ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 910/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 5 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐIỂM BƯU ĐIỆN VĂN HÓA XÃ, GIAI ĐOẠN 2013 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG 2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định 119/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ các quy định của Pháp luật hiện hành có liên quan khác;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 233/TTr-STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2015, định hướng 2020” với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Bưu chính, viễn thông là ngành kinh tế thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, là công cụ đắc lực phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhu cầu của quần chúng nhân dân.
2. Việc phát triển các điểm Bưu điện văn hóa xã góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, miền núi. Xây dựng điểm Bưu điện văn hóa xã trở thành một thiết chế văn hoá đặc biệt ở nông thôn, góp phần đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay.
3. Điểm Bưu điện văn hóa xã cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Công nghệ thông tin là một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt xã đạt chuẩn nông thôn mới.
4. Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã cần thực hiện tập trung, thống nhất, đồng bộ và lồng ghép với các đề án, chương trình, dự án khác có liên quan, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới để đạt được các mục tiêu đề ra với hiệu quả cao.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã; cụ thể hóa tiêu chí thứ 8 tại Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để chỉ đạo phát triển bưu chính, viễn thông thống nhất, đồng bộ với quy hoạch của các ngành trong tỉnh; đảm bảo đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông đạt hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ văn hóa, thông tin, bưu chính, viễn thông và internet công cộng tại vùng nông thôn, miền núi, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2015:
- Phấn đấu xây dựng thí điểm 10 mô hình Trung tâm Thông tin và Truyền thông tại cộng đồng làm cơ sở để nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.
- Đầu tư kinh phí, trang cấp các trang thiết bị tại 27 điểm Bưu điện văn hóa xã (trong đó có 10 mô hình Trung tâm thông tin và truyền thông tại cộng đồng) với các chỉ tiêu sau:
+ Phấn đấu nâng tổng số đầu sách phục vụ bình quân/điểm lên: 500 quyển;
+ Phấn đấu nâng tổng số người đọc sách, báo bình quân tại mỗi điểm Bưu điện văn hóa xã/mỗi ngày từ 10 đến 20 lượt người (gấp 2 đến 5 lần so với hiện tại);
+ Phấn đấu 27 điểm Bưu điện văn hóa xã có đường truyền được kết nối internet và được trang bị 04 bộ máy vi tính PC và đường truyền ADSL để truy cập internet;
+ Phấn đấu nâng cao mức thù lao bình quân của nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã lên khoảng từ 1.650.000 đồng đến 2.100.000 đồng người/ điểm/tháng; tùy vị trí các điểm Bưu điện văn hóa xã thuộc địa bàn nào để áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành;
- Phấn đấu nâng tổng doanh thu trung bình một điểm Bưu điện văn hóa xã lên từ 2.000.000 đến 3.500.000 đồng/tháng (gấp 2,5 đến 4 lần so với hiện tại).
b) Định hướng đến năm 2020:
- Tiếp tục nhân rộng mô hình và phát triển bền vững các điểm Bưu điện văn hóa xã trở thành điểm tựa trong các hoạt động thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu khoảng 60% điểm BĐVHX sẽ đạt chuẩn. Đây là những điểm BĐVHX theo mô hình Trung tâm truyền thông tại cộng đồng, gắn liền với các thiết chế văn hóa, thông tin tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Đề xuất Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đầu tư mới hoàn toàn 45/111 điểm Bưu điện văn hóa xã còn lại theo hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển của viễn thông và công nghệ thông tin vào cuối năm 2020.
- Triển khai và tiến hành nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại.
- Phấn đấu triển khai hoàn thành việc ứng dụng công nghệ tự động hóa cấp tỉnh, thành phố, huyện, trung tâm thị trấn, thị tứ… khâu chia chọn được tự động hóa trong toàn tỉnh do trung tâm chia chọn thực hiện. Ứng dụng tin học hóa cấp bưu cục, điểm phục vụ, điểm BĐVHX.
