BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 874/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ GTVT TRUNG ƯƠNG III ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (số 302-CTr/BCSĐ ngày 18/11/2013) thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương III tại Tờ trình số 63/TTr-CĐNGTVTTWIII ngày 11 tháng 3 năm 2014 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương III đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương III đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung cơ bản như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Phát triển Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương III đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa chủ trương đổi mới của Đảng; các chính sách của Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vào công tác đào tạo nguồn nhân lực của Trường, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020, Chiến lược phát triển Giao thông vận tải đến 2020 và tầm nhìn 2030.
2. Chiến lược phát triển Nhà trường phải đáp ứng yêu cầu vừa nâng cao chất lượng, vừa phát triển quy mô phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của ngành GTVT, quy hoạch phát triển nhân lực của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2020.
3. Phát triển trên cơ sở kế thừa, phát huy những thế mạnh của Nhà trường, những nhân tố mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Phát triển đồng bộ các yếu tố đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, phù hợp với quy mô, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề đào tạo trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng. Thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục Nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
5. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển dạy nghề, tập trung xây dựng các nghề chất lượng cao, trong đó ưu tiên các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương III đến năm 2020 thành trường nghề chất lượng cao theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Bảo đảm mang lại cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của Nhà trường một môi trường thuận lợi để có thể phát huy năng lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp đào tạo và phát triển ngành Giao thông vận tải; tạo cho người học có được môi trường học tập khang trang, hiện đại, được trang bị những kiến thức tiên tiến và các kỹ năng cần thiết để lập thân, lập nghiệp trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường dạy nghề trọng điểm ngang tầm trình độ các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) Về phát triển cơ sở đào tạo
Nhà trường có 03 cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích đất là 14 ha, sẽ được quy hoạch phát triển như sau:
- Trụ sở chính: Số 73 Văn Cao, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh:
+ Diện tích 2,3 ha, nâng cấp Trường đáp ứng đủ quy mô đào tạo 3.140 học sinh, sinh viên/năm; xây dựng trường đạt các tiêu chí và được công nhận trường nghề đạt tiêu chuẩn chất lượng cao đến năm 2020.
+ Thực hiện đào tạo các nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề; các ngành trình độ trung cấp chuyên nghiệp.
+ Làm đầu mối tuyển sinh để điều tiết số lượng học sinh, sinh viên cho các cơ sở đào tạo của Trường; thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngành GTVT và các thành phần kinh tế xã hội khác.
+ Là cơ sở đào tạo thực hành, thực tập nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên toàn Trường.
- Cơ sở 2: Số 141ĐT743, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương:
+ Diện tích 2,2 ha, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị đáp ứng yêu cầu cho sân tập lái xe ô tô các hạng và Trung tâm Sát hạch lái xe loại 3.
+ Đào tạo lái xe ô tô các hạng với lưu lượng từ 700 đến 900 học viên.
+ Đào tạo và tổ chức sát hạch lái xe mô tô hạng A1, A2, A3 và A4.
+ Tổ chức bồi dưỡng và thi nâng bậc kỹ thuật, đào tạo lại, đào tạo nâng cao thuộc lĩnh vực ngành, nghề Trường đào tạo cho người lao động trong ngành GTVT và các ngành kinh tế - xã hội khác.
+ Tổ chức tuyển sinh và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên và người lao động.
- Cơ sở 3: Số 218/42 Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh:
+ Diện tích 9,5 ha, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị đáp ứng yêu cầu cho Trung tâm sát hạch lái xe loại 1, Trung tâm Sát hạch lái xe loại 3, sân tập lái xe ô tô các hạng, bãi thực tập nghề cho các nghề Vận hành máy thi công cơ giới và xây dựng công trình giao thông.
+ Tổ chức sát hạch lái xe ô tô các hạng, mô tô hạng A1, A2, A3 và A4.
+ Đào tạo lái xe ô tô các hạng với lưu lượng từ 4.300 đến 5.000 học viên.
+ Đào tạo lái xe mô tô hạng A1, A2, A3 và A4.
+ Tổ chức ôn luyện cho các học viên học lái xe các hạng.
+ Tổ chức bồi dưỡng và thi nâng bậc kỹ thuật, đào tạo lại, đào tạo nâng cao thuộc lĩnh vực ngành, nghề Trường đào tạo cho người lao động trong ngành GTVT và các ngành kinh tế - xã hội khác.
+ Tổ chức tuyển sinh và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên và người lao động.
+ Hợp tác xây dựng Trung tâm kiểm định xe cơ giới đường bộ theo hình thức xã hội hóa.
b) Quy mô, ngành nghề đào tạo
- Về quy mô đào tạo: Quy mô đào tạo được xây dựng trên cơ sở nhu cầu nguồn nhân lực của ngành, lĩnh vực và khu vực Đông Nam Bộ. Để đảm bảo chất lượng đào tạo cho trường nghề chất lượng cao, Nhà trường giữ nguyên quy mô đào tạo 3.140 HS-SV/năm phù hợp với các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy nghề hiện có và định hướng chiến lược phát triển trong tương lai.
(Dự kiến lưu lượng đào tạo đến năm 2020 theo Phụ lục 01 kèm theo)
- Các ngành, nghề đào tạo:
Theo hướng đào tạo đa ngành, đa nghề, đa cấp độ, tập trung phát triển các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (Nghề Công nghệ ô tô; Vận hành máy thi công nền đường; Điện công nghiệp), khu vực ASEAN (Nghề Vận hành máy thi công mặt đường) và quốc gia (Nghề Xây dựng cầu đường bộ), những ngành, nghề đào tạo mũi nhọn, có thế mạnh của Nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của ngành GTVT và của xã hội.
(Danh mục các ngành nghề đào tạo đến năm 2020 theo Phụ lục 02 kèm theo)
c) Cơ cấu tổ chức
- Trên cơ sở Điều lệ trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương III, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quy mô phát triển, trước mắt Nhà trường giữ nguyên mô hình tổ chức đang hoạt động và sẽ bổ sung hoặc tổ chức lại một số đầu mối tổ chức để đáp ứng yêu cầu phát triển của Trường theo từng giai đoạn.
