ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 916/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 23 tháng 04 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội; Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 -2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 74/TTr-KHĐT-TH ngày 06/04/2012 về việc đề nghị phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, với nội dung như sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm
a) Phát triển nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế của tỉnh; chú trọng phát triển giáo dục đào tạo toàn diện nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực là đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển đào tạo nghề tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc và gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.
b) Đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia dạy nghề cho lao động gắn với các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
c) Kết hợp giữa phát triển nhân lực tại chỗ và thu hút nhân lực có chất lượng cao từ các địa phương khác trong cả nước.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Xác định nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực kể cá nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, bảo đảm cho quá trình phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của địa phương.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đến năm 2015 đạt 48-50% (trong đó đào tạo nghề đạt 35-40%), năm 2020 đạt 68-70% (trong đó đào tạo nghề đạt 55%).
- Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đến năm 2015 của các ngành: nông, lâm thủy sản: 30-32%, công nghiệp và xây dựng: 61-63%, dịch vụ: 72-74%; tương ứng đến năm 2020 là 46-48%; 82-84% và 84-85%.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020
1. Quy mô lao động
- Quy mô dân số toàn tỉnh đến năm 2015 đạt 1,306 triệu người và năm 2020 đạt 1,4 triệu người. Tỷ lệ dân số thành thị chiếm 42% vào năm 2015 và 45% vào năm 2020.
- Dân số trong độ tuổi lao động đến năm 2015 có 854 nghìn người chiếm 65,4% dân số; năm 2020 có 943 nghìn người chiếm 67,4% dân số.
- Lực lượng lao động đến năm 2015 có 727 nghìn người, chiếm 55,6% dân số; năm 2020 có 791 nghìn người, chiếm 56,5% dân số.
- Tổng số lao động tham gia trong các ngành kinh tế - xã hội đến năm 2015 có 710 nghìn người với cơ cấu lao động: nông, lâm thủy sản chiếm 54,6%, công nghiệp, xây dựng chiếm 16,3%, dịch vụ chiếm 29,2%, năm 2020 có 771 nghìn người với cơ cấu lao động: nông lâm nghiệp chiếm 45,5%, công nghiệp, xây dựng chiếm 20,7%, dịch vụ chiếm 33,8%.
2. Phát triển nhân lực theo cấp bậc đào tạo
- Tập trung tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng nhân lực trên mọi ngành, mọi lĩnh vực; ưu tiên đào tạo phát triển nhân lực có chất lượng trong các ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ, nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực kinh tế trọng điểm như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp khai thác khoáng sản của tỉnh. Lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến năm 2015 có 346,8 nghìn người (trong đó 73,7% được đào tạo nghề); năm 2020 có 525,8 nghìn người (trong đó 76,6% được đào tạo nghề).
- Trong tổng số người qua đào tạo, đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo sơ cấp (bao gồm sơ cấp nghề, đào tạo thường xuyên, kèm cặp, truyền nghề truyền thống trong các cơ sở sản xuất, dịch vụ, hộ ngành nghề,...) chiếm 56,2%, trung cấp (trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp) chiếm 22%; cao đẳng chiếm 8,3%, đại học chiếm 13%, sau đại học chiếm 0,5%: năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo sơ cấp chiếm 56,7%, trung cấp 22,2%, cao đẳng 8,7%, đại học 11,9%, sau đại học 0,6%.
3. Phát triển nhân lực theo các ngành
a) Ngành công nghiệp, xây dựng
- Nhân lực ngành công nghiệp, xây dựng đến năm 2015 có khoảng 115,5 nghìn người (trong đó nhân lực ngành công nghiệp khoảng 59,3 nghìn người, ngành xây dựng 56,2 nghìn người); đến năm 2020 có 160 nghìn người (trong đó nhân lực ngành công nghiệp 87,2 nghìn người, ngành xây dựng 72,8 nghìn người). Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo năm 2015 đạt 62,2% (trong đó đào tạo nghề đạt khoảng 50%); năm 2020 đạt 83,1% (trong đó đào tạo nghề khoảng 68%). Để đạt mục tiêu trên, giai đoạn 2011-2015 cần đào tạo bồi dưỡng 48-50% tổng số lao động của ngành; giai đoạn 2016-2020 là 36-38%.
