ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 94/2007/QĐ-UBND | Pleiku, ngày 23 tháng 10 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 32/2007/NQ-CP NGÀY 29/6/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/06/2007 của Chính phủ Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Theo đề nghị của Thường trực Ban ATGT tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 32/2007/NQ-CP NGÀY 29/06/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 94 /2007/QĐ-UBNDngày 23 tháng 10 năm 2007 của UBND tỉnh)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ và yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, triệt để các giải pháp cấp bách đã nêu trong Nghị quyết; qua đó vận động, giáo dục mọi người nêu cao tinh thần tự giác, tính gương mẫu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nghiên cứu kỹ nội dung Nghị quyết 32/2007/NQ-CP , có biện pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện đúng tiến độ những nhiệm vụ cấp bách theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và theo sự phân công, chỉ đạo của UBND tỉnh.
3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo, tập trung cao độ trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết 13/2002/NQ-CP và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Quyết định số 65/2007/QĐ-UBND ngày 19/06/2007 của UBND tỉnh, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; xác định rõ yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, lâu dài và đưa mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông thành quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông:
1.1. Tại trụ sở mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể, khu dân cư thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông như: lập và trưng bày bảng thông tin, bảng ảnh; xây dựng bản tin nội bộ; tổ chức sinh hoạt chuyên đề…, nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông, động viên mọi người gương mẫu chấp hành; có hình thức khen thưởng thoả đáng, kịp thời đối với những người có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông và phê phán những người có hành vi vi phạm.
1.2. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Gia Lai phải xác định tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên duy trì và tăng thời lượng, nâng cao chất lượng chuyên mục, chuyên đề về An toàn giao thông; tổng hợp, thông tin kịp thời kết quả triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các cấp, các ngành; phản ánh gương người tốt, việc tốt, phổ biến những kinh nghiệm hay trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.
1.3. Sở Tư pháp chủ trì biên soạn, biên dịch Chỉ thị 22-CT/TW, Nghị quyết 13/2002/NQ-CP , Nghị quyết 32/2007/NQ-CP , Nghị định 146/2007/NĐ-CP , Nghị quyết 09-NQ/TU và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và UBND tỉnh liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông sang tiếng Jrai, Bahnar với nội dung ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng, tổ chức phát hành đến tận thôn, làng, tổ dân phố để phục vụ công tác tuyên truyền.
1.4. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 52/2007/CT-BGDĐT ngày 31/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục”; chỉ đạo các trường học trong tỉnh thực hiện chương trình giáo dục trật tự an toàn giao thông trong nhà trường, tăng cường các hoạt động ngoại khoá về trật tự an toàn giao thông; đề cao tính gương mẫu của giáo viên, cán bộ trong ngành để học sinh noi theo.
Hiệu trưởng các trường phổ thông, trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông; thường xuyên nhắc nhở, đưa thông tin liên quan đến trật tự an toàn giao thông vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội; quy định việc đánh giá đạo đức học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định mà điều khiển xe môtô, xe gắn máy; học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe mà điều khiển xe mô tô. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, xử lý trách nhiệm Hiệu trưởng các trường không tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định trên.
1.5. Công an tỉnh chỉ đạo phòng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện ngay việc thông báo về cơ quan, trường học, phường, xã, tổ dân phố, cụm dân cư những cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông để phối hợp xử lý, giáo dục; Tổ chức các lớp học tập pháp luật giao thông cho đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông mà bị tạm giữ phương tiện hoặc giấy tờ xe trước khi cho họ nhận lại phương tiện, giấy tờ theo quy định.
1.6. Thanh tra giao thông tổ chức tuyên truyền lưu động về trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng xe loa kết hợp với hình ảnh trực quan trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Định kỳ hàng tuần phải tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ cho dân cư sống dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, rõ ràng, có hình ảnh minh họa phù hợp với đối tượng tuyên truyền và đặc điểm công trình giao thông nơi tổ chức tuyên truyền.
1.7. Sở Văn hoá - Thông tin chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Đam San, các phòng Văn hóa – Thông tin huyện, thị xã, thành phố, các đội tuyên truyền lưu động tổ chức thường xuyên việc tuyên truyền bằng các công cụ trực quan như xe loa, pa-nô, áp phích, băng-rôn…; đồng thời xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông để tổ chức trình diễn nhân các buổi lễ, hội một cách phù hợp và tại các khu dân cư.