(Cơ cấu tổ chức đến năm 2020 theo Phụ lục 03 kèm theo)
d) Định biên (vị trí việc làm): Được xác định trên cơ sở Đề án vị trí việc làm và theo số sinh viên chính quy quy định tại Thông tư số 29/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; đáp ứng yêu cầu trường chất lượng cao tính tỷ lệ 01 giảng viên, giáo viên/18 sinh viên, học sinh; cán bộ quản lý, phục vụ tính khoảng 20% định biên giáo viên;
đ) Chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá:
- Về chương trình đào tạo:
+ Nội dung chương trình đào tạo: Theo chương trình khung, chương trình dạy nghề của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành, đáp ứng được nhu cầu của quá trình phát triển đào tạo nghề ở các cấp trình độ;
+ Phấn đấu đến 2017, 100% nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo;
+ Tiếp nhận (từ Tổng cục Dạy nghề) 05 chương trình đào tạo các nghề trọng điểm đưa vào sử dụng, bao gồm: Công nghệ ô tô, Vận hành máy thi công nền, Điện công nghiệp (cấp độ quốc tế), Vận hành máy thi công mặt đường (cấp độ ASEAN) và Xây dựng cầu đường bộ (cấp độ quốc gia).
- Về giáo trình giảng dạy: Phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 70% giáo trình giảng dạy các môn học, mô đun, đến năm 2017 có 100% giáo trình giảng dạy và đến năm 2020 tiếp nhận 100% giáo trình các nghề trọng điểm.
- Về phương pháp giảng dạy:
+ Tổ chức thực hiện theo phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; “Người học làm trung tâm”; giáo viên vừa là người truyền đạt kiến thức, đồng thời đóng vai trò cố vấn, tổ chức, hướng dẫn học sinh, sinh viên; 100% các môđun được thực hiện giảng dạy theo giáo án tích hợp;
+ Thực hiện nguyên lý “Học đi đôi với hành”, tiếp tục thực hiện mô hình dạy và học sản xuất trong Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực hành ngay trên sản phẩm và tiếp cận với thực tế sản xuất.
- Về kiểm tra, đánh giá:
+ Đánh giá và công nhận tốt nghiệp của người học trên cơ sở kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp theo ngân hàng đề thi và có sự tham gia của người sử dụng lao động.
+ Thực hiện phương pháp, quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng coi trọng đánh giá quá trình, phản hồi kịp thời cho người học, đảm bảo đánh giá nghiêm túc, khách quan, phù hợp với phương thức đào tạo, hình thức học tập và đặc thù của môđun, môn học.
e) Đội ngũ cán bộ, giáo viên: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, giáo viên cơ hữu đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu; đạt chuẩn theo quy định; có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp; đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ có đủ năng lực, trình độ để thực hiện tính chuyên nghiệp trong công tác.
- Phấn đấu đến năm 2017:
+ 60% giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế đạt chuẩn trình độ tiếng Anh, tin học theo quy định;
+ 50% cán bộ quản lý (trưởng phòng Đào tạo; trưởng, phó các Khoa) đào tạo nghề cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế có trình độ Thạc sĩ chuyên ngành đào tạo trở lên phù hợp với khoa đào tạo, đạt trình độ tiếng Anh bậc B1 (hoặc tương đương) trở lên, đạt trình độ tin học IC3 (hoặc tương đương) trở lên.
- Phấn đấu đến năm 2020:
+ 100% giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế; 50% giáo viên dạy các nghề khác đạt trình độ tiếng Anh, tin học theo quy định; 50% giáo viên có trình độ Thạc sĩ chuyên ngành.
+ 100% cán bộ quản lý (trưởng phòng Đào tạo; trưởng, phó khoa) đào tạo nghề cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế có trình độ Thạc sĩ chuyên ngành đào tạo trở lên phù hợp với khoa đào tạo, đạt trình độ tiếng Anh bậc B1 (hoặc tương đương) trở lên, đạt trình độ tin học IC3 (hoặc tương đương) trở lên; 100% cán bộ quản lý các phòng chức năng và các khoa khác có trình độ Thạc sĩ trở lên, 30% đạt trình độ tiếng Anh bậc B1 (hoặc tương đương) trở lên, 100% đạt trình độ tin học IC3 (hoặc tương đương) trở lên.
- Cán bộ quản lý trong nguồn quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, của Trường được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học.
g) Cơ sở vật chất:
- Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng cơ sở vật chất của Trường đáp ứng các tiêu chí trường nghề chất lượng cao đáp ứng quy mô đào tạo 3.140 học sinh, sinh viên/năm.
- Đầu tư trang thiết bị dạy nghề đáp ứng danh mục thiết bị tối thiểu dạy nghề theo quy định, đặc biệt chú trọng đầu tư các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.
(Nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo Phụ lục 04 kèm theo)
h) Công nghệ thông tin: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công tác quản lý của Nhà trường.
- Giai đoạn 2015 - 2020: Thực hiện kết nối dữ liệu hệ thống quản lý của trường vào hệ thống quản lý thông tin các trường dạy nghề của Tổng cục Dạy nghề và được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dạy nghề.
- Củng cố, phát triển trang thông tin điện tử với nhiều tiện ích để phục vụ công khai các hoạt động đào tạo của trường, trao đổi kinh nghiệm, thông tin...
- Từng bước xây dựng bài giảng điện tử, công nghệ học điện tử, học trên mạng kết nối giữa các cơ sở đào tạo của Trường.
i) Công tác học sinh, sinh viên
- Đào tạo học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ, đặc biệt chú trọng phát triển năng lực thực hành, tư duy, sáng tạo.
- Tăng cường giáo dục đạo đức, tác phong công nghiệp, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên.
