UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 94/2007/QĐ-UBND | Vinh, ngày 08 tháng 08 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH MIỀN TÂY NGHỆ AN THỜI KỲ 2007- 2010
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 147/200/QĐ-TTg ngày 15 tháng 06 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 06 tháng 10 năm 2006 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy về việc thông qua Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại Tờ trình số 360/SDL-KH ngày 10 tháng 07 năm 2007 về việc xin phê duyệt Đề án phát triển du lịch miền Tây Nghệ An thời kỳ 2007 - 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển du lịch miền Tây Nghệ An thời kỳ 2007- 2010 do Sở Du lịch Nghệ An lập, có đề án kèm theo.
Điều 2. Giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, 10 huyện miền núi tổ chức thực hiện Đề án.
Giao Sở Du lịch trong quá trình thực hiện Đề án nếu xuất hiện những nội dung cần sửa đổi, bổ sung chủ động tổng hợp và đề xuất hướng xử lý trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét. Định kỳ năm báo cáo UBND tỉnh về kết quả và tiến độ thực hiện Đề án.
Các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hoá - Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở, ngành liên quan, UBND 10 huyện miền núi căn cứ nội dung liên quan trong Đề án chủ động thực hiện.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện tại Điều 2 căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN DU LỊCH MIỀN TÂY NGHỆ AN THỜI KỲ 2007 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 94/2007/QĐ-UBNDngày 08 tháng 8 năm 2007)
THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH MIỀN TÂY NGHỆ AN
I. KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ, VĂN HOÁ, DÂN TỘC LIÊN QUAN ĐẾN PHÁT TRIỂN DU LỊCH MIỀN TÂY NGHỆ AN
1. Đặc điểm tự nhiên
Miền Tây tỉnh Nghệ An bao gồm 10 huyện miền núi Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, có diện tích gần 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh.
Miền Tây Nghệ An nằm trên địa hình nhiều dãy núi đá vôi, kết nối nhau có đỉnh cao trên 2.700 m do vậy có nhiều hang động, thác nước đẹp hấp dẫn khách du lịch như: Thác Kèm ở Con Cuông; thác Xao Va, Thác 7 tầng ở Quế Phong v.v...
Là vùng có tiềm năng lớn, tài nguyên rừng tự nhiên lớn. Trong rừng có nhiều loại lâm sản quý hiếm như: song mây, quế, cánh kiến đỏ, cánh kiến trắng, nhiều loại dược liệu quý như: sa nhân, đẳng sâm v.v... Có thảm thực vật phong phú và đa dạng, có hệ động vật với nhiều loài động vật quý hiếm.
Về Khí hậu:
Miền Tây Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu chuyển tiếp, mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông lạnh, ít mưa. Nhiệt độ mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 9 trung bình từ 23-240, tháng nóng nhất là tháng 7, nhiệt độ cao nhất là 42,7 độ C, mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ bình quân 19,90C, nhiệt độ thấp nhất của năm là - 0,50C. Số giờ nắng trung bình/năm là 1.500 - 1.700 giờ. Với điều kiện số lượng giờ nắng trong năm nhiều thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Miền Tây Nghệ An có lượng mưa trung bình hàng năm giao động từ 1.200-2.000 mm/năm và chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 15-20% lượng mưa cả năm, tháng khô hạn nhất là tháng 1, 2 lượng mưa chỉ đạt 7- 60mm/tháng; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 lượng mưa tập trung chiếm 80- 85% lượng mưa cả năm, tháng mưa nhiều nhất là tháng 8, tháng 9, số ngày mưa 15- 19 ngày/ tháng.
Độ ẩm không khí: Độ ẩm trung bình năm giao động từ 80 - 90%, vùng có độ ẩm cao nhất là thượng nguồn sông Hiếu, vùng có độ ẩm thấp nhất là vùng phía Nam (huyện Kỳ Sơn, Tương Dương).
Chế độ gió: Miền Tây Nghệ An chịu ảnh hưởng của hai loại gió chủ yếu: Gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau mang theo không khí lạnh, khô làm nhiệt độ giảm xuống 5 - 100C so với ngày thường; gió Tây - Nam từ tháng 7 đến tháng 8 bình quân có khoảng 20 - 30 ngày, gió Tây Nam gây ra khô, nóng và hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống.
2. Đặc điểm kinh tế
Kinh tế miền Tây Nghệ An trong thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể.
Nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2002 - 2006 từ 9 - 10%. Tổng giá trị sản phẩm xã hội năm 2006 đạt gần 6.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch đúng hướng:
- Nông, lâm, ngư nghiệp giảm xuống từ 51% xuống 49,5%.
- Công nghiệp, xây dựng tăng từ 23,4% lên 25,5%.
- Các ngành dịch vụ tăng từ 24,8% lên 26,3%.
Sản xuất nông nghiệp tăng đáng kể, sản lượng lương thực tăng khá, bình quân lương thực đạt gần 300kg/người/năm.
Tạo được vùng cây nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến như mía. sắn, chè, cà phê...
Diện tích trồng rừng đạt khá chiếm 32,5% diện tích rừng trồng toàn tỉnh. Độ che phủ của rừng đạt gần 50%, làm tăng thêm độ phủ xanh của rừng và làm phong phú thêm cho môi trường sinh thái.
Các chương trình dự án đầu tư phát triển trên địa bàn đều phát huy hiệu quả, có ý nghĩa to lớn đối với miền núi và đồng bào dân tộc.
