ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 903/QĐ-UBND | Bắc Kạn, ngày 29 tháng 4 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH Y TẾ TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Đề án số: 02-ĐA/TU ngày 22/7/2009 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2009-2015; Kế hoạch số: 77-KH/TU ngày 22/7/2009 của Tỉnh ủy Bắc Kạn thực hiện Đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2009-2015;
Căn cứ Quyết định số 2541/2008/QĐ-UB ngày 05/12/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế tỉnh Bắc Kạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 312/TTr-SYT ngày 13/4/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2009-2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHƯƠNG TRÌNH
ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH Y TẾ TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 903/QĐ-UBND ngày 29/4/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
A. MỤC TIÊU VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
I. CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
- Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
- Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2006 - 2010.
- Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 tầm nhìn đến 2020.
- Quyết định số 2541/2008/QĐ-UB ngày 05/12/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế tỉnh Bắc Kạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
- Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khoá IX.
- Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế-Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước.
- Quyết định số: 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế bệnh viện.
- Căn cứ thực trạng cán bộ ngành Y tế hiện nay và dự kiến cán bộ y tế giai đoạn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
- Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế, nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Trang bị nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về y tế.
2. Các chỉ tiêu cụ thể:
2.1. Đối với công chức hành chính:
Trang bị kiến thức theo tiêu chuẩn quy định cho 100% công chức lãnh đạo quản lý, công chức các ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự.
Đào tạo nâng cao khả năng ứng dụng tin học trong công việc, đáp ứng với sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
2.2. Đối với viên chức tại các đơn vị sự nghiệp:
- Đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị và quản lý nhà nước cho đội ngũ lãnh đạo các đơn vị, trưởng các khoa, phòng, trưởng trạm Y tế. Phấn đấu đến năm 2015, 90% lãnh đạo trưởng, phó các đơn vị được đào tạo về lý luận chính trị và quản lý nhà nước.
- Tăng cường đào tạo sau đại học cho các trưởng phó khoa, phòng nhất là các bác sỹ tại tuyến huyện. Phấn đấu đến năm 2015, 100% lãnh đạo các đơn vị, 100% trưởng khoa ở bệnh viện đa khoa tỉnh, 70% các trưởng khoa ở bệnh viện huyện có trình độ sau đại học.
- Đào tạo được nhân lực chất lượng cao cho một số chuyên khoa mũi nhọn như: Tim mạch, chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức, truyền nhiễm, y học dự phòng, phụ sản, nhi… để bồi dưỡng thành chuyên viên, chuyên gia đầu ngành của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 toàn ngành có 30 chuyên khoa cấp II các chuyên ngành và cử 02 đến 05 cán bộ đi đào tạo tiến sỹ.
- Đào tạo bác sỹ chuyên tu, cử tuyển cho tuyến xã để đến năm 2015: 100% các xã có bác sỹ hoặc có Y sỹ đi học bác sỹ chuyên tu.
- Tăng cường đào tạo dược sỹ đại học và cử nhân điều dưỡng. Phấn đấu đến năm 2015, 95% trưởng phòng điều dưỡng các bệnh viện, điều dưỡng trưởng khoa thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh và 40% điều dưỡng trưởng khoa các bệnh viện huyện có trình độ cử nhân điều dưỡng, mỗi huyện có ít nhất 2 -> 3 dược sỹ đại học.
- Ứng dụng được kỹ thuật, công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng. Chú trọng hình thức đào tạo theo kíp thực hiện các kỹ thuật chuyên môn.
- Tiếp tục đào tạo nhân viên Y tế thôn bản có trình độ sơ học.
- Thường xuyên tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ Y tế, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ y tế đạt chuẩn qui định cho từng chức danh trong hệ thống tổ chức ngành y tế của tỉnh ở thời điểm đến 2015.
2.3. Về tạo nguồn cán bộ:
- Tăng cường đào tạo nguồn bác sỹ, dược sỹ đại học đáp ứng số lượng cán bộ, nhân viên y tế đủ cho các chức danh trong hệ thống tổ chức ngành y tế theo qui định của nhà nước và Bộ Y tế.
Đặc biệt đảm bảo đủ biên chế cán bộ các chuyên khoa và nhân viên cho Bệnh viện đa khoa 500 giường, các Bệnh viện huyện, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trường Trung cấp Y tế và bác sỹ cho tuyến xã.
- Tiếp tục đào tạo nguồn cán bộ có trình độ Trung học y tế các chuyên ngành, phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo cơ cấu và số lượng cán bộ theo định mức.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Để thực hiện có hiệu quả và đạt được các mục tiêu chương trình đề ra, cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây :
1. Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ Y tế. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực Y tế, trọng tâm là các quan điểm.“… Sức khỏe là vốn quí nhất của mỗi con người và toàn xã hội; Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp đảm bảo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đầu tư cho Y tế là đầu tư phát triển, là một trong các chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng ta; Nghề Y là một nghề lao động đặc biệt…” (Tinh thần Nghị quyết 46/NQ-TW ngày 23-02-2005 của Bộ Chính trị). Trên cơ sở đó nắm vững đối tượng, nhu cầu, chủ trương, phương pháp và nội dung đào tạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, dân chủ, công khai đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo chất lượng đào tạo. Hết sức chú ý phẩm chất đạo đức trong lựa chọn cán bộ đào tạo đặc biệt là lựa chọn cán bộ nguồn cho các chức danh.