- Cơ cấu trình độ lao động đến năm 2015: 49,3% sơ cấp, 28,9% trung cấp, 8,8% cao đẳng, 13,0% đại học và sau đại học; tương ứng đến năm 2020 là 48,6%, 29,8%, 10,4%, 11,1%.
b) Ngành dịch vụ
- Nhân lực ngành dịch vụ đến năm 2015 có khoảng 207 nghìn người; đến năm 2020 có khoảng 260 nghìn người. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo năm 2015 đạt 73,8% (trong đó đào tạo nghề khoảng 60%); năm 2020 đạt 84,9% (trong đó đào tạo nghề khoảng 72%). Để đạt mục tiêu trên, giai đoạn 2011-2015 cần đào tạo bồi dưỡng 40-42% tổng số lao động của ngành; giai đoạn 2016-2020 là 24,26%.
- Cơ cấu trình độ lao động đến năm 2015: 43,8% sơ cấp, 23,2% trung cấp, 11,1% cao đẳng, 21,0% đại học và sau đại học; tương ứng đến năm 2020 là 47,6%, 21,7%, 10,4%; 19,5%.
c) Ngành Nông, lâm, thủy
- Nhân lực ngành nông, lâm, thủy sản đến năm 2015 có khoảng 387 nghìn người; đến năm 2020 có khoảng 350 nghìn người. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo năm 2015 đạt 31,5% (trong đó đào tạo nghề đạt khoảng 20%) và năm 2020 đạt 48,8% trong đó đào tạo nghề đạt khoảng 36%). Để đạt mục tiêu trên, giai đoạn 2011-2020 cần đào tạo bồi dưỡng 20-22 % tổng số lao động của ngành.
- Cơ cấu trình độ lao động đến năm 2015: 76% sơ cấp, 16,4% trung cấp, 4,4% cao đẳng, 3,4% đại học và sau đại học; tương ứng đến năm 2020 là 75%, 16,8%, 5,1%, 3,1%.
4. Nhân lực theo các lĩnh vực kinh tế có lợi thế phát triển
a) Lĩnh vực du lịch
- Chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch, tổng số lao động trong ngành đến năm 2015 có 15 nghìn người, tỷ lệ qua đào tạo đạt 64,7%; năm 2020 có 22 nghìn người, tỷ lệ qua đào tạo đạt 71,8%. Để đạt chỉ tiêu trên, giai đoạn 2011-2015, cần đào tạo bồi dưỡng khoảng 2 ngàn người; giai đoạn 2016- 2020 khoảng 4 ngàn người.
- Cơ cấu trình độ lao động đến năm 2015: 46,7% sơ cấp, 25,3% trung cấp, 11,9% cao đẳng, 16,3% đại học, sau đại học; tương ứng đến năm 2020 là 42,8%, 24,5%, 14,6%, 18,1%.
b) Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao
- Nhân lực lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2015 là 89 nghìn người, chiếm 12,6% lao động ngành nông, lâm, thủy sản; đến năm 2020 khoảng 101 nghìn người, chiếm 13,2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39,6% năm 2015 và đạt 61% năm 2020. Số lượng lao động cần đào tạo bồi dưỡng trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 30 ngàn người, giai đoạn 2016-2020 khoảng 25 ngàn người.
- Cơ cấu trình độ lao động đến năm 2015: 72,3% sơ cấp, 18,8% trung cấp, 6,4% cao đẳng, 2.5% đại học và sau đại học; tương ứng đến năm 2020 là 71,4%, 20,6%, 6,0%, 2,1%.
c) Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản
Nhân lực ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản đến năm 2015 có 22,6 nghìn người; đến năm 2020 có 33,2 nghìn người, chiếm 38% nhân lực ngành công nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% năm 2015 và đạt 76,4% năm 2020. Số lượng lao động cần đào tạo bồi dưỡng trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 10 ngàn người, giai đoạn 2016-2020 khoảng 9,5 ngàn người.