Mạng lưới y tế được đầu tư cơ bản phân bổ tương đối đều đến các vùng dân cư, mỗi huyện có 01 trung tâm y tế với 1 - 3 phòng khám đa khoa, mỗi xã có một trạm y tế, các bản đều có cán bộ y tế hoạt động.
Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong thời gian qua được nâng lên rõ rệt. Chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc đã phát triển và có chất lượng, các huyện đều có Đài Phát thanh và Truyền hình. Các xã đều có máy thu thanh sóng FM. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển khá.
Tuy vậy còn nhiều hạn chế và yếu kém đó là:
- Tốc độ phát triển và chuyển dịch kinh tế cơ cấu nội ngành còn chậm, chưa vững chắc;
- Sản xuất nông, lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng quỹ đất. Trình độ thâm canh còn ở mức thấp. Sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp, sản xuất hàng hóa chưa phát triển;
- Khai thác tiềm năng quỹ đất của 10 huyện miền núi còn kém hiệu quả;
- Các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển chậm;
- Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ đời sống của đồng bào các dân tộc, và cho khách du lịch.
- Đời sống dân cư nói chung gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao, nhiều vùng thậm chí còn quá cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.
3. Đặc điểm văn hoá và xã hội
Dân số toàn vùng đến 31/12/2006 theo số liệu thống kê có 1.138.784 người chiếm 36% dân số toàn tỉnh, là khu vực sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau như: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, ơđu trong đó dân tộc Kinh chiếm 63%, các dân tộc thiểu số chiếm 37%, (425.103 người), do vậy mang nhiều sắc thái dân tộc phong phú và đa dạng, rất hấp dẫn đối với khách du lịch. Đây là yếu tố quan trọng trong việc phát triển du lịch miền Tây Nghệ An.
Miền Tây Nghệ An là khu vực rộng lớn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng, là vùng có 05 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có truyền thống và nét văn hóa riêng, do vậy có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch.
a) Tiềm năng tự nhiên:
Miền Tây Nghệ An có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên là điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái: Vườn Quốc gia Pù Mát, với diện tích hơn 91.000 ha, 02 khu bảo tồn thiên nhiên là khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, với diện tích gần 40.000 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với diện tích 43.000 ha. Trong rừng có nhiều loài động, thực vật quý hiếm với sức hấp dẫn khách du lịch. Đây là vùng bảo tồn thiên nhiên có thảm thực vật phong phú và đa dạng, có hệ động vật với nhiều loài động vật quý hiếm;
Rừng nhiệt đới Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt được bảo vệ tương đối tốt, còn giữ được vẻ hoang sơ, nguyên sinh là yếu tố quan trọng đối với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái;
Trong các khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn Quốc gia Pù Mát có nhiều loại gỗ quý, nhiều cây cổ thụ lớn hàng ngàn năm tuổi: Rừng cây samu dầu có đường kính 3,4 - 4,7 m, có sức hấp dẫn khách du lịch;
Hệ thực vật với hơn 2.600 loài đã được xác định, trong đó gần 50 loài quý hiếm, trên 250 loài cây thuốc có giá trị;
Hệ động vật bao gồm gần 150 loài thú, 300 loài chim, 25 loài bò sát, 82 loài cá, 15 loài lưỡng thê và một số loài động vật đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam.
Miền Tây Nghệ An có nhiều hang động, thác nước đẹp hấp dẫn khách du lịch như thác Kèm, thác Xao Va, thác 7 tầng, Hang Bua, hang Thẳm Ồm, Thẳm Chạng...
Là khu vực phát triển kinh tế của Nghệ An trong tương lai, có nhiều công trình đang và sẽ được xây dựng như: thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Khe Bố, thủy điện Hủa Na, thủy điện Thác Muối, thủy điện Bản Cốc, thủy điện Xao Va, thủy điện Nhạn Hạc, thủy điện Bản Mồng v.v. . . là cơ sở để phát triển du lịch sinh thái.
b) Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và dân tộc:
- Miền Tây Nghệ An có nhiều di tích lịch sử như: Di tích thành Trà Lân, Bia Mã Nhai, cây đa Cồn Chùa huyện Con Cuông; di tích Hang Bua, hang Thẩm ồm, Thẩm Chạng huyện Quỳ Châu; Đền 9 gian huyện Quế Phong; di chỉ khảo cổ Làng Vạc huyện Nghĩa Đàn; Đình Võ Liệt, Đền Bạch Mã, tại huyện Thanh Chương, v.v...
- Có 05 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng:
+ Văn hóa vật thể:
Làng Thái cổ, các loại kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái, dân tộc ơđu; trang phục đặc trưng của dân tộc Thái, Mông, ơđu, Thổ, Khơmú; các loại nhạc cụ, khí cụ: Cồng chiêng của dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú; khèn bè, sáo, khèn môi của dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú; xí xo của dân tộc Thái; các sản phẩm đan lát, rèn của dân tộc Mông, Khơ Mú, ơđu; sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Thái.
+ Văn hóa phi vật thể:
Văn hóa ứng xử của các dân tộc; các loại hình văn học dân gian, truyện kể của dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, ơđu, Thổ; các loại hình dân ca: suối, nhuôn, khắp, òn, lăm của dân tộc Thái; tơm của dân tộc Khơ Mú; cứ xia, lù tẩucủa dân tộc Mông; hát đu đu điềng điềng, xit căng hao, tập tình tập tang của dân tộc Thổ; các loại hình âm nhạc, các điệu múa, vui chơi đồng giao truyền thống.
