ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 901/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 29 tháng 4 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH THÁI BÌNH, GIAI ĐOẠN 2014-2020”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;
Căn cứ Thông tư số 20/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về tổ chức, quản lý và điều hành chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 174/TTr-SKHCN ngày 17/4/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2014-2020”, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
1.1. Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.
1.2. Các nhiệm vụ của Đề án phải được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020".
1.3. Các cơ quan quản lý nhà nước tạo nền tảng hỗ trợ cho việc nâng cao năng suất và chất lượng. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung:
a) Áp dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b) Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực; nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
Hình thành, thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương.
a) Giai đoạn 2014 - 2015:
- Xây dựng 20 chuyên mục năng suất chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Xây dựng chuyên trang thông tin điện tử về năng suất, chất lượng trên trang Website của Sở Khoa học và Công nghệ, được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (cơ quan thường trực của Chương trình năng suất chất lượng Quốc gia).
- Tổ chức 03 lớp đào tạo về năng suất, chất lượng cho cán bộ các sở, ngành hữu quan và cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp trọng điểm.
- Đào tạo từ 20 đến 25 chuyên gia về năng suất và chất lượng là cán bộ của các sở, ngành.
- Hình thành “Thư viện năng suất, chất lượng” có đầy đủ các tài liệu đáp ứng nhu cầu cần thiết cho các sở, ngành và các doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa.
- Triển khai xây dựng mô hình doanh nghiệp điểm về nâng cao năng suất chất lượng cho 06 doanh nghiệp, thông qua việc hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ, hướng dẫn cho trên 50 doanh nghiệp áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó có trên 30 sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia tương ứng và xây dựng, áp dụng được 30 tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm hàng hóa các loại.
- Hỗ trợ, hướng dẫn 04 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia; 06 doanh nghiệp áp dụng mã số, mã vạch; 06 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu (đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...).
- Hình thành 01 tổ chức đánh giá sự phù hợp (có ít nhất 03 chuyên gia đánh giá); 01 tổ chức tư vấn (có ít nhất 05 chuyên gia tư vấn) trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ 03 phòng thử nghiệm xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/IEC 17025.
- Tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa và đo lường năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của tỉnh.
- Nâng mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh (GDP) lên 30% vào năm 2015.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Xây dựng 60 chuyên mục năng suất, chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Hỗ trợ, hướng dẫn cho trên 120 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng gồm các nội dung: Áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, tích hợp các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến chất lượng.
- Hỗ trợ, hướng dẫn trên 100 doanh nghiệp áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó 100% hàng hóa nhóm 2 (nhóm có khả năng gây mất an toàn) thuộc các lĩnh vực được chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; xây dựng được trên 300 tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm, hàng hóa tương ứng.
- Hỗ trợ, hướng dẫn 15 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia, trong đó có ít nhất 01 doanh nghiệp đạt giải Vàng; 30 doanh nghiệp áp dụng mã số, mã vạch; 30 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu (đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...).
- 40 doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có 20 doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất.
- Duy trì hoạt động của Thư viện năng suất chất lượng, cập nhật thường xuyên các tài liệu đáp ứng nhu cầu cần thiết cho các sở, ngành và các doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa.
- Có ít nhất 60% cán bộ quản lý chủ chốt của doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh được đào tạo, tập huấn về năng suất, chất lượng.
- 03 phòng thử nghiệm được chứng nhận đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.
- Nâng mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh (GDP) lên 35% vào năm 2020.
3. Đối tượng, phạm vi áp dụng:
- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực thuộc các lĩnh vực: Chế tạo cơ kim khí, gia công kim loại; thiết bị điện, điện tử; dệt, may, gia dày; vật liệu xây dựng, thủy tinh, gốm sứ; chế biến nông sản và thủy hải sản; chế biến thực phẩm và đồ uống các loại; sản xuất thuốc, hóa dược, vật tư y tế.
- Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước.
4. Nội dung nhiệm vụ của Đề án
4.1. Hình thành, thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng
a) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất và chất lượng:
- Tuyên truyền, phổ biến về Chương trình năng suất, chất lượng quốc gia, Đề án nâng cao năng suất, chất lượng của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thảo khoa học để tạo nên phong trào năng suất và chất lượng rộng khắp trong tỉnh, thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động nâng cao năng suất chất lượng.
- Xây dựng chuyên trang thông tin điện tử về năng suất, chất lượng trên trang Website của Sở Khoa học và Công nghệ, kết nối với cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (cơ quan thường trực của Chương trình năng suất chất lượng quốc gia).
- Hình thành Thư viện Năng suất Chất lượng, có đầy đủ các thông tin tư liệu, tài liệu cần thiết phục vụ cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp ở địa phương.
b) Hình thành mạng lưới chuyên gia về năng suất chất lượng:
Đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng cho các sở, ngành, làm hạt nhân cho các hoạt động cải tiến nâng cao năng suất chất lượng trong tỉnh và phục vụ các hoạt động quản lý về năng suất, chất lượng của tỉnh.
c) Đào tạo kiến thức nâng cao năng suất chất lượng cho cán bộ nòng cốt của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh.
