UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/2007/QÐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 27 tháng 11 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ; số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ các Thông tư của Bộ Xây dựng: số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 hướng dẫn một số nội dung về: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ; số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phân công, phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 155/QĐ-UB ngày 22/11/2005 của UBND tỉnh.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở, Ban, ngành thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UBND TỈNH |
QUY ĐỊNH
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 84/2007/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2007 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguyên tắc phân công, phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
Phân định rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn và các chủ đầu tư trong việc thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đảm bảo đúng Luật Xây dựng, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Bắc Ninh nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng.
Điều 2. Phạm vi áp dụng
Quy định này áp dụng thực hiện cho các công tác: Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung dự án, quản lý dự án, thiết kế, dự toán, cấp giấy phép xây dựng và quyết toán dự án đầu tư xây dựng công trình.
Điều 3. Quy định viết tắt
Trong văn bản này, một số từ ngữ được viết tắt như sau:
Quyết định số 155/QĐ-UB ngày 22/11/2005 của UBND tỉnh Bắc Ninh viết tắt là: QĐ 155/UB;
Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ viết tắt là: NĐ 16/CP;
Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ viết tắt là: NĐ 112/CP;
Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ viết tắt là: NĐ 99/CP;
Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng viết tắt là: TT 02/BXD;
Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng viết tắt là: TT 05/BXD;
Báo cáo kinh tế kỹ thuật viết tắt là: Báo cáo KT-KT; Thiết kế bản vẽ thi công viết tắt là: Thiết kế BVTC;
Quy hoạch xây dựng chi tiết viết tắt là: QHXDCT;
Quản lý dự án viết tắt là: QLDA;
Dự án đầu tư xây dựng công trình viết tắt là: dự án ĐTXDCT;
Uỷ ban nhân dân viết tắt là: UBND;
UBND huyện, thành phố gọi chung là UBND cấp huyện; UBND xã, phường, thị trấn gọi chung là UBND cấp xã;
Chương II
LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 4. Lập dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Trách nhiệm của chủ đầu tư
Khi đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án ĐTXDCT hoặc báo cáo KT-KT (gọi chung là dự án), trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Riêng các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết sô 66/2006/QH11 của Quốc hội thì chủ đầu tư phải lập Báo cáo đầu tư trình Chính phủ xem xét để Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư.
Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực, phải thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có tư cách pháp nhân và đủ điều kiện năng lực để lập dự án.
2. Các công trình không phải lập dự án mà chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật
Thực hiện theo điểm a, khoản 7, Điều 1, NĐ 112/CP.
Điều 5. Thẩm định dự án
1. Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước
a) Thẩm quyền thẩm định dự án
- Dự án do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối thẩm định dự án.
- Dự án do Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Chủ tịch UBND cấp xã quyết định đầu tư: Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện là đầu mối thẩm định dự án.
b) Căn cứ thẩm định dự án
- Hồ sơ dự án do chủ đầu tư trình;
- Kết quả thẩm định thiết kế cơ sở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, hoặc kết quả thẩm định thiết kế BVTC, dự toán (với Báo cáo KT-KT) do chủ đầu tư thẩm định;
- Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan đến dự án.
c) Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở
- Dự án nhóm A: Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án tới Bộ có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định tại khoản 5, Điều 1 của NĐ 112/CP để thẩm định thiết kế cơ sở. Riêng đối với dự án một công trình dân dụng dưới 20 tầng thì Sở Xây dựng tổ chức thẩm định.
- Dự án nhóm B, C: Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án tới các Sở dưới đây để thẩm định thiết kế cơ sở:
+ Sở Xây dựng thẩm định các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (công trình giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, công viên, cây xanh, xử lý rác thải đô thị, nghĩa trang, bãi đỗ xe), các công trình thông tin liên lạc, điện tử, tin học và các công trình khác do Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
+ Sở Giao thông Vận tải thẩm định các công trình giao thông (trừ giao thông trong đô thị).
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định các công trình thuỷ lợi, đê điều, nông nghiệp, lâm nghiệp, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn.
+ Sở Công nghiệp thẩm định các công trình công nghiệp (trừ công trình công nghiệp vật liệu xây dựng).
Thẩm định xong thiết kế cơ sở, Sở có thẩm quyền thẩm định gửi kết quả tới đơn vị đầu mối thẩm định dự án, đồng thời gửi một bản tới Sở Xây dựng để kiểm tra sự phù hợp của dự án với quy hoạch được duyệt. Đối với dự án liên quan tới nhiều chuyên ngành khác nhau thì Sở chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của các Sở quản lý chuyên ngành và cơ quan liên quan để thẩm định.
- Các dự án được phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định đầu tư, các Sở được phân công thẩm định thiết kế cơ sở (theo điểm c, khoản 1, Điều này), căn cứ năng lực và điều kiện cụ thể của các phòng quản lý xây dựng chuyên ngành cấp huyện để uỷ quyền thẩm định thiết kế cơ sở.