2. Tranh thủ, lồng ghép các nguồn lực : Đảm bảo tài chính cho hoạt động đào tạo từ Ngân sách nhà nước, sự hỗ trợ của dự án, các cơ sở liên kết đào tạo…và sử dụng kinh phí đào tạo có hiệu quả. Cụ thể :
- Đào tạo cán bộ có trình độ cao (Tiến sỹ, chuyên khoa II, thạc sỹ, chuyên khoa I) và đào tạo bác sỹ theo địa chỉ: nguồn kinh phí từ Đề án đào tạo bác sỹ theo địa chỉ giai đoạn 2009-2015 và đào tạo cán bộ có trình độ cao giai đoạn 2009-2015 (Theo quyết định số 3329/2009/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2009 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn) và nguồn lực từ Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh miền núi phía Bắc tỉnh Bắc Kạn và Hỗ trợ phát triển hệ thống Y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn.
- Về đào tạo liên tục, bồi dưỡng chuyên môn: tranh thủ nguồn kinh phí từ Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh miền núi phía Bắc tỉnh Bắc Kạn và Hỗ trợ phát triển hệ thống Y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn.
3. Thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Y tế về công tác đào tạo. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành triển khai công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực đúng hướng. Xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Tăng cường sự phối hợp liên kết với các cơ sở đào tạo, các viện đầu ngành về đào tạo chuyên khoa định hướng, đại học, sau đại học… Tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn (đào tạo cầm tay chỉ việc) của bệnh viện tuyến trên trong quá trình thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế. Bên cạnh đào tạo nâng cao trình độ, đào tạo đại học, sau đại học, tăng cường công tác đào tạo theo từng kíp kỹ thuật, chú trọng các kỹ thuật cơ bản theo tuyến.
5. Quan tâm Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên của Trường trung cấp Y tế Bắc Kạn theo quy định.
6. Thực hiện tốt các chế độ chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các cán bộ tham gia đào tạo bồi dưỡng. Quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với trình độ đào tạo. Đảm bảo Điều kiện, tiêu chuẩn của người được cử đi đào tạo:
6.1. Điều kiện, tiêu chuẩn của người cử đi đào tạo :
Là cán bộ, công chức viên chức thuộc ngành Y tế , có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn có thâm niên công tác theo quy định của Bộ Y tế, Bộ giáo dục và đào tạo được đơn vị cử đi đào tạo.
Riêng đối với đào tạo bác sỹ theo địa chỉ và đào tạo cán bộ có trình độ cao (Tiến sỹ, thạc sỹ, chuyên khoa I, II) theo đề án đào tạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh phải có đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định tại quyết định số 3329/2009/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2009.
6.2. Quyền lợi và trách nhiệm của người được cử đi đào tạo:
Đối với cán bộ viên chức được cơ quan bố trí thời gian, sắp xếp công việc và tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ học tập; Được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác theo quy định.
Các cán bộ được cử đi đào tạo sau khi tốt nghiệp trở lại phục vụ công tác tại đơn vị theo quy định tại Quyết định số: 1306/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành quy định thời gian phục vụ công tác đối với công chức, viên chức sau khi được tuyển dụng, đào tạo và tuân theo sự điều động của Cơ quản chủ quản. Riêng đối với đào tạo bác sỹ theo địa chỉ và thuộc diện đào tạo cán bộ có trình độ cao (tiến sỹ, thạc sỹ, chuyên khoa cấp II…) theo đề án đào tạo của Ủy ban nhân dân tỉnh phải tuân thủ theo quy định tại quyết định số 3329/2009/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2009.
B. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo các loại hình cụ thể theo kế hoạch hàng năm. Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo, viện đầu ngành để đào tạo cán bộ Y tế theo kế hoạch.
2. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Y tế quy hoạch đào tạo, xây dựng chỉ tiêu đào tạo nhân lực ngành Y tế của từng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo dõi kết quả thực hiện theo kế hoạch đào tạo hàng năm; bố trí sử dụng và quản lý nguồn nhân lực đã được đào tạo theo quy hoạch phù hợp, theo các quy định hiện hành.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch kinh phí đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế hàng năm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; huy động, cân đối các nguồn lực thực hiện kế hoạch đào tạo.
4. Sở Tài chính: Cân đối, bố trí ngân sách để triển khai thực hiện chương trình đào tạo trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch hàng năm; giám sát sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động đào tạo.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Y tế trong xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo bác sỹ, dược sỹ cử tuyển và đào tạo theo theo địa chỉ hàng năm.
Trên đây là Chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010 - 2015, yêu cầu Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc các Sở có liên quan triển khai thực hiện./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.