ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9263/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 11 tháng 12 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN MỤC TIÊU “KHÔNG CÓ NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ TRONG CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2015”
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết 06/CP ngày 29 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 165/2008/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số 78/2009/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân thành phố (khoá VII) kỳ họp thứ 14 về điều chỉnh mục tiêu chương trình thành phố 5 không giai đoạn 2009-2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2015” với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý; đảm bảo tất cả người nghiện ma túy phải được áp dụng cai nghiện bằng các hình thức theo qui định của pháp luật; giảm đến mức thấp nhất tình trạng tái nghiện; ngăn ngừa phát sinh người nghiện ma tuý mới; phấn đấu giữ vững mục tiêu không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể
a) 100% công dân có hiểu biết về pháp luật phòng, chống ma tuý, tác hại của ma tuý.
b) Tổ chức cai nghiện phục hồi cho 100% người nghiện, tái nghiện ma tuý được phát hiện; 100% đối tượng hoàn thành cai nghiện được quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng theo đúng quy định của pháp luật.
c) Khống chế tỷ lệ người nghiện ma tuý dưới 0,05% dân số; tỷ lệ tái nghiện ma tuý hằng năm không vượt quá 50%.
d) Duy trì 100% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang không có người nghiện ma tuý; phấn đấu giữ vững số xã, phường lành mạnh hiện có và hằng năm xây dựng mới từ 1 đến 2 xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự phối hợp của các đoàn thể trong công tác phòng, chống ma túy
a) Các cấp chính quyền cần quán triệt công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục và phải chỉ đạo quyết liệt; huy động sự tham gia tích cực và đồng bộ của các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và mọi người dân.
b) Đưa công tác xây dựng xã, phường, đoàn thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học… không có tệ nạn ma tuý thành chỉ tiêu thi đua bắt buộc; thường xuyên chăm lo xây dựng và duy trì phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
c) Chỉ đạo duy trì và phát huy hiệu quả: Phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác người sử dụng ma túy trái phép, tội phạm ma túy; cảm hóa giáo dục, giúp đỡ tạo việc làm cho người đã có tiền án, tiền sự về ma túy hòa nhập cộng đồng để ngăn chặn tình trạng tái nghiện, tái phạm tội; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.
d) Có kế hoạch, phương án triển khai các hình thức cai nghiện theo qui định của Luật phòng, chống ma tuý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý và thực hiện Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về quản lý sau cai nghiện ma tuý phù hợp với tình hình của địa phương; triển khai Chương trình thí điểm điều trị cai nghiện ma tuý thay thế bằng thuốc methadone theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền
a) Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền với các hình thức phong phú, sinh động, thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng; tập trung vào đối tượng nguy cơ cao, đối tượng đã có tiền sự và đang nghiện ma túy.
b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân về phòng, chống ma tuý; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người sau cai nghiện. Trang bị những kiến thức cần thiết để người dân có khả năng tự phòng ngừa, kiểm tra, giám sát phát hiện người nghiện ma tuý; quản lý, vận động, giáo dục công dân không trồng cây có chất gây nghiện.
c) Triển khai hoạt động tư vấn cai nghiện ma tuý cho đối tượng nghiện ma tuý và thân nhân gia đình; vận động, thuyết phục gia đình chủ động, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
d) Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có năng lực, trình độ từ các lực lượng: Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã về an ninh trật tự, cán bộ có kinh nghiệm lâu năm về công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý của các sở, ngành, địa phương, đoàn thể.
đ) Mỗi cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học và cơ sở dạy nghề phải thành lập Đội tuyên truyền phòng, chống ma tuý; phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên trong công tác phòng, chống ma túy trong học đường.
e) Kịp thời phát hiện, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn ma tuý.
g) Tăng cường việc xét xử công khai, lưu động để phục vụ công tác tuyên truyền và răn đe tội phạm.
3. Tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ
a) Định kỳ hằng năm, tổ chức điều tra cơ bản về tội phạm ma tuý; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm để tập trung quản lý, xử lý; khảo sát toàn diện về tình hình người nghiện ma tuý để phục vụ công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; làm tốt công tác dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý.
b) Quản lý, kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy qua đường biển, đường hàng không, đường tàu lửa, đường bộ, bưu chính, các địa bàn trọng điểm, các vùng giáp ranh…; kiên quyết không để hình thành các tụ điểm, điểm nóng về ma tuý; kiểm soát và quản lý chặt chẽ tiền chất, thuốc tân dược có chất gây nghiện.
c) Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong điều tra, xử lý tội phạm về ma túy; xử lý nghiêm những vụ án ma túy phức tạp, những vụ án lớn liên quan đến nhiều địa phương.
d) Quản lý chặt chẽ các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; tăng cường công tác quản lý nhân, hộ khẩu, đặc biệt là quản lý tạm trú, tạm vắng để ngăn chặn phát sinh tệ nạn ma túy.
