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra phương tiện vận tải, tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ hải quan, trong nhà liên hợp; 3m x 4m tại các khu vực: kho hàng, làm thủ tục hành lý xuất cảnh, nhập cảnh, phía ngoài hai bên nhà liên hợp; 6m x 8m tại các khu vực: cổng cảng, bãi tập kết container hàng hóa, sân đỗ tàu bay, cổng ra vào sát biên giới, cổng ra vào tiếp giáp nội địa.
MỤC 2. ĐƯỜNG TRUYỀN
1. Chức năng để kết nối các camera tại các vị trí quan sát với Trung tâm camera.
2. Tùy theo địa hình sẽ chọn loại đường truyền thích hợp hữu tuyến (có dây) hoặc vô tuyến (không dây). Ưu tiên chọn đường truyền cáp quang, cáp đồng và đi dây kết hợp với mạng LAN của đơn vị. Trường hợp sử dụng đường truyền vô tuyến phải lưu ý đăng ký sử dụng tần số vô tuyến điện và có thể bị nhiễu.
MỤC 3. KẾT NỐI
1. Kết nối với hệ thống CNTT thông qua mạng, sử dụng giao thức TCP/IP
2. Đối với hệ thống camera nhận dạng thì cấu phần này có thêm phần mềm nhận dạng, theo dõi, quản lý hàng hóa XNK, phương tiện XNC qua biên giới và lưu trữ dữ liệu dưới dạng cơ sở dữ liệu (text).
3. Trường hợp trang bị và sử dụng chung hệ thống camera giữa cơ quan hải quan và các đơn vị có liên quan thì việc kết nối phải đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ giám sát hải quan đã nêu tại mục I, II văn bản này.
4. Trường hợp Lãnh đạo đơn vị Hải quan các cấp có yêu cầu quan sát hình ảnh camera tại máy tính có kết nối internet thì hệ thống camera trang bị ở các địa điểm quy định phải đáp ứng.
MỤC 4. TRUNG TÂM CAMERA
1. Chức năng của trung tâm camera là nơi giám sát nghiệp vụ và điều khiển các Camera hoạt động; thu nhận hình ảnh, dữ liệu từ camera truyền về; xử lý, lưu trữ dữ liệu, hình ảnh phục vụ yêu cầu quản lý Hải quan.
2. Các cấu phần của Trung tâm camera gồm:
2.1. Thiết bị hiển thị hình ảnh: màn hình TV, màn hình máy tính hoặc màn hình chuyên dụng, kích cỡ phù hợp với số lượng camera. Thiết bị hiển thị hình ảnh có khả năng hiển thị các hình ảnh từ tất cả các ống camera (ở chế độ chia màn hình) hoặc riêng từng ống theo yêu cầu đối với từng vị trí.
2.2. Thiết bị điều khiển: có chức năng điều khiển camera theo chế độ quay quét, phóng đại, chọn hình ảnh từ chế độ chia sang màn hình riêng.
2.3. Hệ thống lưu trữ: dữ liệu hình ảnh lưu trữ dưới dạng số. Thiết bị lưu trữ sử dụng ổ đĩa cứng máy tính hoặc các thiết bị chuyên dụng khác. Việc lưu trữ hình ảnh tối thiểu đảm bảo các điều kiện:
- Độ phân giải camera tương đương tỷ lệ định dạng ảnh 800x600 pixels;
- Chuẩn nén H.264, MPEG-4 hoặc cao hơn;
- Thời gian ghi hình 24/7 ngày;
- Tốc độ khuôn hình 15 hình/giây;
- Số lượng camera được lưu trữ hình ảnh: từ 50% đến tối đa 80% số lượng camera trong hệ thống bao gồm cả các camera của các lực lượng khác khai thác chung theo thỏa thuận (tùy theo vị trí lắp đặt, nhu cầu lưu trữ và các yêu cầu cụ thể của từng đơn vị) đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí.
3. Các phần mềm điều khiển, xử lý hình ảnh có các chức năng cơ bản trong hiệu chỉnh hình ảnh, tìm kiếm theo thời gian...
4. Thiết bị in, sao hình ảnh.
5. Trường hợp hệ thống camera giám sát được trang bị sử dụng chung giữa cơ quan hải quan và các đơn vị có liên quan thì trung tâm điều khiển của hải quan vẫn phải đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ nêu tại điểm I, II trong văn bản này.
MỤC 5. CÁC THIẾT BỊ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO HỆ THỐNG
Các thiết bị đảm bảo an toàn cho hệ thống gồm: chống sét trên đường nguồn điện, đường mạng cáp đồng; hệ thống cấp nguồn liên tục thông quan UPS tập trung. Trường hợp địa điểm triển khai đã có sẵn hệ thống đảm bảo an toàn của đơn vị thì xem xét phương án dùng chung.
Phần bốn.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Tổng cục Hải quan:
1. Có văn bản chỉ đạo hướng dẫn, định hướng nhu cầu trang bị sử dụng camera giám sát.
2. Tổng hợp nhu cầu hàng năm về trang bị hệ thống camera giám sát trình Bộ Tài chính phê duyệt.
3. Tổ chức triển khai việc mua sắm, lắp đặt và quản lý sử dụng theo quy định.
4. Phân công trách nhiệm các đơn vị tham mưu và xây dựng giúp lãnh đạo Tổng cục Hải quan:
4.1. Cục Giám sát quản lý về hải quan chủ trì, phối hợp Vụ Tài vụ Quản trị, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan và đơn vị có liên quan giúp lãnh đạo Tổng cục xác định nhu cầu trang bị các hệ thống camera; xây dựng quy trình nghiệp vụ hướng dẫn việc giám sát hải quan bằng hệ thống camera; kiểm tra, theo dõi, thống kê hiệu quả hoạt động của hệ thống camera trong toàn ngành.
4.2. Vụ Tài vụ quản trị chủ trì, phối hợp Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan và đơn vị có liên quan giúp lãnh đạo Tổng cục tổ chức mua sắm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và kỹ thuật, lắp đặt, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa và quản lý hệ thống camera theo quy định về quản lý tài sản.
4.3. Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan chủ trì, phối hợp Cục Giám sát quản lý về hải quan, Vụ Tài vụ Quản trị và đơn vị có liên quan giúp lãnh đạo Tổng cục đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, kết nối, xây dựng phần mềm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ giám sát hải quan.
II. Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
1. Xác định nhu cầu trang bị hệ thống camera giám sát đối với từng địa điểm cụ thể thuộc địa bàn quản lý về hải quan trình Tổng cục Hải quan theo kế hoạch 5 năm và hàng năm.
2. Thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư trong việc mua sắm, lắp đặt hệ thống camera giám sát khi được phân cấp.
3. Chủ trì tổ chức triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống camera giám sát được trang bị theo quyết định của Tổng cục Hải quan.
4. Quản lý sử dụng hệ thống camera giám sát theo các quy trình của Tổng cục Hải quan ban hành.
5. Thực hiện chế độ báo cáo sử dụng và quản lý tài sản theo quy định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.