+ Văn hóa ẩm thực:
Món mọc, canh ột, cơm lam của dân tộc Thái; món lám nhộc của dân tộc Khơ Mú; bánh dẻo của dân tộc Mông; rượu cần của dân tộc Thái, Khơ Mú, ơđu.
1. Thực trạng khai thác tài nguyên du lịch
Thời kỳ 2002 - 2010 cơ bản đã hình thành hai trung tâm du lịch quan trọng của tỉnh nằm ở vùng miền Tây Nghệ An, đó là trung tâm du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát và Trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái Quỳ Châu - Quế Phong. Việc khai thác du lịch miền Tây Nghệ An trong thời gian qua chủ yếu là tuyên truyền quảng bá cho hình ảnh các sản phẩm du lịch của Vườn Quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống...
Thời kỳ 2002 - 2006 việc khai thác tài nguyên du lịch đã thực hiện được những bước cơ bản ban đầu đó là:
- Xây dựng đề án khai thác du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát;
- Quy hoạch một số khu điểm du lịch của vùng miền Tây Nghệ An nhằm bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch như:
+ Quy hoạch khu du lịch Phà Lài - Khe Khặng;
+ Điểm du lịch Thác Kèm;
+ Điểm du lịch Hang Bua, Hang Thẩm Ồm;
+ Điểm du lịch thác Xao Va ở Quế Phong;
- Hình thành các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để sản xuất hàng hoá và phục vụ du lịch như: Làng nghề dệt thổ cẩm Bản Yên Thành, xã Lục Dạ (Con Cuông), Bản Hoa Tiến, xã Châu Thuận (Quỳ Châu), Bản Bộng xã Thành Sơn, Bản Khe Trằng, xã Thọ Sơn, Bản Cát xã Tam Sơn thuộc huyện Anh Sơn.
2. Thực trạng cơ sở hạ tầng du lịch miền Tây Nghệ An
Trong giai đoạn 2002 - 2006 cơ sở hạ tầng du lịch mà chủ yếu là mạng lưới giao thông miền Tây Nghệ An đang có tốc độ phát triển nhanh tạo nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch. Miền Tây được nối liền bởi các tuyến giao thông trong tỉnh và trong nước:
- Tuyến đường Hồ Chí Minh với chiều dài 132 km chạy dài từ Bắc đến Nam;
- Tuyến đường QL7 và QL48 từ Đông sang Tây nối đồng bằng ven biển với trung du, miền núi của tỉnh và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào;
- Tuyến đường 532 nối các huyện từ Quốc lộ 48 đến QL7 (từ huyện Quỳ Hợp đến huyện Tương Dương);
- Tuyến đường dọc biên giới đang được xây dựng nối các huyện dọc biên giới;
- Tuyến đường 46 nối khu du lịch biển (Cửa Lò, Nghi Lộc) đến cửa khẩu Thanh Thuỷ;
- Tuyến đường QL15 xuyên suốt từ Bắc đến Nam qua vùng trung du, miền núi của tỉnh;
- Tuyến đường giao thông vào các khu điểm du lịch trọng điểm cơ bản được hoàn thành đó là:
+ Đường từ QL7 vào Môn Sơn - Phà Lài;
+ Đường từ QL7 vào Thác Khe Kèm;
+ Đường từ QL48 vào Hang Bua, hang Thẩm Ồm, Thẩm Chạng.
- Cơ sở cung cấp điện đã cơ bản hoàn thành đưa điện phục vụ đến các khu, điểm du lịch trong vùng.
- Các cơ sở hạ tầng du lịch khác của vùng miền Tây vẫn còn yếu và thiếu do điều kiện đất rộng, dân thưa, kinh tế còn khó khăn.
Cơ sở hạ tầng trên đây bước đầu đã giúp cho du lịch miền Tây phát triển và tạo điều kiện khai thác lợi thế, tiềm năng của vùng này để phục vụ du khách trong nước, trong tỉnh và quốc tế.
3. Thực trạng về phát triển các loại hình văn hóa của các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An
Các loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nghệ An (đã nêu tại mục 3, phần I của đề án) hiện tại đã mai một, UBND tỉnh đã có Quyết định số 84/2006/QĐ-UBND ngày 24/8/2006 quy định về một số chính sách hỗ trợ bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An, nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số.
4. Thực trạng sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch thời kỳ 2002-2006
Trong thời kỳ 2002 - 2006 miền Tây Nghệ An đã hình thành và xây dựng được một số sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách bao gồm:
4.1. Các điểm du lịch văn hoá lịch sử:
Thành Trà Lân, bia Mã Nhai, Cây đa Cồn Chùa huyện Con Cuông, đình Võ Liệt, đền Bạch Mã huyện Thanh Chương, Di chỉ khảo cổ Làng Vạc huyện Nghĩa Đàn, đền 9 gian huyện Quế Phong.
4.2. Các điểm du lịch danh lam thắng cảnh:
Thác Khe Kèm, Sông Giăng - Khe Khặng, suối Nước Mọc huyện Con Cuông; thác Xao Va, Thác 7 tầng huyện Quế Phong; Hang Bua, hang Thẩm Ồm, Thẩm Chạng, huyện Quỳ Châu...
