KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 879/2006/QĐ-KTNN | Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng;
Căn cứ Luật kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước và Nghị quyết số 1053/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 10/11/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích khoản 6 Điều 19 của Luật kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 879/2006/QĐ-KTNN ngày 30 tháng 11 năm 2006 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Chương trình hành động của Chính phủ một cách hiệu quả, thiết thực, xây dựng Kiểm toán Nhà nước trong sạch, vững mạnh, góp phần làm trong sạch và lành mạnh nền tài chính quốc gia.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần hạn chế hiện tượng tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước.
- Phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước.
- Phát hiện và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
2. Yêu cầu
- Cụ thể hóa những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Kiểm toán Nhà nước.
- Thực hiện ngay một số biện pháp cần thiết trước mắt để đảm bảo thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, tạo chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức và hành động của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
- Triển khai trong toàn ngành Kiểm toán Nhà nước Chương trình hành động này; thường xuyên theo dõi, tổng hợp, nhận định tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó có những biện pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác phòng, chống tham nhũng trong toàn ngành.
- Đề cao vai trò, trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện nghiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
- Các tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị, Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, các đơn vị chủ động nêu cao tinh thần, tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng
- Vụ Pháp chế có trách nhiệm:
+ Phối hợp với Văn phòng Kiểm toán Nhà nước tổ chức học tập, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong toàn ngành.
+ Xây dựng kế hoạch tập huấn, tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan trong toàn ngành.
+ Lập kế hoạch biên tập Tài liệu tuyên truyền về Luật Phòng, chống tham nhũng với nội dung thiết thực, gồm: những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng và những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng liên quan đến trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước để in thành sách phục vụ cho việc tập huấn, tuyên truyền trong toàn ngành và trong từng đơn vị trực thuộc.
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tổ chức quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng, các văn bản hướng dẫn thi hành và những văn bản pháp luật khác có liên quan đến việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước đến từng cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị mình nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc phòng, chống tham nhũng.
- Tạp chí Kiểm toán phối hợp với Vụ Pháp chế mở chuyên mục "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng và lãng phí" trên Tạp chí Kiểm toán và trên Trang thông tin điện tử của Kiểm toán Nhà nước để đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện các luật trên của Kiểm toán Nhà nước.
2. Rà soát, ban hành văn bản quản lý của Kiểm toán Nhà nước để triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hớp với Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước và các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát các văn bản do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành liên quan đến phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở đó trình Tổng Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung các văn bản đã ban hành hoặc ban hành các văn bản mới để triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, soạn thảo các văn bản:
- Quy chế làm việc của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước;
- Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước;
- Quy chế quản lý tài chính, tài sản công của Kiểm toán Nhà nước;
- Quyết định giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp và chỉ đạo xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị sự nghiệp của Kiểm toán Nhà nước;
- Quy chế tiếp công dân và tiếp nhận xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của Kiểm toán Nhà nước;
- Quy chế công bố công khai kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
b) Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, từ đó kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ các quy định không phù hợp, không chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo có thể dẫn đến các hành vi tham nhũng; bổ sung, ban hành mới những quy định đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
3. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhằm hạn chế các hành vi tham nhũng, tạo điều kiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tham nhũng
a) Thực hiện công khai, minh bạch trong mua sắm tài sản công; xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng tài chính và ngân sách nhà nước và các khoản hỗ trợ, viện trợ theo các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và những văn bản pháp luật khác có liên quan, cụ thể:
- Văn phòng Kiểm toán Nhà nước phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể để thực hiện việc công khai những nội dung nói trên theo quy định của pháp luật.
- Đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ phải công khai cho các đối tượng thụ hưởng biết.
b) Thực hiện công khai, minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ gồm:
- Việc tuyển dụng, thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vào cơ quan Kiểm toán Nhà nước;
- Việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, chuyển ngạch, luân chuyển, điều động, khen thưởng, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Kiểm toán Nhà nước;
- Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức:
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chấn chính, rà soát về cơ cấu tổ chức, phân công chuyên môn, định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức (không áp dụng với cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý) làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng. Việc chuyển đổi này phải thực hiện theo kế hoạch, công khai và theo đúng các quy định hiện hành.
Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
- Tăng cường rà soát hồ sơ cán bộ, phát hiện kịp thời các hành vi làm sai lệch hồ sơ, làm giả hồ sơ để được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ những chức vụ nhất định, kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
c) Thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của Điều 27 Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan.
Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Tạp chí Kiểm toán Nhà nước, Trung tâm Tin học công khai trong ngành về những thông tin có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, từ đó rút kinh nghiệm và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của ngành.
d) Thực hiện nghiêm túc trong toàn ngành việc minh bạch tài sản, thu nhập, kê khai tài sản đối với một số đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các quy định tại mục 4, chương II Luật này. Việc kê khai tài sản này phải được thực hiện hàng năm.
đ) Thực hiện công khai Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động phòng chống tham nhũng hàng năm của Kiểm toán Nhà nước.
4. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng
- Tổng Kiểm toán Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, có trách nhiệm chủ động thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng; đồng thời phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của Mục 5, Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Thực hiện tự kiểm toán các công trình xây dựng cơ bản của Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán định kỳ hàng năm hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước của Kiểm toán Nhà nước và các đơn vị có tài khoản riêng trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.
- Vụ Pháp chế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong nội bộ Kiểm toán Nhà nước.
Hàng năm, Vụ Pháp chế chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trình Tổng kiểm toán Nhà nước phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập báo cáo tổng kết về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Kiểm toán Nhà nước báo cáo Tổng kiểm toán Nhà nước.