- Phấn đấu đến năm 2020 có 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp nghề trọng điểm quốc gia đạt chuẩn đầu ra theo định, có thể tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
k) Kiểm định - đánh giá chất lượng trường
Phấn đấu đến năm 2020, Trường đạt được ít nhất 90% số điểm tối đa trở lên của từng tiêu chí trường nghề chất lượng cao và được công nhận trường nghề đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, 100% nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế được các tổ chức giáo dục đào tạo có uy tín của khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận văn bằng, chứng chỉ.
3. Tầm nhìn đến năm 2030
- Xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương III trở thành thương hiệu trường đào tạo nghề chất lượng cao ngang tầm trình độ các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN với quy mô đào tạo 3.200 HSSV. Đảm bảo môi trường sư phạm khang trang, hiện đại; sinh viên các nghề trọng điểm khi tốt nghiệp được các tổ chức giáo dục đào tạo có uy tín của khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận văn bằng, chứng chỉ; sinh viên các nghề khác khi tốt nghiệp đạt tiêu chuẩn kỹ năng nghề cấp độ quốc gia bậc 3/5, được người sử dụng lao động đã qua đào tạo đánh giá đáp ứng tốt với các công việc thực tế của nghề nghiệp.
- Mô hình tổ chức được kế thừa và bổ sung khi xuất hiện nhiệm vụ mới.
- Đội ngũ giáo viên dạy nghề được chuẩn hóa, nâng cao về trình độ, kỹ năng tay nghề và phương pháp giảng dạy.
- Cơ sở vật chất đạt chuẩn các tiêu chuẩn, tiêu chí của trường dạy nghề chất lượng cao.
- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo
- Quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đến cán bộ đảng viên, công nhân viên nhằm thay đổi về nhận thức, tư duy, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
- Phát huy vai trò của Đảng bộ Trường, sự năng động và sáng tạo của các đơn vị, các tổ chức đoàn thể nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên, học sinh hiểu rõ về sứ mệnh, tầm nhìn của Trường, thấu hiểu những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức của Nhà trường trong giai đoạn mới để cùng chung sức phát triển Nhà trường.
- Coi trọng công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong Nhà trường, trước hết là đội ngũ giáo viên.
- Kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, đổi mới công tác quản lý, tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, chất lượng trong Nhà trường.
- Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên để đạt mục tiêu kết nạp từ (1 -2) học sinh, sinh viên và (4-5) giáo viên hằng năm vào Đảng. Cấp ủy nhà Trường, chi bộ, đảng viên phải thực sự đi đầu trong quá trình đổi mới, gương mẫu thực hiện các mục tiêu của chiến lược đề ra.
- Đảng ủy Nhà trường thực sự đi đầu đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước cán bộ, giáo viên, công nhân viên về việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Lãnh đạo Nhà trường phát huy dân chủ, dựa vào đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên.
2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học
a) Đổi mới chương trình đào tạo:
- Tiếp nhận các bộ chương trình đào tạo nghề cấp độ quốc tế, cấp độ khu vực ASEAN khi được Tổng cục Dạy nghề tổ chức bàn giao và triển khai thực hiện;
- Khảo sát các doanh nghiệp sản xuất, học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường và dự báo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, làm cơ sở để chỉnh lý mục tiêu chương trình và xác định cơ cấu ngành nghề phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất;
- Tham khảo các chương trình đào tạo nghề tiên tiến của các nước phát triển về khoa học và công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo;
- Tổ chức các cuộc hội thảo giữa Nhà trường với các doanh nghiệp, chuyên gia lành nghề trong ngành về đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
b) Giáo trình giảng dạy, tài liệu tham khảo:
- Tổ chức biên soạn lại giáo trình theo chương trình đào tạo đã xây dựng, thực hiện đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập theo các ngành nghề đào tạo.
- Tiếp nhận sử dụng bộ giáo trình nhập khẩu cho các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế khi được Tổng cục dạy nghề tổ chức bàn giao và cho triển khai thực hiện.
- Phân bổ kinh phí hằng năm theo kế hoạch để thực hiện đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập theo các nghề đào tạo; giới thiệu, hướng dẫn học sinh, sinh viên khai thác tốt nguồn tài liệu thư viện điện tử; thực hiện số hóa các tài liệu quý hiếm dùng chung cho các cơ sở đào tạo.
- Chủ động khai thác nguồn tài liệu từ thư viện quốc gia, kết nối khai thác thư viện dùng chung với các trường dạy nghề trong toàn quốc.
c) Phương pháp giảng dạy:
- Chuyển đổi mạnh mẽ từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học tích cực, thực hiện tốt nguyên lý “thầy thiết kế chỉ đạo, trò chủ động thực hiện”; phát huy tính chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức của người học nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của người lao động mới;
- Chuyển đổi từ dạy truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang dạy phương pháp ứng dụng kiến thức là chủ yếu;
- Tiếp tục thực hiện mô hình dạy và học sản xuất trong nhà trường tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực hành ngay trên sản phẩm và tiếp cận với thực tế sản xuất;
- Củng cố cơ sở vật chất nhà xưởng, trang thiết bị thực hành sản xuất đảm bảo đủ số lượng, hiện đại và đồng bộ với chương trình đào tạo nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành, phát triển kỹ năng tự học, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm và “Học đi đôi với hành”.
d) Cơ sở vật chất:
- Điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể trường giai đoạn từ 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có kết hợp với xây dựng mới các công trình quan trọng khác, ưu tiên các công trình trọng điểm tại trụ sở chính của Trường;
- Triển khai kế hoạch đầu tư đổi mới mua sắm máy móc, trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho các nghề;
- Đối với các nghề được tập trung đầu tư trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế thực hiện đầu tư theo lộ trình thực hiện Dự án đầu tư nghề trọng điểm. Đối với các nghề khác, tập trung rà soát, bổ sung thiết bị dạy nghề theo danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu quy định của Tổng cục dạy nghề đã ban hành. Các nghề chưa có danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu thì rà soát, bổ sung đảm bảo đủ các thiết bị cơ bản quy định trong chương trình đào tạo nghề. Mỗi thiết bị thực hành chính phải đáp ứng được từ 2-5 người học tùy theo từng nghề đào tạo.