4.3. Các tour du lịch đã hình thành và bước đầu được khai thác:
Tour du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát, đây là tour du lịch khá hấp dẫn nên đã thu hút lượng khách khá trong thời gian qua; tour du lịch Văn hoá lịch sử -sinh thái Quỳ Châu, Quế Phong; tour du lịch văn hoá lễ hội như lễ hội Hang Bua, lễ hội đền 9 gian, lễ hội Uống nước nhớ nguồn, tour du lịch quốc tế theo tuyến đường 7 đi Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng) đi LuangPrabang nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào.
4.4. Thực trạng về cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch: Trong giai đoạn 2002-2006 toàn vùng miền Tây Nghệ An đã có: 41 cơ sở lưu trú với 468 buồng khả năng phục vụ 180.000 lượt khách hàng năm (Phụ lục số 1).
Nhìn chung các cơ sở lưu trú tại các huyện miền Tây trong giai đoạn hiện nay còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chủ yếu là các nhà khách nhà nghỉ của các cơ quan, chưa đủ điều kiện để phục vụ khách du lịch quốc tế. Mới có khu dịch vụ thuộc Ban quản lý Vườn Quốc Gia Pù Mát đạt tiêu chuẩn tối thiểu phục vụ khách du lịch.
4.5. Thực trạng lượng khách du lịch thời kỳ 2002 - 2006:
Trong giai đoạn 2002-2006 miền Tây đã đón và phục vụ 68.673 lượt khách du lịch, trong đó có 10.130 lượt khách du lịch quốc tế. Đối tượng khách phân bổ như sau:
- Khách tham quan di tích thắng cảnh: 15%
- Khách du lịch lễ hội: 60%
- Khách kết hợp công tác, thương mại: 15%
- Khách nghiên cứu khoa học: 10%
(Phụ lục số 2)
4.6. Thực trạng đội ngũ Công nhân viên làm du lịch:
Đội ngũ công nhân viên phục vụ du lịch các huyện miền Tây Nghệ An hiện nay có gần 500 người chủ yếu làm trong các nhà nghỉ của các cơ quan, nhà hàng. Hầu hết số người này chưa qua đào tạo về nghiệp vụ du lịch, do vậy chất lượng phục vụ khách du lịch chưa đáp ứng nhu cầu.
4.7. Thực trạng về quản lý Nhà nước về du lịch ở miền Tây:
Công tác quản lý nhà nước về du lịch ở miền Tây Nghệ An mới được hình thành trong thời gian gần đây. Tại mỗi huyện đã hình thành bộ phận quản lý Nhà nước về du lịch trực thuộc phòng Công nghiệp dịch vụ hoặc phòng Thương mại dịch vụ. Các bộ phận này trong thời gian qua đã có hoạt động nhất định, nhưng nhìn chung còn yếu kém chưa thực hiện được chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn.
Miền Tây Nghệ An có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng gồm tài nguyên rừng, núi, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh lam thắng cảnh đẹp. Tiềm năng về văn hóa các dân tộc thiểu số đặc sắc, là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch và các loại hình du lịch hấp dẫn, nhằm nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau du lịch miền Tây Nghệ An đến nay chưa được phát triển mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng đó. Do vậy việc phát triển du lịch miền Tây Nghệ An trong thời kỳ 2007- 2010 và những năm sau là một nhu cầu cần thiết và khách quan.
NỘI DUNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH MIỀN TÂY NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2007- 2010 VÀ CÁC GIẢI PHÁP
1. Các văn bản chỉ đạo của Trung ương
- Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010;
- Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung Du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020;
2. Các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Nghệ An
- Nghị quyết số 12/NQ-TU ngày 30/7/2002 về phát triển du lịch Nghệ An thời kỳ 2002 - 2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá XV;
- Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 06 tháng 10 năm 2006 của BCH Tỉnh ủy khoá XVI về Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010;
- Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 26/12/2005 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về Chương trình hành dộng triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI;
- Chương trình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An thời kỳ 2006 - 2010.
- Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An thời kỳ 1996 - 2010.
- Quyết định số 106/2006/QĐ-UBND ngày 24/10/2006 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành: “Chương trình phát triển du lịch Nghệ An thời kỳ 2006 - 2010”;
II. MỤC TIÊU, ĐỊNH HUỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH MIỀN TÂY NGHỆ AN THỜI KỲ 2007 - 2010
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát:
Khai thác tốt các tài nguyên thiên nhiên, danh thắng, di tích văn hoá lịch sử truyền thống dân tộc đưa miền Tây Nghệ An trở thành các khu, điểm du lịch sinh thái, danh thắng, văn hoá lịch sử, dân tộc hấp dẫn gắn với hệ thống du lịch chung của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường du lịch.
b) Mục tiêu cụ thể:
Phấn đấu đến năm 2010 đạt:
+ 200.000 lượt khách du lịch, trong đó 30.000 - 35.000 lượt khách quốc tế;
+ Góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các huyện miền núi;
+ Doanh thu du lịch xã hội miền Tây đạt: 150.000 triệu đồng.