III. ĐỊA BÀN TRIỂN KHAI
1. Giai đoạn đến 2015: 27 xã (phụ lục kèm theo).
2. Giai đoạn đến 2020: các điểm còn lại.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Củng cố cơ sở vật chất đảm bảo duy trì hoạt động các điểm Bưu điện văn hóa xã:
a) Trên cơ sở hạ tầng hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã hiện có, lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo cơ sở hạ tầng điểm Bưu điện văn hóa xã đạt các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng điểm cung ứng dịch vụ bưu chính và viễn thông theo tiêu chí nông thôn mới về thông tin và truyền thông. Quán triệt việc đảm bảo điều kiện về hạ tầng cơ sở, mặt bằng, nhân viên... để đảm bảo việc tiếp nhận dự án và phát huy hiệu quả của dự án sau khi nhận bàn giao.
b) Hàng năm, xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện công tác sửa chữa, đảm bảo các điểm Bưu điện văn hóa xã hoạt động bình thường. Thực hiện đầu tư mới các trang thiết bị cung ứng dịch vụ cơ bản tại các điểm Bưu điện văn hóa xã để phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Đầu tư mới các trang thiết bị như máy tính, đường truyền internet phục vụ nhu cầu đọc sách, báo qua mạng internet, tra cứu, tìm hiểu thông tin và giải trí của người dân.
c) Xây dựng lộ trình và kế hoạch cụ thể để đưa internet băng thông rộng về tới các điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
2. Đào tạo, tuyển chọn nhân lực:
a) Nhân viên tại các điểm Bưu điện văn hóa xã phải có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hoá, nghiệp vụ. Hàng năm, nhân viên các điểm Bưu điện văn hóa xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, kiến thức pháp luật, kiến thức về thư viện… để nâng cao hiệu quả phục vụ.
b) Xây dựng, ban hành chương trình tập huấn nghiệp vụ bán hàng, nghiệp vụ thư viện, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân viên Bưu điện văn hóa xã. Tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm nhằm nâng cao hoạt động bán hàng tại địa bàn.
3. Cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin:
a) Để tạo thuận lợi cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, ngoài việc thực hiện cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông theo các tiêu chí nông thôn mới, tại các điểm Bưu điện văn hóa xã nghiên cứu mở thêm các dịch vụ bưu chính, viễn thông như: Thư chuyển tiền, Điện chuyển tiền, Fax công cộng, thu cước điện thoại, bán Cardphone, Vinacard, EMS thỏa thuận, internet công cộng, dịch vụ truyền hình trả tiền, dịch vụ chi trả bảo hiểm xã hội...
b) Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ để người dân có thể tiếp cận và làm quen với các thiết bị công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ về truy cập và tra cứu thông tin trên internet.
c) Tiếp tục duy trì thời gian phục vụ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích ban hành kèm theo Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT ngày 12 tháng 11 năm 2008 của Bộ Thông tin và Truyền Thông tại các điểm giao dịch tối thiểu 4 giờ/ngày làm việc để đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người dân.
4. Xây dựng điểm Bưu điện văn hóa xã thành điểm thiết chế văn hóa:
a) Tiếp tục định hướng phát triển các điểm Bưu điện văn hóa xã thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân; là nơi để người dân đến đọc sách báo miễn phí, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, qua mạng internet, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
b) Các điểm Bưu điện văn hóa xã tiếp tục là đơn vị thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở theo Quyết định số 435/QĐ-BTTTT ngày 06 tháng 9 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền Thông về việc phê duyệt dự án “Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo”.
5. Tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân địa phương:
a) Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước như: Phối hợp với UBND các xã tổ chức tốt các đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các kỳ Đại hội Đảng, là nơi tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đóng góp vào các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
b) Cung cấp đầy đủ các loại báo Đảng, Báo Quân đội nhân dân, Báo Thừa Thiên Huế, công báo… để nhân dân địa phương đến đọc hàng ngày, tiếp tục phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế chuyển báo về các chi bộ thôn, xã theo hợp đồng đã ký kết.
