THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 85/2002/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 85/2002/QĐ-TTG NGÀY 28 THÁNG 6 NĂM 2002 BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 17-NQ/TW NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 2002 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ 5 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHOÁ IX) VỀ "ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2002/NQ-CP của Chính phủ ngày 03 tháng 6 năm 2002 tại phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 17-NQ/TW NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 2002 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ 5 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHOÁ IX) VỀ "ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN"
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 85/2002/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ)
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn"; quán triệt Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08 tháng 4 năm 2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng "về việc nghiên cứu quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương", Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu sau:
I. NHỮNG NHIỆM VỤ CẦN TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT TỪ NAY ĐẾN NĂM 2005
1. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cơ sở, đổi mới và nâng cao hiệu lực của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
- Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền cấp cơ sở trong hệ thống chính quyền Nhà nước bốn cấp theo quy định của Hiến pháp trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các mục tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng ở cơ sở; thực hiện quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền được giao; hướng dẫn và giám sát các hoạt động tự quản của dân, tạo thuận lợi cho dân và doanh nghiệp làm ăn theo pháp luật. Cấp trên không dồn cho cơ sở những công việc thuộc chức năng cấp trên phải làm và không buộc cơ sở phải làm tất cả mọi việc về quản lý hành chính nhà nước.
- Phân cấp rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cho chính quyền cấp cơ sở trong quản lý nhà nước; định rõ những việc cấp trên ủy quyền cho chính quyền cấp cơ sở thực hiện. Nội dung cụ thể bao gồm:
+ Phân cấp cho chính quyền cơ sở trong việc thu chi ngân sách; sắp xếp và quản lý cán bộ; quản lý đất đai; bảo vệ đê điều, thủy nông; quản lý hộ tịch; quản lý các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách và vốn huy động trong dân, quản lý cơ sở vật chất về giáo dục, y tế, văn hoá phục vụ nhân dân trong xã, phường, thị trấn;
+ Uỷ quyền cho chính quyền cơ sở thực hiện trên địa bàn việc thu một số loại thuế, việc quản lý tài nguyên; thực hiện chính sách xã hội bằng ngân sách nhà nước, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
+ Chính quyền phường không quản lý toàn diện các hoạt động sản xuất, đời sống dân cư trên địa bàn như chính quyền xã, thị trấn, song có nhiệm vụ rất quan trọng trong quản lý đô thị. Do đó, cần phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và tạo điều kiện để chính quyền phường thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai, nhà ở, dân cư, vệ sinh môi trường và trật tự đô thị.
- Đổi mới tổ chức cơ quan hành chính cấp cơ sở, giảm bớt số thành viên ủy ban nhân dân để hoạt động của ủy ban nhân dân thuận lợi, năng động hơn, đề cao trách nhiệm, làm rõ thẩm quyền của tập thể ủy ban nhân dân, của Chủ tịch ủy ban nhân dân và các ủy viên. Kiện toàn bộ máy giúp việc gồm Văn phòng Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và 3 khối công việc: khối kinh tế - tài chính (kể cả kế toán), khối văn hoá - xã hội và khối nội chính, có sự phân biệt giữa xã, phường và thị trấn.
- Đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đảm bảo dân chủ hơn trong đề cử, ứng cử, lựa chọn để các đại biểu Hội đồng nhân dân thực sự là người đại diện cho dân. Tăng thêm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân; tăng tỷ lệ thích đáng đại biểu là người ngoài Đảng. Nâng cao chất lượng các kỳ họp và chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân.
2. Xây dựng đội ngũ và chế độ, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở.
Theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX), hệ thống chính trị ở cơ sở có cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách. Cán bộ chuyên trách là những cán bộ phải dành phần lớn thời gian lao động làm việc công để thực hiện chức trách được giao, bao gồm:
- Cán bộ giữ chức vụ qua bầu cử: cán bộ chủ chốt của cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, những người đứng đầu ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Cán bộ chuyên môn được ủy ban nhân dân tuyển chọn: công an trưởng, xã đội trưởng, cán bộ văn phòng, địa chính, tài chính - kế toán, tư pháp, văn hoá - xã hội. Số lượng cán bộ chuyên môn do Chính phủ quy định.