2. Định hướng phát triển du lịch miền Tây Nghệ An thời kỳ 2007 - 2010
2.1. Định hướng chung:
- Phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, môi trường bền vững: phát triển du lịch miền Tây Nghệ An phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái, để đảm bảo cho việc phát triển du lịch bền vững;
- Phát triển du lịch, lịch sử, văn hóa dân tộc, lễ hội truyền thống: Phát triển du lịch dựa trên nguyên tắc bảo vệ và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại;
- Phát triển du lịch làng nghề truyền thống để sản xuất những sản phẩm truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc miền núi Nghệ An nhằm cung cấp sản phẩm du lịch cho du khách.
- Phát triển du lịch nhằm gia tăng sự đóng góp của du lịch vào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế trong vùng, thực hiện xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc mền núi, gắn với nhiệm vụ đảm bảo trật tự an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.
2.2. Định hướng khách du lịch đến miền Tây:
- Khách quốc tế: Miền núi Nghệ An thuộc vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ, nên lượng khách quốc tế chịu ảnh hưởng lớn của vùng và trung tâm du lịch Hà Nội mục tiêu được xác định là: khách từ các nước ASEAN, các nước Tây âu, các nước Đông Á.
- Các nước ASEAN: Là thị trường đầy tiềm năng của du lịch Nghệ An nói chung và của miền Tây nói riêng vì xu hướng đi lại trong khu vực chưa thay đổi, giá cả phù hợp mức thu nhập của khách du lịch, điều kiện đi lại trong khu vực ngày càng thuận lợi hơn, dễ hội nhập với phong cách sống của người dân địa phương do có văn hóa lịch sử tương đồng ...
- Các nước Tây âu: Đây là thị trường quan trọng và tiềm năng vì theo mục đích du lịch của lượng khách đến từ Tây âu chủ yếu là tham quan thắng cảnh, mới lạ, tham quan các di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam, mục đích thương mại... Đặc biệt họ thích tìm hiểu về bản sắc văn hóa, các lễ hội, các làng nghề truyền thống những nét sinh hoạt văn hóa của các dân lộc Việt Nam, thích mua sắm các đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, thích thưởng thức các món ăn dân tộc, thích nghiên cứu các hệ động, thực vật, môi trường sinh thái. Với lợi thế so sánh về tiềm năng du lịch của mình thì du lịch miền Tây Nghệ An hoàn toàn có khả năng thu hút mạnh lượng khách này.
- Khách từ các nước Đông Á: Bao gồm Trung quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Hàn Quốc ... với tiềm năng du lịch của mình miền Tây Nghệ An có cơ hội lớn phát triển.
- Khách du lịch nội địa: Khách du lịch đến với miền Tây Nghệ An rất đa dạng, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Trong giai đoạn 2007 - 2010 đối tượng thị trường chính là:
+ Khách du lịch lễ hội tín ngưỡng: Tập trung lớn vào các lễ hội truyền thống, lễ hội kín ngưỡng như lễ hội Cây đa Cồn Chùa huyện Con Cuông, lễ hội Hang Bua huyện Quỳ Châu, lễ hội Đền 9 gian huyện Quế Phong, lễ hội đền Bạch Mã huyện Thanh Chương, lễ hội uống nước nhớ nguồn huyện Anh Sơn...
+ Khách du lịch tham quan thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa dân tộc;
+ Khách du lịch sinh thái: Các hoạt động du lịch này chủ yếu diễn ra ở Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt, khu du lịch sinh thái Quỳ Châu - Quế Phong, phần lớn là sinh viên, học sinh, cán bộ nghiên cứu khoa học.
2.3 Định hướng về đa dạng hóa các sản phẩm du lịch:
ưu tiên phát triển một số loại hình và sản phẩm du lịch có tính đặc thù của vùng bao gồm:
- Sản phẩm du lịch sinh thái: Tại Vườn Quốc gia Pù mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống;
- Sản phẩm du lịch văn hóa, sản phẩm văn hóa các dân tộc và lễ hội;
- Phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng: Đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, chữa bệnh của du khách tại khu du lịch nước khoáng nóng Giang Sơn - Đô Lương, suối Nước Mọc (Con Cuông), Thác Ba Cảnh, Xộp Lượt, Mường Lống (Kỳ Sơn), Thác Đũa (Quỳ Châu), Thác Kèm (Con Cuông), thác Xao Va, thác Bảy Tầng (Quế Phong)...
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH MIỀN TÂY NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
1. Quy hoạch vùng, khu, điểm du lịch miền Tây Nghệ An:
1.1. Lập dự án quy hoạch cụ thể phát triển du lịch các khu, điểm du lịch:
- Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt;
- Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống;
- Các điểm du lịch tại Quỳ Châu - Quế phong
1.2. Hoàn thành quy hoạch các điểm du lịch mới hình thành trong quá trình xây dựng kinh tế miền Tây, bao gồm: Hồ thuỷ điện Bản Vẽ, Hồ thủy điện Khe Bố, Hồ thủy điện Bản Mồng, Hồ thủy điện Hủa Na...
2. Đầu tư hạ tầng du lịch và dịch vụ du lịch:
Trong giai đoạn 2007 - 2010 nhiệm vụ trọng tâm là huy động mọi nguồn lực trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong nước, quốc tế để đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch vào khu vực miền Tây Nghệ An, mà chủ yếu là phát triển các tuyến đường giao thông vào các khu điểm du lịch, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch.