đ) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập theo quy định của pháp luật.
e) Nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và gia đình trong việc phát hiện, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người mới sử dụng ma tuý, người nghiện ma tuý đang cai nghiện và những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Có chính sách hỗ trợ cho người sau cai nghiện, bỏ nghiện học nghề, có việc làm ổn định, được vay vốn khi có phương án sản xuất kinh doanh. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia giải quyết việc làm cho người đã hoàn thành cai nghiện.
4. Củng cố, nâng cao năng lực các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện và quản lý sau cai
a) Tăng cường nhân lực cho lực lượng điều tra chống tội phạm về ma tuý thành phố và các quận, huyện; nâng cao chất lượng cán bộ điều tra ở các tổ, đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy; thực hiện bố trí Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý đứng điểm ở các xã, phường trọng điểm phức tạp; tăng cường cán bộ chuyên trách cho Văn phòng thường trực phòng, chống ma tuý, Công an thành phố. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, thông tin về đấu tranh chống tội phạm ma tuý cho đội ngũ này.
b) Trang bị đầy đủ phương tiện cho lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống ma túy các cấp để có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ.
c) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tập trung tại Bầu Bàng, xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06; nâng cao chất lượng các hoạt động chữa bệnh, cai nghiện, dạy nghề và giáo dục hành vi nhân cách, lao động sản xuất tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06. Duy trì thường xuyên nề nếp việc trao đổi thông tin, phối hợp quản lý, giáo dục người đang cai nghiện giữa Trung tâm với chính quyền, các đoàn thể ở địa phương và gia đình người nghiện.
d) Hằng năm, có kế hoạch rà soát, đánh giá và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống ma tuý, cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ở các ngành và địa phương; thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống ma tuý ở các cấp. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống ma túy, chú ý đội ngũ cán bộ tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05 - 06 và cán bộ chuyên trách ở các quận, huyện, phường, xã phù hợp với điều kiện của ngân sách địa phương.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy
a) Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế về phòng, chống ma tuý thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, trao đổi thông tin và học tập kinh nghiệm; vận động các nước, các tổ chức quốc tế tài trợ cho công tác phòng, chống ma tuý.
b) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an tổ chức các đợt tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý và tổ chức cai nghiện ma tuý dạng ATS với các nước có ký kết hợp tác phòng, chống ma túy.
III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Các ngành Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan:
a) Công an thành phố - Cơ quan Thường trực phòng, chống ma tuý chịu trách nhiệm chủ trì Đề án; tham mưu cho UBND thành phố tổ chức triển khai Đề án; kiểm tra đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Đề án.
b) Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan thành phố giữ vai trò chủ công, nòng cốt, xung kích trong công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp chính về phòng ngừa nghiệp vụ, công tác điều tra, xử lý tội phạm ma tuý và quản lý tiền chất; phối hợp các đơn vị liên quan và chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy ở khu vực trọng điểm và các cửa khẩu, tuyến biên giới biển.
c) Công an quận, huyện thông báo rộng rãi số điện thoại “đường dây nóng” và sử dụng các hình thức góp ý khác để thu nhận ý kiến của nhân dân về tệ nạn ma tuý và giải pháp thực hiện Đề án tại các địa bàn dân cư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân tố giác tội phạm và phát hiện người nghiện ma tuý.
d) Lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát phụ trách xã, Cảnh sát 113, lực lượng trinh sát và đồn Biên phòng phối hợp làm tốt công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề liên quan đến ma tuý và lập hồ sơ, quản lý, giáo dục người mới sử dụng ma tuý tại xã, phường, người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và sau cai nghiện đang hoà nhập cộng đồng.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì triển khai công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và giải quyết những vấn đề xã hội sau cai nghiện;
b) Tham mưu cho UBND thành phố thành lập Trung tâm Tư vấn cai nghiện và Quản lý người sau cai nghiện trực thuộc Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội;
c) Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, phường, xã rà soát và đề xuất biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ quản lý đối tượng sau cai nghiện và Đội hoạt động xã hội tình nguyện;
d) Chủ trì và phối hợp với các đoàn thể, địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy.
