THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 95/1998/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ XỬ LÝ THANH TOÁN NỢ GIAI ĐOẠN II
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH:
A. QUY ĐỊNH CHUNG:
Điều 1. Các bên có nợ phải thu, phải trả đã được kê khai xác nhận nợ, hoặc đã được đối chiếu xác minh theo quy định của Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ là đối tượng thi hành Quyết định này.
Điều 2. Giám đốc các doanh nghiệp có nợ phải thu, có trách nhiệm tìm mọi biện pháp để thu hồi nợ.
Điều 3. Giám đốc các doanh nghiệp, các con nợ có nợ phải trả, có trách nhiệm trả nợ. Nếu không trả nợ, doanh nghiệp và con nợ phải chịu các hình thức cưỡng chế của các cơ quan chức năng về khấu trừ các quỹ của doanh nghiệp và phát mại tài sản.
Điều 4. Tổ chức và cá nhân bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, mua chịu vật tư hàng hóa, nhưng các doanh nghiệp chưa trả được nợ, tổ chức và cá nhân bảo lãnh phải chịu trách nhiệm trả nợ thay. Doanh nghiệp được trả nợ thay có trách nhiệm nhận nợ và trả nợ với tổ chức, cá nhân đã bảo lãnh cho mình.
B. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
I. CÁC KHOẢN NỢ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 5. Các khoản nợ ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động được phân loại và xử lý như sau :
1. Nợ tiền khấu hao cơ bản phải nộp ngân sách theo chế độ nhưng chưa nộp :
- Nếu doanh nghiệp đã sử dụng tiền khấu hao cơ bản để đầu tư xây dựng cơ bản, cho phép ghi thu ngân sách về tiền khấu hao cơ bản phải nộp, ghi chi cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nhận vốn với Nhà nước và nộp tiền thu sử dụng vốn theo quy định hiện hành;
- Nếu doanh nghiệp đã sử dụng tiền khấu hao cơ bản để bổ sung vốn lưu động, được ghi thu ngân sách về khấu hao cơ bản, ghi chi cấp vốn lưu động cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nhận vốn với Nhà nước và nộp tiền thu sử dụng vốn theo quy định hiện hành.
2. Nợ các loại thuế, chênh lệch giá, lợi nhuận phải nộp :
Nếu doanh nghiệp đã sử dụng các khoản thuế, chênh lệch giá, lợi nhuận phải nộp ngân sách để đầu tư xây dựng cơ bản, được ghi thu ngân sách khoản thuế, chênh lệch giá và lợi nhuận phải nộp, ghi chi cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp phải nhận vốn với Nhà nước và nộp tiền thu sử dụng vốn theo quy định hiện hành.
3. Trường hợp doanh nghiệp ứng tiền của ngân sách để mua hàng xuất khẩu trả nợ nước ngoài, xuất khẩu lấy ngoại tệ lập quỹ dự trữ Nhà nước, hoặc để mua hàng hóa dự trữ lưu thông, nhưng do biến động giá cả, doanh nghiệp không mua đủ quỹ hàng hóa theo quy định, sau khi đã được Ban thanh toán nợ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ quản lý kinh tế ngành xác nhận thì cho phép xóa nợ.
4. Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước được giao bán hàng nhập khẩu theo Nghị định thư của Chính phủ chưa thu được tiền, hoặc chưa nộp đủ tiền vào ngân sách thì được xử lý như sau:
- Nếu doanh nghiệp đã sử dụng tiền bán hàng vào đầu tư xây dựng cơ bản hoặc mua sắm tài sản cố định, được ghi thu ngân sách tiền bán hàng theo Nghị định thư, ghi chi cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nhận vốn với Nhà nước và nộp tiền thu sử dụng vốn theo quy định hiện hành;
- Nếu doanh nghiệp đã sử dụng tiền bán hàng để bổ sung vốn lưu động, được ghi thu ngân sách Nhà nước và ghi chi cấp vốn lưu động cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nhận vốn với Nhà nước và nộp tiền thu sử dụng vốn theo quy định hiện hành;
- Doanh nghiệp đã bán hàng nhưng không thu được tiền, sau khi xem xét kỹ các quy định tại thời điểm phát sinh, nếu không phải do lỗi của doanh nghiệp, Ban thanh toán nợ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ quản lý kinh tế ngành báo cáo Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xét xóa nợ cho từng trường hợp;
- Trường hợp hàng hóa nhập theo Nghị định thư không phù hợp với yêu cầu thị trường, phải giảm giá bán so với giá đã nhận của Nhà nước, cho phép doanh nghiệp được thanh toán theo số tiền thực tế thu được, phần còn thiếu cho xóa nợ.
5. Đối với các khoản vay ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm trả nợ cho ngân sách Nhà nước, nếu không trả được nợ, doanh nghiệp báo cáo Bộ Tài chính để giải quyết.
