ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/2008/QĐ-UBND | Cần Thơ, ngày 03 tháng 11 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐỔI TÊN CHI CỤC HỢP TÁC XÃ VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 72/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đổi tên Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn thành Chi cục Phát triển nông thôn.
Chi cục Phát triển nông thôn có tư cách pháp nhân, được phép sử dụng con dấu và tài khoản riêng theo quy định hiện hành.
Chi cục Phát triển nông thôn chịu sự quản lý toàn diện và trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Vị trí, chức năng
Chi cục Phát triển nông thôn là cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách, hỗ trợ khuyến khích phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn thành phố và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án về phát triển nông thôn do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt qui hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm và hàng năm, các chương trình, dự án, cơ chế chính sách về lĩnh vực chuyên ngành: kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế hộ, kinh tế trang trại trong nông nghiệp (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp), qui hoạch bố trí dân cư, di dân tái định cư trong nông nghiệp, nông thôn, di dân, tái định cư các công trình thủy lợi lớn: xây dựng mô hình nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp và nông thôn; phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, cơ điện; thương mại nông, lâm, thủy sản.
2. Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành, thuộc phạm vi quản lý được giao.
3. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý được giao.
4. Về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn:
a) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành về phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, kinh tế trang trại trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp (sau đây gọi tắt là nông nghiệp), nông thôn;
b) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch về kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, kinh tế trang trại trong nông nghiệp;
c) Đầu mối xây dựng và triển khai các mô hình, nhân rộng mô hình; sơ kết, tổng kết, chỉ đạo, tuyên truyền việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, kinh tế trang trại trong nông nghiệp;
d) Đầu mối xây dựng và tổ chức thực hiện về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại trong nông nghiệp;
đ) Đề xuất về cơ chế chính sách liên quan đến đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
5. Về phát triển nông thôn, ngành nghề, làng nghề nông thôn:
a) Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch về:
- Chương trình xây dựng nông thôn mới;
- Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn;
- Quản lý nhà nước về dự án khuyến nông - lâm - ngư và chủ trì thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình giảm nghèo;
- Dự án về làng nghề, ngành nghề nông thôn;
- Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn.
b) Đầu mối xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, cơ chế chính sách về phát triển kinh tế nông thôn;
c) Đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực sản xuất ngành nghề nông thôn và phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết những nội dung liên quan đến phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn.
6. Về quy hoạch, bố trí dân cư:
a) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chương trình dự án liên quan đến di dân, tái định cư trong nông thôn, các dự án điều tra cơ bản và thiết kế quy hoạch về bố trí dân cư trong nông thôn, vùng có nguy cơ sạt lỡ ven sông phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
b) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quy hoạch và bố trí dân cư; công tác di dân, tái định cư trong nông thôn theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố; hướng dẫn xây dựng khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở khu tái định cư;
c) Đề xuất việc thực hiện công tác tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực bố trí dân cư trên địa bàn thành phố.
7. Phối hợp với các tổ chức cơ quan liên quan thực hiện các dự án quốc tế được giao thuộc chuyên ngành quản lý. Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các dự án được thành phố giao thuộc chương trình của Chính phủ phân công cho ngành nông nghiệp phát triển nông thôn.
8. Về chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản:
a) Đề xuất cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản;
b) Đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về các cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và những sản phẩm nông lâm thủy sản chủ yếu có gắn với vùng nguyên liệu.
9. Về cơ điện nông nghiệp (nông lâm thủy sản):
a) Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân mua máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp;
b) Thực hiện quản lý nhà nước về các cơ sở dịch vụ cơ điện nông, lâm, thủy sản.
10. Về thương mại nông, lâm, thủy sản:
a) Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ bình ổn giá nông sản (nông, lâm, thủy sản) và xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản; chính sách hỗ trợ nông dân sử dụng các sáng kiến, thành tựu công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn và thương mại nông sản;
b) Đầu mối quản lý nhà nước về hạ tầng thương mại tiêu thụ sản phẩm; tổ chức tiêu thụ nông sản; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản;
c) Đầu mối xây dựng và triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản.
11. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý việc thực hiện sử dụng và thanh quyết toán vốn đã được đầu tư thuộc chương trình, đề án, kế hoạch hàng năm được giao.
12. Triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành được giao quản lý trên địa bàn. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực phát triển nông thôn để phục vụ cho công tác quản lý được giao.
13. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vi phạm thuộc phạm vi quản lý được giao theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
14. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chi cục theo mục tiêu và nội dung, chương trình cải cách hành chính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
15. Báo cáo định kỳ (tháng, 6 tháng và năm), báo cáo đột xuất, báo cáo theo biểu mẫu tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên ngành về lĩnh vực phát triển nông thôn.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Lãnh đạo:
- Chi cục Phát triển nông thôn có Chi cục trưởng và không quá 02 (hai) Phó Chi cục trưởng. Chi cục trưởng là người đứng đầu Chi cục, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Chi cục;
- Phó Chi cục trưởng là người giúp Chi cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công.
2. Cơ cấu tổ chức:
- Phòng Tổ chức - Tổng hợp;
- Phòng Kế hoạch - Tài vụ;
- Phòng Phát triển nông thôn.
3. Biên chế:
a) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định số lượng biên chế hàng năm;
b) Việc bố trí cán bộ, công chức của Chi cục phải căn cứ vào nhu cầu, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức nhà nước theo quy định pháp luật hiện hành;
c) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phê duyệt, giao Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn ban hành Quy chế làm việc của Chi cục phù hợp với nội dung Quyết định này và các quy định hiện hành có liên quan.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày và đăng trên Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký; đồng thời, thay thế Quyết định số 61/2005/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đổi tên Chi cục Di dân và Phát triển nông thôn thành Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.