3. Sở Y tế chỉ đạo thực hiện các giải pháp về công tác y tế trong cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý; quản lý tân dược gây nghiện. Chủ trì xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình thí điểm điều trị cai nghiện ma tuý thay thế bằng thuốc methadone.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng và các cơ sở giáo dục - dạy nghề khác trên địa bàn thành phố:
a) Thành lập đội tuyên truyền phòng, chống ma tuý ở đơn vị mình và phát huy vai trò của Đoàn thanh niên cơ sở trong công tác phòng, chống ma túy trong học đường; chú trọng tuyên truyền tác hại của việc sử dụng ma tuý tổng hợp dạng ATS;
b) Tổ chức thực hiện tốt Đề án “Không có học sinh bỏ học trên địa bàn thành phố đến năm 2015”.
5. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan; chỉ đạo phòng Văn hoá - Thông tin quận, huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp với địa phương mình;
b) Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hoá; trọng tâm là các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm (vũ trường, quán bar, karaoke...).
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chỉ đạo và định hướng tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho các cơ quan thông tin đại chúng; chú trọng nêu gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy, gương những người cai nghiện thành công;
b) Chủ trì triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền, phòng, chống ma túy của Bộ Thông tin và Truyền thông (theo Quyết định số 866/QĐ-BTTTT ngày 24 tháng 6 năm 2009); phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan thực hiện công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống ma tuý.
7. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành uỷ mở các lớp bồi dưỡng báo cáo viên tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy; đề xuất giải pháp tuyên truyền phù hợp cho cho các nhóm đối tượng.
8. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các quận, huyện rà soát đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng chống ma túy; đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ này.
9. Các sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành mình.
10. Uỷ ban nhân dân các cấp:
a) Xây dựng và chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án này; Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn;
b) Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng “xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm”; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo liên ngành UBMTTQVN thành phố - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Công an thành phố về Nghị quyết liên tịch số 01/2008/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTƯMTTQVN về phân loại xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
11. Đề nghị UBMTTQ thành phố chỉ đạo các tổ chức thành viên và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động thành phố... chủ động có kế hoạch tham gia, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Đề án này.
12. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động thành phố phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chuyên trách tuyên truyền phòng, chống ma tuý và Câu lạc bộ Tuyên giáo Công đoàn; gắn với tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS; tổ chức tốt công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho các chi hội, chi đoàn, các cấp công đoàn và các hội viên, đoàn viên, thành viên.
13. Ban chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các cấp phối hợp cùng cơ quan chủ trì Đề án giúp UBND thành phố chỉ đạo thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện Đề án.
14. Các cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác phòng, chống ma tuý trong nội bộ cơ quan mình và các quy định về phòng, chống ma tuý của địa phương. Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu trong đơn vị có người liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy.
IV. KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kinh phí thực hiện Đề án gồm các nguồn:
a) Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý được phân bổ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện hằng năm; kinh phí bổ sung thêm từ ngân sách của các quận, huyện.
b) Nguồn kinh phí đảm bảo xã hội được bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Nguồn thu từ học viên cai nghiện ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 theo quy định.
d) Nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức và cá nhân.
đ) Nguồn thu hợp pháp khác.
2. Hằng năm, vào thời gian lập dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách, Công an thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị có liên quan, xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND thành phố giao dự toán theo quy định.
V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và thủ trưởng các cơ quan có liên quan thực hiện báo cáo kết quả triển khai Đề án định kỳ 06 tháng (vào ngày 15 tháng 6), 01 năm (vào ngày 15 tháng 12) gửi về Công an thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Điều 2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của ngành, địa phương mình; gửi Kế hoạch về Công an thành phố và UBND thành phố trong tháng 12 để tổng hợp, theo dõi.