đ) Công tác học sinh, sinh viên:
- Mở rộng diện tích ký túc xá của Trường, từng bước đáp ứng khoảng 60% chỗ ở cho học sinh, sinh viên.
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
- Xây dựng quỹ học bổng khuyến khích, động viên học sinh, sinh viên giỏi, đặc biệt là những đối tượng học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, tạo mọi điều kiện cho họ phát triển tài năng.
- Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, và các hoạt động giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
- Thành lập trung tâm tư vấn hướng nghiệp và quan hệ doanh nghiệp nhằm tư vấn nghề nghiệp, tư vấn việc làm và các vấn đề xã hội khác cho học sinh, sinh viên.
- Thành lập các Hội Cựu học sinh, sinh viên nhằm tạo lập quan hệ thường xuyên để tiếp nhận ý kiến phản hồi phục vụ việc điều chỉnh chương trình đào tạo.
- Tạo mọi điều kiện để học sinh, sinh viên tham gia tự quản, hoạt động trong các câu lạc bộ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, văn hóa - thể thao... nhằm phát triển nhân cách, nâng cao tính chủ động, tích cực, tự tin trong học tập, rèn luyện.
- Củng cố kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác học sinh, sinh viên. Đồng thời hoàn thiện quy chế, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong Trường.
- Hoàn thiện các quy định và tăng cường công tác giáo viên chủ nhiệm, quy định về trách nhiệm, quyền lợi của đội ngũ cán bộ lớp.
- Tăng cường giáo dục toàn diện về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho học sinh, sinh viên. Quan tâm hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho học sinh, sinh viên. Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
- Tổ chức các khóa học kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên như Kỹ năng phỏng vấn và tìm kiếm việc làm, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng làm việc theo nhóm,... nhằm giúp ích cho học sinh, sinh viên phát triển sau khi ra trường.
- Phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi Trường đóng nhằm tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên, nhất là học sinh, sinh viên ở ngoại trú.
3. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan
- Thành lập Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng. Tổ chức đánh giá kết quả đào tạo thông qua Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng của Trường đảm bảo tính khách quan, công bằng, ngăn ngừa tiêu cực trong thi cử.
- Thực hiện đổi mới toàn bộ công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng chú trọng năng lực phân tích, ứng dụng, sáng tạo, thực hành tương xứng với trình độ đào tạo; khả năng thích nghi với môi trường làm việc của người học.
- Tất cả các nghề được tổ chức thi tốt nghiệp theo bộ đề thi chung của Tổng cục dạy nghề ban hành nhằm đảm bảo tay nghề cho học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn kỹ năng nghề cấp quốc gia.
- Mời các doanh nghiệp sản xuất cùng nghề tham gia Hội đồng thi tốt nghiệp của Nhà trường nhằm đánh giá khách quan, trung thực kết quả tốt nghiệp của học sinh, sinh viên ra Trường.
4. Thực hiện các nhiệm vụ góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập
- Chuyển từ đào tạo theo khả năng của Trường sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn với thị trường lao động phù hợp với khả năng, thế mạnh của Trường; coi trọng cả 3 mặt dạy người, dạy chữ, dạy nghề; thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo cử tuyển cho con em các dân tộc ít người, miền núi, hải đảo, các xã có điều kiện kinh tế khó khăn.
- Đa dạng hóa các loại hình đào tạo: Chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, bồi dưỡng ngắn hạn đáp ứng nhu cầu của người học.
- Mời các doanh nghiệp sản xuất tham gia đánh giá sinh viên tốt nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo, tham gia các hội đồng khoa học, đào tạo của Trường.
- Xây dựng, cải tiến các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời, phù hợp với nhu cầu người học.
5. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng
- Rà soát, bổ sung các đầu mối tổ chức phù hợp với yêu cầu quản lý, phát triển của Trường trong từng giai đoạn.
- Rà soát, sắp xếp bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, ưu tiên tuyển dụng giảng viên, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút những người có học hàm, học vị, có tay nghề cao về công tác tại Trường
- Triển khai các chương trình hành động: Cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng.
- Triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn ISO 9001 - 2008 hoặc theo tiêu chuẩn khác được quốc tế thừa nhận.
- Ứng dụng các phần mềm tin học trong công tác: Quản lý đào tạo; nhân sự; hành chính; văn thư, lưu trữ; triển khai công nghệ Trường học điện tử.
- Hằng năm thực hiện công tác người học tham gia đánh giá giáo viên, giáo viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý, cán bộ quản lý cấp dưới đánh giá cán bộ quản lý cấp trên; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa học sinh, sinh viên với Hiệu trưởng.
- Công khai chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo thực tế để xã hội giám sát; nâng cấp Website của Trường phục vụ công tác đào tạo, tuyên truyền, khai thác thông tin,....
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra: Thường xuyên, định kỳ, đột xuất nhằm duy trì nề nếp giảng dạy, ý thức chấp hành quy chế đào tạo, quy định làm việc, học tập, rèn luyện của cán bộ, giảng viên, học sinh - sinh viên.
- Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng và quản lý quá trình đào tạo; xây dựng mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; thực hiện đánh giá trong và đánh giá ngoài chất lượng Trường theo tiêu chuẩn quy định.
6. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo
- Quy hoạch bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp Trường, lãnh đạo các đơn vị giai đoạn (2011-2016), giai đoạn (2016-2021) đáp ứng yêu cầu phát triển; quan tâm bồi dưỡng cán bộ nữ.
- Xây dựng kế hoạch: Tuyển dụng, hợp đồng lao động đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu giáo viên dạy nghề. Tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước; thực hiện chuẩn hóa giáo viên để đạt mục tiêu đến năm 2015 có 01 giáo viên có trình độ tiến sỹ; 30% có trình độ thạc sỹ; đến năm 2020 có 3% giáo viên có trình độ tiến sỹ; 40% có trình độ thạc sỹ; giáo viên có bậc B1 khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu, tin học IC3, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề để giảng dạy, nghiên cứu, khai thác tài liệu nước ngoài và thực hiện hợp tác quốc tế về đào tạo.