- Tiếp tục quan tâm tới công tác tiếp cán bộ, công chức, công dân của Kiểm toán Nhà nước. Tổng kiểm toán Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở những quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Kiểm toán Nhà nước bố trí lịch theo định kỳ tiếp cán bộ, công chức, công dân để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cán bộ, công chức, công dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Kiểm toán Nhà nước.
- Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Kiểm toán Nhà nước phân công các thành viên trong Ban chủ trì tổ chức các cuộc kiểm tra tại một số đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước trong việc triển khai và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức và nhân dân đối với các hoạt động của cơ quan, đơn vị.
- Ban Thanh tra nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời chủ trì phát động các phong trào quần chúng trong cơ quan Kiểm toán Nhà nước nhằm phát huy vai trò của cán bộ, công chức, viên chức trong việc phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng.
- Coi trọng công tác biểu dương, thi đua, khen thưởng đối với những gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Văn phòng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng, xét nâng lương trước thời hạn đối với những trường hợp có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
5. Phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán
Với vị thế cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước được xếp vào nhóm các cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, đồng thời quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng. Để thực hiện tốt trách nhiệm được giao, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
5.1. Thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật kiểm toán nhà nước, đặc biệt tập trung kiểm toán những lĩnh vực có nhiều khả năng diễn ra tiêu cực, tham nhũng; những lĩnh vực mà dư luận, nhân dân bức xúc. Tăng cường kiểm toán các đơn vị, dự án, doanh nghiệp có sử dụng lớn ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; các dự án, công trình quan trọng trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, công nghiệp, phát triển nông nghiệp và nông thôn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương sử dụng vốn lớn hoặc có dư luận xã hội về lãng phí, tham nhũng. Kiểm toán các đơn vị nhiều năm chưa được kiểm toán hoặc đã được kiểm toán nhưng có vấn đề nổi cộm trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
5.2. Trong quá trình kiểm toán chú trọng phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Lãnh đạo các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và các Kiểm toán Nhà nước khu vực, Trưởng đoàn kiểm toán cần chỉ đạo và điều hành cuộc kiểm toán thực hiện đúng mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán; đưa ra được các ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán, trong đó tập trung đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng của các đơn vị được kiểm toán;
- Các Đoàn kiểm toán cần tập trung xác định rõ các nguyên nhân và mức độ sai phạm, thất thoát, lãng phí ở từng khâu trong quá trình đầu tư; làm rõ việc sử dụng lãng phí, sai mục đích vốn đầu tư xây dựng cơ bản và kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của toàn xã hội;
- Kiểm tra làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí, sai chế độ trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Làm rõ trách nhiệm đối với Thủ trưởng đơn vị để xảy ra tham nhũng theo các mức độ sau đây:
+ Yếu kém về năng lực quản lý;
+ Thiếu trách nhiệm trong quản lý;
+ Bao che cho người có hành vi tham nhũng (khoản 4 Điều 55 Luật Phòng, chống tham nhũng).
- Các đoàn kiểm toán, kiểm toán viên trong hoạt động kiểm toán cần tích cực và chú trọng phát hiện những hành vi, biểu hiện tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, tiền và tài sản nhà nước để góp phần thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nếu hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn kiểm toán phải kịp thời báo cáo Kiểm toán trưởng kiến nghị Tổng kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định chuyển hồ sơ vụ việc đó đến cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định tại khoản 10 Điều 15 Luật kiểm toán nhà nước.
5.3. Tăng cường công tác kiểm tra cán bộ, kiểm toán viên trong hoạt động kiểm toán: Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán có kế hoạch thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, quy trình, chuẩn mực kiểm toán của các Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước; Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực. Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán thực hiện việc kiểm tra theo quy định của Luật kiểm toán nhà nước và quy định của Tổng kiểm toán Nhà nước nhằm ngăn ngừa và kịp thời phát hiện những biểu hiện sai lệch và vi phạm đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên nhà nước.
5.4. Thông qua hoạt động kiểm toán chỉ rõ nguyên nhân, điều kiện, những sơ hở trong quản lý kinh tế dễ bị lợi dụng tham nhũng để kịp thời kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác của Nhà nước sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và pháp luật cho phù hợp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước do Tổng kiểm toán Nhà nước làm trưởng ban và một số thành viên khác có nhiệm vụ chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước phân công trách nhiệm cụ thể giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Ban chỉ đạo họp định kỳ 3 tháng một lần, họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng ban; các thành viên Ban chỉ đạo được sử dụng cán bộ của đơn vị mình để giúp việc thực hiện nhiệm vụ được Trưởng ban phân công.
2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức đoàn thể, quần chúng triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và Chương trình hành động của Kiểm toán Nhà nước đến từng cán bộ, công chức, người lao động thuộc đơn vị.
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Kiểm toán Nhà nước của đơn vị; nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc chấp hành Luật Phòng, chống tham nhũng; phát hiện kịp thời và kiến nghị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những người có hành vi tham nhũng.
3. Giám sát thực hiện
Vụ Pháp chế chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động này và lồng ghép kế hoạch kiểm tra gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thường xuyên được Tổng kiểm toán Nhà nước giao.
Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của ktnn.
4. Chế độ báo cáo
Định kỳ hàng quý, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi quản lý của mình gửi Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước trước ngày 10 của tháng đầu quý sau; riêng báo cáo năm gửi Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước trước ngày 10 tháng 9 hàng năm.
Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước tổng hợp kết quả phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước trình Tổng kiểm toán Nhà nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ phận thường trực giúp việc Ban chỉ đạo Trung ương, Thanh tra Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 theo quy định tại Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng./.
| TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.