6. Nâng cao thu nhập cho lao động tại Bưu điện văn hóa xã:
a) Áp dụng cơ chế chi trả mới để ổn định tư tưởng người lao động và tạo động lực phát triển kinh doanh theo Quyết định số 803/QĐ-BCVN ngày 29 tháng 12 năm 2009 của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ cho nhân dân trong khu vực.
b) Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích tăng trưởng doanh thu, giao chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, doanh thu; đưa các dịch vụ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương vào các điểm Bưu điện văn hóa xã và quy định mức chi hoa hồng một số dịch vụ ngoài các dịch vụ bắt buộc.
c) Nghiên cứu để có sự hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho nhân viên tại các điểm Bưu điện văn hóa xã, góp phần động viên tinh thần nhân viên yên tâm công tác và phục vụ hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
7. Phối hợp với các ngành trong tỉnh và các chương trình của Chính phủ:
a) Nghiên cứu, phát triển nội dung thông tin phù hợp, hữu ích và đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn để thiết kế, xây dựng trang thông tin nông thôn trên internet; đồng thời, hỗ trợ đào tạo việc ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân viên các điểm Bưu điện văn hóa xã.
b) Xây dựng cơ chế điều phối và triển khai thực hiện các dự án liên quan phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các điểm Bưu điện văn hóa xã.
c) Tiếp tục đẩy mạnh phong trào quyên góp sách, báo, các ấn phẩm văn hóa, đặc biệt là sách thiếu nhi cho trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách Trung ương (Chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam....).
2. Ngân sách địa phương (được cấp hàng năm theo quy định hiện hành đảm bảo việc thực hiện Đề án với các nội dung tại Quyết định này).
3. Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh dự án nâng cấp hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã để phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tham mưu các văn bản quy định về quản lý hoạt động điểm Bưu điện văn hoá xã.
b) Phối hợp với Bưu điện tỉnh nghiên cứu xây dựng văn bản phối hợp chỉ đạo tổ chức hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã.
c) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bưu điện tỉnh khảo sát và đề xuất xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các hình thức hoạt động văn hóa tại các điểm Bưu điện văn hóa xã.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã và thành phố, các Hội, đoàn thể ở địa phương xây dựng quy chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho điểm Bưu điện văn hóa xã hoạt động ổn định, bền vững; phối hợp tham gia phát triển một số hoạt động thiết thực nhằm thu hút người dân đến sử dụng các dịch vụ tại điểm Bưu điện văn hóa xã; vận động sự hỗ trợ, tài trợ từ các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể ở địa phương hoặc từ các chương trình đầu tư trong nước, quốc tế về khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, khuyến học, xoá đói giảm nghèo,... để bổ sung nguồn sách báo, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cho điểm Bưu điện văn hóa xã; tuyên truyền và phát động phong trào quyên góp ủng hộ chương trình phát triển các điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ nhân dân ở các khu vực nông thôn và miền núi.
đ) Tổ chức tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân viên các điểm Bưu điện văn hóa xã và cán bộ phụ trách xã, phường trên địa bàn tỉnh.
e) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan làm việc cụ thể với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư về kinh phí thực hiện Đề án (phần ngân sách địa phương), trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
g) Chủ trì triển khai thực hiện Đề án tại 27 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới ngành thông tin và truyền thông, thực hiện việc lồng ghép mô hình điểm Bưu điện văn hóa xã vào chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
h) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh chủ động làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Viễn thông, Tổng Công ty Bưu điện... để đề nghị hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các điểm Bưu điện văn hóa xã.
i) Hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh việc triển khai thực hiện Đề án.
2. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch:
a) Tham mưu tăng nguồn kinh phí cho thư viện để đảm bảo đủ đầu sách luân chuyển về điểm Bưu điện văn hóa xã. Xây dựng kế hoạch cấp, tặng một số sách, báo, tạp chí cho các điểm Bưu điện văn hóa xã.
b) Biên soạn tài liệu và tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, văn hoá thông tin cơ sở... cho các nhân viên làm việc tại các điểm Bưu điện văn hóa xã.
c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh nghiên cứu xây dựng văn bản liên tịch chỉ đạo tổ chức hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã và xây dựng các chương trình hoạt động văn hoá thông tin cơ sở tại các điểm Bưu điện văn hóa xã.
d) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh chủ động làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện Quốc gia... để đề nghị hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các điểm Bưu điện văn hóa xã.
đ) Chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp tại các điểm Bưu điện văn hóa xã để phục vụ nhân dân.
3. Sở Tư pháp:
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình luân chuyển sách pháp luật phổ thông về điểm Bưu điện văn hóa xã để phục vụ đông đảo cán bộ và nhân dân theo Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị xã chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hiệu quả Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn.
4. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Nghiên cứu, xây dựng nội dung các trang Web về khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm áp dụng vào sản xuất; cung cấp trên trang Web các thông tin về sản xuất, thị trường nông, lâm, thuỷ sản (trong nước, quốc tế, địa phương), giá vật tư, phân bón, thuốc thú ý, bảo vệ thực vật, giá cây giống, con giống, thông tin về các tổ chức doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ nông sản… đáp ứng nhu cầu thông tin của người nông dân trong việc trồng trọt, chăn nuôi.
b) Tổ chức lồng ghép các nguồn lực trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc triển khai Đề án theo nội dung đã được phê duyệt.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Xây dựng các nội dung, chương trình phổ cập giáo dục, các chương trình đào tạo từ xa để đưa lên các trang Web phục vụ nhân dân, nhất là các tầng lớp học sinh, sinh viên đến các điểm Bưu điện văn hóa xã tìm hiểu thông tin trên mạng internet, góp phần phát triển giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
6. Đề nghị các tổ chức đoàn thể:
a) Tuyên truyền, vận động hội viên đến điểm Bưu điện văn hóa xã để tìm hiểu các thông tin phục vụ phát triển kinh tế.
Triển khai thực hiện chương trình phối hợp với VNPT đưa các dịch vụ viễn thông về với nông thôn. Tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng internet cho cán bộ, hội viên.
b) Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cấp huyện, các tổ chức trực thuộc phối hợp với Bưu điện tỉnh phát động phong trào quyên góp sách ủng hộ thiếu niên, nhi đồng cho vùng nông thôn, vận động các đoàn viên, hội viên các cháu thiếu nhi nông thôn đến điểm Bưu điện văn hóa xã để đọc sách. Đẩy mạnh các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, phổ cập tin học và internet.
Hợp tác với VNPT tổ chức tại điểm Bưu điện văn hóa xã triển khai tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, truy cập internet, tư vấn nghề nghiệp, việc làm, sinh hoạt cho thanh, thiếu niên và hội viên.
7. Sở Tài chính:
a) Nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ từ nguồn ngân sách tập trung hoặc các khoản tín dụng ưu đãi để phát triển mạng lưới và các dịch vụ thông tin, truyền thông tại các xã đặc biệt khó khăn.
b) Phối hợp tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện Đề án theo quy định của Pháp luật; đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện hồ sơ, thủ tục và thanh quyết toán theo đúng quy định.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp với Sở Tài chính tham mưu bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án; tham mưu lồng ghép kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai các nội dung của Đề án.
9. UBND các huyện, thị xã và thành phố:
a) Chỉ đạo UBND xã, thị trấn, các phòng, ban chức năng phối hợp các đơn vị liên quan quy hoạch quỹ đất, đảm bảo an ninh, con người phục vụ tại điểm Bưu điện văn hóa xã.
b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án.