Trong giai đoạn 2007 - 2010 nhu cầu xây dựng cơ sở lưu trú miền Tây là: 200 phòng, với 400 giường đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách trong đó tập trung vào các điểm như sau: Con Cuông 40 phòng; Nghĩa Đàn 40 phòng; Tương Dương 20 phòng; Kỳ Sơn 20 phòng; Quế Phong 20 phòng; Quỳ Châu 20 phòng; Quỳ Hợp 10 phòng; Tân Kỳ 10 phòng; Anh Sơn 10 phòng; Thanh Chương 10 phòng.
3. Lập các dự án đầu tư phát triển du lịch
- Dự án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát;
- Dự án nâng cấp Lễ hội Hang Bua;
- Dự án Khu du lịch thác Xao Va;
- Dự án Bảo tồn văn hoá làng Thái cổ ở Quỳ Châu, Quế Phong, Bản văn hoá dân tộc Khơmú tiêu biểu ở huyện Kỳ Sơn;
- Dự án phát triển Làng nghề truyền thống phục vụ du lịch;
- Dự án đường giao thông từ QL7 vào Bản Tùng Hương, xã Tam Quang huyện Tương Dương;
- Dự án xây dựng làng dệt thổ cẩm Yên Thành, xã Lục Dạ huyện Con Cuông; Hoa Tiến, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu để phục vụ du khách.
- Dự án bảo tồn, tôn tạo và khôi phục di tích lịch sử thành Trà Lân, huyện Con Cuông;
- Dự án phát triển du lịch cộng đồng;
4. Phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc thù:
- Trong giai đoạn 2007 - 2010 xây dựng các chương trình du lịch sinh thái trọng tâm trong Vườn Quốc gia Pù Mát, bao gồm xây dựng các cơ sở dịch vụ theo tuyến du lịch Phà Lài - Khe Khặng, tuyến thác Kèm, tuyến đỉnh Pơ Mu;
- Nâng cấp bảo tàng gene động, thực vật Vườn Quốc gia để trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách;
- Mở tuyến du lịch Rừng cây cổ thụ tại đỉnh Pơ Mu thuộc huyện Tương Dương nằm sâu trong Vườn Quốc gia Pù Mát;
- Thực hiện có hiệu quả dự án Bảo tồn tôn tạo Bản truyền thống dân tộc tiêu biểu Khơ Mú tại Bản Huồi Thợ xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn; Bản dân tộc Thái Cổ truyền thống tiêu biểu tại huyện Quỳ Châu;
- Nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm của các làng nghề dân tộc truyền thống tại bản Yên Thành, xã Lục Dạ huyện Con Cuông; bản Hoa Tiến, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu để phục vụ du khách;
-Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 84/2006/QĐ-UBND ngày 24/8/2006 của UBND tỉnh, để bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An.
5. Tổ chức các chương trình (tour), tuyến du lịch:
- Tổ chức các tour tham quan các danh lam thắng cảnh trong vùng;
- Tổ chức các tour du lịch chuyên đề nghiên cứu khoa học như điều tra các hệ động thực vật quý hiếm trong Vườn Quốc gia, trong các khu bảo tồn thiên nhiên;
- Tổ chức các tour du lịch văn hoá, sinh thái;
- Tổ chức các tuyến du lịch gắn du lịch của tỉnh với vùng miền Tây và Lào, Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và cửa khẩu Thanh Thuỷ. Gắn kết tuyến du lịch Vinh - Cửa Lò - Vườn Quốc gia Pù Mát - Cánh Đồng Chum - LuangPrabăng (Nước CHDCND Lào).
- Tổ chức chương trình du lịch cộng đồng để đưa loại hình du lịch này phát triển mạnh mẽ trong những năm sau.
Trong thời kỳ 2007- 2010 tập trung chủ yếu phát triển tuyến du lịch ở Vườn Quốc gia Pù Mát cụ thể là:
a) Tuyến vùng đệm Vườn Quốc gia và làng nghề Lục Dạ:
Xác định đây là tuyến đệm cho du khách tham quan Vườn Quốc gia, sản phẩm du lịch bao gồm các di tích lịch sử danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thành Trà Lân, Bia Mã Nhai, suối Nước Mọc ở Yên Khê, Hang Ốc, hang Nàng Màn, Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái tại Lục Dạ.
b) Tuyến du lịch Phà Lài - Sông Giăng - Khe Khặng:
Tuyến này được xác định trong phạm vi 30- 40 km điểm xuất phát từ đập Phà Lài ngược Sông Giăng lên Khe Khặng đến Mỏ muối trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là tuyến du lịch tương đối phong phú và hấp dẫn, đa dạng loại hình du lịch trên một phạm vi, vừa mang tính du lịch sinh thái, kết hợp với du lịch văn hoá lịch sử, sản phẩm du lịch bao gồm: du thuyền trên sông Giăng, quan sát động vật hai bên bờ sông; vượt thác ghềnh lên thượng nguồn Khe Khặng; tham quan rừng nguyên sinh Pù Mát; dịch vụ câu cá trên sông Giăng; đi bộ trong Vườn Quốc gia
c) Tuyến từ thị trấn Con Cuông - Thác Kèm:
- Tuyến này bao gồm nhiều sản phẩm du lịch như: Bảo tàng gene động, thực vật gồm 10.036 tiêu bản của 1996 loài thực vật đã được xác định. Bảo tàng gene động vật, côn trùng rất phong phú đã được phân thành từng nhóm, từng loại;
- Phong cảnh Thác Kèm và rừng nguyên sinh trên tuyến này là sản phẩm hấp dẫn du khách.
d) Tuyến Khe Thơi - Đỉnh Pơ Mu:
+ Đây là tuyến có sản phẩm du lịch sinh thái đa dạng nhất, bằng nhiều hình thức nhất: đi bằng phương tiện ô tô, xe máy, đi bộ, lội suối, trèo đèo vượt thác ghềnh, leo núi, ở tuyến này có nhiều sản phẩm đặc trưng của rừng Quốc gia;
+ Là tuyến có những sản phẩm du lịch đặc thù bao gồm: Rừng cây lùn trên đỉnh Pơmu, rừng cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi (theo các nhà khoa học thì còn tồn tại rất ít ở vùng rừng nhiệt đới Đông Nam Á).