d) Lĩnh vực công nghiệp khai thác khoáng sản
Nhân lực ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2015 có khoảng 4.200 người, chiếm 7,1%: đến năm 2020 là 8.800 người, chiếm 10,1% nhân lực ngành công nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,7% năm 2015 và đạt 85,4% năm 2020. Số lượng lao động cần đào tạo bồi dưỡng trong giai đoạn 2011 -2020 khoảng 5 ngàn người,
5. Nhân lực theo một số chủ thể chủ yếu trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
a) Đội ngũ cán bộ lãnh đạo
- Tập trung củng cố về số lượng, nâng cao về trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đến năm 2015, tổng số cán bộ lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khoảng 1.030 người, 100% có trình độ đại học trở lên, trong đó trình độ sau đại học khoảng 9,4%. Đến năm 2020, khoảng 1.100 người, 100% có trình độ đại học trở lên, trong đó trình độ sau đại học khoảng 11,3%. Giai đoạn 2011-2015 cần đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 250 người và giai đoạn 2016-2020 khoảng 220 người.
- Đội ngũ cán bộ lãnh đạo khối hành chính cấp tỉnh: ổn định 120 -125 người, trong đó trình độ sau đại học chiếm trên 20%.
- Đội ngũ cán bộ lãnh đạo khối hành chính cấp huyện, thành phố: ổn định 75 -80 người, 100% có trình độ đại học và sau đại học.
- Đội ngũ cán bộ lãnh đạo khối đảng, mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh: ổn định 290 - 300 người, 100% có trình độ đại học, trình độ sau đại học chiếm 18 - 20%.
- Đội ngũ cán bộ lãnh đạo khối đảng, mặt trận, đoàn thể cấp huyện: ổn định 540 - 580 người, 100% có trình độ đại học, trình độ sau đại học chiếm 5 - 7%.
b) Đội ngũ công chức, viên chức
- Đội ngũ công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện: đến năm 2015 có khoảng 32 nghìn người, trong đó trình độ đại học và sau đại học chiếm 52%; năm 2020 có khoảng 37 nghìn người, trong đó trình độ đại học và sau đại học chiếm 60%. Số lượng cán bộ công chức cần bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 8.000 người, giai đoạn 2016-2020 khoảng 7.400 người.
- Đội ngũ công chức, viên chức khỏi đảng, mặt trận, đoàn thể: đến năm 2015 có khoảng 1.550 người; trong đó trình độ đại học chiếm 93,2%; sau đại học 2,3%; năm 2020 có khoảng 1.900 người, trong đó trình độ đại học chiếm 94%, sau đại học chiếm 3,4%. Số lượng cán bộ công chức cần bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 700 người, giai đoạn 2016-2020 khoảng 950 người.
c) Đội ngũ trí thức
- Đội ngũ trí thức tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 có khoảng 46,8 nghìn người chiếm 7% nhân lực toàn tỉnh, trong đó trình độ đại học chiếm 96,1%, thạc sỹ chiếm 3,4%, tiến sỹ chiếm 0,5%, có khoảng 3 nghìn người hoạt động trong lĩnh vực khoa học; đến năm 2020, có khoảng 65,2 nghìn người chiếm 9,7% nhân lực toàn tỉnh, trong đó trình độ đại học chiếm 95,6%, thạc sỹ chiếm 3,9%, tiến sỹ chiếm 0,7%, có khoảng 9,2 nghìn người hoạt động trong lĩnh vực khoa học.
d) Đội ngũ giảng viên, giáo viên
- Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho tỉnh.
- Đội ngũ giảng viên, giáo viên hệ đại học và sau đại học: đến năm 2015, có khoảng 850 người; trong đó trình độ đại học chiếm 32,9%, thạc sĩ chiếm 52,9%, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chiếm 14,1%; đến năm 2020 có khoảng 1.050 người, trong đó trình độ đại học 28,6%, thạc sĩ chiếm 56,2%, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chiếm 15,2%. Số lượng giáo viên, giảng viên phải đào tạo bồi dưỡng bậc sau đại học trong giai đoạn 2011-2020 khoảng 200 người.
- Đội ngũ giáo viên, giảng viên các trường cao đẳng, cao đẳng nghề: đến năm 2015 có khoảng 620 người; trong đó trình độ đại học chiếm 61,8%, thạc sĩ chiếm 35,8%, tiến sĩ chiếm 2,4%; đến năm 2020, có khoảng 720 người, trong đó trình độ đại học 57,6%, thạc sĩ chiếm 39,6%, tiến sĩ chiếm 2,8%. Số lượng giáo viên, giảng viên phải đào tạo bồi dưỡng bậc sau đại học trong giai đoạn 2011- 2015 khoảng 90 người, giai đoạn 2016-2020 khoảng 70 người.
