ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 87/2002/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 08 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Luật tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000; Pháp lệnh đê điều ngày 24 tháng 8 năm 2000 và Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 110/2001/QĐ-UB ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về bổ sung nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp chính quyền của thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố tại Tờ trình số 26/TTr.PCLB ngày 08/7/2002 về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai tại thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Để chủ động trong công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai hàng năm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các Sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện có trách nhiệm:
1.1- Tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm trước để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án cho các năm sau có hiệu quả; đảm bảo thống nhất, đồng bộ và có hệ thống từ quận-huyện xuống xã-phường, thị trấn, nhất là các vùng trọng điểm, xung yếu;
1.2- Kiện toàn, tổ chức Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp, các ngành; tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án phòng, chống lụt, bão, thiên tai; đối với những địa phương tiếp giáp biển, thường xuyên xảy ra lũ, lụt, triều cường, trực tiếp chịu ảnh hưởng bão thì Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp làm Trưởng ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão.
1.3- Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ); các Sở, ban, ngành, địa phương phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động phòng tránh và đối phó với các tình huống bất lợi nhất khi lũ, bão, triều cường, xả lũ, thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
1.4- Bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban trong mùa lũ, bão.
1.5- Tổ chức thực hiện thu-nộp quỹ phòng, chống lụt, bão theo quy định của Chính phủ.
1.6- Báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống lụt, bão của cơ quan, đơn vị mình gửi Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố; chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền khi xảy ra lũ, lụt, lốc, triều cường, bão, thiên tai, nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 2.- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận-huyện:
Trách nhiệm chung của Ủy ban nhân dân các huyện-quận ven tiếp giáp biển, có sông rạch lớn, có các khu vực thấp trũng trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi lũ Tây Nam, xả lũ các hồ chứa và các quận nội thành:
- Phải hoàn thành kế hoạch tu bổ bờ bao hàng năm trước mùa mưa lũ, kiểm tra, đánh giá chất lượng từng tuyến bờ bao, xử lý kịp thời mọi hư hỏng của bờ bao, kè, cống; xây dựng phương án bảo vệ cho từng tuyến bờ bao, từng trọng điểm.
- Chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng để sẵn sàng đối phó với lũ lớn, triều cường, xả lũ.
- Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của lũ, bão thiên tai, chủ động tổ chức việc phòng tránh, xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn trước khi thiên tai xảy ra như chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, kho tàng...
- Có kế hoạch di dời dân những khu vực ven cửa sông, ven biển, vùng ngập sâu và vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn; kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi khi có bão và áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Có kế hoạch xây dựng nhà ở có kết cấu phù hợp cho việc tránh lũ, bão; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ để hạn chế thiệt hại.
- Các địa phương cần động viên, tổ chức dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, chất đốt, thuốc men ở từng gia đình, từng thôn, xã, huyện.
- Tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống lụt, bão, cứu nạn; chủ động xây dựng phương án đối phó, huy động mọi nguồn lực trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” để đối phó và khắc phục hậu quả.
- Các quận nội thành phối hợp với Sở Giao thông công chánh tích cực tổ chức triển khai chương trình chống úng ngập nội thị trong mùa mưa.
Điều 3.- Các Sở, ban, ngành thành phố có trách nhiệm:
3.1- Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố có trách nhiệm và nhiệm vụ quy định ở Điều 3 quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 24/4/2002.
3.2- Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố có kế hoạch, phương án chuẩn bị lực lượng, phương tiện; phối hợp với Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố, các Sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng phương án và tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn kịp thời, có hiệu quả; sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống khẩn cấp và khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai, đảm bảo quân đội là lực lượng chủ lực trong công tác này; thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thường trực Tìm kiếm-cứu nạn của thành phố.
3.3- Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ có chương trình, kế hoạch, xử lý thông tin chuyên ngành, đảm bảo từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo để phục vụ tốt cho công tác điều hành, chỉ đạo, chỉ huy phòng ngừa và đối phó có tính hiệu quả; nhất là việc dự báo sớm khả năng xuất hiện và diễn biến các tình huống phức tạp của lũ, bão, thiên tai; cung cấp kịp thời về các số liệu, các phân tích về dòng chảy, mưa, lũ, bão và nước biển dâng cho Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố và các Sở, ban, ngành, các địa phương liên quan.