1.8. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh dự thảo, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định Thi đua, khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
1.9. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thống kê, tổng hợp tình hình, phân tích đối tượng, thời gian, địa bàn, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông làm cơ sở cho việc dự báo tình hình; tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, từng địa bàn, từng tuyến đường, từng lĩnh vực nhằm từng bước kiềm chế việc gia tăng tiến tới giảm dần tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
2. Kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật trật tự an toàn giao thông và nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông vận tải:
2.1. Công an tỉnh:
- Kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông quy định tại mục 2.a Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ; xử lý nghiêm đối với những người đi môtô, xe gắn máy phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe hoặc lái xe trong tình trạng say rượu, bia, lái xe nghiện ma tuý theo Nghị định 146/2007/NĐ-CP. Khi kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phải công khai, đúng pháp luật, không phân biệt người đi bộ, xe đạp, môtô, xe gắn máy hay lái xe ô tô. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm mà cố tình không xử lý vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp người ngồi trên xe môtô, gắn máy trên các tuyến quốc lộ và các đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm mà không thực hiện đội mũ bảo hiểm theo quy định. Bắt đầu từ ngày 15/12/2007, triển khai lực lượng để xử lý những trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm. Trong hai tuần đầu kể từ khi quy định có hiệu lực chỉ chặn xe và nhắc nhở; Sau hai tuần, tiến hành xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm với hình thức, mức phạt quy định tại Nghị định 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông thông qua các phương tiện ghi hình, thiết bị chuyên dùng của lực lượng cảnh sát giao thông theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/2007/TT-BCA (C11) ngày 31-8-2007 của Bộ Công an “Hướng dẫn thi hành một số điều của quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông ban hành kèm theo Quyết định số 238/2006/QĐ-TTg ngày 24-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ”.
- Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo từng chuyên đề, từng thời gian tại các vị trí trọng điểm, phức tạp thường xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; lưu ý thêm các tuyến đường huyện và giao thông nông thôn, nơi đang có diễn biến phức tạp về an toàn giao thông.
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát khu vực phối hợp chặt chẽ với Thanh tra giao thông trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; Tổ chức tập huấn cho lực lượng Công an cấp xã triển khai công tác xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
2.2. Thanh tra Sở Giao thông vận tải:
- Lập kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng Công an tỉnh kiểm tra các xe khách trước khi xuất bến; kiên quyết đình chỉ lưu hành đối với các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, vi phạm các quy định về quản lý vận tải; hạ tải, xuống khách đối với các trường hợp quá tải, quá khổ, quá khách và người vi phạm phải hoàn trả lại chi phí cho khách hàng; xử lý nghiêm trường hợp xe đậu đỗ trái phép, xe chở đất, vật liệu xây dựng không có mui bạt che đậy, để rơi vãi trên đường.
- Lập kế hoạch thường xuyên kiểm tra, thanh tra các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe và Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và kiểm định phương tiện.
- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa như : tàu, thuyền không đảm bảo các tiêu chuẩn, thiếu các thiết bị an toàn; người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận học Luật Giao thông đường thuỷ nội địa theo quy định.
2.3. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:
- Chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra hành chính và kiên quyết xử lý hành chính các điểm, các hộ trông giữ trái phép xe mô tô, xe gắn máy của học sinh, ngăn chặn tình trạng học sinh điều khiển xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi quy định hoặc chưa có giấy phép lái xe.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng tự quản an toàn giao thông ở cơ sở theo các yêu cầu: hoạt động đúng pháp luật, hiệu quả và bảo đảm an toàn; nhằm hỗ trợ đắc lực cho các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
3. Về kết cấu hạ tầng giao thông:
3.1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện: chịu trách nhiệm về việc cưỡng chế, phá dỡ các công trình trái phép trên hành lang an toàn giao thông đường bộ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quản lý; kiên quyết đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sẽ bị xử lý kỷ luật nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông nghiêm trọng.
3.2. Sở Giao thông vận tải:
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra, rà soát, hoàn thiện hồ sơ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ và phối hợp với chính quyền địa phương giải toả những vị trí lấn chiếm gây bức xúc trong dư luận, kiên quyết giải toả lều quán tại những khu vực đã được giải quyết xong việc đền bù, tái định cư.
- Chủ trì, phối với chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý đường bộ thống kê, phân loại và đề xuất biện pháp xử lý các đường đấu nối trái phép vào hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ. Trong năm 2008, hoàn thành việc quy hoạch hệ thống đường gom ngoài hành lang an toàn hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ trình UBND tỉnh phê duyệt, báo cáo UBND tỉnh thoả thuận với Bộ Giao thông vận tải các vị trí đấu nối vào hệ thống quốc lộ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2010.
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền các địa phương và các ngành liên quan thống kê, rà soát các “điểm đen”, “đoạn đường đen” trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và đường đô thị; xây dựng kế hoạch xử lý “điểm đen”, “đoạn đường đen” trên hệ thống tỉnh lộ và đường đô thị trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xử lý các “điểm đen” trên hệ thống quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.
- Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND các huyện Chư Păh, Chư Sê, Đak Pơ, Krông Pa và thị xã An Khê báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam quy hoạch các trạm dừng trên các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh; xác định quy mô, vị trí, cơ chế giao đất, đầu tư xây dựng và khai thác, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành để kêu gọi đầu tư xây dựng.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành việc đề nghị bố trí kinh phí hoạt động an toàn giao thông trong dự toán ngân sách địa phương năm 2008, theo công văn số 10531/BTC-NSNN ngày 08/8/2007 của Bộ Tài chính.