- Điều chỉnh Quy chế chi tiêu nội bộ, có chế độ ưu đãi nhằm thu hút, tuyển dụng được những cán bộ, giáo viên có trình độ cao, những chuyên gia giỏi về Trường công tác; thực hiện bồi dưỡng cán bộ quản lý, kỹ thuật viên có đủ trình độ, nghiệp vụ công tác trong lĩnh vực được phân công đảm nhiệm.
- Tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ quản lý tham quan, học tập ở nước ngoài; mời các chuyên gia quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại Trường; giáo viên của Trường tham gia thỉnh giảng các trường khác, được đi làm việc thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất.
- Cử các giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, chuyển giao công nghệ đào tạo ở trong nước và ở nước ngoài theo chương trình của Đề án phát triển 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020.
- Cử cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các phòng, các khoa có nghề trọng điểm đi đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý ở nước ngoài và ở trong nước theo chương trình của Đề án phát triển 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020.
- Hợp tác với Trường cán bộ quản lý GTVT đặt địa điểm tổ chức lớp Trung cấp lý luận chính trị và Quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên tại Trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ quản lý học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Phối hợp với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp để thực hiện nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng năng lực giáo viên.
- Tổ chức cho các giáo viên trực tiếp giảng dạy thực hành và tích hợp tham gia kiểm tra, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia do Tổng cục Dạy nghề tổ chức.
- Hằng năm, xây dựng kế hoạch tăng cường công tác dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, sinh hoạt tổ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giáo viên; tổ chức hội giảng cấp trường nhằm tạo môi trường sinh hoạt chuyên môn giúp giáo viên giữa các khoa trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; cử các giáo viên đạt dạy giỏi cấp trường tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi nghề các cấp.
- Liên kết với các doanh nghiệp có uy tín tổ chức các đợt tham quan, học tập tại nơi sản xuất cho đội ngũ giáo viên, giúp cho giáo viên có cơ hội cọ xát với thực tế sản xuất của nghề ngoài xã hội.
7. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo
- Thực hiện mô hình quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ một phần kinh phí; rà soát, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
- Có cơ chế hỗ trợ cán bộ, giáo viên, công nhân viên có thu nhập thấp và học tập nâng cao trình độ.
- Xây dựng và công khai dự toán thu, chi ngân sách hàng năm; phân bổ kinh phí đảm bảo chi tiêu thường xuyên, ưu tiên phát triển xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo, thực hiện các sáng kiến cải tiến, đề tài khoa học, bồi dưỡng đội ngũ.
- Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán định kỳ về sử dụng nguồn tài chính cho các mặt hoạt động.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung định mức chi phí đào tạo theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.
- Chủ động phát triển đào tạo, tăng nguồn thu từ các hoạt động đào tạo; thực hiện các hợp đồng về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; kết hợp đào tạo với sản xuất.
- Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và các dịch vụ cho người học. Hợp tác với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo. Tìm nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác đào tạo của trường và các nghề trọng điểm quốc tế, khu vực, quốc gia.
- Chủ động phát triển đào tạo, tăng nguồn thu từ các hoạt động đào tạo chính quy, liên kết, vừa làm vừa học, liên thông; bồi dưỡng ngắn hạn tin học, ngoại ngữ; nâng bậc thợ, kết hợp đào tạo với sản xuất; các lớp bồi dưỡng, ...
- Hình thành các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài của Trường; quan tâm giúp đỡ sinh viên nghèo vượt khó; tôn vinh, khen thưởng xứng đáng tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp xây dựng nhà Trường.
- Từng bước cải thiện đời sống và điều kiện làm việc của cán bộ, giáo viên, công nhân viên, đảm bảo phúc lợi của cán bộ, viên chức không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước.
8. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, dạy nghề, đẩy mạnh việc dạy sản xuất
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác đào tạo nghề; tiếp tục bổ sung, sửa đổi quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng khoa học và các định hướng nghiên cứu cụ thể, có chính sách ưu tiên các nguồn lực để đầu tư có trọng điểm; thực hiện các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước.
- Có cơ chế phù hợp để phát huy sức mạnh nội lực và tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, giáo viên tích cực, chủ động sáng tạo trong nghiên cứu, khai thác, ứng dụng khoa học, công nghệ mới và các tiến bộ kỹ thuật phục vụ đào tạo, dạy sản xuất. Gắn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với công tác xét thi đua, khen thưởng.
- Ưu tiên tuyển chọn cán bộ, giáo viên trẻ có năng lực và tâm huyết để đào tạo bồi dưỡng thành chuyên gia giỏi trong việc nghiên cứu, khai thác, ứng dụng công nghệ và các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
- Định hướng hoạt động khoa học công nghệ gắn liền với công tác đào tạo. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong toàn trường. Hướng dẫn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng trong thực hành, thực tập sản xuất.
- Xây dựng quy định hoạt động khoa học công nghệ của trường, khuyến khích giáo viên tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học; gắn các bài học thực hành, tốt nghiệp của học sinh, sinh viên với sản phẩm thực tế để bổ sung cơ sở vật chất của trường.
- Từng bước hiện đại hóa công nghệ thông tin để cập nhật thông tin phục vụ công tác nghiên cứu cũng như trong mọi hoạt động khác.
- Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
9. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo
- Tăng cường hợp tác, liên kết với các trường, trung tâm, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước nhằm giao lưu học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo nghề.
- Tổ chức tham quan, giao lưu, học hỏi các cơ sở dạy nghề trong nước có thế mạnh về đào tạo nghề.
- Cử giáo viên và cán bộ quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường có uy tín trên thế giới đối với các nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN.
- Mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ngoài nước có uy tín để tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng các hoạt động liên kết đào tạo cấp bằng quốc tế được tổ chức đào tạo chủ yếu tại Trường, tăng cường tuyển sinh du học và xuất khẩu lao động.