- Đội ngũ giáo viên, giảng viên hệ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề: đến năm 2015 có khoảng 280 người; trong đó trình độ đại học chiếm 78,6%, thạc sĩ chiếm 21,4%; đến năm 2020, có khoảng 360 người, trong đó trình độ đại học 72,2%, thạc sĩ chiếm 27,8%. Số lượng giáo viên, giảng viên phải đào tạo bồi dưỡng bậc sau đại học trong giai đoạn 2011-2020 khoảng 50 người.
- Đội ngũ giáo viên, giảng viên trong các cơ sở dạy nghề: đến năm 2015 có khoảng 1.050 người, trong đó trình độ đại học chiếm 90,5%, thạc sĩ chiếm 9,5%; năm 2020, có khoảng 1.350 người, trong đó trình độ đại học chiếm 88,9%, thạc sĩ chiếm 11,1%. Số lượng giáo viên, giảng viên phải đào tạo bồi dưỡng bậc sau đại học trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 140 người, giai đoạn 2016-2020 khoảng 100 người.
đ) Đội ngũ cán bộ y tế
Đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 có khoảng 6.110 người, trong đó 1.070 bác sĩ, đạt 7 bác sĩ/vạn dân và 144 dược sĩ đạt 1 dược sĩ/vạn dân; năm 2020 có khoảng 8.630 người, trong đó 1.470 bác sĩ, đạt 8 bác sĩ/vạn dân và 230 dược sĩ đạt 1,2 dược sĩ/vạn dân. Số cán bộ y tế cần đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cao (bác sĩ chuyên khoa, đào tạo sau đại học) giai đoạn 2011- 2015 khoảng 750 người; giai đoạn 2016-2015 khoảng 1.000 người.
e) Đội ngũ doanh nhân
Đến năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 10.800 doanh nhân, trong đó có trình độ đại học và trên đại học chiếm 54,6%; đến năm 2020, có khoảng 15.000 doanh nhân, tỷ lệ có trình độ đại học và trên đại học chiếm 60,7%. Số doanh nhân cần đào tạo bồi dưỡng trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 2.000 người, giai đoạn 2016-2015 khoảng 2.500 người.
6. Vốn đầu tư phát triển nhân lực
Tổng vốn đầu tư phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 khoảng 20.332,1 tỷ đồng, chia ra: giai đoạn 2011-2015 khoảng 10.897,3 tỷ đồng, giai đoạn 2016- 2020 khoảng 9.434,8 tỷ đồng.
Cơ cấu đầu tư và nguồn vốn đầu tư:
a) Vốn đầu tư cho đào tạo phát triển nhân lực: khoảng 14.347 tỷ đồng (bao gồm chi phí cho giáo dục đào tạo, dạy nghề, học phí, sinh hoạt phí và các chi phí khác bảo đảm cho phát triển nhân lực), trong đó ngân sách nhà nước và huy động từ nhà đầu tư khoảng 10-15%; người học đóng góp 85-90%.
b) Vốn đầu tư cơ sở vật chất: khoảng 5.984 tỷ đồng, trong đó 20% từ ngân sách nhà nước, 40% huy động từ nhà đầu tư, nguồn vốn từ người được đào tạo chiếm khoảng 25%; 15% từ các nguồn vốn khác.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Nâng cao nhận thức và đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực: đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và pháp luật về phát triển nhân lực; vận động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực. Hoàn thiện bộ máy và đổi mới phương pháp nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý về phát triển nhân lực. Phân công cụ thể trong thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung cầu nhân lực trên địa bàn toàn tỉnh để bảo đảm cân đối nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh.
2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực
a) Chính sách đầu tư đào tạo nghề
- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, thực hiện chính sách tuyển dụng theo đơn đặt hàng đào tạo.
- Đầu tư mạnh cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chú trọng giáo dục phổ thông cơ sở tạo nền tảng vững chắc cho đào tạo nghề.
- Nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các cơ sở đào tạo phù hợp với điều kiện nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề, các cơ sở giáo dục ở huyện nghèo, huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao; khuyến khích mở rộng đào tạo các ngành nghề theo ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
b) Chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực
- Đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn học nghề, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, ưu tiên cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách không thu học phí đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề cho các đối tượng ưu tiên là con liệt sỹ, con thương binh, gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo.
- Áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp đào tạo nghề như miễn tiền thuê đất, miễn thuế, hỗ trợ tín dụng,...
- Hàng năm cân đối bố trí khoảng 1-1,5% trong tổng chi thường xuyên ngân sách của tỉnh, kết hợp với huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp để thực hiện đào tạo và phát triển nhân lực.
c) Chính sách việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội
Tăng cường các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm: mở rộng đối tượng cho vay đến người học nghề có hoàn cảnh khó khăn, người lao động thất nghiệp trên một năm, người khuyết tật, người dân bị giải tỏa đất, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số, doanh nghiệp đào tạo nghề với quy mô lớn. Thực hiện tốt các chính sách về việc làm, chính sách bảo hiểm, bảo trợ xã hội; tạo mới việc làm, hỗ trợ tìm việc làm đối với các đối tượng gia đình chính sách, người nghèo.
d) Chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nhân lực
- Xã hội hoá về giáo dục, đào tạo nghề nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Xác định cơ cấu nghề nghiệp, nhu cầu lao động cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ưu tiên đào tạo cho các công trình trọng điểm, lĩnh vực then chốt trong phát triển kinh tế của tỉnh như: du lịch, thương mại dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp khai khoáng.
- Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân đưa lao động hoặc con em mình đi đào tạo, học tập ở nước ngoài để về làm việc tại địa phương.
- Thiết lập cơ chế liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, trường đại học, cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp để hỗ trợ nhau trong đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực có hiệu quả nhất.
đ) Chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài
- Xây dựng chính sách thu hút nhân tài, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng về tiền lương, nhà ở nhằm thu hút các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học giỏi, công nhân lành nghề từ các nơi khác đến làm việc cho tỉnh Lâm Đồng.
- Đầu tư phát triển nhân tài bằng cách cử đi học tập đào tạo ở trong và ngoài nước. Chú trọng vào lao động có chất lượng cao, cán bộ quản lý đầu ngành, hỗ trợ kinh phí học tập gắn với một số chế tài đảm bảo đối tượng tham gia đào tạo trở về phục vụ cho địa phương.
e) Chính sách phát triển thị trường lao động và hệ thống công cụ, thông tin thị trường lao động
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh; xây dựng sàn giao dịch việc làm, hoàn thiện và thường xuyên cập nhật thông tin việc làm; cung cấp thông tin về thị trường lao động, việc làm và xuất khẩu lao động nhằm tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động.
- Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh trong các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên để định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp.
- Xây dựng thông tin về nhân lực được đào tạo hàng năm, tình hình sử dụng nhân lực, để kịp thời điều chỉnh cho hợp lý.
3. Đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
- Tổ chức rà soát mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và mạng lưới các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề (gọi chung là cơ sở dạy nghề).
- Phát triển mạng lưới trường đại học và cao đẳng phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2011-2020; ưu tiên thu hút đầu tư thành lập các trường đại học, cao đẳng tư thục; thành lập và xây dựng phân hiệu các trường đại học, cao đẳng tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng; từng bước đầu tư nâng cấp các trường đại học, cao đẳng của tỉnh ngang tầm với các trường tại thành phố Hồ Chí Minh và của khu vực.
- Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề, ưu tiên thu hút đầu tư thành lập các cơ sở dạy nghề; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho dạy nghề, phát triển các cơ sở dạy nghề tư thục và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh có ít nhất 2 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.
- Đổi mới, tiếp cận xây dựng nền giáo dục, đào tạo phục vụ nhu cầu của xã hội: xây dựng chương trình, giáo trình học phù hợp công việc thực tế và nhu cầu của xã hội (học để làm việc chứ không phải chỉ để biết); xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với việc đào tạo nhân lực; đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại và phù hợp thực tế.
- Mỗi địa phương, mỗi cơ sở đào tạo phải rà soát điều chỉnh chương trình giảng dạy, ngành nghề đào tạo và xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu xã hội và theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tổ chức.
4. Giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực
- Xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn 05 năm cho việc đầu tư mới, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời bố trí vốn ngân sách nhà nước đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch đề ra.
- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên đầu tư có trọng điểm cho trường đại học Đà Lạt để xây dựng cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu, thực hành nhằm trở thành trường trọng điểm vùng theo định hướng nghiên cứu. Bên cạnh đó cần kết hợp với các nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, các dự án tài trợ quốc tế và các nguồn hỗ trợ khác để phát triển. Đầu tư có trọng tâm cho 4 trường cao đẳng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm cho người lao động.
- Hỗ trợ về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho trường đại học Bách Khoa tại huyện Lạc Dương (phân hiệu trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh), trường đại học Kiến Trúc tại thành phố Đà Lạt (phân hiệu trường đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh), trường đại học Sư phạm kỹ thuật tại huyện Lạc Dương (phân hiệu trường đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh), trường đại học Tôn Đức Thắng tại thành phố Bảo Lộc và các nhà đầu tư khác xây dựng, phát triển cơ sở đào tạo tại Lâm Đồng.
- Đối với các trường nghề, các trung tâm dạy nghề công lập hợp tác với các doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn vốn của các doanh nghiệp để đầu tư thêm trang thiết bị đạt yêu cầu đào tạo và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
- Đối với các trường đại học, cao đẳng tư thục, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên dành quỹ đất và vị trí thuận lợi để xây dựng và có chính sách hỗ trợ về đất đai (miễn giảm tiền thuê đất), tài chính (cho các trường vay hỗ trợ từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh).
5. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức trung ương, các tỉnh bạn và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực
- Tăng cường sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tổ chức Trung ương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực.
- Thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác giữa đơn vị đào tạo và dạy nghề của tỉnh Lâm Đồng với cơ sở đào tạo, dạy nghề của thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai,... thông qua các hợp đồng đào tạo theo nhu cầu.
- Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế: hợp tác và liên kết đào tạo nhân lực với các trường Đại học, cao đẳng ngoài nước. Khai thác các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các tổ chức quốc tế như WB, ADB,... để phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ, phát triển nhân lực: thu hút, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực phát triển nhân lực.
6. Các dự án, đề án ưu tiên bảo đảm phát triển nhân lực (danh mục đính kèm)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành và đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện quy hoạch này. Hướng dẫn các sở, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh và đưa vào kế hoạch 5 năm. Hàng năm của đơn vị mình;
- Là cơ quan thường trực tổng hợp kết quả thực hiện quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương cân đối vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương, địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia trình UBND tỉnh để thực hiện các dự án quy hoạch; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra giám sát việc thực hiện quy hoạch; phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho tỉnh các cơ chế chính sách để phát triển nhân lực.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì phối hợp cùng với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình cụ thể hóa quy hoạch cho từng giai đoạn, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện; tổ chức đào tạo nghề theo yêu cầu phù hợp với từng giai đoạn; tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế chính sách về dạy nghề; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dạy nghề cho lao động; xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề và cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh; quản lý về mặt nhà nước đối với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, tổ chức đào tạo nghề cho lao động, cung cấp thông tin thị trường việc làm cho lao động sau khi đào tạo; thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung cầu nhân lực trên địa bàn toàn tỉnh để bảo đảm cân đối nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.
3. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và cả giai đoạn; phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế chính sách để phát triển nhân lực; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đào tạo cán bộ công chức, viên chức. Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa lĩnh vực đào tạo; xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên, giáo viên để đào tạo nhân lực có trình độ cho tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh các cơ chế chính sách để phát triển nhân lực. Quản lý về mặt nhà nước đối với các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.
5. Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh cân đối kinh phí sự nghiệp từ ngân sách cho sự nghiệp đào tạo, thực hiện các đề án để phát triển nhân lực theo đúng các quy định. Phối hợp với các ngành kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
6. Các sở, ban, ngành và các cơ quan đoàn thể căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực đã được phê duyệt, nhu cầu đào tạo nhân lực của ngành, xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo nhân lực cho giai đoạn 2011-2020; hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức, viên chức gửi Sở Nội vụ để tổng hợp; tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.
7. UBND các huyện, thành phố căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh đã được phê duyệt, rà soát xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình; chỉ đạo các phòng ban chức năng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về công tác đào tạo nhân lực trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành tổ chức đào tạo cán bộ, công chức và viên chức theo phân cấp; tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.
