BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 916/2002/QĐ-BTM/BCĐ | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 127-TW SỐ 0916/2002/QĐ-BTM/BCĐ NGÀY 31 THÁNG 07 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 127-TW
Căn cứ Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 422/1998 ngày 19-5-1998; số 89/1999 ngày 3-4-1999; số 10/2001 ngày 11-01/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập Trạm Kiểm soát liên hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại;
Căn cứ Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg ngày 27-8-2001 của Thủ tướng Chính phủ về ivệc thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1167/VPCP-VI ngày 8/3/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc giao cho Ban Chỉ đạo 127-TW ban hành Quy chế mới về tổ chức hoạt động của các Trạm kiểm soát liên hợp;
Sau khi trao đổi và thống nhất ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, An Giang, các Uỷ viên Ban chỉ đạo 127-TW và các Trạm Kiểm soát liên hợp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Vũ Khoan (Đã ký) |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢPCHỐNG BUÔN LẬU VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI
(Ban hành theo Quyết định số 0916/2002/QĐ-BCĐ 127 ngày 31/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Thương mại - Trưởng Ban Chỉ đạo 127-TW)
Chương 1:
QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy định chung.
Quy chế này được áp dụng cho các Trạm Kiểm soát liên hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại (gọi tắt là Trạm) được thành lập theo các Quyết định số 422/1998/QĐ-TTg ngày l9-5-1998; số 89/1999/QĐ-TTg ngày 03-4-1999; số 10/2001/QĐ-TTg ngày 11-01-2001 của Thủ tướng Chính phủ (đối với Trạm kiểm soát liên hợp Nước Sốt Hà Tĩnh) nhằm kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn mọi hành vi và đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại qua biên giới, chống thất thu thuế và bảo hộ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều 2: Đối tượng và phạm vi kiểm tra.
1. Mọi hàng hoá vận chuyển qua Trạm, khu vực cánh gà và các đường mòn phụ cận có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật đều thuộc đối tượng kiểm tra.
2. Mọi tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hoá qua khu vực Trạm quản lý khi được yêu cầu kiểm tra, có trách nhiệm xuất trình cho các lực lượng kiểm tra của Trạm kiểm soát liên hợp các chứng từ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá đang vận chuyển.
3. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hoá có dấu hiệu trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của Trạm thì Trạm được quyền phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ, điều tra và xử lý theo đúng qui định của pháp luật.
Điều 3: Công tác lãnh đạo, kiểm tra.
Trạm đặt dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ban chỉ đạo 127 tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thường xuyên kiểm tra giám sát, hoạt động của trạm kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật và tiêu cực của cán bộ, nhân viên trong Trạm. Đồng thời trạm chịu sự kiểm tra của Ban chỉ đạo 127-TW.
Chương 2:
TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ CỦA TRẠM
Điều 4: Tổ chức, biên chế.
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, căn cứ tình hình thực tế từng địa bàn, quyết định biên chế của Trạm (riêng Trạm Cầu sắt Tây Ninh - Long An thực hiện Quy chế do Bộ Công An ban hành theo văn bản số 2332/VPCP-VI của Văn phòng Chính phủ). Mỗi Trạm có 01 Trạm trưởng phụ trách và một số Phó trạm trưởng đại diện cho các lực lượng chức năng của các ngành tham gia hoạt động tại Trạm (có đủ thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính).
2. Cán bộ, nhân viên công tác ở Trạm do cơ quan nào cử đến thì cơ quan đó chịu trách nhiệm trả lương và các khoản phụ cấp theo chế độ cán bộ công tác tại biên giới, vùng sâu, vùng xa (nếu có). Các cán bộ, nhân viên thuộc Trạm phải bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức; trình độ nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát; nắm vững chính sách pháp luật và có sức khoẻ tốt để hoàn thành nhiệm vụ.
3. Tuỳ theo tình hình của các Trạm có thể tổ chức thành các Tổ, Đội sau:
- Tổ tham mưu, tổng hợp, xử lý vi phạm, hậu cần, tuyên truyền vận động quần chúng;
- Tổ chức 01 đến 02 Đội tuần tra, kiểm soát (hoạt động cơ động, hai bên cánh gà và các đường mòn phụ cận).
Mỗi Đội do một Phó trạm trưởng phụ trách.
4. Trạm được sử dụng con dấu "Trạm Kiểm soát liên hợp..." và có tài khoản riêng để hoạt động.
5. Kinh phí hoạt động, xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc, trang thiết bị phục vụ cho công tác của Trạm do ngân sách tỉnh cấp.