- Có cơ chế khuyến khích các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo của Nhà trường.
- Xây dựng cơ chế quản lý việc học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Trường.
10. Danh mục các chương trình, dự án và giải pháp về nguồn vốn
a) Danh mục các chương trình, đề án, dự án
(Danh mục các chương trình, đề án, dự án giai đoạn 2014-2020 theo Phụ lục 05 kèm theo)
b) Nguồn vốn thực hiện:
- Giai đoạn 2014-2015: Tập trung các nguồn vốn từ ngân sách, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp của Nhà trường để đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư cho các nghề trọng điểm;
- Giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030: Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo, trong đó chú trọng tăng cường nguồn vốn xã hội hóa.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Chiến lược
1. Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương III
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện Chiến lược, báo cáo Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Tổ chức cán bộ) và những cơ quan liên quan những vấn đề vượt thẩm quyền.
- Xây dựng chương trình hành động hàng năm và 05 năm để thực hiện;
- Định kỳ tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, báo cáo Bộ Giao thông vận tải để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và đề xuất các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả.
2. Các Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải
a) Vụ Tổ chức cán bộ:
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chiến lược theo đúng tiến độ.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ.
b) Vụ Kế hoạch - Đầu tư:
- Chủ trì, hướng dẫn Trường xây dựng các chính sách ưu đãi về đầu tư trong việc thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt các dự án đầu tư phù hợp với lộ trình phát triển Nhà trường theo Chiến lược đề ra.
- Cân đối và tham mưu bố trí nguồn vốn đầu tư, vốn hợp tác phát triển để xây dựng cơ sở vật chất của Trường đảm bảo đạt các mục tiêu của Chiến lược.
c) Vụ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể về các cơ chế tài chính; cân đối các nguồn lực, bố trí, kết hợp các nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược đã được phê duyệt.
d) Vụ Khoa học - Công nghệ: Chủ trì tham mưu, đề xuất giao cho Trường thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ dưới các hình thức chương trình, đề tài, dự án do Bộ chủ trì thực hiện đảm bảo hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.
đ) Vụ Môi trường: Chủ trì tham mưu, đề xuất giao cho Trường thực hiện nhiệm vụ môi trường dưới các hình thức chương trình, đề án do Bộ chủ trì thực hiện đảm bảo hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
e) Vụ Hợp tác quốc tế: Chủ trì tham mưu, hỗ trợ Trường trong tìm kiếm, lựa chọn, kết nối các chương trình hợp tác nhằm thu hút các đối tác nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, hỗ trợ kỹ thuật theo định hướng hợp tác của Nhà trường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương III, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 01
DỰ KIẾN LƯU LƯỢNG HỌC SINH, SINH VIÊN ĐẾN NĂM 2020
Danh mục | Năm học | |||||||
2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |
I. Số HS-SV có mặt đầu năm |
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Hệ Cao đẳng nghề | 1.258 | 1.448 | 1.738 | 1.754 | 1.998 | 2.198 | 2.248 | 2.328 |
2. Hệ Trung cấp nghề | 307 | 229 | 241 | 400 | 400 | 400 | 400 | 400 |
3. Hệ Trung cấp chuyên nghiệp | 93 | 100 | 259 | 409 | 409 | 409 | 409 | 400 |
II. Số HS-SV tuyển mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Hệ Cao đẳng nghề | 406 | 600 | 650 | 650 | 700 | 700 | 730 | 730 |
2. Hệ Trung cấp nghề | 37 | 200 | 200 | 200 | 200 | 200 | 200 | 200 |
3. Hệ Trung cấp chuyên nghiệp | 50 | 200 | 200 | 200 | 200 | 200 | 200 | 200 |
III. Số HS-SV tốt nghiệp |
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Hệ Cao đẳng nghề | 216 | 310 | 634 | 406 | 600 | 650 | 650 | 700 |
2. Hệ Trung cấp nghề | 115 | 188 | 37 | 200 | 200 | 200 | 200 | 200 |
3. Hệ Trung cấp chuyên nghiệp | 43 | 41 | 50 | 200 | 200 | 200 | 200 | 200 |
IV. Số HS-SV có mặt ngày 01/01/năm sau |
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Hệ Cao đẳng nghề | 1.448 | 1.738 | 1.754 | 1.998 | 2.198 | 2.248 | 2.328 | 2.348 |
2. Hệ Trung cấp nghề | 229 | 241 | 400 | 400 | 400 | 400 | 400 | 400 |
3. Hệ Trung cấp chuyên nghiệp | 100 | 259 | 409 | 409 | 409 | 409 | 400 | 400 |
Tổng lưu lượng HS-SV chính quy | 1.777 | 2.238 | 2.563 | 2.807 | 3.007 | 3.048 | 3.128 | 3.148 |
PHỤ LỤC 02
DANH MỤC CÁC NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2020
I. Hệ Cao đẳng nghề: 12 nghề
1. Công nghệ ô tô
2. Xây dựng cầu đường bộ
3. Điện công nghiệp
4. Điện tử công nghiệp
5. Cắt gọt kim loại
6. Hàn
7. Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí
8. Quản trị mạng máy tính
9. Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính
10. Kế toán doanh nghiệp
11 .Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ
12. Quản trị kinh doanh vận tải đường bộ
II. Hệ Trung cấp nghề: 11 nghề
1. Công nghệ ô tô
2. Điện công nghiệp
3. Cắt gọt kim loại
4. Hàn
5. Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy
6. Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí
7. Thiết kế trang web
8. Kế toán doanh nghiệp
9. Vận hành máy thi công mặt
10. Vận hành máy thi công nền
11. Xếp dỡ cơ giới tổng hợp
III. Hệ Trung cấp chuyên nghiệp: 06 ngành
1. Bảo trì và sửa chữa ô tô
2. Xây dựng cầu đường
3. Điện công nghiệp và dân dụng
4. Kế toán doanh nghiệp
5. Kinh doanh vận tải đường bộ
6. Quản trị thông tin văn phòng
PHỤ LỤC 03
CƠ CẤU TỔ CHỨC ĐẾN NĂM 2020
1) Đảng ủy;
2) Hội đồng Trường;
3) Ban Giám hiệu: Hiệu trưởng, các phó Hiệu trưởng;
4) Công đoàn
5) Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
6) Hội đồng Khoa học và Đào tạo
7) Các phòng chức năng: gồm 08 phòng
+ Phòng Đào tạo;
+ Phòng Tổ chức cán bộ;
+ Phòng Tài chính-Kế toán;
+ Phòng Công tác học sinh - sinh viên;
+ Phòng Hành chính;
+ Phòng Cung ứng vật tư;
+ Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng;
+ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế.
