BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 911/QĐ-TCTS-VP | Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC KIỂM NGƯ
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỦY SẢN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư;
Căn cứ Quyết định số 27/2017/QĐ-TTg ngày 03/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 2903/QĐ-BNN-TCCB ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho Tổng cục trưởng, Cục trưởng ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc các Tổng cục, Cục;
Căn cứ ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về dự thảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản tại văn bản số 7232/BNN-TCCB ngày 30 tháng 8 năm 2017;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm ngư và Chánh Văn phòng Tổng cục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Cục Kiểm ngư là tổ chức thuộc Tổng cục Thủy sản, có chức năng tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản quản lý nhà nước chuyên ngành về kiểm ngư; thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Cục Kiểm ngư có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng. Kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
3. Tại sở của Cục Kiểm ngư đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản:
a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế, chính sách và các văn bản khác về kiểm ngư theo phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;
b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm; các chương trình, dự án, đề án, công trình thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;
c) Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy phạm kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.
2. Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Cục.
3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục; hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản.
4. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án thuộc phạm vi quản lý của Cục.
5. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.
6. Thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra trong lĩnh vực kiểm ngư theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
8. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.
9. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản.
10. Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cún nạn; trực đường dây nóng những vấn đề đột xuất, phát sinh nghề cá trên biển; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
11. Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.
12. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy sản theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
13. Khai thác, thu thập, tổng hợp, xử lý, cung cấp thông tin phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực Kiểm ngư.
14. Xây dựng và phát triển lực lượng Kiểm ngư theo quy định; chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu Kiểm ngư.
15. Phối hợp với các lực lượng tuần tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các Bộ, ngành và địa phương trong việc trao đổi thông tin, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.
16. Tổ chức thực hiện lệnh điều động lực lượng và phương tiện trong những trường hợp khẩn cấp, cần thiết được pháp luật quy định.
17. Thực hiện nhiệm vụ công tác cơ yếu, bảo mật thông tin về hoạt động kiểm ngư theo quy định pháp luật.
18. Quản lý tàu kiểm ngư; trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ Kiểm ngư viên; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính của Kiểm ngư; phương tiện thông tin liên lạc chuyên dùng; phương tiện, thiết bị đặc thù; vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ hoạt động của Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.
19. Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính; thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực được giao.
20. Xây dựng Đề án vị trí việc làm; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức và người lao động; thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ, thi đua, khen thưởng, kỷ luật theo quy định pháp luật và phân cấp của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.
21. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật.
22. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Cục Kiểm ngư:
a) Cục Kiểm ngư có Cục trưởng và không quá 03 Phó cục trưởng; các Phòng có Trưởng phòng, Phó trưởng phòng; các Chi cục có Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng; Trung tâm có Giám đốc Trung tâm, Phó Giám đốc Trung tâm.
b) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Cục Kiểm ngư theo quy định của pháp luật và phân cấp thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.
c) Cục trưởng ban hành Quy chế làm việc của Cục, điều hành hoạt động của Cục, chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và trước pháp luật về hoạt động của Cục. Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số nhiệm vụ theo phân công và ủy quyền của Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.
2. Các tổ chức tham mưu:
a) Văn phòng Cục;
b) Phòng Tổ chức và xây dựng lực lượng;
c) Phòng Kế hoạch, Tài chính;
d) Phòng Chỉ huy nghiệp vụ;
đ) Phòng Hợp tác quốc tế.
3. Các Chi cục trực thuộc:
a) Chi cục Kiểm ngư Vùng I, trụ sở tại thành phố Hải Phòng;
b) Chi cục Kiểm ngư Vùng II, trụ sở tại thành phố Đà Nẵng;
c) Chi cục Kiểm ngư Vùng III, trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa;
d) Chi cục Kiểm ngư Vùng IV, trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
đ) Chi cục Kiểm ngư Vùng V, trụ sở tại tỉnh Kiên Giang.
4. Đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Thông tin Kiểm ngư.
Các tổ chức quy định tại khoản 2 là các tổ chức tham mưu giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Kiểm ngư.
Các tổ chức quy định tại khoản 3 là các tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu và trụ sở riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ chức quy định tại khoản 4 là tổ chức sự nghiệp phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Cục Kiểm ngư, có tư cách pháp nhân, có con dấu và trụ sở riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức quy định tại khoản 2 điều này sau khi có văn bản thẩm định của Tổng cục Thủy sản; trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức tại khoản 3, khoản 4 điều này.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành, thay thế Quyết định số 5348/QĐ-BNN-TCCB ngày 15/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm ngư trực thuộc Tổng cục Thủy sản.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Tổng cục, Cục trưởng Cục Kiểm ngư và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.