Chương 3:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP
Điều 5: Nhiệm vụ của Trạm Kiểm soát liên hợp.
1. Kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm theo qui định của pháp luật.
2. Phối hợp với các lực lượng chống buôn lậu của địa phương và trung ương nắm tình hình, phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại.
3. Thực hiện nhiệm vụ đột xuất do Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu.
4. Tổng hợp tình hình, phân tích đánh giá kết quả hoạt động của Trạm; thực hiện báo cáo đột xuất và báo cáo định kỳ hàng tháng, quí vào ngày cuối quí với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo 127-TW.
5. Hỗ trợ chính quyền địa phương khi có thiên tai, địch hoạ.
6. Quản lý tiền, hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
7. Làm tốt công tác dân vận, phát động phòng trào quần chúng không tham gia buôn lậu, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, phát hiện và đấu tranh với các phần tử buôn lậu, gian lận thương mại.
8. Tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn Trạm đóng quân.
Điều 6: Quyền hạn của Trạm kiểm soát liên hợp.
1. Trạm được lập BARIE cố định nhằm dừng các phương tiện vận tải trong phạm vị kiểm soát của Trạm để yêu cầu chủ hàng, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện xuất trình các giấy tờ, hoá đơn, chứng từ có liên quan đến phương tiện, hàng hoá để Trạm kiểm tra.
2. Tạm giữ giấy tờ, hàng hoá, tang vật, phương tiện vận tải vi phạm và xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền của Trạm thì báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
3. Trường hợp khẩn cấp có thể trưng dụng các phương tiện giao thông và thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc của các tổ chức, cá nhân, kể cả người điều khiển (trừ phương tiện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài, được hưởng ưu đãi, miễn trừ theo quy định hiện hành của luật pháp) để truy bắt đối tượng vi phạm.
4. Kiểm tra hàng hoá, phương tiện vận chuyển hàng hoá và hoá đơn, chứng từ kèm theo đối với hàng hoá xuất nhập khẩu theo các quy định hiện hành của pháp luật.
5. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.
Chương 4:
QUY TRÌNH KIỂM TRA
Điều 7: Quy trình kiểm tra.
1. Trước khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát Trạm phải lập kế hoạch kiểm tra. Trong kế hoạch phải nêu rõ nội dung, biện pháp và thời gian thực hiện, đề xuất chủ trương về sử dụng lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương án dự phòng. Khi phối hợp với lực lượng chống buôn lậu của địa phương, kế hoạch phải được lãnh đạo Trạm phê duyệt, có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng. Lãnh dạo Trạm chỉ đạo trực tiếp kiểm tra vụ việc phải chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng và trước pháp luật về công việc của mình.
2. Sau khi tiến hành kiểm tra, tạm giữ người và phương tiện vi phạm, Trạm phải lập biên bản ghi rõ hành vi vi phạm, chủng loại, số lượng hàng hoá vi phạm và ghi lời khai của những người bị tạm giữ, người có liên quan để làm rõ chủ sở hữu và nguồn gốc nhập khẩu của hàng hoá, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện. Việc xử lý và đề xuất biện pháp trình cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định xử lý vi phạm phải theo đúng quy định của pháp luật.
3. Khi kiểm tra hàng hoá, phương tiện phải có ít nhất từ 2 cán bộ của 2 lực lượng tham gia kiểm tra. Các trường hợp vi phạm, Trạm phải lập biên bản theo mẫu qui định.
Điều 8: Xử lý vi phạm.
1. Đối với các đối tượng có hành vi vi phạm qui định về xuất, nhập cảnh, an ninh trật tự... Trạm lập biên bản và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
2. Chỉ những người có thẩm quyền được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính mới có quyền xử lý vi phạm. Khi xử lý vi phạm tuỳ theo hành vi vi phạm thuộc lực lượng nào thì dùng ấn chỉ của ngành đó. Trường hợp vụ việc có nhiều hành vi vi phạm thì tạm thời dùng ấn chỉ của ngành Quản lý thị trường.
3. Đối với hàng hoá nhập khẩu khi qua Trạm mà không có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt hành chính, tịch thu hàng hoá, hoặc xử phạt và truy thu đủ thuế nhập khẩu, thuế trên khâu lưu thông. Việc thu tiền nộp thuế hoặc thu tiền xử phạt hành chính về thuế phải sử dụng biên lai ấn chỉ theo quy định của Bộ Tài chính.
