HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 90-CP | Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 1971 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐỘI QUẢN LÝ ĐÊ
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 173-CP ngày 21 tháng 11 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ bảo vệ đê điều ;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi ;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 31 tháng 03 năm 1971.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Đê điều là công trình chống lũ lụt, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước, Việc đắp đê phòng lụt cũng như việc quản lý, bảo vệ đê điều là nhiệm vụ của toàn dân. Uỷ ban hành chính các cấp nhất là các vùng ở ven đê có nhiệm vụ giáo dục, đông viên nhân dân chấp hành điều lệ bảo vệ đê điều, tích cực đắp đê, làm kè, cống; tổ chức đội ngũ hộ đê, canh gác và quản lý đê trong địa phương mình.
Điều 2. – Ngoài cách tổ chức nói trên, nay cho phép ngành thuỷ lợi được tổ chức lực lượng chuyên trách, phụ trách việc quản lý đê, kè, cống trên các tuyến đê xung yếu thuộc trung ương quản lý đặt dưới sự chỉ đạo của Ty, Sở thuỷ lợi. Lực lượng chuyên trách này có nhiệm vụ giúp Ty, Sở thuỷ lợi những việc sau đây :
a) Theo dõi tình hình đê, kè, cống, dòng chảy, bãi bồi… phát hiện những mặt yếu, những nơi bị hư hỏng, xây dựng hồ sơ, lý lịch, đề xuất ý kiến với Ty, Sở thuỷ lợi để có biện pháp xử lý kịp thời ;
b) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, thể lệ bảo vệ đê điều của Nhà nước, ngăn ngừa những vi phạm có phương hại đến đê, kè, cống hoặc làm cản dòng chảy, ảnh hưởng đến việc thoát nước lũ ; kiểm tra đôn đốc, giám sát việc đắp đê, làm kè cống theo đúng quy trình, quy phạm ;
c) Tiếp nhận, bảo quản các loại vật tư dự trữ chống lụt, bão của Nhà nước và của nhân dân đóng góp;
d) Trồng cây, bảo vệ, chăm sóc các loại cây chắn sóng ven đê; tu sửa những hư hỏng nhỏ của đê, kè, cống ; sửa chữa mặt đê v.v…
e) Tổ chức, hướng dẫn đội ngũ nhân dân ở vùng ven đê quản lý, hộ đê, canh gác, bảo vệ đê điều.
Điều 3. – Căn cứ vào nhiệm vụ và sự cần thiết của mỗi tuyến đê, Bộ Thuỷ lợi hướng dẫn các địa phương tổ chức đội quản lý đê một cách hợp lý. Trên các tuyến đê trọng điểm từ 3 đến 4 cây số, cần đặt một người quản lý mà tổng số biên chế không quá 600 người. Mỗi đội là một đơn vị sản xuất, hoạt động theo phương thức hạch toán kinh tế. Các đội viên phải được bồi dưỡng về kỹ thuật và nghiệp vụ và được Nhà nước trang bị đầy đủ công cụ và phương tiện làm việc nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao.
Lực lượng quản lý đê thuộc biên chế Nhà nước do chính quyền địa phương quản lý. Các Bộ Thuỷ lợi, Lao động cùng với Uỷ ban hành chính tỉnh, thành cần chuyển cán bộ, công nhân viên trong biên chế, trước hết những người có trình độ kỹ thuật và có kinh nghiệm hộ đê trong ngành thuỷ lợi, để tổ chức lực lượng này. Quỹ lương và kinh phí hoạt động của đội quản lý đê trong những năm đầu trích trong kinh phí quản lý đê để chi, sau đó phải tiến tới thực hiện từng bước hạch toán kinh tế theo chế độ chung của Nhà nước.
Điều 4. - Bộ Thuỷ lợi có nhiệm vụ quy định tổ chức cụ thể, xây dựng các chế độ, chính sách và cùng với Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn các địa phương thi hành. Bộ Thuỷ lợi có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật và nghiệp vụ cho lực lượng quản lý đê này và trước mắt trực tiếp chỉ đạo một vài nơi để rút kinh nghiệm. Uỷ ban hành chính tỉnh, thành có nhiệm vụ tổ chức lực lượng quản lý đê theo đúng quy định và trực tiếp chỉ đạo lực lượng này ở địa phương mình.
Điều 5. – Các ông Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, Bộ Lao động, Bộ Tài chính, ông Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố có đê chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.