8) Các khoa chuyên môn: gồm 09 khoa,
+ Khoa Cơ khí động lực;
+ Khoa Xây dựng công trình giao thông;
+ Khoa Máy xây dựng;
+ Khoa Điện công nghiệp;
+ Khoa Cơ khí chế tạo;
+ Khoa Công nghệ thông tin;
+ Khoa Kinh tế;
+ Khoa Sư phạm nghề;
+ Khoa Tài chính - Kế toán.
9) Các Trung tâm, Ban nghề: gồm 08 Trung tâm và 3 Ban nghề
+ Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới Giao thông vận tải;
+ Trung tâm Đào tạo lái xe;
+ Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới Giao thông vận tải Thuận An;
+ Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe;
+ Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ;
+ Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Phú Thọ Hòa;
+ Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và quan hệ doanh nghiệp;
+ Trung tâm kiểm định xe cơ giới đường bộ;
+ Ban nghề Đào tạo lái xe 1;
+ Ban nghề Đào tạo lái xe 2;
+ Ban nghề Đào tạo lái xe 3.
PHỤ LỤC 04
NHU CẦU VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ DẠY NGHỀ ĐẾN NĂM 2020
I. Cơ sở vật chất
1. Nhu cầu diện tích đất cần:
Toàn Trường | 3.140 HS X 30 m2/HS | = | 94.200 m2 |
Khu học tập | 3.140 HS X 14 m2/HS | = | 43.960 m2 |
Khu rèn luyện thể chất | 3.140 HS X 6 m2/HS | = | 18.840 m2 |
Khu phục vụ sinh hoạt | 3.140 HS X 10 m2/HS | = | 31.400 m2 |
2. Nhu cầu diện tích khối học tập:
Phòng học lý thuyết | 90 lớp x 60 m2/lớp x 30% | = | 1.620 m2 |
Phòng học chuyên môn | 50 phòng x 102 m2 /phòng | = | 5.100 m2 |
Phòng thí nghiệm | 02 phòng x 102 m2 /phòng | = | 204 m2 |
Giảng đường 150 chỗ ngồi kết hợp phòng hội thảo khoa học, chuyên môn | 150 chỗ ngồi x 1,2 m2/chỗ x 2 giảng đường (phục vụ cho 10% HS toàn trường) | = | 360 m2 |
Tổng cộng |
| 7.284 m2 |
3. Nhu cầu diện tích khối thực hành
Xưởng thực hành | 3.140 HS x 4,0 m2 /chỗ thực hành x 70% | = | 8.792 m2 |
4) Nhu cầu diện tích khối phục vụ học tập
Hội trường | 3.140 HS x 1,2 m2 /chỗ ngồi x 30% | = | 1.130 m2 |
Thư viện | (3.140 HS x 3% x 1,8 m2/chỗ đọc) + (174 GV x 20% x 2,4 m2/chỗ đọc) | = | 254 m2 |
Phòng truyền thống | 01 phòng x 36m2/phòng | = | 36 m2 |
Tổng cộng |
| 1.420 m2 |
5) Nhu cầu diện tích khối rèn luyện thể chất
Nhà thi đấu đa năng | 3.140 HS x 0,45m2/HS | = | 1.413 m2 |
Khu giáo dục thể chất | 3.140 HS x 0,35m2/HS | = | 1.100 m2 |
Tổng cộng |
| 2.513 m2 |
6) Nhu cầu diện tích khối hành chính
Phòng Hiệu trưởng | 01 phòng x 25m2/phòng | = | 25 m2 |
Phòng Phó Hiệu trưởng | 01 phòng x 18m2/phòng | = | 18 m2 |
Các phòng chức năng | (18 trưởng, phó phòng x 12m2/người) + (52 nhân viên hành chính x 4,5m2/người) | = | 450 m2 |
Các Khoa, Ban (Mỗi đơn vị 01 văn phòng, diện tích mỗi phòng bố trí từ 40m2-60m2) | 12 phòng x 50m2/phòng | = | 600 m2 |
Phòng Giám đốc và Phó Giám đốc các Trung tâm (gồm 3 trung tâm, mỗi trung tâm cơ cấu 01 GĐ và 01 PGĐ) | 06 phòng x 18m2/phòng | = | 108 m2 |
Các phòng chức năng của trung tâm (mỗi trung tâm gồm 4 phòng chức năng, diện tích mỗi phòng bố trí từ 40m2-60m2) | 12 phòng x 40m2/phòng | = | 480m2 |
Phòng họp | 02 phòng họp x 36m2/phòng | = | 72m2 |
Phòng chuẩn bị giảng dạy của giáo viên (Mỗi khoa bố trí một phòng) | 9 phòng x 18m2/phòng |
| 162 m2 |
Văn phòng Đảng ủy | 01 phòng x 18m2/phòng | = | 18 m2 |
Phòng công đoàn | 01 phòng x 18m2/phòng | = | 18 m2 |
Phòng Đoàn TN | 01 phòng x 18m2/phòng | = | 18 m2 |
Nhà thường trực | 01 phòng x 18m2/phòng | = | 18m2 |
Kho (Các Khoa, Ban, Trung tâm bố trí mỗi đơn vị 01 kho, khối hành chính 02 kho, diện tích xây dựng dự kiến 26m2/kho) | 15 kho x 26m2/kho | = | 390m2 |
Tổng cộng | = | 2.377m2 |
7) Nhu cầu diện tích khối phục vụ sinh hoạt
Ký túc xá (Dự kiến phục vụ 60% HS) | 3.140 HS x 3,5 m2/HS x 60% | = | 10.000 m2 |
Nhà ăn tập thể 300 chỗ ngồi | 300 x 1,8 m2/chỗ ngồi | = | 540 m2 |
Tổng cộng | = | 10.540m2 |
8) Trạm y tế
Phòng trạm trưởng, phòng khám, phòng bệnh nhân, kho thuốc, vệ sinh.