3.3. UBND cấp huyện: kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ các biển báo hiệu, gờ giảm tốc và các điều kiện cảnh báo khác tại các điểm giao cắt giữa đường không ưu tiên với đường ưu tiên; xây dựng làn đường dành riêng, cầu vượt cho người đi bộ ở những vị trí thích hợp; xây dựng bổ sung dải phân cách mềm, đèn điều khiển giao thông tại các đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn).
4. Về Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông vận tải:
4.1. UBND cấp huyện: Quản lý chặt chẽ các bến đò khách, đò chở khách trên địa bàn quản lý; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò, các đò không đủ tiêu chuẩn an toàn, thiếu trang bị cứu nạn theo quy định. Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã để xảy ra tai nạn giao thông do bến đò hoặc đò không đủ các điều kiện an toàn sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
4.2. Trung tâm Đăng kiểm 81-02D: Tổ chức thống kê, lên danh sách các xe ôtô có đăng ký nhưng không đăng kiểm; thường xuyên báo cáo về Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng số xe hết niên hạn sử dụng, xe còn niên hạn sử dụng nhưng không kiểm định để các cơ quan chức năng ngăn chặn việc tham gia lưu hành của số phương tiện này. Lực lượng tuần tra, kiểm soát phải xử lý nghiêm theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ khi phát hiện phương tiện không đủ tiêu chuẩn lưu hành hoặc hết hạn mà vẫn lưu hành.
4.3. Sở Giao thông vận tải:
- Tập trung chấn chỉnh các doanh nghiệp vận tải theo đúng quy định tại Nghị định 110/2006/NĐ-CP của Chính phủ Về điều kiện kinh doanh vận tải ôtô, Luật Hợp tác xã năm 2003, Quyết định 16/2007/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định vận tải khách theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch. Khuyến khích thành lập và phát triển các doanh nghiệp vận tải ô tô có năng lực lớn, có thương hiệu, chất lượng để vận tải khách trên các tuyến liên tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện thống kê các loại xe sau:
+ Xe độ chế 3, 4 bánh: Chuyên dùng để vận tải hàng hóa;
+ Xe công nông (trên xe có gắn các thiết bị công tác phục vụ sản xuất nông nghiệp), máy kéo nhỏ: Chức năng chính phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa bàn nông thôn.
Trên cơ sở số liệu thống kê xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc đình chỉ xe độ chế 3, 4 bánh theo lộ trình quy định tại Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 12/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh; Tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với loại xe công nông có gắn các thiết bị công tác phục vụ sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với thực tế địa phương.
5. Giải pháp đối với công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe:
5.1. Công an tỉnh:
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức thống kê, lên danh sách các xe môtô, xe gắn máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên được đăng ký trên địa bàn tỉnh và số lượng người đã được cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh; Tổ chức so sánh, đối chiếu và bằng biện pháp nghiệp vụ để xác định số lượng người có phương tiện nhưng chưa có giấy phép lái xe theo quy định, nhằm phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý và xây dựng kế hoạch đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
5.2. Sở Giao thông vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra chất lượng đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, chú ý đào tạo kỹ năng lái xe và đạo đức người lái xe; đề nghị Bộ Giao thông vận tải thu hồi giấy phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cơ sở đào tạo lái xe không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc phát hiện có tiêu cực; nghiên cứu cắt giảm chương trình đào tạo lái xe cho phù hợp để tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo.
- Củng cố Ban Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe mô tô, ô tô; kiên quyết xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân có hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe; phối hợp với chính quyền các địa phương mở các lớp đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô ở các địa phương xa thành phố Pleiku, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân học và dự sát hạch lấy giấy phép lái xe.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, căn cứ Chương trình hành động này và chỉ đạo của ngành cấp trên xây dựng chương trình hành động cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị mình; chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, lãnh đạo chính quyền các cấp và các đoàn thể chịu trách nhiệm về tình hình tai nạn giao thông xảy ra ở ngành mình, địa phương mình.
2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh kiện toàn tổ chức bộ máy Ban An toàn giao thông tỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nội vụ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh để đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ.
3. Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ Đảng kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24-02-2003 của Ban Bí thư, Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 19-6-2007 ngày 02-4-2007 của Thường vụ Tỉnh uỷ; xây dựng kế hoạch lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng mạnh mẽ hơn đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xây dựng quy chế phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông; quy định đưa việc thực hiện pháp luật an toàn giao thông là một nội dung bắt buộc trong sinh hoạt chi bộ.
4. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh giúp UBND tỉnh đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chương trình này; định kỳ mỗi quý và hàng năm tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.