3.4- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương hoàn thành kế hoạch tu bổ bờ bao hàng năm; xây dựng các công trình thủy lợi theo tiến độ vượt lũ; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, bảo vệ sản xuất ở các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ, bão, triều cường.
Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển, trên sông và tại nơi trú ẩn; bảo vệ sản xuất và các công trình nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo việc quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển phù hợp với tình hình lũ, bão, triều cường để hạn chế thiệt hại; thực hiện nhiệm vụ Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố.
3.5- Sở Giao thông công chánh thành phố lập kế hoạch, phương án chuẩn bị sẵn sàng lực lượng các loại phương tiện, vật tư xử lý khi có sự cố về cầu, đường, đảm bảo các tuyến giao thông (thủy, bộ) thông suốt, phục vụ di dời; chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố và Ủy ban nhân dân các quận nội thành, quận ven kiểm tra các điểm, khu vực ngập nước, đề xuất kế hoạch, biện pháp giải quyết trình Ủy ban nhân dân thành phố; tích cực triển khai Chương trình chống ngập nước nội thị trong mùa mưa.
3.6- Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phối hợp với Sở Tài chánh-Vật giá thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về công tác kế hoạch đầu tư nguồn vốn cho việc đầu tư xây dựng công trình phòng chống lụt bão, chống ngập úng, khắc phục hậu quả lũ lụt, bão và thiên tai gây ra đối với các Sở-ngành, quận-huyện.
3.7- Sở Công nghiệp và Công ty Điện lực thành phố phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, có kế hoạch, phương án quy trình điều tiết nước hồ Trị An, hồ Thác Mơ và các hồ thủy điện khác để vừa đảm bảo kế hoạch phát điện và sẵn sàng tham gia cắt lũ và cấp nước, đẩy mặn cho hạ du trong mùa khô; đảm bảo an toàn mạng lưới điện thành phố, cung cấp đủ điện cho các cơ quan, đơn vị được ưu tiên và phục vụ bơm tiêu chống ngập úng.
3.8- Công an thành phố đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra, phối hợp với các lực lượng quân đội, các ngành, địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn.
3.9- Bưu điện thành phố có trách nhiệm ưu tiên cho mạng thông tin phòng, chống lụt, bão, đảm bảo thông tin suốt trong mọi tình huống, kể cả khi lũ, bão xảy ra.
3.10- Sở Thương mại phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận-huyện trước mùa lũ, bão hàng năm có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng bị ngập sâu; phối hợp với Chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ, từ tháng 9 đến tháng 11 ở mỗi hộ gia đình, mỗi thôn, xã và mỗi huyện phải có lượng dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để đủ sử dụng cho thời gian tối thiểu là hai tuần lễ.
3.11- Sở Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các cơ quan thông tin, báo chí địa phương phải thường xuyên tăng cường công tác thông tin, thông báo chính xác, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo về thời tiết lũ, bão, thiên tai; các chủ trương, mệnh lệnh, chỉ thị về việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, bão và các kinh nghiệm, các điển hình trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, tránh lũ, bão, thiên tai.
3.12- Sở Tài chánh-Vật giá thành phố và Cục Thuế thành phố phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu thu Quỹ Phòng chống lụt bão; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các quận-huyện thu-nộp; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thu nếu vượt quá thẩm quyền trình Ủy ban nhân dân thành phố.
3.13- Các Sở-ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tăng cường công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão của Sở-ngành mình. Đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư và kinh phí để chủ động tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão thiên tai theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố.
Điều 4.- Hàng năm, căn cứ nội dung quyết định này, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố, các Sở-ngành địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình và tình hình diễn biến lũ, bão thiên tai ban hành hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tổ chức, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Điều 5.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; các Chỉ thị sau đây hết hiệu lực từ ngày ký: số 15/1999/CT-UB-KT ngày 22/6/1999; số 13/2000/CT-UB-KT ngày 17/5/2000 và số 11/2001/CT-UB ngày 12/6/2001.
Điều 6.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở-Ban-ngành thành phố, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty 90 và 91 đóng trên địa bàn thành phố, Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.