10. Đề nghị Bưu điện tỉnh:
a) Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh cơ chế, mức thù lao hợp lý và chế độ hoa hồng năng động, đặc thù cho các sản phẩm hàng hoá dịch vụ từ việc kinh doanh các dịch vụ bưu chính, viễn thông và các chế độ (trang bị bảo hộ lao động, chăm sóc sức khoẻ, khen thưởng...) nhằm đảm bảo quyền lợi cho người làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã. Có chính sách hỗ trợ việc phục vụ công ích; xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết với các ngành khác…
Nghiên cứu mở các dịch vụ mới có chất lượng tại các điểm Bưu điện văn hóa xã có điều kiện, khả năng cung cấp, kết hợp cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và các dịch vụ khác nhằm tạo thêm doanh thu.
b) Phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tổ chức nhân sự, việc quản lý và vận hành các hoạt động tại điểm Bưu điện văn hóa xã như: Tổ chức sản xuất, kinh doanh, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị, an ninh, văn hoá, quan hệ hợp tác, xem xét việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đối tượng này.
Tích cực chỉ đạo và hỗ trợ hiệu quả cho Bưu điện huyện, thị xã, thành phố trong việc duy trì và phát triển các hoạt động tại các điểm Bưu điện văn hóa xã nhằm thực hiện tốt việc cung ứng dịch vụ thông tin và truyền thông công ích.
c) Nâng cấp, sửa chữa, sửa đổi thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và mở rộng hoạt động kinh doanh. Đầu tư thêm các thiết bị mới như: máy in, máy fax, modem ADSL, bàn, ghế, tủ sách, quầy hàng,... và các trang thiết bị cần thiết cho các loại hình dịch vụ gia tăng, dịch vụ ngoài ngành.
d) Thường xuyên làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho các hoạt động của điểm Bưu điện văn hóa xã.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các sai phạm về hoạt động tại các điểm Bưu điện văn hóa xã.
đ) Tăng cường phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, các tổ chức, đoàn thể, các hiệp hội,… để bổ sung nguồn đầu tư cơ sở vật chất và các chương trình phối hợp tại các điểm Bưu điện văn hóa xã. Có cơ chế chính sách thu hút nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin khác cùng tham gia xây dựng và phát triển các điểm Bưu điện văn hóa xã.
11. Các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để chủ động phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư Pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, Bưu điện tỉnh và các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
Ban hành kèm theo Quyết định số 910/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án“Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã, giai đoạn 2013 - 2015, định hướng 2020”
1. Danh sách 27 xã được chọn thực hiện đề án giai đoạn 2013 - 2015
TT | Huyện, thị xã, thành phố | Số xã | Danh sách xã |
1 | Nam Đông | 8 | Hương Giang, Hương Lộc, Hương Hòa, Hương Phú, Hương Sơn, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Lộ |
2 | A Lưới | 2 | Nhâm, Hương Phong |
3 | Phong Điền | 2 | Phong Mỹ, Phong An |
4 | Quảng Điền | 7 | Quảng Phú, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Lợi, Quảng Thành |
5 | Hương Trà | 2 | Hương Bình, Hương Vinh |
6 | Hương Thủy | 2 | Thủy Thanh, Thủy Bằng |
7 | Phú Vang | 2 | Phú Hồ, Phú Thanh |
8 | Phú Lộc | 2 | Vinh Hưng, Lộc An |
| Cộng | 27 | (Hai mươi bảy xã) |
2. Danh sách 10 xã được chọn xây dựng mô hình điểm Trung tâm Thông tin và Truyền thông tại cộng đồng giai đoạn 2013 - 2015
TT | Huyện, thị xã, thành phố | Số xã | Danh sách xã |
1 | A Lưới | 1 | Nhâm |
2 | Hương Thủy | 1 | Thủy Bằng |
3 | Hương Trà | 1 | Hương Bình |
4 | Nam Đông | 2 | Thượng Quảng, Thượng Lộ |
5 | Phong Điền | 1 | Phong Mỹ |
6 | Phú Lộc | 1 | Lộc An |
7 | Phú Vang | 1 | Phú Thanh |
8 | Quảng Điền | 2 | Quảng Phước, Quảng Lợi |
| Cộng | 10 | (Mười xã) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.