Điều 3. Giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương Binh và xã hội hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC SỐ 1: MỘT SỐ CHỈ TIÊU, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo quyết định số 9263/QĐ-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2009 của UBND thành phố Đà Nẵng)
TT | Chỉ tiêu | Nội dung thực hiện | Đơn vị thực hiện và phối hợp | Thời gian triển khai và hoàn thành |
1 | 100% các nhóm đối tượng | Phân nhóm đối tượng và tổ chức tuyên truyền | Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các địa phương | Hằng năm |
2 | - Từ 05 đến 10 lớp - 01 cuộc | - Tập huấn báo cáo viên - Hội thảo đánh giá kết quả công tác tuyên truyền và đề ra giải pháp | Sở Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Công an, chính quyền địa phương | - Vào đầu năm hằng năm - Năm 2010 |
3 | - 6 tháng 1 lần và đột xuất - 100% | - Dự báo tình hình tệ nạn ma tuý - Phát hiện bắt giữ, xử lý các vụ việc về ma tuý; không để tụ điểm, điểm nóng về ma tuý | CA, Bộ đội Biên phòng, Hải quan TP. | Hằng năm |
4 | 100% | Lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện phục hồi; quản lý giải quyết sau cai nghiện. | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, CA, chính quyền địa phương | Hằng năm |
5 | Dưới 0,05% dân số | Khống chế tỷ lệ người nghiện ma tuý | Sở LĐ-TB và XH và sở, ban, ngành, tổ chức chính trị XH, chính quyền địa phương | Hằng năm |
6 | Không quá 50% số người đã có tiền sự đang quản lý sau cai nghiện | Tỷ lệ tái nghiện ma tuý hằng năm | Sở LĐ-TB và XH và các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị XH, chính quyền địa phương | Hằng năm |
7 | 100% | Duy trì cơ quan, đơn vị HCSN, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang không có người nghiện ma tuý | Sở LĐ-TB và XH, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị XH, chính quyền địa phương | Hằng năm |
8 | Xây dựng mới 1 đến 2 xã | Xây dựng mới xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy
| Sở LĐ-TB và XH, MTTQVNTP, VHTT và DL, CA, chính quyền địa phương | Mỗi năm |
PHỤ LỤC SỐ 2: CUNG CẤP TRANG THIẾT BỊ
(Kèm theo Quyết định số 9263/QĐ-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2009 của UBND thành phố Đà Nẵng)
TT | Đơn vị tiếp nhận | Loại phương tiện trang bị | Số lượng | Thời gian cấp |
1 | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Xây dựng mới Trung tâm 175 tỷ đồng tại Trung tâm cai nghiện Bầu Bàng | Quy mô 1.000 học viên cai nghiện và quản lý sau cai. | cuối 2010 |
2 | Trung tâm 05-06; PC17, CA 23 phường; Q.NHS, H/Châu, Th/Khê | - Máy ảnh kỹ thuật số thường - Máy ảnh chất lượng cao | - Mỗi đơn vị 01 chiếc - 03 (PC17, H/Châu, Th/Khê) | 2010 |
3 | 07 quận, huyện, PC17, BĐBP | - Camera - Máy nghe bí mật | - Mỗi đơn vị 01 chiếc - PC17 = 2; mỗi đ/vị còn lại 01 chiếc. | 2010 - 2014 |
4 | 07 quận, huyện, PC17, BĐBP | - Xe máy phân khối lớn | - H/Châu, Th/Khê, P.P/CMT BĐBP: mỗi đ/vị 2 chiếc; PC17: 4 chiếc; các đơn vị còn lại mỗi đơn vị 01 chiếc | 2010 - 2013 |
5 | PC17 CATP | - Bộ đàm máy con - Bộ đàm trên xe ôtô | - 60 - 02 | 2011 |
6 | BĐBP, HQ, PC17 và CA 07 quận, huyện | Bộ máy tính xách tay, đèn chiếu | Mỗi đơn vị 01 bộ | 2012 - 2013 |
7 | PC 17 | Camera thu phát nghiệp vụ | 02 bộ dùng chung | 2010 - 2012 |
8 | BĐBP, HQ, PC17 và CA 07 quận, huyện | Ống nhòm kỹ thuật số có tính năng nghiệp vụ | 12 chiếc | 2010 - 2014 |
9 | BĐBP, PC17 và CA 07 quận, huyện | - Súng bắn đạn su, cay; - Bình xịt hơi cay nghiệp vụ - Còng ghiệp vụ | - 50 khẩu súng - 90 bình xịt - 100 chiếc | 2010 - 2014 |
10 | BĐBP, PC17 và CA 07 QH | Test thử phát hiện người nghiện ma tuý | - 15.000 test | Từ 2010-2015 |
11 | Công an thành phố | Hoá chất giám định các chất ma tuý | Từng chủng loại yêu cầu | Hằng năm |
12 | BĐBP, HQ, Trung tâm, CATP, 7 QH | Bộ máy tính để bàn, máy in | 12 bộ | Từ 2010-2015 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.