Cán bộ chuyên trách ở cơ sở có chế độ làm việc và được hưởng chính sách về cơ bản như cán bộ, công chức nhà nước; khi không còn là cán bộ chuyên trách mà chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, được tiếp tục tự đóng bảo hiểm xã hội hoặc được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo chế độ nghỉ việc. Cán bộ, công chức ở cơ sở có đủ điều kiện được thi tuyển vào ngạch công chức cấp trên. Từ nay đến năm 2005 có khoảng 70-80% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ qua bầu cử được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn quy định; khoảng 80% cán bộ, công chức chuyên môn có trình độ trung cấp trở lên đối với đồng bằng, sơ cấp trở lên đối với miền núi.
Để thực hiện nội dung trên, cần tập trung làm những việc sau:
- Sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, công chức, phân biệt rõ 3 loại: cán bộ, công chức hành chính; cán bộ, viên chức sự nghiệp và cán bộ, công chức ở cơ sở.
- Từng bước trẻ hoá và xây dựng tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh cán bộ chuyên trách và xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở chính quyền cơ sở.
- Các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với việc tạo nguồn và động viên sinh viên mới tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về công tác ở chính quyền cơ sở, phấn đấu đến hết năm 2005 đạt chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết.
- Triển khai đề án về chính sách tiền lương đối với cán bộ chuyên trách và chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở chính quyền cơ sở.
- Căn cứ đề án phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, xây dựng và triển khai đề án phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
- Xây dựng Nghị định mới về cán bộ ở cấp chính quyền cơ sở thay thế Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 1999 về Công an xã, Nghị định số 46/2000/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2000 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/CP ngày 14 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh về Dân quân tự vệ và các văn bản khác có liên quan đến chế độ chính sách đối với cán bộ ở cấp chính quyền cơ sở.
3. Giao quyền chủ động về tài chính cho chính quyền cấp cơ sở và từng bước bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ chung cho các cơ quan trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
- Xây dựng Đề án tự chủ tài chính đối với cấp cơ sở, mở rộng các khoản thu để lại 100% cho chính quyền cơ sở, khuyến khích tăng nguồn thu bảo đảm cho những cơ sở ở trình độ phát triển trung bình có thể tự cân đối được chi thường xuyên; nghiên cứu cơ chế tài chính đối với hai loại chính quyền cơ sở: loại xã, phường, thị trấn tự cân đối được chi thường xuyên và loại xã, phường, thị trấn chưa tự cân đối được chi thường xuyên và có cơ chế khuyến khích đối với cơ sở có số thu ngân sách vượt so với dự toán được giao.
- Xây dựng đề án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và mua sắm trang thiết bị cần thiết cho hệ thống chính trị cấp cơ sở phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, nhất là ở miền núi và các vùng khó khăn. Phấn đấu đến năm 2005 các xã, phường, thị trấn đều có trụ sở làm việc và trang bị các phương tiện làm việc cần thiết, từng bước hiện đại hoá theo yêu cầu tin học hoá hệ thống quản lý hành chính Nhà nước. Bảo đảm tốt hệ thống truyền thanh, nhà bưu điện - văn hoá để cung cấp thông tin cho nhân dân.
- Lập đề án đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt văn hoá thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố.
4. Hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và từng bước hoàn thiện tổ chức và hoạt động ở cộng đồng dân cư.
- Sửa đổi, bổ sung Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy quyền làm chủ của dân trên cơ sở thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, phát huy quyền dân chủ đại diện, quy định cụ thể việc thực hiện quyền của dân giám sát tổ chức và cán bộ ở cơ sở và thay thế người không đủ tín nhiệm. Phát huy dân chủ phải đi liền với củng cố và nâng cao kỷ luật, kỷ cương theo pháp luật.
- Thôn, làng, ấp, bản, sóc (gọi chung là thôn), khu phố hoặc tổ dân phố không phải là một cấp hành chính. Trưởng thôn, trưởng bản, trưởng khu phố hoặc tổ trưởng tổ dân phố do dân trực tiếp bầu vừa là người đại diện cho dân, vừa là đại diện cho chính quyền xã, phường, thị trấn để thực hiện một số nhiệm vụ hành chính tại thôn, khu phố, tổ dân phố do ủy ban nhân dân cấp xã ủy nhiệm.
- Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố hoặc tổ dân phố để phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư, giúp đỡ nhau sản xuất, giảm nghèo, bảo thọ, xây dựng đời sống văn hoá, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường.
5. Đổi mới sự chỉ đạo của cấp trên đối với chính quyền cơ sở.
