BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 881/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA; RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2014 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Thông tư số 25/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương và Thông tư số 35/2013/TT-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2011/TT-BCT ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Kế hoạch kiểm tra; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 của Bộ Công Thương".
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
KIỂM TRA, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2014 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 881/QĐ-BCT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm phát hiện những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tìm nguyên nhân và kiến nghị xử lý, kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại nhằm hoàn thiện hệ thống phát luật nói chung và ngành Công Thương nói riêng;
- Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện những văn bản còn chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn để kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung; định kỳ lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương còn hiệu lực, hết hiệu lực pháp luật;
- Việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa được thực hiện theo đúng theo quy định của pháp luật.
II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Hoàn thiện các quy định về kiểm tra; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
Để thực hiện các văn bản mới do Chính phủ ban hành liên quan đến công tác rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật; Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 35/2013/TT-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2011 quy định về công tác kiểm tra, xử lý, rá soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương.
2. Kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
2.1. Công tác tự kiểm tra
Hàng tháng, Vụ Pháp chế làm đầu mối tổ chức kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành theo quy định của pháp luật.
2.2. Công tác kiểm tra theo thẩm quyền
Hàng háng, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
2.3. Kiểm tra theo yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Thực hiện việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương
3.1. Các đơn vị thuộc Bộ
Tiến hành rà soát, hệ thống hóa và lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị mình chủ trì soạn thảo còn hiệu lực (toàn bộ hoặc một phần) để phục vụ công tác quản lý nhà nước và xây dựng pháp luật ngành Công Thương.
Qua rà soát, kiến nghị xây dựng mới, thay thế, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
3.2. Vụ Pháp chế
- Tiếp tục rà soát, hệ thống hóa, hoàn thiện Tổng mục lục văn bản quy phạm pháp luật ngành Công Thương;
- Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương (và các Bộ tiền nhiệm) ban hành hoặc liên tịch ban hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần theo quy định của Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;
- Định kỳ 6 tháng, xây dựng Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành, trình Bộ trưởng ra Quyết định công bố;
- Rà soát, lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo yêu cầu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Rà soát, lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương để phục vụ xuất bản sách. tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật;
- Rà soát để phục vụ sửa đổi, bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 và đề xuất Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 của Bộ Công Thương;
- Chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực chuyên ngành có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện: Năm 2014
2. Kinh phí thực hiện: Theo quy định của Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan.
3. Phân công trách nhiệm
3.1. Vụ Pháp chế là đơn vị chủ trì, có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản liên quan đến lĩnh vực Công Thương
3.2. Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế và thực hiện kiểm tra, rà soát văn bản điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao của các đơn vị"./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.