ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 880/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 6 năm 1992 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA XỬ LÝ VIỆC SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chánh ngày 30 tháng 11 năm 1989;
Căn cứ Nghị định 140/HĐBT ngày 25 tháng 4 năm 1991 của Hội dồng Bộ trưởng quy định về kiểm tra, xử lý việc sản xuất buôn bán hàng giả;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật thành phố và Giám đốc Sở Tư pháp;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành qui định về kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành.
Điều 3. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc và Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ KIỂM TRA, XỬ LÝ VIỆC SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 880/QĐ-UB ngày 5 – 6- 1992 của Ủy ban nhân dân thành phố )
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mọi tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của mình, phải tuân thủ việc kiểm tra chất lượng của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 2.
1/ Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tàng trữ hàng giả, nhãn hiệu, bao bì và các tài liệu hướng dẫn liên quan đến hàng giả.
2/Cá nhân nào không chấp hành, xúi giục kích động người khác không chấp hành các yêu cầu của lực lượng kiểm tra xử lý hàng giả sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Mọi vi phạm tuỳ theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý hành chánh theo quy định này hoặc bị truy tố theo Bộ luật hình sự.
Điều 3. Hàng giả là những sản phẩm hàng hoá được sản xuất trái pháp luật có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hoá được cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường, hoặc những sản phẩm hàng hoá không có giá trị sử dụng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó.
Điều 4. Sản phẩm hàng hoá có một trong những dấu hiệu dưới đây được coi là hàng giả.
1/ Sản phẩm, hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá giống hệt hoặc tương tư có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của cơ sở sản xuất kinh doanh khác đã đăng ký với cơ quan bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc đã được bảo hộ theo điều ước quốctế mà Việt Nam tham gia.
2/ Sản phẩm hàng hoá mang nhãn sản phẩm không đúng với mẫu đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng hoặc mang nhãn sản phẩm của cơ sở khác đã đăng ký mà không được chủ nhãn đồng ý.
3/ Sản phẩm, hàng hoá có nội dung, chất lượng, xuất xứ không đúng như đã nêu trên nhãn sản phẩm hoặc như đã quảng cáo.
4/ Sản phẩm, hàng hoá mang các dấu hiệu kiểm định, giám định Nhà nước, dấu hiệu phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam hoặc các dấu hiệu khen thưởng khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc đã bị thu hồi, hoặc đã hết thời hạn.
5/ Sản phẩm, hànhg hoá cũ được tân trang, phục hồi và giả mạo các dấu hiệu niêm bảo hành, xuất xưởng làm cho khách hàng nhầm lẫn giữa hàng mới và hàng cũ.
6/ Sản phẩm hàng hoá bị biến tạo, pha trộn làm giảm chất lượng.
7/ Sản phẩm hàng hoá có chất lượng thấp hơn mức chất lượng tối thiểu cho phép.
8/ Sản phẩm, hàng hóa có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó.
Điều 5.
1/ Lượng hàng vi phạm bao gồm những hàng hóa đã tiêu thụ và lượng hàng bị phát hiện.
2/ Giá trị lượng hàng vi phạm để làm căn cứ xử lý tính theo giá bán lẻ của hàng thật cùng loại vào thời điểm bị phát hiện.
Điều 6. Hành vi in ấn, làm dịch vụ, buôn bán nhãn hiệu, bao bì trái với quy định trong Thông tư Liên bộ số 1191/TTLB ngày 29-6-1991 về quản lý nhãn và quảng cá sản phẩm, hàng hoá sẽ bị xử lý theo quy định trong văn bản này.
Điều 7. Hành vi làm và buôn bán hàng giả đồng thời xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì ngoài việc bị xử lý theo qui định này còn bị xử lý theo pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.
Điều 8. Tổ chức cá nhân làm và buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm chế biến, thuốc trừ sâu, xi măng, phân bón, đồ điện và các loại hàng giả khác gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khoẻ tính mạng người tiêu dùng và an toàn xã hội, hoặc đã hai lần bị xử lý hành chánh về hành vi làm và buôn bán hàng giả thì bị truy tố theo Bộ luật hình sự.
Điều 9. Ngoài việc bị xử lý theo bản quy định này, người hoặc tổ chức làm hàng giả còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi làm và buôn bán hàng giả gây ra.
Điều 10. Ủy quyền cho Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật thành phố tham khảo ý kiến qua Ban Vật giá thành phố ấn định lại mức tiền phạt khi giá trị của mức tiền phạt nói trên chỉ còn bằng 70% so với thời điểm ban hành quy định này.
Chương II.
CÁC HÌNH THỨC XỬ LÝ
Điều 11. Cảnh cáo đối với hành vi làm hoặc buôn bán hàng giả, buôn bán nhãn hiệu, bao bì mà trị giá hàng không quá hai chục ngàn (20.000 đồng)
Điều 12.
1/ Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số lợi bất chính hoặc từ 10% đến 50% trị giá hàng nếu hàng còn giá trị sử dụng, nhưng không thấp hơn 1.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ một đến ba lần trị giá hàng nếu hàng không có giá trị sử dụng (bao gồm hàng hoá không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi, công dụng của nó hoặc hàng có chất lượng dưới mức tối thiểu cho phép) nhưng không thấp hơn 2.000.000 đồng.
2/ Phạt tiền gấp ba lần trị giá số nhãn hiệu, bao bì, in ấn, buôn bán trái phép, phạt tiền gấp ba lần số lợi bất chính đối với dịch vụ in ấn nhãn hiệu, bao bì liên quan đến hàng giả, nhưng không thấp hơn 200.000 đồng.