- Các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp huyện phải đổi mới phương thức chỉ đạo, khắc phục bệnh quan liêu, xa dân, hướng mạnh tới cơ sở, tăng cường đi sát, làm việc trực tiếp với cơ sở, với dân, cùng với chính quyền cơ sở giải quyết vướng mắc cho dân, tổng kết những điển hình tốt từ cơ sở, những sáng kiến của dân. Mỗi cấp chính quyền có quy chế cụ thể về thời gian làm việc tại cơ sở, giảm bớt sự chỉ đạo bằng giấy tờ và hội họp.
- Trong năm 2002, đồng thời với việc tiếp tục cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", Chính phủ phối hợp với ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động đổi mới về kinh tế "Toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, từng nhà làm giàu cho mình, cho cộng đồng ở cơ sở và cho đất nước".
- Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Pháp lệnh Cán bộ, công chức, Luật về hội, các quy chế về tổ chức, phương thức làm việc của chính quyền cơ sở, các chính sách đối với cán bộ ở cấp chính quyền cơ sở.
II. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI
1. Những nội dung công việc cần triển khai thực hiện trong sáu tháng cuối năm 2002:
a) Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Cán bộ, công chức.
b) Xây dựng Nghị định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền xã, phường, thị trấn trong quản lý kinh tế, tài chính, đất đai, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh.
c) Sửa đổi, bổ sung Nghị định về Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
d) Xây dựng Đề án phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
đ) Xây dựng Đề án về tiêu chuẩn cán bộ chuyên trách và quy hoạch, đào tạo cán bộ ở xã, phường, thị trấn.
e) Xây dựng Đề án về chế độ tiền lương của cán bộ chuyên trách và phụ cấp của cán bộ không chuyên trách, các chế độ chính sách khác đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.
g) Ban hành Quyết định về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, làng, ấp, bản, sóc, khu phố hoặc tổ dân phố.
Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
h) Xây dựng Đề án về cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở chủ động về ngân sách.
Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.
i) Xây dựng Đề án về kế hoạch, chương trình, giáo trình đào tạo cán bộ xã, phường, thị trấn.
Cơ quan chủ trì: Học viện Hành chính Quốc gia.
k) Xây dựng Đề án xây dựng khu Trung tâm xã (bao gồm khu hành chính và văn hoá, thể thao), nhà sinh hoạt văn hoá thôn, làng, ấp, bản.
Các cơ quan chủ trì:
Bộ Xây dựng thực hiện việc khảo sát, lập quy hoạch và mẫu thiết kế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc lập kế hoạch, phân bổ vốn đầu tư.
Bộ Tài chính thực hiện việc cấp kinh phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện.
2. Những nội dung công việc triển khai năm 2003:
a) Sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
b) Xây dựng Nghị định về cán bộ chính quyền ở xã, phường, thị trấn.
Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08 tháng 4 năm 2002 trong các bộ, ngành Trung ương và hệ thống chính quyền địa phương. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ, công chức thuộc đơn vị mình. Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, quán triệt trong cán bộ, công chức các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở. Thông qua nghiên cứu, quán triệt đánh giá đúng thực trạng cơ sở của địa phương mình, xác định đúng nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém của các cơ sở để tìm biện pháp khắc phục có hiệu quả; tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và hành động thực hiện Nghị quyết.
2. Căn cứ vào Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 (Quyết định 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001) và Kế hoạch triển khai của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Bộ, ngành Trung ương được giao chủ trì các công việc có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành hữu quan và các địa phương xây dựng và chủ động tổ chức triển khai và hoàn thành công việc theo đúng thời gian quy định.
Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân, các Bộ, ngành và địa phương theo thẩm quyền, chủ động tổ chức thực hiện những vấn đề đã nêu; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Chính quyền các cấp ở địa phương, trước hết là Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) ở địa phương mình, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai; đảm bảo hoàn thành đúng chỉ tiêu và tiến độ thời gian nêu trong Nghị quyết và Kế hoạch của Chính phủ.
4. Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng mục đích, yêu cầu nội dung và các chỉ tiêu của cuộc vận động mới về kinh tế, kế hoạch tổ chức phong trào thi đua đó, để có thể triển khai ngay sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XI.
5. Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cần thiết cho việc thực hiện các nội dung công việc nêu tại Mục II của Kế hoạch này.
6. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chịu trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện kế hoạch nói trên; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện kế hoạch và kiến nghị giải quyết những vấn đề vướng mắc.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.