ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 845/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 11 tháng 6 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-TTG ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Báo cáo kết quả điều tra đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Yên Bái và ban hành Kế hoạch hành động của tỉnh Yên Bái về đa dạng sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 981/TTr-STNMT ngày 04 tháng 6 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (sau đây gọi tắt là ĐDSH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1250/QĐ-TTG ngày 31 tháng 7 năm 2013. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động (sau đây gọi tắt là KHHĐ) như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu đến năm 2020
1.1. Nâng cao chất lượng và tăng diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, bảo đảm: duy trì, bảo vệ và phát triển hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, nâng cao tính đa dạng sinh học của rừng trồng; độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 63, 5%; bảo vệ và mở rộng về quy mô các vùng đất ngập nước trong tỉnh, phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước ở những vùng dễ bị tổn thương về môi trường, quy hoạch các vùng nuôi trồng và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản.
1.2. Cải thiện về chất lượng và số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đặc biệt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, bảo đảm: không gia tăng số lượng loài bị tuyệt chủng, cải thiện đáng kể tình trạng một số loài nguy cấp, quý, hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng.
1.3. Kiểm kê, lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen (vật nuôi, cây trồng, vi sinh vật) bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, bảo đảm các nguồn gen bản địa, quý, hiếm không bị suy giảm và xói mòn.
2. Tầm nhìn đến năm 2030
Các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng bị suy thoái được phục hồi; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Nội dung nhiệm vụ
1.1. Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên
a) Củng cố và hoàn thiện các khu bảo tồn
- Tiếp tục đầu tư xây dựng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đã được Thủ tướng Chính phủ cho chuyển tiếp sang hệ thống khu bảo tồn theo quy định của Luật Đa dạng sinh học;
- Nghiên cứu đầu tư xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên mới như: Tân Phượng, huyện Lục Yên; Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn để trên cơ sở đó đề xuất bổ sung vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014;
- Áp dụng mô hình cơ quan quản lý thống nhất hệ thống các khu bảo tồn; khuyến khích và áp dụng các mô hình đồng quản lý khu bảo tồn, chú trọng đến sự tham gia và lợi ích của cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng đệm;
- Củng cố, kiện toàn Ban quản lý các khu bảo tồn; rà soát, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực các ban quản lý khu bảo tồn; thực hiện chính sách ưu đãi cho cán bộ làm việc trong các khu bảo tồn; có chế độ đãi ngộ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học;
- Áp dụng các quy định về phân cấp, phân hạng và phân loại khu bảo tồn, quy trình thành lập mới, lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch quản lý, tài chính, quan trắc và quy chế quản lý đối với khu bảo tồn;
- Điều tra, đánh giá giá trị và dịch vụ hệ sinh thái của các khu bảo tồn hiện có của tỉnh; xây dựng kế hoạch về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm.
b) Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng của tỉnh
- Điều tra, đánh giá và lập bản đồ phân vùng sinh thái, xác định các vùng sinh thái có tính đa dạng sinh học cao, các vùng sinh thái bị suy thoái, các vùng sinh thái nhạy cảm;
- Điều tra, thống kê diện tích, đánh giá tình trạng, lập ngân hàng dữ liệu, bản đồ về các vùng đất ngập nước tự nhiên và các hệ sinh thái tự nhiên đặc thù khác;
- Tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh; thực hiện các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép nhằm bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn;
- Khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng; thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cháy rừng, nâng cao năng lực ứng phó với cháy rừng ở các cấp;
- Thực hiện kế hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đối với các lưu vực sông Thao, sông Chảy, ngòi Thia, ngòi Hút.
1.2. Bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm
a) Ngăn chặn sự suy giảm các loài hoang dã bị đe dọa, đặc biệt loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
- Lập kế hoạch cụ thể bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng hiện đang còn tại một số khu vực như: Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, khu rừng Tân Phượng, huyện Lục Yên; khu rừng Việt Hồng, huyện Trấn Yên; sông Thao, sông Chảy, ngòi Thia, hồ Thác Bà, cụ thể:
+ Cây gỗ tự nhiên: Vù hương, Sến, Táu mật, Giổi găng, Chò chỉ, Vàng tâm xanh, Trai lý, Thông tre lá ngắn, Đinh, Dẻ gai, Trâm, Chẹo tía, De hương, Lim xẹt, Giổi lông, Cây Pơ mu Mù Cang Chải, Giẻ, Tùng, Gù hương, Đinh, Kim giao, Lát Hoa.
+ Cây dược liệu quý hiếm: bảy lá một hoa, Ba kích, dây đau xương, dây Bình vôi, dây Hoàng đằng, dây Huyết đằng, dây Ngũ da bì.