- Dự án nhóm B, C do các Bộ, ngành quyết định đầu tư xây dựng tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đến Sở có thẩm quyền để thẩm định thiết kế cơ sở. Riêng các dự án do Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư thuộc chuyên ngành do mình quản lý thì các Bộ, Doanh nghiệp này tự tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Xây dựng về quy hoạch xây dựng.
- Báo cáo KT-KT: Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế BVTC, dự toán, hoặc thuê tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân, đủ điều kiện năng lực thẩm định, sau đó trình hồ sơ báo cáo KT-KT đến đơn vị đầu mối thẩm định dự án để thẩm định báo cáo KT-KT.
2. Dự án sử dụng nguồn vốn khác
a) Thẩm quyền thẩm định dự án
Người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định dự án (giao cho đơn vị chuyên môn làm đầu mối thẩm định dự án nếu đủ năng lực hoặc thuê tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân đủ điều kiện năng lực thẩm định).
b) Căn cứ thẩm định dự án
Như điểm b, khoản 1, Điều này.
c) Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở
Như điểm c, khoản 1, Điều này.
Điều 6. Phê duyệt dự án
1. Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
1.1. Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt:
- Dự án có tổng mức đầu tư từ 02 tỷ đồng trở lên;
- Dự án có tổng mức đầu tư từ 05 tuỷ đồng trở lên thuộc ngân sách cấp huyện, cấp xã.
* Ủy quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư đến dưới 02 tỷ đồng.
1.2. Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt:
- Dự án có tổng mức đầu tư đến dưới 05 tỷ đồng trong phạm vi ngân sách của huyện (bao gồm các khoản bổ sung từ ngân sách cấp trên) sau khi thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp.
1.3. Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư đến dưới 01 tỷ đồng trong phạm vi ngân sách xã (bao gồm cả các khoản bổ sung từ ngân sách cấp trên) sau khi thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Dự án sử dụng các nguồn vốn khác
a) Người quyết định đầu tư phê duyệt dự án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
b) Các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, các bên góp vốn tự thoả thuận cử ra người đại diện phê duyệt dự án.
Điều 7. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình
Thực hiện theo Điều 13, NĐ 16/CP và khoản 8, Điều1, NĐ 112/CP; khoản 2, Điều 6, NĐ 99/CP; Khoản 1, mục III, TT 05/BXD.
1. Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
a) Khi điều chỉnh dự án không làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư được phép tự điều chỉnh dự án, sau đó phải báo cáo người quyết định đầu tư. Trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi thiết kế cơ sở về kiến trúc, quy hoạch, quy mô, mục tiêu đầu tư ban đầu hoặc vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư phải trình nguời quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Những nội dung thay đổi phải được thẩm định lại.
b) Cơ quan nào lập, thẩm định, phê duyệt dự án thì cơ quan đó lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án thực hiện theo Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của quy định này.
c) Chủ đầu tư được phép tự điều chỉnh cơ cấu các khoản mục trong tổng mức đầu tư được phê duyệt, kể cả sử dụng chi phí dự phòng (nếu không thay đổi quy mô và không vượt tổng mức đầu tư), sau đó phải báo cáo người quyết định đầu tư.
2. Dự án sử dụng nguồn vốn khác
Người quyết định đầu tư tự điều chỉnh, bổ sung dự án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Chương III
THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Mục I: TỔ CHỨC QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 8. Trách nhiệm của chủ đầu tư
1. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm lựa chọn chủ đầu tư trước khi lập dự án và quyết định hình thức quản lý dự án theo quy định tại khoản 2, Điều 45 của Luật Xây dựng.
2. Khi áp dụng hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì chủ đầu tư phải thành lập Ban QLDA trực thuộc chủ đầu tư (trừ dự án có tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng). Ban QLDA phải có năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ QLDA. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban QLDA do chủ đầu tư giao. Ban QLDA có thể thuê tổ chức, cá nhân tư vấn để tham gia quản lý, giám sát khi không có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện, nhưng phải được chủ đầu tư chấp thuận.
Cơ cấu của Ban QLDA thực hiện thoe khoản 1, mục I, Phần III, TT 02/BXD.
3. Đối với dự án quy mô nhỏ, đơn giản có tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng thì chủ đầu tư có thể không thành lập Ban QLDA mà sử dụng các đơn vị chuyên môn của mình để quản lý dự án; trường hợp cần thiết có thể thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp QLDA.
4. Khi áp dụng hình thức thuê tư vấn QLDA thì chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn để ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại khoản 1, Điều 55, NĐ 16/CP.
5. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về những công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, kể cả những công việc đã giao cho Ban QLDA hoặc nhà thầu tư vấn QLDA.
Mục II: THIẾT KẾ, DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 9. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và tổng dự toán
1. Đối với công trình phải lập dự án ĐTXDCT
Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế BVTC, dự toán, tổng dự toán.
