ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 924/QĐ-UB | Long Xuyên, ngày 8 tháng 11 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, KHAI THÁC CÁC BẾN PHÀ, BẾN ĐÒ QUA SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Thông tư số 349/TTVT ngày 9/11/1992 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thi hành Quyết định số 2515/QĐVT ngày 07/11/1992 của Bộ Giao thông vận tải về quản lý vận tải hành khách, hàng hóa công cộng bằng đường sông.
- Căn cứ Thông tư Liên Bộ số 62/TT.LB ngày 23/7/1993 của Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn vệic tổ chức thu và quản lý, sử dụng cước phí qua phà, cầu phao.
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, Giám đốc Sở Tư Pháp.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy định về tổ chức, quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh, khai thác các bến phà, bến đò quan sông trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2: - Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
- Chấm dứt hiệu lực pháp lý Quyết định 469/QĐ.UB ngày 16/11/1993 của UBND Tỉnh "V/v tổ chức, quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh, khai thác bến phà, bến đò qua sông trên địa bàn tỉnh An Giang".
Điều 3:- Giám đốc Sở Tài Chính Vật giá, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn các cấp, các ngành có liên quan trong Tỉnh tổ chức thực hiện tốt Quyết định này.
Điều 4:- Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các cấp trong phạm vi chức năng, quyền hạn được giao chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |
BẢN QUY ĐỊNH
V/V TỔ CHỨC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH; KHAI THÁC CÁC BẾN PHÀ, BẾN ĐÒ QUA SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 924/QĐ.UB ngày 8/11/1995 của UBND tỉnh An Giang)
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác có hiệu quả các bến phà, bến đò và đảm bảo an toàn trong vận chuyển hành khách, hàng hóa qua sông, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, chống thất thu ngân sách. Nay Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang ban hành Bản quy định về công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh vận tải, khai thác các bến phà, bến đò trên địa bàn tỉnh An Giang như sau:
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Công tác Quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh, khai thác các bến phà, bến đò bao gồm:
1/ Tổ chức và quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa qua sông đảm bảo lưu thông và an toàn vận tải.
2/ Tổ chức đấu thầu các bến phà, bến đò và kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa qua sông.
3/ Tổ chức tốt việc thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động khai thác bến phà, bến đò, kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa qua sông.
4/ Đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và cải tạo các bến phà, bến đò và phương tiện vận tải, phục vụ.
Điều 2: Mọi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa qua sông, thuộc địa bàn tỉnh An Giang đều chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Giao thông vận tải.
Điều 3: Sở Tài chính Vật giá, Cục thuế, Sở Giao thông vận tải và UBND Huyện, Thị xã tổ chức tốt việc thu ngân sách.
Điều 4: UBND Huyện, Thị nơi có bến phà, bến đò chịu trách nhiệm quản lý điều hành và tổ chức đấu thầu công khai hàng năm vào thời điểm quý IV năm trước. Trừ các bến phà thuộc sự quản lý và điều hành của Sở Giao thông vận tải: An Hòa, Châu Giang, Cồn Tiên và Chợ Vàm.
CHƯƠNG II
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ THU CHI NGÂN SÁCH
Điều 5: Việc phân cấp quản lý Nhà nước về mặt Nhà nước đối với các bến phà, bến đò trong toàn tỉnh.
1/ Sở GTVT chịu trách nhiệm quản lý về mặt Nhà nước đối với các bến phà, bến đò trong toàn tỉnh.
2/ Thành lập các Ban quản lý bến phà: An Hòa, Châu Giang, Cồn Tiên và Chợ Vàm trực thuộc Sở GTVT.
3/ Đối với các bến phà, bến đò liên tỉnh, Sở GTVT chịu trách nhiệm bàn bạc với Sở GTVT của tỉnh có liên quan để thống nhất việc tổ chức, quản lý.
4/ Đối với các bến phà, bến đò liên Huyện, Thị xã thuộc Tỉnh thì UBND Huyện, Thị xã và UBND hai xã có liên quan chịu trách nhiệm bàn bạc phối hợp thống nhất quản lý điều hành và tổ chức đấu thầu.
5/ Ngoài các bến phà, bến đò do Sở GTVT trực tiếp quản lý điều hành như nói tại mục 2 điều 5 các bến phà, bến đò còn lại thụoc địa bàn Huyện Thị nào thì UBND Huyện, Thị xã đó chịu trách nhiệm quản lý điều hành và tổ chức đấu thầu.
Điều 6: Sở Tài chính Vật giá, Cục thuế Tỉnh phối hợp chặt chẽ tổ chức thu đúng, thu đủ cho ngân sách Nhà nước các khoản thu từ hoạt động kinh doanh vận tải tại các bến phà, bến đò được đấu thầu, gồm các khoản thu sau đây:
1/ Thu thuế đối với các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh vận tải khai thác bến phà, bến đò bao gồm:
a> Thu thuế trước bạ chuyển quyền sử dụng khai thác bến bãi, quyền kinh doanh vận tải của người trúng thầu.
b> Thu thuế môn bài.