1. Đầu tư hạ tầng du lịch và dịch vụ du lịch
Trong giai đoạn 2007 - 2010 thu hút mọi nguồn vốn đầu tư trong tỉnh, ngoài tỉnh, và quốc tế để đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch vào khu vực miền Tây Nghệ An.
2. Giải pháp về cơ chế chính sách
Đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn miền Tây Nghệ An đều được hưởng chế độ ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển như: ưu đãi về chế độ đất đai, ưu đãi về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ bồi thường san lấp mặt bằng, hỗ trợ về thông tin quảng cáo, xúc tiến du lịch, về đào tạo v.v... theo quy định của Nhà nước hiện hành; và Nghị Quyết số 182/2007/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An tại kỳ họp thứ 9 khóa XV về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Đào tạo nguồn nhân lực
- Tổ chức đào tạo nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhân viên hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch miền Tây, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động du lịch trong vùng. Dự kiến năm đến năm 2010 có trên 2.500 cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch;
- Xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho vùng miền Tây từ các nguồn vốn:
+ Tự đóng góp của cá nhân, doanh nghiệp;
+ Nhà nước hỗ trợ;
+ Từ nguồn hỗ trợ của dự án phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam do EU tài trợ.
4. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá:
- Giáo dục ý thức trách nhiệm toàn dân đối với việc bảo tồn giá trị thiên nhiên, văn hoá dân tộc, môi trường tự nhiên xã hội trong vùng, tuyên truyền nâng cao hình ảnh miền Tây Nghệ An và du lịch miền Tây Nghệ An;
- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của du lịch đem lại lợi ích nhiều mặt đối với phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An: cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần và tăng thu nhập cho các tầng lớp dân cư, tạo công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo;
- Tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch của vùng miền Tây Nghệ An, giới thiệu truyền thống lịch sử văn hoá, những điểm du lịch văn hoá sinh thái hấp dẫn nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, thu hút vốn đầu tư và góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn 2007 - 2010 cần tập trung thực hiện: Xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền và giới thiệu về du lịch miền Tây Nghệ An dưới nhiều hình thức đa dạng phong phú phù hợp với nhu cầu thị hiếu của nhân dân theo tiến độ, thị trường như đĩa CD, VCD, phim du lịch. Thường xuyên cập nhật thông tin du lịch trên trang Web của du lịch Nghệ An, của tỉnh, các ngành;
- Tăng cường công tác quảng bá tiềm năng và hình ảnh du lịch Nghệ An ra khu vực và quốc tế, từng bước thâm nhập thị trường;
- Tổ chức các hãng lữ hành quốc tế ở một số thị trường trọng điểm, khu vực có lợi thế khai thác du lịch miền Tây Nghệ An, khảo sát và mở các tuyến du lịch. Giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng miền Tây Nghệ An cho các hãng lữ hành quốc tế và trong nước.
5. Giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch
- Tổ chức tuyên truyền giáo dục cho mọi tâng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân trong vùng, ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch;
- Đảm bảo trật tự, vệ sinh, an toàn cho du khách tại các điểm du lịch trong vùng;
- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự vệ sinh, an ninh, an toàn tại các khu điểm du lịch, Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 13/12/2006 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định về công tác bảo đảm trật tự trị an, vệ sinh, môi trường tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp tổ chức kiểm tra công tác trật tự, vệ sinh an toàn tại các điểm tham quan du lịch;
Trên cơ sở phương hướng, giải pháp nêu ở phần trên việc tổ chức thực hiện Đề án như sau:
1. Sở Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với các sở Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, NN và PTNT, UBND các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp thực hiện quy hoạch cụ thể các điểm du lịch:
+ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt;
+ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống;
+ Khu du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái Quỳ Châu - Quế Phong.
- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện miền núi Nghệ An xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2007 - 2010 và những năm tiếp theo;
- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Đài phát thanh truyền và truyền hình thực hiện công tác tuyên truyền quảng bá tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch miền Tây.
2. Sở Kế hoạch và đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với Sở Du lịch, Giao thông vận tải, UBND các huyện miền núi lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch miền Tây hàng năm.
- Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định kinh phí quy hoạch, lập dự án, đầu tư xây dựng cho các sở, ngành liên quan lập để trình UBND bố trí trong kế hoạch hàng năm.
3. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch và sở ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch và phát triển hạ tầng du lịch.