Phòng y tế | 01 phòng X 120m2 | = | 120 m2 |
9) Nhu cầu nhà để xe
Khu vực để xe cho CBGV | 400 CBGV x 0.9 m2/xe | = | 360m2 |
Khu vực để xe cho HS (Phục vụ 40% HS ngoại trú) | 3.140 HS x 40% x 0.9 m2/xe | = | 1.130m2 |
Tổng cộng | = | 1.490m2 |
v Tổng hợp nhu cầu về cơ sở vật chất
TT | Hạng mục | Đã có | Nhu cầu | Còn thiếu |
1 | Diện tích các khối chức năng công trình chủ yếu của trường nghề phục vụ đào tạo hệ chính quy dài hạn | 11.594 m2 | 34.536 m2 | 22.942 m2 |
II. Nhu cầu trang thiết bị các phòng thực hành theo chuyên ngành
TT | Tên phòng thực hành | Số lượng |
Nghề: Công nghệ ô tô | ||
1 | Phòng học lý thuyết chuyên môn động cơ ô tô | 3 |
2 | Phòng học lý thuyết chuyên môn gầm ô tô | 3 |
3 | Phòng học lý thuyết chuyên môn điện ô tô | 2 |
4 | Xưởng thực hành | 4 |
Nghề: Xây dựng cầu đường bộ | ||
1 | Phòng học chuyên môn phần đường | 3 |
2 | Phòng học chuyên môn phần cầu | 3 |
3 | Phòng thí nghiệm | 1 |
4 | Xưởng thực tập cơ bản | 1 |
Nghề: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí | ||
1 | Phòng kỹ năng kỹ thuật cơ bản | 1 |
2 | Phòng kỹ thuật điện cơ bản | 1 |
3 | Phòng điện tử cơ bản và kỹ thuật số | 1 |
4 | Phòng cung cấp điện cơ bản | 1 |
5 | Phòng kỹ thuật máy tính | 1 |
6 | Phòng kỹ thuật đo lường | 1 |
7 | Phòng kỹ thuật cảm biến | 1 |
8 | Phòng thiết bị điện gia dụng | 1 |
9 | Phòng kỹ thuật lắp đặt trạm điện | 1 |
10 | Phòng máy điện | 1 |
11 | Phòng kỹ thuật về năng lượng tái tạo | 1 |
12 | Phòng kỹ thuật lắp đặt bảo dưỡng máy điện và nguồn cấp |
|
13 | Phòng truyền thông công nghiệp | 1 |
14 | Phòng trang bị điện | 1 |
15 | Phòng điện tử công suất |
|
16 | Phòng lắp đặt điện | 1 |
17 | Phòng PLC cơ bản | 1 |
18 | Phòng PLC nâng cao | 1 |
19 | Phòng truyền động điện khí nén – thủy lực | 1 |
20 | Phòng thí nghiệm điện | 1 |
21 | Phòng tự động hóa công nghiệp | 1 |
22 | Phòng cơ điện tử |
|
23 | Phòng kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí | 1 |
24 | Phòng hội thảo và thư viện chuyên ngành |
|
Nghề: Vận hành máy thi công mặt, Vận hành máy thi công nền | ||
1 | Phòng động cơ đốt trong | 1 |
2 | Gầm và thiết bị công tác | 1 |
3 | Trang thiết bị điện trên máy thi công mặt, nền | 2 |
Nghề: Cắt gọt kim loại, Hàn | ||
1 | Phòng học chuyên môn | 1 |
2 | Phòng CAD/CAM | 1 |
3 | Phòng thực hành CNC | 1 |
4 | Phòng thực hành hàn công nghệ cao | 1 |
5 | Xưởng thực hành cắt gọt |
|
6 | Xưởng thực hành hàn | 1 |
7 | Xưởng thực tập nguội cơ bản | 1 |
Nghề: Quản trị mạng máy tính, Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính, Thiết kế web | ||
1 | Phòng máy tính | 3 |
2 | Phòng thực hành mạng | 1 |
Nghề: Kế toán doanh nghiệp, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quản trị | ||
1 | Phòng thực hành kế toán ảo và quản trị | 2 |
PHỤ LỤC 05
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐỀ ÁN, DỰ ÁN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
I. Danh mục các chương trình, đề án
TT | Tên chương trình, đề án | Thời gian thực hiện |
1 | Đề án "Tự chủ tài sản" | Năm 2014 |
2 | Đề án "Xã hội hóa công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ tại một số Trung tâm thuộc Trường" | Giai đoạn 2014-2015 |
3 | Đề án "Vị trí việc làm" | Năm 2014 |
4 | Đề án "Dạy và học ngoại ngữ" | Năm 2014 |
5 | Kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề - lần 2 | Năm 2014 |
6 | Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo cấp độ thuộc dự án phát triển 40 trường nghề chất lượng cao | Giai đoạn 2015-2017 |
7 | Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 | Giai đoạn 2017-2020 |
II. Danh mục các dự án thực hiện giai đoạn 2014 - 2020
TT | Tên dự án | Thời gian thực hiện |
1 | Trụ sở văn phòng làm việc và giảng đường | Giai đoạn 2014-2015 |
2 | Khu giảng đường và phòng học chuyên môn | Giai đoạn 2014-2017 |
3 | Khối nhà xưởng thực hành, phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu chuyên môn | Giai đoạn 2017-2020 |
4 | Đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 | Giai đoạn 2011 -2015 |
5 | Trung tâm kiểm định xe cơ giới đường bộ | Giai đoạn 2014-2017 |
6 | Khu giáo dục thể chất | Giai đoạn 2017-2020 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.