HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 91-CP | Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1964 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY VÙNG TRỒNG CÓI
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Cói là một loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, cần nhiều cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong mấy năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã chú ý khuyến khích và giúp đỡ cho nhân dân phát triển sản xuất cói. Diện tích, sản lượng cói đã được phục hồi và phát triển nhanh chóng.
Năm 1960 so với năm 1940 là năm mà sản xuất cói phát triển cao nhất hồi Pháp thuộc thì diện tích tăng 50%, sản lượng tăng 148%. Tuy nhiên, việc sản xuất cói chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và của xuất khẩu và chưa khai thác hết khả năng phong phú của ta. Kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc còn kém, nhiều nơi giống xấu, do đó diện tích phát triển khá, nhưng năng suất còn thấp. Việc thu hoạch, cắt, chẻ cói còn gặp nhiều khó khăn cho nên chưa tận dụng được cói. Việc thu mua cói tuy có nhiều cố gắng và tiến bộ, sản lượng cói Nhà nước thu mua được mỗi năm mỗi tăng, nhưng cũng còn nhiều chỗ chưa hợp lý.
Để khắc phục tình trạng nói trên, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất cói, bảo đảm cung cấp cho nhu cầu của nhân dân và của xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Hội đồng Chính phủ quy định quy vùng trồng cói và ban hành kèm theo những chính sách khuyến khích sản xuất cói như sau:
I. PHƯƠNG HƯỚNG SẢN XUẤT CÓI TRONG NHỮNG NĂM TỚI
- Một mặt phát triển thêm diện tích, nhưng mặt khác phải đẩy mạnh việc cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc để tăng năng suất và tăng vụ để nâng cao sản lượng, bảo đảm phẩm chất tốt, độ bền cao.
- Phát triển trồng cói ở bãi sông, bãi bể, ổn định hoặc thu hẹp dần dần diện tích cói ở những ruộng trồng được hai vụ lúa.
Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải dần dần quản lý việc sản xuất cói để có điều kiện bố trí sản xuất hợp lý và cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cói, nâng cao năng suất, phẩm chất cói.
II. QUY VÙNG TẬP TRUNG TRỒNG CÓI
Tỉnh Thái Bình, tập trung trồng ở các huyện Thụy Anh, Tiền Hải, Thái Ninh và các vùng cói nhỏ thuộc các huyện Phụ Dực, Quỳnh Côi và Đông Quan…
Tỉnh Nam Định, đắp đê Giao Thủy để khai thác bãi hoang thuộc các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Long, quai đê nhỏ ở ven sông Ninh Cơ ở Nghĩa Hưng và quy vùng nhỏ ở các vùng cói xen lúa ở các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Tỉnh Ninh bình, quai đê nhỏ để trồng cói và củng cố các diện tích mới phát triển ở huyện Kim Sơn.
Tỉnh Hải Dương, một số xã thuộc các huyện Tứ Kỳ, Kim Môn, Nam Sách.
Thành phố Hải Phòng: trồng ở các bãi sông Hóa, sông Văn Úc, sông Thái Bình thuộc các xã Chấn Hưng, Kiến Thiết, Chấn Dương, Hòa Bình.
Tỉnh Quảng Ninh, một số xã thuộc các huyện Đông Triều, Yên Hưng.
Tỉnh Hà Tĩnh, một số xã thuộc các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Kỳ Anh.
Tỉnh Quảng Bình, một số xã thuộc các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch.
Tỉnh Nghệ An, một số xã thuộc các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.
Tỉnh Thanh Hóa, một số xã thuộc các huyện Nga Sơn. Quảng Xương, Tĩnh Gia.
Các tỉnh từ bắc Thanh Hóa trở ra chú trọng củng cố, tăng năng suất cói là chính và mở rộng diện tích ở những nơi có điều kiện mà không lấn diện tích lúa, các tỉnh từ Nam Thanh Hóa trở vào phải hết sức chú ý mở rộng diện tích đi đôi với việc tăng năng suất.
III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT
Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, cắt chẻ cói. Phải chú trọng hướng dẫn việc thay giống, làm cỏ, bón phân cho cói để tăng năng suất, tăng vụ, nâng cao sản lượng và phẩm chất cói. Phải bảo đảm cung cấp đủ số phân hóa học theo kế hoạch cho vùng trồng cói, phân phối số phân đó cho ngành nông sản để phân phối thẳng cho những hợp tác xã trồng cói. Phải tăng cường cán bộ kỹ thuật trồng cói cho các tỉnh trồng nhiều cói. Phải nghiên cứu hướng dẫn cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp về việc quản lý sản xuất cói.
Bộ Nông trường có trách nhiệm củng cố và phát triển cói ở hai nông trường Rạng Đông, Bình Minh, đồng thời nghiên cứu kỹ thuật trồng và chế biến cói để phổ biến kinh nghiệm cho các nơi.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn về việc cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay vốn để đắp đê khoanh vùng trồng cói, mua công cụ cải tiến, phân bón, làm sân phơi cói…
Tổng cục Lương thực có trách nhiệm hướng dẫn đảm bảo cung cấp lương thực cho vùng trồng cói theo đúng chính sách cung cấp lương thực cho nhân dân vùng trồng cây công nghiệp mà Nhà nước đã ban hành.
Văn phòng Tài chính thương nghiệp Phủ Thủ tướng phải chủ trì cùng Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương có kế hoạch thống nhất việc thu mua cói vào một ngành hoặc quy định vùng thu mua giữa Nội thương và Ngoại thương cho hợp lý, tránh vận chuyển vòng quanh. Phải điều chỉnh giá gia công chiếu giữa hai ngành, điều chỉnh chênh lệch giá thu mua giữa cói dài và cói ngắn cho hợp lý. Phải có giá thu mua khuyến khích riêng cho vùng trồng cói có phẩm chất tốt, kỹ thuật cắt chẻ cao để khuyến khích các hợp tác xã nâng cao phẩm chất cói.
Phải bảo đảm cung cấp đủ nứa, lá cho vùng trồng cói để làm lán cất cói.
Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc quy vùng trồng cói, chỉ đạo sản xuất, thu mua, cắt chẻ cói và đảm bảo thi hành đúng các chính sách của Nhà nước đã ban hành.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.