2/ Thu về quyền sử dụng khai thác bến bãi từ kết quả đấu thầu bến phà, bến đò.
Điều 7: Tất cả các khoản thu nêu tại điều 6 Bản quy định này được thể hiện đầy đủ vào ngân sách Nhà nước tại kho bạc theo các hình thức:
1/ Đối với các khoản thu thuế ( điểm 1 điều 6): nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước.
2/ Đối với các khoản thu về quyền sử dụng khai thác bến bãi từ kết quả đấu giá bến phà, bến đò (điểm 2 điều 6): nộp trực tiếp vào khoản ngân sách xã tập trung của Huyện, Thị. Theo định kỳ khoản thu trên được tiến hành ghi thu, ghi chi đầy đủ vào ngân sách Nhà nước như quy định.
Điều 8: Đối với các bến phà, bến đò liên tỉnh thuộc diện thu bằng biện pháp đấu thầu, Sở Tài chính Vật giá cùng với UBND Huyện, Thị nơi có bến phà, bến đò đàm phán với UBND Huyện, Thị xã của Tỉnh có liên quan để phân phối thu theo nguyên tắc mỗi bên hưởng 50%.
Điều 9: Các Ban Quản lý bến phà thuộc Sở Giao thông Vận tải thực hiện chế độ gán thu bù chi, mọi hoạt động thu chi phải theo đúng các quy định của pháp luật.
Điều 10: Định giá cước vận chuyển hành khách, hàng hóa qua sông phải đảm bảo theo nguyên tắc nếu cùng một dòng sông (hoặc kênh) thì giác cước vận chuyển của từng bến phà, bến đò không được chênh lệch quá 5% và được tiến hành như sau:
1/ Sở Tài chính Vật vía, Cục thuế Tỉnh và Sở Giao thông Vận tải phối hợp bàn bạc thống nhất định giá cước vận chuyển hành khách, hàng hóa tại các bến phà do Ban Quản lý bến phà thuộc Sở Giao thông vận tải điều hành.
2/ Việc định giá cước vận chuyển hành khách, hàng hóa của các bến phà, bến đò thuộc sự quản lý của UBND Huyện, Thị xã thì UBND Huyện, Thị xã đó chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Tài Chính Vật giá, Cục thuế Tỉnh bàn bạc thống nhất quyết định.
3/ Trường hợp giữa các ngành có liên quan nêu trên không thống nhất về giá cước vận chuyển, thì Giám đốc Sở Tài chính Vật giá chịu trách nhiệm báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh để quyết định.
4/ Tất cả các bến phà, bến đò trong Tỉnh phải tực hiện nghiêm chỉnh việc niêm yết công khai giá cước vận chuyển và thực hiện đúng chế độ miễn giảm giá cước với các đối tượng (phải xuất trình các giấy tờ có liên quan như: thẻ thương binh hoặc giấy chứng nhận thương bệnh binh, thẻ học sinh, bộ đội, công an, cảnh sát phải có phù hiệu hoặc các giấy tờ cần thiết) được quy định tại Thông tư Liên bộ số 62/TT.LB ngày 23/7/1993 của Bộ Giao thông vận tải - Bộ Tài chính. Cụ thể đối tượng miễn thu bao gồm:
- Thương bệnh binh, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi.
- Công an, quân đội.
- Xe của quân đội, công an, cảnh sát.
- Xe đi làm nhiệm vụ cứu thương, cứu hỏa, chống bão lụt, xe dọn vệ sinh.
- Giáo viên đi dạy học hàng ngày (trừ đi việc khác) được UBND Huyện, Thị xã cấp có giá trị từng năm.
Điều 11: Việc định giá khởi điểm đấu thầu.
1/ Giá khởi điểm đấu thầu được hình thành bởi nguồn thu về chuyển quyền sử dụng khai thác bến bãi hoạt động đưa đón khách và hành lý qua sông; không cấu tạo và lệ phí mà người trúng thầu có trách nhiệm phải nộp trực tiếp cho các ngành hữu quan theo luật định.
2/ Giá khởi điểm đấu thầu phải bảo đảm phù hợp với giá thị trường, không trái với luật thuế và các quy định về thu lệ phí của Nhà nước.
3/ UBND Huyện, Thị xã nơi có bến phà, bến đò đưa ra đấu thầu chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính Vật giá, Cục thuế, Sở Giao thông Vận tải bàn bạc và quyết định giá khởi điểm đấu thầu.
