THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/1998/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TĂNG CƯỜNG AN NINH, QUỐC PHÒNG KHU VỰC 33 XÃ VÀ 1 THỊ TRẤN VÙNG CAO BIÊN GIỚI TỈNH HÀ GIANG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét tờ trình số 1390/UB-CV ngày 13 tháng 11 năm 1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 2569/BKH-VPTĐ ngày 21 tháng 4 năm 1998,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt "Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường an ninh, quốc phòng 33 xã và 1 thị trấn vùng cao biên giới tỉnh Hà Giang" với những nội dung chủ yếu sau :
1. Phạm vi và địa điểm : Địa bàn thực hiện Chương trình gồm 33 xã và 1 thị trấn thuộc 7 huyện : Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Xín Mần. Tổng diện tích toàn vùng là 118.514 ha với 11.930 hộ, trên 71.000 người, bao gồm :
Các xã Thượng Phùng, Xín Cái và Sơn Vĩ thuộc huyện Mèo Vạc, - Các xã Lũng Cú, Ma Lé, Lũng Táo, Đồng Văn, Xà Phìn, Phố Là, Sủng Là, Phó Cáo và thị trấn Phó Bảng thuộc huyện Đồng Văn;
Các xã Phú Lũng, Thắng Mố, Bạch Đích và Na Khê thuộc huyện Yên Minh.
Các xã Bát Đại Sơn, Nghĩa Thuận, Tùng Vài, Tả Ván, Cao Mã Pờ thuộc huyện Quản Bạ.
Các xã Bản Máy, Thàng Tìn, Thèn Chu Phì và Phố Là thuộc huyện Hoàng Su Phì.
Các xã Minh Tân, Thanh Thuỷ, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải thuộc huyện Vị Xuyên.
Các xã Pà Vầy Sủ, Xín Mần, Nàn Xỉn, Chí Cà thuộc huyện Xín Mần.
2. Mục tiêu của Chương trình
a) Phát triển kinh tế - xã hội :
Về kinh tế: Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông - lâm sản hàng hóa; trước mắt phát phá bỏ cây thuốc phiện ở những nơi còn gieo trồng, tập trung phát triển cây lương thực và chăn nuôi đại gia súc ... đồng thời có kế hoạch tận dụng đất đai để trồng chè, cây ăn quả, cây dược liệu; thực hiện giao đất, giao và khoán rừng tới từng hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới nhằm ổn định dân cư và sản xuất, giảm nhanh số hộ đói.
Xây dựng cơ sở hạ tầng : Ưu tiên đầu tư nâng cấp cải tạo và xây dựng mới hệ thống đường giao thông nhất là các tuyến ra các cửa khẩu, tuyến hành lang biên giới; tiếp tục xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện nhỏ, cấp nước ăn và nước sản xuất, thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình, trường học và trạm y tế xã.
Về xã hội : Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất là giáo dục, y tế nhằm nâng cao trình độ dân trí đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới xoá mù chữ, phổ cập văn hóa cấp 1 cho thanh niên, chăm sóc tốt sức khoẻ cho đồng bào.
b) Bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Nhanh chóng hoàn thành dứt điểm việc rà phá mìn ở các vùng đất còn mìn để đưa vào sản xuất nông nghiệp, ổn định các điểm dân cư sát biên giới. Đầu tư xây dựng các đồn biên phòng, các cửa khẩu, trước mắt là nhà ở, thông tin liên lạc, nước ăn ... tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
3. Tổ chức quản lý thực hiện Chương trình : Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang lập Ban chỉ đạo Chương trình do một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, lãnh đạo các ngành chức năng liên quan của tỉnh làm thành viên. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang làm nhiệm vụ thường trực giúp tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương phối hợp các Chương trình, dự án của Nhà nước trên địa bàn vùng thực hiện Chương trình.
Điều 2. Căn cứ những nội dung chính nêu trên, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang chỉ đạo lập các dự án đầu tư các công trình cụ thể trong Chương trình tổng thể dựa trên việc lựa chọn các nội dung ưu tiên cấp bách khác nhau đối với mỗi xã. Các Bộ, ngành Trung ương có liên quan có trách nhiệm tham gia giúp tỉnh đảm bảo tính đồng bộ của dự án trên cùng một địa bàn. Việc thẩm định, phê duyệt dự án phải tuân theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Căn cứ dự án đầu tư các công trình trong Chương trình tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn hàng năm.
Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang vận dụng các chính sách, chế độ đề ra những biện pháp cụ thể trong việc thực hiện Chương trình tổng thể này; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những chính sách mang tính đặc thù của các dự án thuộc Chương trình nhằm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biên giới.
Nguồn vốn thực hiện Chương trình : Ngoài nguồn vốn ngân sách, tỉnh được huy động các nguồn vốn khác theo quy định hiện hành (vốn tự có, vốn vay, vốn huy động trong nhân dân ...).
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang và huyện Mường Tè của Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận : | THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.