4. Đối với những hàng hoá có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng không đảm bảo chất lượng... thì tạm giữ, nếu xét thấy cần thiết phải giám định thì tiến hành giám định tang vật để có cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật
5. Trường hợp hàng hoá vi phạm là hoá chất độc hại, hàng giả, hàng không được phép lưu thông... thì xử phạt hành chính đối tượng vi phạm, tịch thu hàng hoá và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để tổ chức tiêu huỷ.
6. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, báo cáo lên lãnh đạo cấp trên theo hệ thống ngành dọc và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm và vượt quá thẩm quyền của Trạm thì Trạm lập báo cáo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét xử lý theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Chương 5:
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, TRÁCH NHIỆM
Điều 9: Trạm và các cán bộ của Trạm có nhiệm vụ:
1. Tại trụ sở làm việc phải treo quốc kỳ và gắn bảng ghi tên của Trạm.
2. Niêm yết công khai nhiệm vụ, quyền hạn của Trạm được quy định tại Quy chế này.
3. Khi thi hành nhiệm vụ, mọi cán bộ, nhân viên của Trạm phải mặc trang phục ngành, đeo biển hiệu ghi rõ họ tên, chức danh theo quy định của từng ngành; đồng thời phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền đã được pháp luật và Quy chế này quy định.
4. Ghi chép cập nhật sổ sách về hoạt động của Trạm trong việc kiểm tra, kiểm soát, tạm giữ, xử lý và đề xuất xử lý vi phạm.
5. Quản lý, sử dụng ấn chỉ, tiền phạt vi phạm hành chính, thu thuế... theo đúng các quy định hiện hành.
6. Quản lý vũ khí, trang thiết bị, phương tiện của Trạm và quản lý hồ sơ tang vật, sổ theo dõi công tác tạm giữ người, hàng hoá, phương tiện, sổ quản lý vũ khí, tài sản của Trạm.
7. Hàng tuần, tháng, quý tổ chức họp giao ban, kiểm điểm chương trình công tác và đề ra phương hướng công tác cho thời gian tiếp theo.
8. Trường hợp cán bộ nhân viên Trạm có vi phạm cần xử lý kỷ luật, Trạm lập văn bản đề nghị đơn vị chủ quản xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 10: Chế độ trách nhiệm.
1. Trưởng Trạm là người lãnh đạo, quản lý trực tiếp toàn bộ hoạt động của Trạm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi quyết định của mình.
2. Phó trưởng trạm là người giúp việc cho Trưởng trạm, là người đại diện cho ngành chức năng làm việc tại trạm, phải nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công của Trạm trưởng và chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình.
3. Cán bộ, nhân viên của Trạm phải chấp hành sự phân công và điều hành của lãnh đạo Trạm; khi thi hành nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của luật pháp và Quy chế này, đồng thời phải có thái độ hoà nhã, khiêm tốn, văn minh, lịch sự khi tiếp xúc với chủ hàng, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện.
4. Việc sử dụng các khoản thu được qua công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại của Trạm thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
5. Khi thi hành nhiệm vụ hoặc xử lý vụ việc, nếu cán bộ của trạm có ý kiến khác nhau thì có quyền bảo lưu nhưng phải chấp hành quyết định của Trưởng trạm.
Điều 11: Nghiêm cấm:
1. Khám xét, bắt giữ người, hàng hoá, phương tiện vận tải trái pháp luật.
2. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để gây phiền hà, sách nhiễu đối với chủ hàng, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện trong quá trình thi hành công vụ.
3. Sử dụng tiền, hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm đang bị tạm giữ tuỳ tiện, không đúng quy định của Nhà nước.
4. Bao che, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, tham nhũng, tiêu cực.
Chương 6:
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 12: Cán bộ, nhân viên của Trạm có thành tích trong khi thi hành nhiệm vụ được đề nghị xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 13: Cán bộ, nhân viên của Trạm khi thi hành nhiệm vụ nếu vi phạm pháp luật thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương 7:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Đíều 14: Điều khoản thi hành.
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh có Trạm Kiểm soát liên hợp chịu trách nghiện chỉ dạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Trạm. Quá trình thực hiện Quy chế này nếu có khó khăn, vướng mắc, Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo đề xuất kịp thời về Ban Chỉ đạo 127-TW để bổ sung, điều Chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Trưởng, Phó Trạm và các cán bộ của trạm kiểm soát liên hợp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định được ban hành tại Quy chế này.
3. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quy chế số 07/1998/QĐ-853 ngày 12 tháng 6 năm 1998 của Ban chỉ đạo 853 TW.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.