8. Các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh: căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh, xây dựng chương trình giảng dạy, điều chỉnh ngành nghề đào tạo theo yêu cầu thực tế, xây dựng kế hoạch phát triển của đơn vị cho giai đoạn 2011-2020, đẩy mạnh việc đào tạo theo yêu cầu xã hội và đơn đặt hàng của tổ chức, doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, nhằm hướng đến đào tạo được nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |
DANH MỤC
CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 916/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2012 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
STT | Hạng mục | Đơn vị |
A. CÁC ĐỀ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN | ||
I. Giai đoạn 2011-2015 | ||
1 | Đề án đào tạo nghề cho các đối tượng là con liệt sĩ, con thương binh, gia đình diện chính sách, có công với cách mạng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân | Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện |
2 | Đề án đào tạo, phát triển nhân lực cho các Khu công nghiệp, điểm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. | Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Ban quản lý Khu công nghiệp thực hiện. |
3 | Đề án bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch tỉnh Lâm Đồng. | Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện |
4 | Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. | Sở Nội vụ chủ trì thực hiện |
5 | Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng, tổ chức chính trị. | Ban tổ chức Tỉnh ủy chủ trì thực hiện |
6 | Đề án hợp tác và xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực mũi nhọn cho phát triển tỉnh Lâm Đồng . | Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện |
7 | Đề án Xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh | Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện |
8 | Đề án Phát triển hệ thống mạng lưới Trường Cao đẳng nghề, Trường trung cấp nghề, cơ sở dạy nghề tỉnh Lâm Đồng. | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện |
9 | Đề án xây dựng sàn giao dịch việc làm tỉnh Lâm Đồng | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện |
10 | Đề án quy định ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo và các ngành nghề ưu tiên hỗ trợ đào tạo. | Sở Lao động - Thương binh vã Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh để thực hiện |
11 | Đề án thông tin, dữ liệu và dự báo nhu cầu về nhân lực tỉnh Lâm Đồng. | Sở Thông tin truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Cục thống kê thực hiện |
12 | Đề án đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo và phát triển nhân lực | Sở Lao động - Thương binh vã Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện |
II. Giai đoạn 2016-2020 | ||
1 | Đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. | Sở Lao động - Thương binh vã Xã hội chủ trì thực hiện |
2 | Đề án phát triển nhân lực cho ngành Giáo dục và Đào tạo. | Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện |
3 | Đề án phát triển nhân lực cho ngành y tế. | Sở Y tế chủ trì thực hiện |
4 | Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng của tỉnh Lâm Đồng | Các trường thực hiện. |
5 | Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức sự nghiệp và cán bộ, công chức xã, phường thị trấn. | Sở Nội vụ chủ trì thực hiện |
6 | Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ công chức đồng bào dân tộc thiểu số | Sở Nội vụ chủ trì thực hiện |
7 | Đề án xây dựng phát triển các Khoa, Trường đào tạo nhân lực chất lượng cao. | Các trường thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối tham mưu liên kết |
8 | Đề án nâng cấp, hiện đại hóa các Trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì các trường phối hợp thực hiện |
B. CÁC DỰ ÁN THU HÚT VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ | ||
1 | Dự án đầu tư xây dựng Làng đại học quốc tế tại huyện Lạc Dương |
|
2 | Dự án đầu tư xây dựng trường đại học Bách Khoa tại huyện Lạc Dương (phân hiệu trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) | Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh |
3 | Dự án đầu tư xây dựng trường đại học Kiến Trúc tại thành phố Đà Lạt (phân hiệu Trường đại học kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh) | Trường đại học kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh |
4 | Dự án đầu tư xây dựng trường đại học Sư phạm kỹ thuật (phân hiệu Trường đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) tại huyện Lạc Dương | Trường đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh |
5 | Dự án đầu tư xây dựng trường đại học Tôn Đức Thắng tại thành phố Bảo Lộc. | Trường đại học Tôn Đức Thắng |
6 | Dự án đầu tư xây dựng trường đại học Nguyễn Tất Thành tại thành phố Bảo Lộc. | Trường đại học Nguyễn Tất Thành |
7 | Dự án đầu tư xây dựng trường trung học kinh tế kỹ thuật Viễn Đông tại Đức Trọng | Trường trung học kinh tế kỹ thuật Viễn Đông |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.