4. Sở Văn hóa - Thông tin:
- Chủ trì phối hợp với Sở Du lịch, UBND các huyện miền núi Nghệ An lập dự án Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn miền Tây trở thành các điểm du lịch;
- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, UBND huyện Kỳ Sơn thực hiện dự án Bảo tồn bản truyền thống tiêu biểu dân tộc Khơmú bản Huồi Thợ xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn;
- Chủ trì phối hợp với UBND huyện Quỳ Châu lập dự án Bảo tồn Làng văn hóa Thái cổ tại bản Hoa Tiến, xã Châu Thuận huyện Quỳ Châu.
- Thực hiện nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 84/2006/QĐ-UBND ngày 24/8/2006 của UBND tỉnh quy định về một số chính sách hỗ trợ bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An.
5. Sở Giao thông vận tải:
- Chủ trì xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn miền Tây đã nêu tại điểm 2, mục III.
6. Sở Tài nguyên và môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và UBND các huyện miền Tây xây dựng đề án Bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững;
- Chủ trì, phối hợp với Sở NN và PTNT, UBND huyện Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp xây dựng dự án bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống, tạo tiền đề cho việc xây dựng khu dự trữ sinh quyển ở miền Tây Nghệ An.
7. Liên minh HTX:
Chủ trì phối hợp với Sở Du lịch, UBND các huyện miền núi triển khai thực hiện đề án phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.
8. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh:
Phối hợp chặt chẽ, giữ gìn an ninh, trật tự quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch đảm bảo thuận lợi, an toàn cho khách du lịch đến với miền Tây Nghệ An.
9. UBND các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, triển khai các chương trình phát triển du lịch trên địa bàn;
- Quản lý tài nguyên du lịch trên địa bàn theo quy định của Luật Du lịch.
- Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 13/12/2006 của UBND tỉnh về tăng cường giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch trên địa bàn;
- UBND huyện Tương Dương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải lập dự án xây dựng đường từ QL7 vào bản Tùng Hương xã Tam Quang.
10. Giao Sở Du lịch chủ trì triển khai thực hiện Đề án, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành đã được phân công tại Phần III về UBND tỉnh theo định kỳ hàng năm./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC 1
CƠ SỞ LƯU TRÚ CÁC HUYỆN MIỀN TÂY NGHỆ AN THỜI KỲ 2002 – 2006
STT | Huyện | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 |
1 | Con Cuông | 2 | 3 | 3 | 5 | 6 |
2 | Nghĩa Đàn | 1 | 1 | 2 | 2 | 2 |
3 | Thanh Chương | 0 | 0 | 0 | 0 | 3 |
4 | Anh Sơn | 0 | 0 | 2 | 3 | 3 |
5 | Tương Dương | 0 | 4 | 4 | 4 | 8 |
6 | Kỳ Sơn | 2 | 3 | 3 | 4 | 6 |
7 | Quế Phong | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
8 | Quỳ Châu | 2 | 2 | 3 | 3 | 3 |
9 | Quỳ Hợp | 1 | 2 | 2 | 2 | 3 |
10 | Tân Kỳ | 0 | 0 | 0 | 2 | 2 |
| Tổng CSLT | 9 | 17 | 22 | 29 | 41 |
| Tổng số buồng | 95 | 184 | 237 | 330 | 468 |
PHỤ LỤC 2
TÌNH HÌNH LƯỢNG KHÁCH DU LỊCH ĐẾN MIỀN TÂY NGHỆ AN THỜI KỲ 2002 – 2006
STT | Huyện | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 |
1 | Con Cuông | 1.055 | 1.615 | 2.132 | 6.128 | 7.239 |
2 | Nghĩa Đàn | 401 | 428 | 654 | 1.291 | 1.876 |
3 | Thanh Chương | 0 | 0 | 0 | 0 | 712 |
4 | Anh Sơn | 0 | 0 | 887 | 1.968 | 2.353 |
5 | Tương Dương | 0 | 2.136 | 2.552 | 4.511 | 6.135 |
6 | Kỳ Sơn | 845 | 993 | 1.137 | 2.531 | 5.949 |
7 | Quế Phong | 338 | 661 | 980 | 1.272 | 1.592 |
8 | Quỳ Châu | 639 | 652 | 772 | 1.003 | 1.175 |
9 | Quỳ Hợp | 307 | 588 | 590 | 604 | 748 |
10 | Tân Kỳ | 0 | 0 | 0 | 705 | 719 |
| Tổng | 3.585 | 7.073 | 9.704 | 20.013 | 28.498 |
PHỤ LỤC 3
KẾT QUẢ KINH DOANH DU LỊCH MIỀN TÂY NGHỆ AN THỜI KỲ 2002 – 2006
(Đơn vị tính: triệu đồng)
STT | Huyện | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 |
1 | Con Cuông | 43 | 58 | 68 | 135 | 174 |
2 | Nghĩa Đàn | 15 | 19 | 27 | 39 | 44 |
3 | Thanh Chương | 0 | 0 | 0 | 0 | 21 |
4 | Anh Sơn | 0 | 0 | 27 | 48 | 56 |
5 | Tương Dương | 0 | 50 | 66 | 89 | 99 |
6 | Kỳ Sơn | 29 | 35 | 43 | 61 | 84 |
7 | Quế Phong | 11 | 22 | 30 | 37 | 42 |
8 | Quỳ Châu | 22 | 23 | 25 | 30 | 30 |
9 | Quỳ Hợp | 10 | 17 | 18 | 19 | 22 |
10 | Tân Kỳ | 0 | 0 | 0 | 10 | 10 |
| Tổng | 130 | 224 | 304 | 468 | 582 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.