THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 946/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ CHỊU ẢNH HƯỞNG DỰ ÁN KHAI THÁC MỎ SẮT THẠCH KHÊ, HUYỆN THẠCH HÀ, TỈNH HÀ TĨNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội các xã chịu ảnh hưởng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh gồm các xã: Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Văn, Thạch Hội, Thạch Thắng, Tượng Sơn, với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU:
1. Sắp xếp, ổn định dân cư, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái, phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo;
2. Giải quyết việc làm, tăng cường hướng nghiệp cho người lao động, phấn đấu tỷ lệ lao động được qua các lớp đào tạo, tập huấn đạt trên 90%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 10%; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống dưới 0,65%/năm. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
II. NHIỆM VỤ
1. Về quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư:
Thực hiện quy hoạch, sắp xếp ổn định cho khoảng 4.000 hộ dân vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê gắn với Quy hoạch nông thôn mới.
2. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư:
- Đầu tư thực hiện các dự án sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; cơ sở chế biến hải sản; đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản; nuôi trồng thủy sản sinh thái tại các xã: Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Hội; phát triển vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh rau an toàn và các dự án nuôi lợn siêu nạc, lợn giống,… phù hợp với đặc điểm về điều kiện tự nhiên, xã hội của các xã thuộc Đề án;
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng các tuyến đường giao thông liên xã, liên nông thôn; hệ thống kênh mương nội đồng và các trạm bơm cấp nước sản xuất nông nghiệp; hệ thống cấp thoát nước và thu gom, xử lý chất thải;
- Trên cơ sở các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, từng bước đầu tư, xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp phụ trợ; đê sông, đê biển, khu neo đậu tránh, trú bão; các khu dịch vụ du lịch biển, dịch vụ thương mại cầu cảng; chợ đầu mối tại các trung tâm cụm xã,…
- Đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, trạm y tế các xã, các thiết chế văn hóa; Trung tâm dạy nghề Huyện có quy mô và hình thức đào tạo phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ nhằm phát huy các ngành, nghề nông thôn.
3. Giải pháp thực hiện
a) Tập trung hoàn thành các quy hoạch phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; thực hiện phân khu chức năng, phân vùng và quy hoạch quỹ đất sản xuất nông nghiệp; thực hiện các hình thức tái định cư phù hợp, nhất là kết hợp sắp xếp, bố trí dân cư theo mô hình xen ghép với các xã có điều kiện về quỹ đất và hạ tầng cơ sở.
b) Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để huy động vốn của các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đô thị và du lịch.
c) Thực hiện tốt chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc bê tông hóa kênh mương và hệ thống giao thông nông thôn.
d) Về phát triển sản xuất:
- Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng bảo đảm cung cấp hàng hóa ổn định cho thị trường;
- Phát triển chăn nuôi truyền thống kết hợp với tuyển chọn giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường; xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, bán tập trung bảo đảm việc kiểm soát phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường;
- Phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống theo hướng sản xuất tập trung thành các tổ, đội, nhóm,… cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa nhằm không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ;
- Tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn; củng cố, phát huy loại hình hợp tác xã phù hợp với giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế nước ta; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và phát huy vai trò của người lao động, hộ gia đình trong việc xây dựng nông thôn mới.
đ) Giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực:
- Thực hiện tốt chính sách về phát triển giáo dục, đào tạo nghề đối với người dân vùng mỏ; có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê tham gia đào tạo, hỗ trợ kinh phí đào tạo và sử dụng lao động tại chỗ;
- Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ nhằm bổ sung vào lực lượng cán bộ còn thiếu của địa phương; có chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút người giỏi đến làm việc tại địa phương, nhất là người có kiến thức quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật về nông lâm ngư nghiệp và đội ngũ công nhân lành nghề,…
- Tăng cường các hoạt động dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm đến tận cơ sở; thực hiện tốt việc đào tạo nghề cho người lao động để đẩy mạnh xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
e) Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường:
- Đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tuyển chọn cây, con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế của từng địa phương; tăng cường cán bộ có trình độ về khoa học kỹ thuật để hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; phổ biến rộng rãi kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch;
- Có cơ chế khuyến khích chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật về chế biến nông lâm, thủy hải sản đến các cơ sở sản xuất và các hộ dân nhằm tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị tăng cao trên thị trường;
- Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng) gắn với quy hoạch ngành;
- Kết hợp phát triển các loại cây ăn quả, cây có thể khai thác để phát triển kinh tế gắn với trồng rừng vành đai ngăn cách phạm vi ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê với các vùng dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp; trồng cây chắn gió, cát bụi, bảo vệ môi trường xung quanh vùng mỏ sắt.
g) Phát triển thị trường:
Tích cực hoạt động quảng bá, tiếp thị các sản phẩm có lợi thế của vùng Đề án; tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế khuyến khích thương nhân, các doanh nghiệp ký hợp đồng phát triển vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
4. Nguồn vốn thực hiện Đề án:
- Tổng mức vốn đầu tư Đề án dự kiến khoảng 1.677 tỷ đồng, trong đó:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu khoảng 399,5 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 725 tỷ đồng;
+ Vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn khoảng 305 tỷ đồng;
+ Vốn hỗ trợ của Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê khoảng 247,5 tỷ đồng.
- Tỉnh Hà Tĩnh chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương và lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; đồng thời huy động, sử dụng tốt các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Đề án, nhất là vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê;
- Ngân sách Trung ương cân đối, bố trí vốn hỗ trợ có mục tiêu trong kế hoạch hàng năm cho các dự án hạ tầng thiết yếu có đủ điều kiện đầu tư theo quy định;
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu trong kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện Đề án đúng tiến độ, thời gian quy định.
2. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tốt các nội dung của Đề án, đồng thời chỉ đạo thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án có liên quan trong vùng Đề án.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh:
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do 1 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh làm Trưởng ban; thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Hà với Quy chế hoạt động cụ thể;
- Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả của Đề án; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai, thực hiện;
- Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, dự án; lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hợp lý, hiệu quả;
- Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, khả năng cân đối ngân sách địa phương đối với các dự án đầu tư;
- Quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, giải ngân nhanh số vốn được bố trí để sớm phát huy hiệu quả vốn đầu tư; chỉ đạo kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình và định kỳ hàng năm sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và hiệu quả của Đề án, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.