+ Động vật quý hiếm: Vượn đen tuyền, Voọc mũi hếch, Mèo gấm, Cầy vằn từng chúa, Hổ mang thường, Rắn ráo, Rắn cạp nong, Rắn cạp nia, Kỳ đà hoa, Rùa to đầu, Rùa đất lớn, Rùa núi vàng…, Ếch nhái có: Cóc rừng, Cóc mày SaPa, Ếch xanh, Ếch ga…, cá sỉnh Mường Lò, cá chiên, cá lăng, cá nheo, cá măng, cá thiểu, cá ngạnh hồ Thác Bà.
- Phát triển các hình thức bảo tồn chuyển vị đặc biệt đối với các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý, hiếm; đầu tư xây dựng các trung tâm cứu hộ và nuôi dưỡng động vật hoang dã, quý hiếm, các trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn gen đặt ở các trung tâm của khu bảo tồn thiên nhiên.
- Rà soát, kiểm kê đánh giá tình trạng và mức độ đe dọa của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh để bảo tồn.
b) Bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa và các loài họ hàng hoang dại của các giống cây trồng, vật nuôi, các chủng vi sinh vật quý, hiếm
- Thực hiện bảo tồn và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có nguồn gen quý hiếm đã được xác định như: cây táo mèo Mù Cang Chải, cây chè shan tuyết Suối Giàng, cây lúa nếp Tú Lệ, cam sành, quýt sen, hồng không hạt Lục Yên, bưởi Đại Minh, quế Văn Yên…
- Điều tra, kiểm kê, đánh giá các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật nông nghiệp, từ đó xác định được các giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật bản địa có nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đặc thù và mức độ bị đe dọa để có kế hoạch thực hiện công tác bảo tồn, lưu giữ và phát triển.
- Xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học nông nghiệp: phát triển các loại cây trồng bản địa, gìn giữ và chăm sóc theo cách truyền thống, chống biến đổi g`en, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật làm mất giá trị kinh tế của các giống cây trồng quý của địa phương.
- Xây dựng, triển khai áp dụng các mô hình bảo tồn và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa quý, hiếm; áp dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sinh học để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp.
1.3. Sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học:
a) Sử dụng bền vững hệ sinh thái
- Áp dụng các phương thức bảo vệ và sử dụng hợp lý các hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng; nghiên cứu áp dụng triển khai lượng giá kinh tế đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn; áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường cho hệ sinh thái đất ngập nước theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
- Áp dụng các mô hình tốt trong quản lý khu bảo tồn thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng và thực hiện cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.
- Điều tra, đánh giá tiềm năng và quy hoạch mạng lưới du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, vùng Hồ Thác Bà...để trên cơ sở đó nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
- Áp dụng chính sách phát triển sản xuất các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp gắn với bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật trên địa bàn.
b) Sử dụng bền vững các loài sinh vật và nguồn gen
- Điều tra, lập danh mục và thực hiện các biện pháp bảo vệ, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị, đặc biệt là các loài cây thuốc, cây cảnh; kiểm soát có hiệu quả việc khai thác tự phát và buôn bán các loài trong tự nhiên.
- Áp dụng và ban hành các cơ chế chính sách và phổ biến, hướng dẫn về nuôi, trồng và thương mại các loại hoang dã thông thường.
1.4. Kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học
a) Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, phương thức canh tác, khai thác kém bền vững và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường
- Kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, mặt nước có giá trị bảo tồn theo hướng hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
- Hạn chế khai thác quá mức và thay đổi phương thức đánh bắt, khai thác, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản kém bền vững; nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt, khai thác mang tính hủy diệt.
- Thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường tác động xấu đến đa dạng sinh học.
b) Ngăn chặn, kiểm soát và xử lý nghiêm việc khai thác, buôn bán và sử dụng trái phép tài nguyên sinh vật
- Xây dựng quy chế phối hợp trong việc xử lý, khai thác, kinh doanh và sử dụng tài nguyên sinh vật;
- Tạo cơ chế cộng đồng tham gia giám sát các hoạt động khai thác, kinh doanh và sử dụng trái phép tài nguyên sinh vật;
- Áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định hiện hành nhằm bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật về kiểm soát buôn bán các loài động vật, thực vật quý hiếm, nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng cao;
- Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật, về bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, đặc thù cho các đối tượng quản lý và cộng đồng. Biên soạn các tài liệu, tờ rơi, tranh cổ động nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài động vật, thực vật quý, hiếm, nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng.
- Thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của cộng đồng và các phương tiện thông tin đại chúng trong phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã;
- Hoàn thiện, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các lực lượng cảnh sát môi trường, quản lý thị trường, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư triển khai quyết liệt việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi buôn bán và tiêu thụ trái phép các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ;
- Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; đặc biệt không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
c) Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các loài sinh vật lạ xâm hại; tăng cường quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen
- Điều tra, thống kê và lập danh sách các loài sinh vật lạ xâm lấn hiện có trên địa bàn tỉnh. Đánh giá tác động, mức độ xâm lấn và sự ảnh hưởng của sinh vật lạ xâm lấn đối với hệ sinh thái, môi trường và kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Nghiên cứu các phương pháp phòng ngừa, kiểm soát và diệt trừ sinh vật lạ xâm hại trên địa bàn tỉnh. Phối hợp giữa các ngành trong công tác đào tạo và phổ biến kinh nghiệm về phòng ngừa các loài sinh vật lạ xâm hại. Hướng dẫn và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng ngừa và kiểm soát các loài sinh vật lạ xâm hại.
- Tăng cường học tập kinh nghiệm nâng cao năng lực kỹ thuật, chuyên môn của các cơ quan, đơn vị các cấp về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.
1.5. Bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- Xác định ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học Yên Bái và thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu, đánh giá và dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học tại Yên Bái;
- Nghiên cứu xây dựng hành lang đa dạng sinh học kết nối các hệ sinh thái rừng và khu vực trọng yếu nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai các chương trình phục hồi rừng có sử dụng các phương pháp và cách tiếp cận phù hợp với bảo tồn đa dạng sinh học, dự trữ các bon, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
2. Các chương trình, dự án, đề án và nhiệm vụ về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ưu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh
Ưu tiên lập 19 Chương trình, đề án, dự án và nhiệm vụ để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động (Phụ lục chi tiết kèm theo Quyết định này)
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tạo sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học
- Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông sâu rộng và thường xuyên tới mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng, các hành động nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong quản lý bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
- Thực hiện lồng ghép nội dung phù hợp về bảo tồn đa dạng sinh học vào chương trình giảng dạy, đặc biệt là các chương trình ngoại khóa của các cấp học phổ thông.
- Khai thác, tôn vinh và nhân rộng các tấm gương, mô hình của các tổ chức, cá nhân về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
- Gắn nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vào trong các chuyên mục về tài nguyên và môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
2. Tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học
- Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý về đa dạng sinh học từ cấp tỉnh đến cấp xã theo quy định của pháp luật. Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý về đa dạng sinh học.
- Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của đội ngũ quản lý đa dạng sinh học từ cấp tỉnh đến cấp xã như: đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý, xây dựng phòng thí nghiệm để nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học, lưu giữ, nhân giống và bảo quản các mẫu vật di truyền hoang dã, …
- Triển khai thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn của tỉnh; thiết lập cơ sở dữ liệu, chế độ báo cáo và cơ chế chia sẻ thông tin về đa dạng sinh học của tỉnh với các khu bảo tồn và quốc gia.
3. Áp dụng và thực hiện các giải pháp khoa học công nghệ trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học
- Nghiên cứu, ứng dụng và nhận chuyển giao khoa học công nghệ để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật.
- Điều tra cơ bản về tài nguyên sinh vật trong đó chú trọng đến đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài sinh vật đặc hữu, quý, hiếm và các hệ sinh thái đặc thù, nhạy cảm từ đó lập kế hoạch bảo tồn, bảo vệ các loài quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao, đồng thời duy trì được các loài động thực vật quý, hiếm hiện có trên địa bàn tỉnh.
- Bảo tồn, lưu giữ, trưng bày các nguồn gen, hiện vật, tiêu bản các loài đặc hữu, quý, hiếm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, vừa là nơi tham quan, thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế, điển hình là chè Suối Giàng, nếp Tú Lệ, cam sành và quýt sen Lục Yên, mận Tam hoa, bưởi Đại Minh, quế Văn Yên, táo mèo Mù Cang Chải v.v..
- Phát hiện sinh vật lạ và xác định các nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế và đa dạng sinh học cao trên địa bàn tỉnh để bảo tồn và phát triển bằng các hình thức bảo tồn nội vi nguyên vị (in-situ) và bảo tồn ngoại vi chuyển vị (ex-situ).
- Áp dụng các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên, sử dụng bền vững loài, nguồn gen, các mô hình du lịch sinh thái hiệu quả; nhận chuyển giao công nghệ mới, sử dụng các biện pháp khai thác bền vững về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
4. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học
- Ngân sách của tỉnh đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động được phê duyệt.
- Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho đa dạng sinh học; khai thác nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh cho bảo tồn đa dạng sinh học; áp dụng các cơ chế đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các cơ chế chi trả dịch vụ môi trường, bồi hoàn đa dạng sinh học, …
- Tăng cường sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn.
5. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học
- Tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận, xây dựng các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học để đảm bảo sự thống nhất cùng nhau phát triển.
- Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu thực hiện các dự án về đa dạng sinh học và an toàn sinh học nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của tỉnh.
- Đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học để học tập, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính.
- Tăng cường hợp tác về nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia, thu hút vốn đầu tư vào các dự án bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, điều phối, thống nhất tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động.
- Thực hiện các nhiệm vụ và các chương trình, đề án, dự án ưu tiên được phân công.
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo kết quả việc thực hiện Kế hoạch hành động trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm
- Tham mưu bố trí vốn đầu tư cho các sở, ngành thực hiện các hoạt động của Kế hoạch hành động.
- Vận động các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm
Tham mưu bố trí kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách của tỉnh để thực hiện các chương trình, đề án, dự án và nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch hành động.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
Thực hiện các nhiệm vụ và các chương trình, đề án, dự án được phân công của Kế hoạch hành động thuộc phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của Sở; thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học trong kế hoạch, chương trình, dự án về phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản của ngành chủ trì thực hiện.
5. Các Sở, ban, ngành khác
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và sở ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu, nội dung, biện pháp và giải pháp của Kế hoạch hành động.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động trên địa bàn do địa phương quản lý theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch đa dạng sinh học của địa phương để triển khai các nội dung của Kế hoạch hành động này.
7. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội
Đề nghị phối hợp tốt với các ngành chức năng và chính quyền các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học cho các hội viên và nhân dân; chủ động tham gia, giám sát việc hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; tổ chức các phong trào quần chúng tham gia bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, ĐỀ ÁN ƯU TIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
STT | Tên dự án, đề án, nhiệm vụ | Thời gian thực hiện (dự kiến) | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp |
1 | Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực về đa dạng sinh học | 2015-2016 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
2 | Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, an toàn sinh học của tỉnh. | 2016-2020 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
3 | Dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030 | 2015-2016 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
4 | Dự án phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước ở những vùng dễ bị tổn thương về môi trường | 2016-2020 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
5 | Dự án điều tra xác định các nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế và đa dạng sinh học cao trên địa bàn tỉnh. | 2016-2017 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
6 | Dự án điều tra, thống kê, kiểm kê đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và xác lập chế độ phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên vùng núi đá vôi và vùng đất chưa sử dụng của tỉnh Yên Bái | 2015 - 2016 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
7 | Dự án điều tra, thống kê, kiểm kê đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và xác lập chế độ phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên vùng đất ngập nước tự nhiên của tỉnh Yên Bái | 2016-2017 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
8 | Dự án điều tra và lập danh mục loài ngoại lai trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 2015 - 1016 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
9 | Chương trình xúc tiến đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái theo quy hoạch. | 2014 - 2020 | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố |
10 | Đề án tăng cường phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học | 2015-2016 | Công an tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
11 | Đăng ký thương hiệu cho một số sản phẩm của tỉnh: Cây chè suối Giàng, măng Yên Bái, cam Lục Yên, quế Văn Yên, nếp Tú Lệ, Táo mèo Mù Cang Chải. | 2014 - 2020 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện liên quan |
12 | Chương trình trồng mới rừng phòng hộ đầu nguồn | 2014 - 2020 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện liên quan |
13 | Dự án điều tra, khảo sát, đánh giá và bảo tồn các giống loài động vật, thực vật, vi sinh vật quy hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh | 2015-2016 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố, thị xã |
14 | Dự án Quy hoạch khu bảo tồn vùng sông Chảy - Hồ Thác Bà | 2015- 2016 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND huyện Yên Bình, Lục Yên |
15 | Dự án xây dựng khu bảo tồn khu vực Ngòi Thia trên sông Hồng | 2015- 2016 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND huyện các huyện Văn Chấn, Văn Yên |
16 | Dự án xây dựng mô hình bảo tồn các động vật quý hiếm. | 2016- 2018 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã |
17 | Dự án xây dựng mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn và các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn tỉnh. | 2015- 2016 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố, thị xã |
18 | Đào tạo nguồn nhân lực về quản lý đa dạng sinh học và an toàn sinh học | 2014- 2020 | Sở Nội vụ | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
19 | Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đa dạng sinh học. | 2014- 2020 | Sở Tư pháp | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.