2. Đối với công trình lập Báo cáo KT-KT
Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế BVTC, dự toán. Người quyết định đầu tư phê duyệt báo cáo KT-KT (bao gồm thiết kế BVTC, tổng mức đầu tư, dự toán).
Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thẩm định thì có thể thuê tư vấn có tư cách pháp nhân, đủ điều kiện năng lực thẩm tra thiết kế BVTC, dự toán công trình làm cơ sở cho việc phê duyệt.
Mục III: GIẤY PHÉP XÂY DỰNG
Điều 10. Cấp Giấy phép xây dựng công trình
Công trình xây dựng phải được cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công (trừ các công trình được quy định miễn cấp giấy phép xây dựng).
1. Các công trình được miễn cấp giấy phép xây dựng
Thực hiện theo quy định tại khoản 2, mục I, phần II, TT 02/BXD; riêng điểm e, chỉ được miễn giấy phép xây dựng khi đã có thiết kế đô thị.
2. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng
a) Uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng thuộc dự án của các tổ chức; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài; công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử - văn hoá, khu du lịch; công trình tượng đài, quảng cáo, tranh hoành tráng; công trình ngầm đô thị; công trình xây dựng trên hoặc dưới lòng đường giao thông (trừ các công trình thuộc điểm b, c khoản này).
b) Uỷ quyền cho Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh cấp phép xây dựng công trình thuộc khu công nghiệp tập trung.
c) Uỷ quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng với:
- Công trình trong các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ đã có quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Công trình nhà ở riêng lẻ: Thuộc đô thị, theo các trục Quốc lộ, Tỉnh lộ, trong các khu vực bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá, khu du lịch.
Riêng nhà ở riêng lẻ theo các trục đường phố chính có mặt cắt lớn hơn 22,5m; khu vực các nút giao nhau trong phạm vi ≤ 150m (tính từ tâm đường giao nhau); giáp các trục Quốc lộ 1A, AB, 18, 38; trong các khu bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá, khu du lịch; trước khi cấp huyện cấp giấy phép xây dựng phải được sự thoả thuận của Sở Xây dựng bằng văn bản. Thời hạn ra văn bản thoả thuận để UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng chạm nhất 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Giao Sở Xây dựng hướng dẫn chi tiết quy trình, nội dung hồ sơ xin thoả thuận cấp giấy phép xây dựng tại các vị trí thoả thuận trước khi cấp phép.
Căn cứ tình hình phát triển đô thị, Chủ tịch UBND cấp huyện phân cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ nông thôn thuộc khu giáp ranh đô thị.
d) Uỷ quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn đã có QHXDCT được phê duyệt và những công trình được Chủ tịch UBND huyện phân cấp.
3. Điều chỉnh giấy phép xây dựng
a) Khi điều chỉnh thiết kế khác với nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp, chủ đầu tư phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng.
b) Cơ quan nào cấp giấy phép xây dựng thì cơ quan đó có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.
c) Thời hạn xét điều chỉnh giấy phép xây dựng chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Mục IV: QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 11. Trách nhiệm quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình ngay sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, theo quy định tại NĐ 99/CP.
2. Thẩm tra quyết toán
a) Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Sở Tài chính là cơ quan chủ trì tổ chức thẩm tra quyết toán các dự án đầu tư thuộc cấp Tỉnh quyết định đầu tư; Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện chủ trì tổ chức thẩm tra quyết toán các dự án thuộc cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư.
b) Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các nguồn vốn khác: Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm tra quyết toán.
3. Phê duyệt quyết toán
Người có thẩm quyền quyết định đầu tư đồng thời là người phê duyệt quyết toán. Đối với báo cáo KT-KT do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt thì Giám đốc Sử Tài chính là người phê duyệt quyết toán.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Thực hiện chuyển tiếp việc quản lý dự án
a) Các dự án đã được phê duyệt trước ngày quy định này có hiệu lực nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang thì không phải làm thủ tục phê duyệt lại dự án, các công việc tiếp theo thực hiện theo Quy định này. Các hạng mục công trình của dự án đã được phê duyệt trước ngày 15/9/2004 thực hiện theo văn bản số 1250/CN.XDCB-CÔNG TRÌNH ngày 13/9/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, đến nay chưa triển khai xây dựng hoặc có điều chỉnh, bổ sung thiết kế dự toán thì chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế BVTC, dự toán và tổng dự toán.
b) Các dự án chưa được phê duyệt, đã thẩm định thiết kế cơ sở thì không phải thẩm định lại thiết kế cơ sở, các bước tiếp theo thực hiện theo Quy định này.
c) Các dự án chưa được phê duyệt thì thực hiện theo Quy định này.
2. Các quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.
3. Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh trực tiếp về Sở Xây dựng để tổng hợp, nghiên cứu, trình UBND tỉnh giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.