6. Các công trình xây dựng cơ bản nêu tại điểm 1, 2 và 4 tại Điều này, khi xử lý phải có biên bản kiểm kê tài sản và được quyết toán theo chế độ quy định của Nhà nước.
Điều 6. Các khoản ngân sách Nhà nước nợ các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động, được phân loại và xử lý như sau :
1. Các khoản ngân sách trợ cấp hoặc cấp bù theo chế độ quy định nhưng chưa được cấp phát, ngân sách cấp nào nợ, ngân sách cấp đó phải bố trí nguồn thanh toán cho doanh nghiệp. Nếu không có nguồn báo cáo Bộ Tài chính xem xét giải quyết.
2. Các khoản doanh nghiệp đã nộp thừa cho ngân sách, được ngân sách hoàn trả cho doanh nghiệp, hoặc trừ vào khoản nộp kỳ sau.
3. Các khoản nợ do khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản đã hoàn thành, tài sản đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thanh toán :
- Nếu nằm trong kế hoạch Nhà nước giao nhưng chưa được thanh toán, phải lấy tiền khấu hao cơ bản, quỹ đầu tư phát triển để trả nợ, nếu thiếu ngân sách sẽ thanh toán cho doanh nghiệp phần chênh lệch;
- Nếu nằm ngoài kế hoạch Nhà nước mà tài sản đó đã được doanh nghiệp sử dụng, doanh nghiệp phải lấy nguồn khấu hao cơ bản của tài sản đã sử dụng, quỹ đầu tư phát triển để thanh toán. Nếu còn thiếu được ngân sách hỗ trợ để trả nợ. Phần ngân sách hỗ trợ, doanh nghiệp phải nhận vốn với Nhà nước và nộp tiền thu sử dụng vốn theo quy định hiện hành;
Một số trường hợp xét thấy việc đầu tư là cần thiết và hợp lý, nhưng hiện nay doanh nghiệp không có khả năng thanh toán thì Ban Thanh toán nợ các tỉnh và thành phố (nếu là doanh nghiệp địa phương quản lý), Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (nếu là doanh nghiệp Trung ương) báo cáo Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương và Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp vốn ngân sách cho từng trường hợp cụ thể.
4. Các khoản ngân sách địa phương nhận trả nợ thay khi điều động tài sản của doanh nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, địa phương phải bố trí vốn ngân sách để trả nợ doanh nghiệp.
II. CÁC KHOẢN NỢ LIÊN QUAN ĐẾN NGÂN HÀNG
Điều 7. Đối với các khoản nợ Ngân hàng đã lên lưới thanh toán nợ:
Cho phép xóa số nợ còn lại của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đoàn thể đã giải thể hoặc ngừng hoạt động chờ giải thể, các hợp tác xã đã tan rã, cá thể vay vốn đã chết hoặc mất tích, sau khi đã tận thu mọi tài sản (nếu có); và các khoản nợ của doanh nghiệp, hộ sản xuất đã được khoanh nợ theo các Quyết định của Chính phủ. Nguồn bù đắp việc xóa nợ được xử lý như sau:
1. Sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Nhà nước của các Ngân hàng thương mại để xóa nợ.
2. Nếu Ngân hàng thương mại không có dư nợ vay Ngân hàng Nhà nước, hoặc dư nợ vay Ngân hàng Nhà nước không đủ để xóa nợ, thì cho phép Ngân hàng thương mại được bù đắp từ các nguồn :
- Quỹ dự phòng rủi ro (nếu có);
- Đưa dần vào chi phí hàng năm của Ngân hàng thương mại;
- Trích một phần lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hàng năm.
Nếu các nguồn bù đắp không đủ, Ngân hàng Nhà nước bàn với Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết.
Điều 8. Số lãi thuộc nợ vay Ngân hàng đã lên lưới thanh toán nợ của các doanh nghiệp hiện đang được theo dõi ở tài khoản ngoại bảng, nếu đã được Ban thanh toán nợ các cấp kiểm tra xác nhận, cho phép được xóa cho doanh nghiệp.
Điều 9. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động (loại 10) có nợ vay Ngân hàng đã lên lưới thanh toán, nhưng kinh doanh thua lỗ cần phân thành 2 loại:
1. Loại doanh nghiệp thua lỗ triền miên không thể khắc phục được, cần chấm dứt hoạt động theo Luật phá sản doanh nghiệp, việc thanh toán nợ thực hiện theo các quy định của Luật phá sản doanh nghiệp.
