HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 90-CP | Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1964 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ QUY VÙNG TRỒNG CÂY ĂN QUẢ
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Trong mấy năm gần đây, nhiều địa phương đã bắt đầu chú ý phát triển việc trồng cây ăn quả, diện tích cây ăn quả đã phát triển tương đối nhanh….
Nhưng so với yêu cầu và khả năng thì tình hình phát triển cây ăn quả còn ít và chậm, một số Ủy ban hành chính địa phương chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo trồng cây ăn quả. Kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc cây ăn quả còn kém. Đại bộ phận diện tích cây ăn quả thuộc về cá nhân xã viên và nông dân cá thể, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa quản lý kế hoạch trồng cây ăn quả. Công tác thu mua còn nhiều thiếu sót, quy cách, phẩm chất chưa cụ thể, rõ ràng, quản lý thu mua không chặt chẽ, tổ chức thu mua không kịp thời cho nên thường xảy ra nhiều mắc mứu giữa người sản xuất với cơ quan thu mua và do đó Nhà nước nắm nguồn hàng hoa quả còn ít so với sản lượng thực tế.
Để khắc phục tình trạng nói trên, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất cây ăn quả, nhằm bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, vật tư cho xuất khẩu, thực phẩm cho nhân dân và trên cơ sở đó tăng thu nhập cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân, Hội đồng Chính phủ quy định:
I. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN SUẤT CÂY ĂN QUẢ
- Vừa quy vùng sản xuất tập trung cây ăn quả để cung cấp cho nhà máy và xuất khẩu, vừa khuyến khích nhân dân tận dụng đất đai phát triển sản xuất rộng rãi để tăng nguồn cung cấp thực phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Việc quy vùng sản xuất tập trung cây ăn quả phải nhằm vào những nơi mà nhân dân đã có kinh nghiệm và tập quán trồng trọt và gần đường giao thông để tạo điều kiện tốt cho việc chỉ đạo sản xuất, thu mua và vận chuyển.
- Vừa khuyến khích hợp tác xã trồng tập thể cây ăn quả, vừa khuyến khích gia đình xã viên trồng thêm trong vườn, quanh nhà.
- Phát triển mạnh các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, các loại cây cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hoa quả và xuất khẩu như chuối, dứa, cam, quít, dừa, nhãn, vải… đồng thời chú ý phát triển các loại cây ăn quả khác thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, và tập quán canh tác của từng địa phương như lê, táo, đào, xoài…
- Vừa phát triển diện tích, vừa chú trọng cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ để nâng cao sản lượng và phẩm chất hoa quả.
II. VÙNG SẢN XUẤT CÂY ĂN QUẢ TẬP TRUNG
Tỉnh Hà Bắc: Cam, quít, chanh trồng ở các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Hiệp Hòa, Tân Yên. Chuối trồng ở các huyện Gia Lương, Thuận Thành, Quế Võ, Tiên Du. Dứa trồng ở các huyện Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Lạng Giang.
Tỉnh Phú Thọ: Chuối trồng ở các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Hạc Trì, Phù Ninh, Thanh Ba. Dứa trồng ở các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Ba.
Tỉnh Vĩnh Phúc: Chuối trồng ở các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Yên Lãng, Lập Thạch. Dứa trồng ở các huyện Tam Dương, Lập Thạch, (chủ yếu là vùng đồi trọc).
Tỉnh Sơn Tây: Cam, quít, chanh trồng ở huyện Phúc Thọ. Chuối trồng ở các huyện Bất Bạt, Quảng Oai, Quốc Oai, Phúc Thọ.
Tỉnh Hòa Bình: Chuối trồng ở vùng ven sông Đà, chợ Bờ. Dứa trồng ở các huyện Lương Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy.
Tỉnh Hà Đông: Cam, quít, chanh trồng ở huyện Hoài Đức. Chuối trồng ở các huyện Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng.
Thành Phố Hà Nội: Chuối trồng ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì.
Tỉnh Hà Nam: Cam, quít, chanh trồng ở các huyện Lý Nhân, Bình Lục. Chuối trồng ở huyện Lý Nhân.
Tỉnh Ninh Bình: Cam, quít, chanh trồng ở huyện Kim Sơn. Chuối trồng ở các huyện Gia Viễn, Gia Khánh, Yên Khánh, Kim Sơn. Dứa trồng ở huyện Nho Quan.
Tỉnh Hưng Yên: Cam, quít, chanh trồng ở các huyện Tiên Lữ, Kim Động. Chuối trồng ở các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Văn Giang, Kim Động.