4.2. Xây dựng mô hình doanh nghiệp điểm nâng cao năng suất, chất lượng
a) Lựa chọn doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, gồm các nội dung:
- Xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến về năng suất chất lượng, các hệ thống quản lý tích hợp, các mô hình hoạt động xuất sắc.
- Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ.
- Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp.
- Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thương hiệu (đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...); hỗ trợ đăng ký sử dụng mã số, mã vạch và tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia.
b) Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp; thăm quan học tập tại một số doanh nghiệp điển hình ở tỉnh ngoài. Tổng kết, rút kinh nghiệm làm cơ sở cho việc nhân rộng các mô hình đạt năng suất chất lượng cao.
4.3. Xây dựng và hình thành tổ chức tư vấn, tổ chức đánh giá sự phù hợp; hỗ trợ xây dựng một số phòng thử nghiệm đạt chuẩn TCVN ISO/IEC 17025.
a) Xây dựng và hình thành 01 tổ chức tư vấn, 01 tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước:
- Đào tạo cán bộ, chuyên gia tư vấn về hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến chất lượng; đào tạo chuyên gia đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và đánh giá chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Thực hiện đăng ký hoạt động tư vấn, hoạt động đánh giá chứng nhận sự phù hợp.
- Xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý và năng lực hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC Guide 65 đối với hoạt động chứng nhận sản phẩm, hàng hóa và tiêu chuẩn ISO/IEC 17021 đối với hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý.
b) Hỗ trợ phòng thử nghiệm:
- Hỗ trợ 03 phòng thử nghiệm xây dựng, áp dụng và được chứng nhận hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu của ISO/IEC 17025 thuộc ngành khoa học, nông nghiệp và y tế.
- Hỗ trợ đầu tư bổ sung các trang thiết bị để mở rộng khả năng thử nghiệm.
4.4. Nhân rộng mô hình doanh nghiệp điểm nâng cao năng suất, chất lượng trên cơ sở các mô hình đạt năng suất chất lượng cao: Hướng dẫn cho trên 200 doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực của tỉnh lập Dự án nâng cao năng suất, chất lượng thuộc nội dung Đề án và triển khai các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp.
4.5. Đánh giá chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; đo lường năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).
a) Đào tạo chuyên gia; lựa chọn và thành lập nhóm chuyên gia đánh giá; xác định các tiêu chí, nội dung đánh giá và tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực ở địa phương theo doanh nghiệp và theo ngành, lĩnh vực.
b) Đào tạo chuyên gia; lựa chọn và thành lập nhóm chuyên gia đánh giá; nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh; tổ chức hoạt động đánh giá các chỉ tiêu về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh.
c) Tổng hợp, phân tích, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố các kết quả đánh giá: Thời gian thực hiện: Chia làm 2 đợt. Đợt 1: Năm 2015; đợt 2: Năm 2020.
(Nhiệm vụ này được thực hiện với sự hỗ trợ một phần trong khuôn khổ Dự án 2 “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình Quốc gia năng suất chất lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện).
5. Một số dự án trọng điểm
5.1. Dự án 1: Hình thành, thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng ở địa phương.
5.2. Dự án 2: Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất và chất lượng.
5.3. Dự án 3: Xây dựng mô hình doanh nghiệp điểm nâng cao năng suất, chất lượng.
5.4. Dự án 4: Xây dựng và hình thành tổ chức tư vấn, tổ chức đánh giá sự phù hợp; hỗ trợ xây dựng một số phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025;
5.5. Dự án 5: Nhân rộng mô hình doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực thuộc các lĩnh vực: dệt may; chế biến nông sản, thực phẩm và chế biến thủy, hải sản; thiết bị điện, điện tử; thủy tinh cao cấp, pha lê, sứ vệ sinh, gạch ốp lát; hàng thủ công mỹ nghệ; dược, vật tư y tế.
5.6. Dự án 6: Đánh giá chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; đo lường năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) ở địa phương tại thời điểm kết thúc giai đoạn I của Đề án.
5.7. Dự án 7: Đánh giá chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; đo lường năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) ở địa phương tại thời điểm kết thúc giai đoạn II của Đề án.
6. Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 đến năm 2020, được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I: 2014-2015; giai đoạn II: 2016 - 2020.
7. Giải pháp thực hiện:
7.1. Giải pháp về tài chính
Kinh phí thực hiện Đề án được huy động từ các nguồn sau:
- Nguồn ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm của tỉnh. Nguồn kinh phí này được chi cho các nhiệm vụ, gồm: Nhiệm vụ hình thành, thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng; hỗ trợ xây dựng mô hình doanh nghiệp điểm nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ nhân rộng mô hình doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng và hình thành tổ chức tư vấn, tổ chức đánh giá sự phù hợp; hỗ trợ xây dựng một số phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025; tổ chức đánh giá chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và đo lường năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) ở địa phương; kinh phí quản lý điều hành Đề án.