2. Loại doanh nghiệp đã tổ chức lại sản xuất, có hướng phát triển xử lý như sau :
- Doanh nghiệp có nợ vay Ngân hàng thương mại đã được khoanh nợ, cho phép chuyển từ nợ vay thành vốn ngân sách Nhà nước cấp trong phạm vi dư nợ của Ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm xử lý;
- Doanh nghiệp có nợ vay Ngân hàng thương mại đã lên lưới thanh toán nợ, nếu do nguyên nhân khách quan nhưng chưa được khoanh nợ, thì cho phép xử lý theo Thông tư liên tịch số 03/1997/TTLT-NHNN-BTC ngày 22 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn xử lý nợ quá hạn của các Ngân hàng quốc doanh qua chấn chỉnh hoạt động Ngân hàng sau thanh tra;
Nguồn bù đắp vốn cho Ngân hàng thương mại đối với số nợ chuyển thành vốn cấp cho doanh nghiệp, được xử lý như quy định tại Điều 7 Quyết định này.
3. Đối với doanh nghiệp có nợ Ngân hàng thương mại nhưng do nguyên nhân chủ quan thì phải quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo pháp luật.
Điều 10. Đối với khoản nợ của cơ quan Tài chính địa phương vay Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, để chi trả lương và bảo hiểm xã hội, cho phép trừ vào các khoản Ngân hàng phải nộp ngân sách Nhà nước.
Điều 11. Các trường hợp nợ do Ngân hàng Thương mại cho vay đã lên lưới thanh toán nợ, nhưng do nguyên nhân chủ quan của Ngân hàng, thì người gây hậu quả phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Số nợ không thu được phải trừ dần vào lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng thương mại.
Điều 12. Các khoản nợ do Ngân hàng bảo lãnh :
1. Các khoản nợ do Ngân hàng thương mại bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, doanh nghiệp được bảo lãnh không trả được nợ thì Ngân hàng bảo lãnh phải trả thay.
2. Các khoản bảo lãnh của các Ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay vốn theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng đã trả nợ thay, số nợ Ngân hàng trả thay được xử lý nguồn bù đắp như quy định tại điểm 2 Điều 7 của Quyết định này.
3. Đối với nợ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam vay nước ngoài cho các doanh nghiệp hoặc bảo lãnh thanh toán với nước ngoài trong thời kỳ do Nhà nước chỉ định, nay các doanh nghiệp không trả được nợ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định riêng.
III. CÁC KHOẢN NỢ DỰ TRỮ QUỐC GIA
Điều 13. Đối với khoản nợ do ứng tiền mua thóc, gia công gạo xuất khẩu, vay bằng thóc của Cục Dự trữ quốc gia, trong các năm 1988 - 1990 mà đơn vị đã nộp lại đủ tiền ứng trước, đã trả đủ tiền theo giá mua thóc tại thời điểm vay nhưng quy về lượng theo giá hoàn trả vẫn còn nợ thì cho phép xóa nợ.
Điều 14. Đối với các khoản nợ thóc dự trữ quốc gia đã được các cơ quan pháp luật (Tòa án, Trọng tài kinh tế) xét xử phải bồi thường, cơ quan Thi hành án phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi. Trường hợp con nợ không còn tài sản để thi hành bản án, nếu có ý kiến xác nhận của cơ quan Thi hành án sẽ cho xóa nợ.
Điều 15. Đối với các khoản nợ thóc dự trữ quốc gia mà các đơn vị nợ đã ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản, nếu đã được cơ quan cấp ra quyết định thành lập doanh nghiệp xác nhận thì cho xóa nợ.
Điều 16. Đối với các khoản nợ thóc hoặc nợ tiền ứng mua thóc dự trữ quốc gia, con nợ đã bị bắt hoặc bỏ trốn, cho phép chuyển giao số nợ đó cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Cho phép xóa nợ đối với khoản nợ thóc do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vay Quỹ Dự trữ quốc gia sau trận bão lũ năm 1989 để trợ cấp cho dân và khôi phục các công trình công cộng.
Điều 18. Đối với khoản nợ mà người nợ đã chết, sau khi tận thu mọi tài sản, số nợ còn lại cho xóa nợ.
Điều 19. Giá thóc để xử lý thanh toán nợ Quỹ Dự trữ quốc gia, được áp dụng theo giá thóc tính thuế nông nghiệp tại thời điểm vay nợ.
Điều 20. Các khoản nợ của Cục Dự trữ quốc gia được xóa hoặc chuyển giao cho địa phương, được giảm vốn cho Cục Dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính tổng hợp ra quyết định giảm vốn cho Cục Dự trữ quốc gia.
IV. CÁC KHOẢN NỢ KHÁC CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐANG HOẠT ĐỘNG
Điều 21. Doanh nghiệp nhập hàng theo chỉ thị của Nhà nước để phân phối theo kế hoạch Nhà nước nhưng không thu được tiền để trả nợ, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có nguồn thanh toán nợ.