4/ Trường hợp không thống nhất được giá khởi điểm đấu thầu, thì Giám dốc Sở Tài chính Vật giá chịu trách nhiệm báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh để quyết định.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC ĐẤU THẦU BẾN PHÀ, BẾN ĐÒ
Điều 12: Việc tổ chức đấu thầu các bến phà, bến đò phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
1/ Tổ chức công khai, đảm bảo dân chủ và hợp pháp.
2/ Đối với các bến đò liên tỉnh, liên huyện thì mỗi bên tổ chức đấu thầu theo thứ tự luân phiên hàng năm chung cho cả 2 đầu bến. Nghiêm cấm việc mỗi bên tự tổ chức đấu thầu riêng lẻ phần bến của mình.
3/ Người tham gia đấu thầu phải đảm bảo có đủ các điều kiện quy định tại điều 13 của Bản quy định này.
4/ Việc tổ chức đấu thầu chỉ được thực hiện khi có ít nhất là 2 người đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
5/ Nghiêm cấm mọi hành vi tự tiện nâng giá, ép giá đấu thầu hoặc có hành vi gian dối trong đấu thầu.
Điều 13: Điều kiện tham gia đấu thầu:
1/ Là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú tại An Giang. Cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng vũ trang không được tham gia đấu thầu.
2/ Các phương tiện phà, đò đã được đăng ký hành chính, đăng ký kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện an toàn vận tải.
3/ Đối với người điều khiển phương tiện phà, đò phải có bằng cấp theo quy định.
4/ Nộp tiền đặt cọc và lệ phí đấu thầu đầy đủ, đúng hạn định.
5/ Nội đơn và hồ sơ đăng ký đấu thầu.
Điều 14: Chủ tịch UBND Huyện, Thị xã nơi có bến phà, bến đò đưa ra đấu thầu thành lập Hội đồng đấu thầu bao gồm các thành viên như sau:
- Chủ tịch HĐĐT do 1 Phó Chủ tịch Huyện, Thị xã đảm trách.
- Các Phó Chủ tịch HĐĐT do Trưởng Phòng Tài chính và Tổ trưởng Tổ giao thông vận tải Huyện, Thị xã đảm trách.
- Các thành viên khác: Đại diện của các ngành thuế vụ, UBND xã, Phường, Thị trấn nơi có bến phà, bến đò đưa ra đấu thầu.
Điều 15: Hội đồng đấu thầu chịu trách nhiệm:
1/ Giúp Chủ tịch UBND Huyện, Thị xã tổ chức và điều hành cuộc đấu thầu.
2/ Tiến hành điều tra, khảo sát và dự kiến mức giá khởi điểm đấu thầu.
3/ Tiếp nhận hồ sơ đăng ký đấu thầu, thu lệ phí đấu thầu và tạm thu tiền đặt cọc đấu thầu.
4/ Thông báo về thời điểm, mức giá khởi điểm đấu thầu và những người được tham gia đấu thầu.
5/ Tổ chức và điều hành cuộc đấu thầu, lập biên bản công nhận kết quả đấu thầu với người trúng thầu.
6/ Tổ chức cho người trúng thầu ký kết hợp đồng khai thác bến đò, bến phà với đại diện UBND huyện, thị xã.
Điều 16: Cụôc đấu thầu được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín do Hội đồng đấu thầu quy định.
Người trúng thầu là người có phiếu ghi số tiền cao nhất và cao hơn giá khởi điểm đấu thầu.
Trường hợp kết quả bỏ phiếu đấu thầu mà tất cả các phiếu đều thấp hơn giá được đưa ra khởi đấu thì Hội đồng đấu thầu tuyên bố huỷ bỏ kết quả cuộc đấu thầu và được tổ chức đấu thầu lại sau 7 ngày.
Điều 17: Trước khi tổ chức cuộc đấu thầu 5 ngày, người tham gia đấu thầu phải nộp cho Hội đồng đấu thầu:
- Một khoản lệ phí đấu thầu bằng 0,5% giá khởi đấu và không quá 500.000 đồng (Năm trăm ngàn đồng) cho mỗi đơn xin đấu thầu đối với từng bến.
- Một khoản tiền đặt cọc tối thiểu bằng 30% giá khởi điểm đấu thầu.
Người không trúng thầu được nhận lại số tiền đặt cọc trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu thầu.
Trường hợp người trúng thầu từ chối ký kết hợp đồng khai thác bến đò, bến phà mà mình trúng thầu thì toàn bộ số tiền đặt cọc được sung vào công quỹ Nhà nước.
Điều 18: Người trúng thầu
1/ Trong thời gian khai thác bến phà, bến đò phải tuân thủ các quy định đã ký kết trong hợp đồng, đồng thời có trách nhiệm nộp số tiền còn lại (trừ số tiền đã đặt cọc) cho Phòng Tài chính Huyện, Thị xã hàng tháng vào tuần lễ đầu của tháng đó và kết thúc chậm nhất vào tháng 9 hàng năm. Số tiền mỗi lần nộp do Phòng Tài chính quy định cụ thể theo tình hình thực tế.
