ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 943/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 7 tháng 6 năm 1978 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ “BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI” Ở THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962;
Căn cứ vào nghị định của Hội đồng Chánh phủ số 24-CP ngày 2-2-1976 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chánh quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Căn cứ nghị định số 141-CP ngày 26-9-1963 của Hội đồng Chánh phủ ban hành điều lệ quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông;
Căn cứ quyết định số 786/BTL-KT ngày 26-11-1968 của Bộ Thủy lợi ban hành quy phạm quản lý, sử dụng và bảo vệ các cống đập quan trọng ở các hệ thống thủy nông;
Theo đề nghị của Sở Thủy lợi thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này Bản Điều lệ tạm thời về bảo vệ các công trình thủy lợi ở thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có giá trị thi hành kể từ ngày ban hành.
Điều 3. Các đồng chí ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thủy lợi, các ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường, xã thuộc thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ĐIỀU LỆ TẠM THỜI
VỀ VIỆC BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 943/QĐ-UB ngày 7-6-1978 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)
Từ ngày giải phóng đến nay, Nhà nước cùng nhân dân ta đã bỏ ra nhiều công của để xây dựng nhiều công trình thủy lợi, diện tích được tưới tiêu mỗi ngày càng mở rộng thêm. Nhưng nhìn chung, công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình chưa làm tốt; cụ thể như hiện nay tại các địa phương có công trình thủy lợi đã hoàn thành hoặc đang xây dựng, đã xảy ra một số hiện tượng như sau:
Trên mặt đê và lòng kênh, nhân dân cho trâu bò đi lại quá nhiều nên đã phá vỡ và làm sạt lở phần lớn bờ kênh, có nơi nhân dân đã tự động phá bờ kênh để xe qua lại như các tuyến kênh tưới cấp 1 thuộc hệ thống Tân Phú Trung, Tân Thới Nhì, Trung Mỹ Tây,… Tại một số đập cát đã đắp xong, có người đã tự động lấy cát trên đập đem về nhà dùng, làm sạt lở và hư hỏng mặt đập. Một số người kéo lưới bắt cá ngay tại trước cửa cống làm sạt lở hai bên mạng cống hoặc có người phá đập để lấy cừ như ở khu kinh tế mới Lê Minh Xuân…
Để bổ khuyết những thiếu sót trên và tiến hành việc bảo vệ các công trình thủy lợi được tốt; nay Ủy ban Nhân dân thành phố quy định những điều lệ tạm thời về việc bảo vệ công trình thủy lợi ở thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Điều 1. NỘI DUNG BẢO VỆ CÔNG TRÌNH.
1. Về kênh :
- Cấm cho trâu, bò lội qua lòng kênh, không được xây bậc lên xuống lòng kênh nếu không được sự đồng ý của Ban Quản lý thủy nông.
- Trên mặt bờ kênh nói chung không được thả trâu bò dẫm phá, không được trồng các loại cây không thích hợp với điều kiện bảo vệ kênh mương, không được làm nhà, đóng cọc hay đặt chướng ngại gì trở ngại đến việc lưu thông.
- Không được tự ý làm đập ngăn nước, không được chặn đăng, đó, đơm cá hay ngâm tre, gỗ hoặc cất nhà sàn trong lòng kênh làm trở ngại dòng chảy.
- Không được cuốc, xén bờ kênh, xẻ rãnh và tự ý đặt cống chân rết, ống bọng trong bờ kênh chính và kênh nhánh.
- Cấm đổ đá, rác rưởi…làm bồi tăng lòng kênh.
- Cấm cho chảy vào kênh các loại nước có chất độc, hôi bẩn chưa được lọc và sát trùng.
2. Về đập, đê :
- Cấm lấy đất cát và nhổ cọc cừ trên các đê đập để sử dụng cho việc khác.
- Ở thượng lưu và hạ lưu cách các đập ngăn sông trong phạm vi 100m về mùa khô và 500m về mùa mưa, không được đậu thuyền bè, không được đánh cá. Trong phạm vi 100m ở hai đầu đập không được đào đất làm nhà, trồng cây, thả trâu bò, làm bến bốc hàng hóa và nơi dự trữ vật liệu,…
3. Về cống :
- Cách các cống tiêu nước và cống lấy nước trong phạm vi 100m không được đậu thuyền bè, không được làm bến bốc vác, làm nhà, đào đất, trồng cây,…
- Không được tự tiện đóng hoặc mở cống tiêu, cống lấy nước, muốn đóng hay mở phải đề nghị Ban Quản lý thủy nông giải quyết.
Ngoài ra, tại các công trình đầu mối khác đã hoàn thành như trạm bơm nước…do các Ban Quản lý trông coi, vận hành, tuyệt đối không được xâm phạm và sử dụng bừa bãi làm hư hỏng các máy móc, trang thiết bị. Tại các công trường thủy lợi đang xây dựng, toàn bộ vật tư để tại địa điểm xây dựng như cát, đá, xi măng, sắt,… và các loại máy móc phục vụ cho thi công như máy bơm nước, máy điện đều là tài sản của Nhà nước, tuyệt đối cấm không ai được xâm phạm hoặc lấy làm của riêng mà phải hỗ trợ cùng Ban Chỉ huy công trường giữ gìn, bảo vệ tài sản đó.
4. Cấm xê dịch hoặc làm hư hỏng các thiết bị quản lý và bảo vệ công trình như mốc quan trắc, mốc phân giới, bảng niêm yết, hàng rào bảo vệ,…
Điều 2. KẾT HỢP GIAO THÔNG VÀ THỦY SẢN.
1. Việc kết hợp công trình thủy lợi với giao thông thủy hay bộ, ngành giao thông cần có sự bàn bạc với ngành thủy lợi, hai ngành cùng nhau quy định cụ thể quy cách sử dụng, tu sửa và có phân công phụ trách rõ ràng để không trở ngại cho nhau.
Trường hợp đột xuất, nếu giao thông không cần dùng mặt đê, đoạn kênh hay cống để tạm thời làm đường vận chuyển cho xe cộ hoặc thuyền bè đi lại trong một thời gian ngắn, thì phải báo cho ngành thủy lợi biết để được sự nhất trí. Sau khi giải quyết yêu cầu xong, phải chịu trách nhiệm phục hồi lại điều kiện cũ.
2. Đối với ngành thủy sản, nếu công trình thủy lợi được kết hợp với thủy sản, thì ngành thủy sản phải có sự trao đổi ý kiến với ngành thủy lợi trong việc sử dụng, bảo đảm không được gây trở ngại cho việc tưới tiêu.
Điều 3. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT.
- Quy định này cần được phổ biến rộng rãi trong thành phố, các cấp cần có sự giáo dục trong toàn thể cán bộ và nhân dân.
- Những đơn vị hoặc cá nhân có thành tích trong việc quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi sẽ được khen thưởng. Những hành động vi phạm các quy định này sau khi đã được giáo dục mà không chịu sửa chữa, thì tùy trường hợp nặng, nhẹ sẽ bị xử phạt theo thể lệ hiện hành hoặc truy tố trước tòa án. Những hành động cố ý phá hoại công trình sẽ bị trừng trị theo pháp luật.
- Phòng Thủy lợi các huyện, Trưởng, Phó Ban Quản lý thủy nông các hệ thống công trình và cán bộ quản lý công trình được ủy nhiệm lập biên bản và có ý kiến đề nghị mức xử lý để Ủy ban Nhân dân xã, huyện quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.