Tỉnh Hải Dương: Cam, quít, trồng ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang. Chuối trồng ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Nam Sách, Kim Thành.
Tỉnh Thái Bình: Cam, quít, chanh trồng ở các huyện Thư Trì, Vũ Tiên. Chuối trồng ở các huyện Quỳnh Côi, Hưng Nhân, Đông Quan, Phụ Dực.
Thành phố Hải Phòng: Cam, quít, chanh, chuối trồng ở các huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Kiến Thụy.
Tỉnh Yên Bái: Cam, quít, chanh, chuối trồng ở các huyện Trấn Yên, Yên Bình. Dứa trồng ở vùng đồi trọc.
Tỉnh Tuyên Quang: Dứa trồng ở các huyện Yên Sơn, Sơn Dương.
Tỉnh Lạng Sơn: Cam, quít, chanh trồng ở các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Uyên, Hữu Lũng, Ôn Châu, Đầm He. Chuối trồng ở vùng ven các con sông lớn của tỉnh. Dứa trồng ở các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Uyên, Ôn Châu, Thoát Lãng.
Tỉnh Nam Định: Cam, quít, chanh trồng ở các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh. Chuối trồng ở các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và các vùng ven các con sông lớn trong tỉnh.
Tỉnh Thanh Hóa: Cam, chanh, quít trồng ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, vùng nông trường Vân Du. Chuối trồng ở các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa. Dứa trồng ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Thạch Thành, Yên Định.
Tỉnh Nghệ An: Cam, chanh, quít trồng ở các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Nghĩa Đàn. Chuối trồng ở ven các con sông lớn trong tỉnh. Dứa trồng ở các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương.
Tỉnh Hà Tĩnh: Cam, Chanh, quít trồng ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân. Chuối trồng ở các huyện Hương Sơn, Đức Thọ. Dứa trồng ở các vùng có nhiều đồi.
III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT
Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể về kỹ thuật trồng cây ăn quả để bảo đảm yêu cầu về nguyên liệu cho nhà máy và vật tư cho xuất khẩu. Phải hướng dẫn, giúp đỡ cho các tỉnh và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm vườn ươm cam để có đủ giống tốt phát triển sản xuất. Phải đảm bảo cung cấp đủ số phân hóa học, thuốc trừ sâu, bơm thuốc trừ sâu theo kế hoạch cho các vùng trồng cây ăn quả tập trung. Nghiên cứu hướng dẫn vấn đề trồng rải vụ các loại cây ăn quả để tạo điều kiện thuận lợi giải quyết tốt các vấn đề nhân lực, thu mua, bảo quản, chế biến và cung cấp. Phải có kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật cây ăn quả và tăng cường cán bộ kỹ thuật trồng cây ăn quả cho các tỉnh, trước hết là cho các tỉnh có nhiều sản phẩm như Nghệ An, Hà Bắc, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Phải nghiên cứu hướng dẫn cho các hợp tác xã nông nghiệp xúc tiến việc quản lý kinh doanh cây ăn quả và giải quyết các vấn đề về chính sách như chính sách công hữu hóa, chính sách chia hoa lợi cây ăn quả trong hợp tác xã…
Bộ Ngoại thương và các ngành thu mua khác có trách nhiệm nghiên cứu để quy định bổ sung quy cách, phẩm chất hoa quả thu mua cho hợp lý và công bố sớm, chấn chỉnh tổ chức và cải tiến công tác thu mua nhằm bảo đảm thu mua kịp thời, thu mua hết hoa quả và đúng chính sách cho nhân dân. Cần thực hiện chế độ ký hợp đồng thu mua đối với các loại cây ăn quả. Phải nghiên cứu điều chỉnh lại giá thu mua giáp ranh cho hợp lý. Phải có kế hoạch giải quyết vấn đề nứa chống chuối cho các vùng sản xuất tập trung.
Tổng cục Lương thực có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết vấn đề cung cấp lương thực cho nhân dân các vùng trồng cây ăn quả tập trung. Phương hướng chung là những vùng trồng cây ăn quả nếu thiếu lương thực thì được cung cấp như các vùng trồng cây công nghiệp tập trung nhưng mức độ có thể ít hơn.
Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố có trách nhiệm nghiên cứu xác định vùng trồng cây ăn quả cụ thể cho sát với điều kiện của địa phương. Và trên cơ sở quy vùng sản xuất cụ thể đó, tính toán lại chỉ tiêu sản xuất các loại cây ăn quả để báo cáo cho Chính phủ biết.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.