Nếu nộp trể hạn, người trúng thầu sẽ bị phạt 0,5% ngày trên số tiền nộp trể hạn.
2/ Người trúng thầu phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trong suốt quá trình khai thác theo hợp đồng đã ký kết.
3/ Các khoản bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính do người trúng thầu thỏa thuận với công ty Bảo hiểm. Số tiền này do người trúng thầu ngoài các khoản thu nêu tại điều 6 của bản quy định này.
Điều 19: Người sử dụng khai thác bến phà, bến đò, hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa qua sông có thể bị hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
1/ Vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an toàn trong vận chuyển hành khách, hàng hóa qua sông.
2/ Tự ý nâng giá cước vận chuyển.
3/ Vi phạm các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng.
4/ Vi phạm các quy định về kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa đường sông do pháp luật quy định.
Các vi phạm đi đến hủy hợp đồng, trước đó ít nhất phải được 1 lần nhắc nhở hoặc 1 lần phạt vi phạm do lực lượng thanh tra giao thông hoặc lực lượng cảnh sát giao thông thủy bộ lập biên bản.
Điều 20: Trong trường hợp người trúng thầu bị hủy bỏ hợp đồng theo điều 19 của Bản quy định này, thì Hội đồng đấu thầu tổ chức đấu thầu lại. Người đã bị hủy bỏ hợp đồng không được tham gia đấu thầu lại.
Mức giá đấu thầu của lần tổ chức đấu thầu lại được tính trên cơ sở giá khởi điểm đấu thầu lần thứ nhất trừ đi tổng số tiền đã nộp của người bị huỷ bỏ hợp đồng.
Thời gian của hợp đồng khai thác bến phà, bến đò được ký kết do lần đấu thầu thứ 2 chỉ có giá trị cho đến hết ngày 31/12 năm đó.
Điều 21: Trong thời gian thực hiện hợp đồng khai thác bến phà, bến đò người trúng tầu có quyền đề nghị với UBND Huyện, Thị xã về việc tăng giá cước vận chuyển trong trường hợp giá cả thị trường về tiền công lao động, nhiên liệu có liên quan đến chi phí vận tải biến động tăng từ 20% trở lên so với thời điểm duyệt giá cước.
Trong trường hợp đặc biệt người trúng thầu có quyền đề nghị UBND Huyện, Thị xã xem xét cho chuyển nhượng hoặc thừa kế quyền khai thác bến phà, bến đò và phải nộp lệ phí trước bạ theo quy định.
Điều 22: Để đảm bảo thực hiện tốt việc khai thác bến phà, bến đò UBND Xã, Phường, Thị trấn nơi có bến phà, bến đò phải chịu trách nhiệm tổ chức tốt việc bảo vệ trật tự an toàn trong khu vực bến phà, bến đò và nghiêm cấm những người không thực hiện ký kết hợp đồng khai thác bến phà, bến đò được tổ chức hoạt động. Kịp thời sửa chữa, cải tạo, nâng cấp bến phà, bến đò đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa qua sông.
Về quyền sử dụng đất nơi có bến phà, bến đò do UBND Xã, Phường, Thị trấn chịu trách nhiệm.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23: Người tham gia đấu thầu, thực hiện khai thác bến phà, bến đò có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các điều kiện được cam kết khi đấu thầu và những quy định trách nhiệm ghi trong văn bản này; đồng thời có quyền khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ viên chức Nhà nước theo các quy định của pháp luật.
Không đặt ra vấn đề xét miễn giảm cho các chủ phà, đò trong quá trình thực hiện các điều khoản cam kết trong hợip đồng trên cơ sở kết quả đấu thầu, trừ các trường hợp xảy ra do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch họa được cấp có thẩm quyền công bố.
Việc xét miễn giảm theo các nội dung trên do Hội đồng đấu thầu của các Huyện, Thị xã trực tiếp xem xét và tổng hợp báo cáo với Sở Tài chính Vật giá để đề xuất UBND Tỉnh quyết định.
Điều 24: Sở Tài Chính Vật giá, Sở Giao thông Vận tải, Cục thuế Tỉnh trong chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp chặt chẽ với UBND Huyện, Thị xã hướng dẫn kịp thời cho các cấp các ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt Bản quy định này.
Điều 25: Việc tổ chức quản lý thu cho ngân sách Nhà nước từ nguồn thu của các bến phà, bến đò trong Tỉnh thuộc niên độ tài chính ngân sách năm 1995 vẫn được tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 469/QĐ.UB cho đến ngày 31/12/1995.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.