Điều 22. Doanh nghiệp nhập hàng theo chỉ thị của Nhà nước nhưng hàng bị tồn kho, ứ đọng, không tiêu thụ được, cho phép thanh lý và giảm vốn của doanh nghiệp. Việc thanh lý phải thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 23. Doanh nghiệp tự vay, tự trả hoặc mua chịu hàng hóa, doanh nghiệp phải tự lo nguồn để trả nợ theo quy định của pháp luật. Trường hợp không trả được nợ, doanh nghiệp báo cáo Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu là doanh nghiệp địa phương); Bộ, ngành (nếu là doanh nghiệp Trung ương) xem xét, báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết.
Điều 24. Các doanh nghiệp đảm nhận việc vay vốn nước ngoài để nhập hàng theo chỉ thị của Nhà nước hoặc theo kế hoạch Nhà nước giao, nếu phát sinh chênh lệch tỷ giá ngoại tệ giữa thời điểm vay nhập hàng và thời điểm trả nợ làm cho doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, Bộ Tài chính kiểm tra, xem xét cấp ngân sách cho khoản chênh lệch tỷ giá để doanh nghệp có nguồn trả nợ.
Điều 25. Đối với doanh nghiệp vay vốn nước ngoài có bảo lãnh của cấp chính quyền nhưng không trả được nợ, cơ quan bảo lãnh có trách nhiệm trả nợ nước ngoài thay cho doanh nghiệp, cơ quan bảo lãnh không có khả năng trả nợ, cơ quan bảo lãnh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết.
V. CÁC KHOẢN NỢ CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐANG HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN CÁC DOANH NGHIỆP ĐÃ NGỪNG HOẠT ĐỘNG
Điều 26. Doanh nghiệp đang hoạt động có nợ phải thu và nợ phải trả nhưng không còn đối tượng để thu hoặc trả, được hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nợ phải thu quá lớn không thu được, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ quản lý ngành báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần về vốn để doanh nghiệp có nguồn trả nợ và hoạt động bình thường.
Điều 27. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đã ngừng hoạt động, giải thể có nợ phải trả nước ngoài và nợ phải trả cho các doanh nghiệp Nhà nước có nợ nước ngoài, thì doanh nghiệp Nhà nước thuộc cấp nào, ngân sách cấp đó bố trí vốn để trả nợ. Nếu ngân sách thuộc cấp quản lý không cân đối được, báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, hỗ trợ.
Điều 28. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đã được tổ chức lại sản xuất có số nợ phải trả lớn không có khả năng trả nợ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ quản lý ngành báo cáo đề xuất các biện pháp xử lý về tài chính cho Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
VI. CÁC KHOẢN NỢ CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP LÀM KINH TẾ ĐỜI SỐNG
Điều 29. Các đơn vị sự nghiệp làm kinh tế đời sống hiện đang hoạt động có nợ phải trả, phải chịu trách nhiệm việc thanh toán nợ.
Trường hợp tổ chức làm kinh tế đời sống của các cơ quan sự nghiệp đã giải thể ngừng hoạt động, có nợ phải trả đối với các đơn vị khác (ngoài nợ Ngân hàng và nợ dự trữ quốc gia được xử lý theo quy định tại Điều 7, Điều 15 Quyết định này), cơ quan sự nghiệp có tổ chức làm kinh tế đời sống có trách nhiệm trích ngân sách của mình để thanh toán cho chủ nợ. Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán và sử dụng nguồn ngân sách cấp cho các đơn vị sự nghiệp để tạo nguồn thanh toán nợ.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 30. Các bên chủ nợ, con nợ, bảo lãnh và người kế thừa chịu trách nhiệm thanh toán nợ theo Quyết định này. Cơ quan quyết định hoặc được ủy quyền thành lập doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc xử lý thanh toán nợ.
Trường hợp hai bên chủ nợ và con nợ còn vướng mắc không thanh toán và xử lý được nợ, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp cùng bàn bạc với cơ quan Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc cơ quan Tài chính để giải quyết.
Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ quản lý ngành là cơ quan chỉ đạo và đề xuất những biện pháp xử lý, những trường hợp vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 31. Củng cố Ban thanh toán nợ các cấp và thường xuyên làm việc để xem xét, xử lý kịp thời việc thanh toán nợ theo quy định. Việc quyết định xử lý thanh toán nợ phải dựa vào tập thể Ban thanh toán nợ.
Ban thanh toán nợ các cấp xem xét một số vụ việc nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm, đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố, điều tra.
Điều 32. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các chủ nợ và con nợ thuộc phạm vi quản lý của mình, khẩn trương giải quyết dứt điểm việc xử lý thanh toán nợ giai đoạn II theo các quy định trên đây. Các trường hợp không quy định trong Quyết định này xử lý theo các quy định hiện hành.
Điều 33. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 34. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương và Ban thanh toán nợ các cấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.