Hàng năm, căn cứ vào nội dung các hoạt động cụ thể và số lượng các doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện các nội dung nhiệm vụ thuộc Đề án, Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) lập dự toán kinh phí thực hiện gửi cơ quan chức năng thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc phân bổ và giao dự toán được thực hiện theo quy định quản lý tài chính và phân cấp ngân sách hiện hành.
- Trong các trường hợp cụ thể, kinh phí thực hiện Đề án còn được bố trí thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia và chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
- Nguồn kinh phí hỗ trợ trong khuôn khổ Dự án 2 “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì hàng năm theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nguồn vốn của doanh nghiệp là chủ yếu, để ứng dụng, đổi mới và tiếp thu chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; đầu tư tăng cường năng lực đo lường, thử nghiệm phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ quản lý trong doanh nghiệp; áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp (Vốn tự có, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, vốn tín dụng, vốn khác...).
7.2. Giải pháp về tổ chức và nhân lực
a) Giải pháp về tổ chức:
- Thành lập Ban Điều hành Đề án do đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Trưởng ban, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng làm Phó trưởng ban thường trực, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan làm thành viên.
Ban Điều hành Đề án có trách nhiệm điều phối toàn bộ quá trình thực hiện Đề án; Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan thường trực của Ban Điều hành Đề án, có trách nhiệm giúp Ban Điều hành tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Đề án.
- Trên cơ sở nội dung các nhiệm vụ của Đề án, Ban Điều hành Đề án xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm để tổ chức thực hiện và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Giải pháp về nhân lực:
- Xây dựng mạng lưới các tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
- Đào tạo đội ngũ giảng viên, chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá về năng suất và chất lượng trên địa bàn tỉnh.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt về năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp.
7.3. Áp dụng cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Các cơ chế chính sách áp dụng được thực hiện theo Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước về trợ giúp phát triển các sản phẩm trọng điểm quốc gia, các sản phẩm chủ lực và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Áp dụng một số chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành như: Chính sách khuyến khích hỗ trợ áp dụng các thành tựu Khoa học và Công nghệ vào sản xuất của tỉnh; các Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh....
7.4. Giải pháp về hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế.
- Tham gia các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức trong nước và quốc tế để đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ ngành hữu quan tổ chức.
- Tranh thủ sự hợp tác quốc tế để hỗ trợ tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ cho triển khai các hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Thường xuyên kết nối với Ban Điều hành Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Cơ quan thường trực Ban Điều hành) và Trung tâm năng suất Việt Nam để triển khai các hoạt động cụ thể.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan chủ trì thực hiện Đề án:
1.1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức thực hiện, quản lý và điều hành Đề án.
1.2. Đề xuất thành lập Ban Điều hành Đề án.
1.3. Lập kế hoạch thực hiện Đề án; đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.
1.4. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung hoạt động; xây dựng dự toán kinh phí gửi cơ quan chức năng thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc nội dung Đề án;
1.5. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các dự án năng suất chất lượng của doanh nghiệp;
1.6. Ban hành quyết định thành lập hội đồng xét duyệt nội dung và nghiệm thu các dự án;
1.7. Định kỳ hàng năm, kết thúc giai đoạn 1 của Đề án, kết thúc Đề án (hoặc khi có yêu cầu đột xuất) tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện Đề án với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh.
1.8. Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (cơ quan thường trực của Ban Điều hành) tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Đề án.
2. Sở Tài chính:
2.1. Cử đại diện lãnh đạo tham gia Ban Điều hành Đề án.
2.2. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu việc cân đối, bố trí kinh phí; thẩm định kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; hướng dẫn, quản lý, kiểm tra tình hình sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành đối với các nhiệm vụ của Đề án.
3. Các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:
3.1. Cử đại diện lãnh đạo tham gia Ban Điều hành.
3.2. Cung cấp thông tin và đề xuất các doanh nghiệp tham gia Đề án thuộc lĩnh vực quản lý để Ban Điều hành xem xét lựa chọn.
3.3. Phối hợp triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc ngành quản lý trong các nhiệm vụ thuộc Đề án.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố, Bản tin Khoa học và Công nghệ... có trách nhiệm phối hợp với Ban điều hành trong công tác thông tin tuyên truyền về Đề án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
5. Các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp tham gia Đề án:
5.1. Tổ chức xây dựng Dự án của doanh nghiệp trên cơ sở Đề án, kế hoạch thực hiện Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
5.2. Đảm bảo nguồn lực (kinh phí và nhân lực) của doanh nghiệp, đơn vị đã cam kết, phối hợp với kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ để tổ chức thực hiện dự án có hiệu quả.
5.3. Định kỳ đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo với Ban Điều hành Đề án (qua cơ quan thường trực); kiến nghị các biện pháp thực hiện cho phù hợp với thực tế triển khai tại doanh nghiệp.
5.4. Chuẩn bị các tài liệu, điều kiện cần thiết để phục vụ việc kiểm tra của cơ quan quản lý tình hình thực hiện dự án tại doanh nghiệp, đơn vị.
5.5. Sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện dự án của doanh nghiệp, đơn vị.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc Sở, ngành: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh; Thủ trưởng Đài Truyền thanh các huyện, thành phố; Trưởng Ban Điều hành Đề án và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.