Điều 13. Ngoài việc xử lý theo điều 11 hoặc điều 12 nêu trên, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm còn bị xử lý bằng các hình thức sau:
1/ Tịch thu đối với:
+ Hàng giả không có giá trị sử dụng
+ Các loại nhãn hiệu, bao bì in ấn và buôn bán trái phép.
2/ Buộc tiêu thụ ở những địa điểm do cơ quan quản lý chỉ định đối với hàng giả còn giá trị sử dụng. Trường hợp này người chủ phải huỷ bỏ nhãn hiệu, dấu hiệu giả mạo, thay bằng nhãn sản phẩm ghi đúng mục đích sử dụng xuất xứ, chất lượng của hàng hoá đó.
3/ Tịch thu các loại máy móc, dụng cụ dùng để sản xuất hàng giả hoặc in ấn trái phép và tước giấy phép kinh doanh của cơ sở sản xuất kinh doanh đã bị xử lý một lần về hành vi làm và buôn bán hàng giả mà tái phạm.
Chương III.
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC KIỂM TRA, XỬ LÝ HÀNG GIẢ
Điều 14. Thẩm quyền xử lý.
1/ Chiến sĩ, cảnh sát, nhân viên hải quan, nhân viên quản lý thị trường đang làm nhiệm vụ có quyền phạt cảnh cáo.
2/ Thanh tra viên văn hoá, thanh tra viên Nhà nước về chất lương hàng hoá đang hti hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 200.000 đồng.
3/ Trưởng hải quan cửa khẩu có quyền phạt tiền đến 1.000.000 đồng, tịch thu các loại nhãn hiệu, bao bì xuất nhập khẩu trái phép.
4/ Chi cục Trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố, Trưởng ban chỉ đạo quản lý thị trường thành phố, Giám đốc Công an thành phố có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng và áp dụng các hình thức xử phạt khác nêu trong bản qui định này.
5/ Giám đốc Hải quan thành phố có quyền phạt tiền trên 1.000.000 đồng và tịch thu hàng giá xuất nhập khẩu.
6/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng và áp dụng các hình thức xử phạt khác nêu trong bản qui định này.
7/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có quyền phạt tiền trên 5.000.000 đồng và áp dụng các hình thức xử phạt khác nêu trong bản qui định này.
Điều 15. Những vụ việc do đội kiểm tra liên ngành phát hiện sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc thành phố xử lý trên cơ sở đề nghị của Đội trưởng đội kiểm tra.
Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước.
1/ Các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý hành chánh sản xuất và buôn bán hàng giả, in ấn, buôn bán trái phép nhãn hiệu, bao bì gồm:
Ban chỉ đạo quản lý thị trường thành phố
Công an thành phố
Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố
Sở Y tế thành phố
Sở Văn hoá thông tin thành phố
Hải quan thành phố
UBND quận, huyện thuộc thành phố.
2/ Các cơ quan nêu trên thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo chức năng nhiệm vụ của mình.
3/ Các cơ quan Nhà nước khác theo chức năng của mình có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ có thẩm quyền trong việc kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả.
Chương IV.
THỦ TỤC KIỂM TRA, XỬ LÝ VÀ KHEN THƯỞNG
Điều 17. Khi phát hiện hàng giả và nhãn hiệu, bao bì được in ấn, buôn bán trái phép phải lập biên bản, niêm phong ngay số sản phẩm hàng hoá nghi vấn và lấy mẫu để kiểm nghiệm. Mẫu phải được chuyển từ cơ quan có trách nhiệm giám định trong vòng ba ngày kể từ khi niêm phong.
Điều 18.
1/ Hàng giả cần phải được giám định chất lượng tại cơ quan Tiêu chuẩn do lường chất lượng hoặc tại Phòng thử nghiệm được công nhận.
Hàng giả là hoá dược, thuốc chữa bệnh, nguyên liệu làm thuốc phải được giám định chất lượng tại Trạm kiểm nghiệm Sở Y tế hoặc phân viện kiểm nghiệm Bộ Y tế.
2/ Phương pháp lấy mẫu kiểm nghiệm dựa theo tiêu chuẩn về phương pháp lấy mẫu cho từng loại hàng hoá. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn phương pháp lấy mẫu thì áp dụng theo phương pháp lấy mẫu đại diện.
3/ Đơn vị có trách nhiệm thử nghiệm phải báo kết luận của mình cho cơ quan đã gởi mẫu đến kiểm nghiệm trong thời hạn không quá 5 ngày so với thời gian cần thiết để kiểm nghiệm.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày có kết luận kiểm nghiệm, cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định xử lý hoặc không xử lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bị kiểm tra.
Điều 19. Cơ quan có thẩm quyền xử lý có trách nhiệm trích từ 1 - 30% tổng số tiền phạt thu được để thưởng cho tổ chức, cá nhân có công trong việc phát hiện tố giác, truy quét các vụ sản xuất, mua bán hàng giả.
Trong tổng số tiền thưởng được sử dụng từ 1 – 15% thưởng cho người có công trực tiếp phát hiện.
Sau khi trừ chi phí cần thiết cho việc kiểm tra, xử lý và tiền thưởng nêu trên, số tiền phạt còn lại phải được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Chương V.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Trừ những qui định về hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý nêu tại điều 11, 12, 13 bản qui định này, những vấn đề khác nếu không nêu trong văn bản này thì áp dụng theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chánh ngày 07/12/1989 và Nghị định 140/HĐBT ngày 25/4/1991 về kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả.
Điều 21. Các cơ quan có thẩm quyền nêu ở điều 16 có trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện qui định này.
Điều 22. Qui định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.